Bài tiểu luận xử lí tình huống: Công tác xử lý tồn đọng thuế ở xã Bình Minh, Thị xã Tây Ninh


Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Tiểu luận xử lí tình huống, Xử lí tình huống, Tiểu luận xử lí tình huống mới nhất,...

Bài tiểu luận xử lí tình huống: Công tác xử lý tồn đọng thuế ở xã Bình Minh, Thị xã Tây Ninh. 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thuế tồn tại qua các hình thức xã hội có Nhà nước. Nó là nguồn thu nhập chủ yếu, ổn định của ngân sách Nhà nước, là công cụ phân phối thu nhập quốc dân. Thuế không chỉ đơn thuần là công cụ để cho ngân sách mà còn sử dụng để điều chỉnh, can thiệp vào kinh tế, thực hiện điều tiết kinh tế vĩ mô, là công cụ bảo vệ nền kinh tế trong nước, cạnh tranh với nước ngoài và trong nền kinh tế thị trường hiện nay, Thuế có vai trò vừa đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và công bằng xã hội.

Cải cách thuế bước một thực hiện từ tháng 10 năm 1990 qua quá trình tổ chức thực hiện và cải cách từng bước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình góp phần rất lớn và có vai trò chủ yếu trong nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, cơ bản đảm bảo chi thường xuyên và bổ sung cho chi đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế cùng vận hành, nhất là đối với lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh thì công tác quản lý thu thuế chưa bao quát hết và còn lơi lỏng, tình trạng thất thu thuế cũng như tồn đọng thuế ở các nước nói chung và tại Tây ninh nói riêng, diễn biến ngày càng phức tạp gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong điều hành thu và cũng là nỗi băn khoăn búc xúc trong việc đặt ra các biện pháp giải quyết, xử lý.

Chi cục thuế thị xã là đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện, được sự lãnh đạo song trùng của Cục thuế Tây Ninh và Uỷ ban nhân dân Thị xã. Đơn vị hiện có tổng cộng 57 cán bộ nhân viên thuộc quyền, nhiệm vụ chủ yếu nhà quản lý thu tất cả các loại thuế, thu phí, lệ phí phát sinh trên địa bàn. Bao gồm: thu thuế ngoài quốc doanh, hộ cá thể, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất, thu tiền sử dụng đất, thu phí lệ phí, thu khác ngân sách …

Địa bàn quản lý thu thuế được phân bố theo địa giới hành chính cấp phường và khu vực như sau: Đội thu thuế phường I, đội thu thuế phường II, chợ Thị xã. Các đội thu thuế này cũng được sự chỉ đạo song trùng của Ban lãnh đạo Chi cục thuế và Uỷ ban nhân dân phường (xã). Ngoài ra, còn có mối quan hệ với các bộ phận chuyên môn tại văn phòng Chi cục và Hội đồng tư vấn thuế (HĐTVT) ở phường (xã), sự liên hệ này mang tính hỗ trợ về chuyên môn và pháp lý.

Qua quá trình quản lý thu thế (QLTT), các đội thuế cơ bản đã hoàn thành được nhiệm vụ - Kế hoạch đã được giao, góp phần vào việc cân đối thu chi ngân sách, tài chính ở địa phương, thúc đẩy công tác phát triển kinh tế xã hội ở địa bàn quản lý. Tuy nhiên, qua tổ chức thực hiện quản lý thu còn bộc lộ những điểm yếu, đó là còn để tồn đọng nợ thuế lớn, kéo dài, mà không tự giải quyết được phải nhờ đến các cơ quan bộ phận chuyên môn các cấp khác. Điển hình cụ thể là tại địa bàn thu thuế xã Bình Minh có 04 trường hợp vi phạm trong việc chấp hành Luật thuế, đó là 04 cơ sở sản xuất bột mì tinh (sau đây gọi là lò mì) đã vi phạm: hoạt động kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, không đăng ký nộp thuế, không mở sổ sách kế toán (SSKT), hoá đơn chứng từ (HĐCT) theo quy định, cố tình dây dưa nộp thuế kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng thất thu cho Ngân sách Nhà nước (NSNN), tổng cộng số tiền thuế, tiền phạt phải nộp cho NSNN là: 136.261.200đ.

Nhận thấy mức độ vi phạm của 04 cơ sở trên mang tính nghiêm trọng, gây thất thu cho NSNN và cố ý xem thường kỹ cương, pháp luật về thuế cũng như công tác quản lý thuế ở địa bàn của cán bộ Đội thuế xã Bình Minh chưa thật sự nghiêm.

Đề tài “Công tác xử lý tồn đọng thuế ở xã Bình Minh, Thị xã Tây Ninh” nhằm nêu lên những điểm mạnh, yếu trong công tác QLTT với những nguyên nhân, hậu quả cũng như các giải pháp ngăn ngừa khắc phục tình trạng thất thu thuế và tồn đọng nợ thuế như hiện nay.

Vì thời gian có hạn, tư liệu của sự việc xảy ra hạn chế và mức độ nghiên cứu chưa sâu nên trong phạm vi bài viết nhỏ này tác giả chỉ nêu những nội dung, quan điểm một cách khái quát chủ yếu để đóng góp một phần nhỏ trong công tác cải tiến, hoàn thiện công tác quản lý thu thuế hiện nay.  

PHẦN NỘI DUNG

I. MÔ TẢ TÌNH HUỐNG

Đại bàn xã Bình Minh nằm ở hướng Tây - Bắc giáp thị xã Tây Ninh, là một xã mới thành lập từ những năm đầu thập kỷ 80, đặc điểm kinh tế chủ yếu của địa phương là sản xuất nông nghiệp, chuyên canh là cây mì (sắn). Vào đầu những năm 1990 trên địa bàn xã có phát sinh các lò mì tư nhân nằm dọc theo trục lộ chính từ ngã tư Bình Trung đến ngã ba Cầu Gió. Nói chung vào những năm 1991-1996 các cơ sở lò mì này chấp hành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước một cách tương đối tốt, nhưng từ khi có chủ trương của tỉnh Tây Ninh về cấm các lò mì ở khu vực phường 3 thị xã  không được sản xuất kinh doanh vì không đảm bảo môi trường, (nguồn nước của dân cư thuộc khu phố 3, phường 3 thị xã Tây Ninh bị ô nhiễm nặng) thì các cơ sở sản xuất chế biến ở ấp Giồng Tre xã Bình Minh vịn vào đó không chấp hành nộp thuế cho cơ quan quản lý là Chi cục thuế Thị xã với lý do được viện dẫn là “Nhà nước không cho phép kinh doanh thì không nộp thuế”

Nhận thấy tình hình diễn biến nảy sinh nhiều phức tạp, Chi cục thuế Thị xã tiến hành chỉ đạo cho Tổ kiểm tra kết hợp với Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Bình Minh và Đội thu thuế (ĐTT) xã Bình Minh đến từng cơ sở để thực hiện kiểm tra, kiểm soát tình hình thực tế kinh doanh ở các cơ sở này. Nội dung làm việc có thể tập hợp chung được khái quát như sau:

- 04 cơ sở  lò mì có tên chủ hộ như: bà Cao Thị Kim Dung, bà Trần Thị Mỹ Lợi, bà Trần Thị Điện và ông Lê Anh Tuấn kinh doanh sản xuất chế biến bột mì tại ấp Giồng Tre xã Bình Minh.

- Cả 04 cơ sở trên đều không có giấy phép kinh doanh.

- Đều không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế từ năm 1997 đến năm 2000, mặc dù cơ quan thuế đã có đến nhắc nhở nhiều lần và có lập biên bản, phát hành lệnh thu thuế.

- Điều viện lý do là chưa được Nhà nước cấp phép kinh doanh thì không chịu nộp thuế.

Sau đó, Chi cục thuế thị xã cử cán bộ đến liên hệ ở Sở Khoa Hoc Công Nghệ và Môi Trường Tỉnh Tây Ninh để nắm tình hình thì được phòng chức năng của Sở cho biết là đã cấp phép xác nhận cho tất cả 04 cơ sở có tên trên về “Đạt tiêu chuẩn môi trường cơ sở chế biến khoai mì”. Tiếp tục, Chi cục thuế Thị xã cử cán bộ đến cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh thì được cho biết: mặc dù 04 cơ sở trên được phép của Sở KHCN-MT xác nhận được sản xuất chế biến nhưng do qui mô của cơ sở có giá trị tài sản trong định mức phải thành lập Doanh nghiệp tư nhân (Quy định của Sở Kế hoạch và đầu tư) nên đang chờ xem xét giải quyết cấp phép đăng ký kinh doanh.

Sự việc trên bắt đầu diễn biến khá phức tạp nên Chi cục thuế Thị xã có báo cáo cho Uỷ ban nhân dân Thị xã và Cục thuế Tỉnh Tây Ninh về tình hình nợ thuế của 04 cơ sở này để nhờ sự hỗ trợ xử lý.

Nhận được báo cáo của Chi cực thuế Thị xã, Cục thuế Tây Ninh phát hành quyết định số 07/QĐ-CT ngày 26/4/2000.

- Ông Lê Trọng N  Trưởng Đoàn

- Ông Lê Trọng Q           Thành viên

- Ông Nguyễn Văn N      Thành viên

- Bà Võ Thị N                 Thành viên

- Ông Võ Thành T          Thành viên

Cùng kết hợp với ông Nguyễn Kim T là cán bộ tổ kiểm tra và ông Đào Xuân N cán bộ phụ trách thu địa bàn xã Bình Minh của Chi cục thuế Thị xã tiến hành đến từng cơ sở kiểm tra thực tế và làm việc với từng chủ cơ sở.

Qua quá trình làm việc 02 ngày 24 và 25 tháng 5 năm 2000 đối với cơ sở. Đoàn thanh tra đã ghi nhận tình hình kiểm tra cụ thể như sau:

* Đối với cơ sở của bà Cao Thị Kim Dung:

- Cơ sở không thực hiện đăng ký kinh doanh theo luật định.

- Không đăng ký nộp thuế tại cơ quan thuế.

- Đã nộp thuế môn bài năm 1996 = 650.000đ; năm 1998 =  850.000đ.

- Đã tạm nộp thuế doanh thu và thuế lợi tức năm 1996 là: 4.210.000đ và năm 1997 là: 2.105.000đ.

kết luận: Cơ sở còn nợ thuế môn bài năm 1997, 1998 và 2000; thuế doanh thu lợi tức năm 1996, năm 1997 (trừ số đã nộp) năm 1998; thuế giá trị gia tăng - thu nhập doanh ngiệp năm 1999 và 5 tháng năm 2000.

* Đối với cơ sở của bà Trần Thị Mỹ Lợi:

- Cơ sở không thực hiện đăng ký kinh doanh.

- Không đăng ký nộp thuế.

- Đã nộp thuế môn bài năm 1996 = 650.000đ; năm 1997 = 850.000đ.

- Đã nộp thuế doanh thu - lợi tức năm 1996 = 6.315.000đ; tạm nộp năm 1997 = 1.709.000đ.

Kết luận: Cơ sở của bà còn nợ thuế môn bài các năm 1998, 1999, 2000 và thuế doanh thu - lợi tức năm 1007 (trừ số đã nộp); năm 1998 thuế GTGT và TNDN năm 1999 và 5 tháng năm 2000.

* Đối với cơ sở cảu bà Trần Thị Điệu:

- Cơ sở không thực hiện đăng ký kinh doanh.

- Không đăng ký nộp thuế.

- Đã nộp thuế môn bài năm 1998 = 850.000đ; năm 1999 = 850.000đ.

- Đã nộp thuế doanh thu - lợi tức năm 1996 = 6.315.000; tạm nộp năm 1997 = 2.106.000đ.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

kết luận: Cơ sở của bà Điệu còn nợ thuế môn bài năm 1996, 1997, 2000 và thuế GTGT năm 1997 (trừ số đã tạm nộp); năm 1998 thuế GTGT % TNDN năm 1999 và 5 tháng năm 2000.

* Đối với cơ sở của ông Lê Anh Tuấn:

- Cơ sở không thực hiện đăng ký kinh doanh.

- Không đăng ký nộp thuế.

- Đã tạm nộp thuế DT-LT năm 1996 = 2.105.000đ.

Kết luận: Cơ sở của ông Tuấn còn nợ: thuế môn bài năm 1996, 1997, 1998, 1999 và năm 2000; thuế DT-LT năm 1996 (trừ số đã nộp); năm 1997, 1998 và thuế GTGT - TNDN năm 1999 và 3 tháng năm 2000.

Sau khi tổng hợp tình hình trên, Cục thế Tây Ninh phát hành Công văn số 464/CT-TTr ngày 17/7/2000 chỉ đạo cho Chi cục thuế Thị xã phải thực hiện:

+ Căn cứ vào luật thuế doanh thu, thuế lợi tức, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài; Công văn số 349/CT ngày 29/5/1997, Công văn số 122/CT-CV ngày 11/2/1999 của Cục thuế Tây Ninh về hướng dẫn quản lý thu thuế các cơ sở lò mì ngoài quốc doanh; biên bản họp hội đồng tư vấn xã Bình Minh ngày 01/5/2000 Chi cục thuế Thị xã phải quyết định xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế môn bài, thuế doanh thu - lợi tức, thuế GTGT - TNDN còn thiếu của các năm 1996, 1997, 1998, 1999 và 5 tháng năm 2000 đối với 04 cơ sở lò mì nêu trên. Đồng thời tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật cán bộ phụ trách địa bàn được phân công quản lý thu.

+ Báo cáo về Cục thuế Tây Ninh bằng văn bản chậm nhất là ngày 30/7/2000.

Nhận được chỉ đạo của Cục thuế Tây Ninh, Chi cục thuế Thị xã tiến hành làm việc và ban hành quyết định truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở lò mì như sau:

* Đối với cơ sở bà Cao Thị Kim Dung:

- Truy thuế môn bài các năm 1997, 1999, 2000 là: 2.550.000đ.

- Truy thu thuế doanh thu - lợi tức năm 1996, 1997, 1998 là: 14.512.000đ.

- Truy thu thuế giá trị gia tăng - thu nhập doanh nghiệp năm 1999 và 5 tháng năm 2000 là: 19.663.852đ.

- Phạt vi phạm hành chính dây dưa nộp thuế là: 1.000.000đ.

Tổng cộng: số thuế, phạt cùa bà Dung phải nộp là: 37.725.852đ.

* Đối với cơ sở của bà Trần Thị Mỹ Lợi:

- Truy thu thuế môn bài các năm 1998, 1999, 2000 là: 2.550.000đ.

- Truy thu thuế doanh thu - lợi tức năm 1997, 1998 là: 8.503.000đ.

- Truy thu thuế giá trị gia tăng - thu nhập doanh nghiệp năm 1999 và 5 tháng năm 2000 là: 19.663.852đ.

- Phạt vi phạm hành chính về dây dưa nộp thuế là: 1.000.000đ.

Tổng cộng: Số thuế, phạt của bà Lợi phải nộp là: 31.716.852đ.

* Đối với cơ sở của bà Trần Thị Điệu:

- Truy thu thuế môn bài các năm 1996, 1997, 2000 là: 2.350.000đ.

- Truy thu thuế doanh thu - lợi tức năm 1997, 1998 là: 12.407.000đ.

- Truy thu thuế giá trị gia tăng - thu nhập doanh nghiệp năm 1999 và 5 tháng năm 2000 là: 19.663.852đ.

- Phạt vi phạm hành chính về dây dưa nộp thuế là: 1.000.000đ.

Tổng cộng: Số thuế, phạt của bà Điện phải nộp là: 35.420.852đ.

* Đối với cơ sở của ông Lê Anh Tuấn:

- Truy thu thuế môn bài các năm 1996, 1997, 1998, 1999, 2000 là: 4.050.000đ.

- Truy thu thuế doanh thu - lợi tức năm 1996, 1997, 1998 là: 9.809.000đ.

- Truy thu thuế giá trị gia tăng - thu nhập doanh nghiệp năm 1999 và 3 tháng năm 2000 là: 16.638.644đ.

- Phạt vi phạm hành chính về dây dưa nộp thuế là: 1.000.000đ.

Tổng cộng: Số thuế, phạt của bà Dung phải nộp là: 31.497.644đ.

Tổng cộng số tiền thuế truy thu, tiền phạt của 4 cơ sở có tên trên là: 136.361.200đ.

- Đối với cán bộ quản lý địa bàn xã Bình Minh: Chi cục thuế Thị xã tổ chức họp kiểm điểm và xử lý với hình thức kỷ luật như sau:

+ Đối với ông Vũ H - N: là đội trưởng đội thuế xã Bình Minh chịu hình thức khiển trách trước cơ quan.

+ Đới với ông Đoàn X - N: là cán bộ phụ trách thu các lò mì chịu hình thức cảnh cáo trước cơ quan.

Vì 02 ông H - N và X - N đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không bám sát địa bàn và tham mưu kịp thời cho Ban lãnh đạo Chi cục thuế để tình trạng nợ đọng thuế nhiều, kéo dài nhiều năm. Riêng ông X-N là cán bộ trực tiếp phụ trách quản lý thu các cơ sở lò mì đã thu thuế môn bài “nhảy cóc” đối với trường hợp của bà Dung là không thu môn bài năm 1997 lại thu môn bài năm 1998 đến năm 1999, 2000 không thu và trường hợp của bà Điệu là bỏ không thu môn bài năm 1996, 1997 lại thu môn bài năm 1998, 1999 sau đó không thu môn bài năm 2000.

Sau khi tập hợp tình hình theo các nội dung đã xử lý trên, Chi cục thuế Thị xã lập báo cáo số: 21/BC-CCT/TX ngày 28/7/2000 báo cáo toàn bộ tình hình xử lý đối với 04 cơ sở có tên trên và đối với cán bộ nhân viên thuộc quyền về Cục thuế Tây Ninh, đồng thời tiến hành các biện pháp tiến hành thu sau kiểm tra xử lý, nộp đầy đủ tiền thuế, phạt vào NSNN.

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU XỬ LÝ TÌNH HUỐNG

Từ sự việc xảy ra đã được mô tả cụ thể như trên, liên hệ với các điều khoản của các luật thuế cũng như các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về quản lý và hành thu của ngành thuế các cấp quy định nhận thấy; Thứ nhất, đối với cơ quan thuế nhất là ở Đội thuế xã Bình Minh đã lơi lỏng trong QLTT tại địa bàn, không theo sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) để đề ra biện pháp xử lý kịp thời, đúng hạn định làm thuế tồn đọng nhiều, kéo dài nhiều năm gây thất thu cho ngân sách; Thứ hai, đối với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc quản lý, cấp phép kinh doanh còn chậm trễ trong giải quyết cho các cơ sở lò mì được cấp phép kinh doanh để gây tâm lý bất ổn đối với các đối tượng kinh doanh, ảnh hưởng đến hoạt động SXKD, từ đó chưa chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế; Thứ ba, đối với 04 cơ sở kinh doanh lò mì có tên trên, thì đều ý thức chấp hành nghĩa vụ kê khai nộp thuế không cao, còn có tư tưởng viện dẫn ký do: “chưa được cấp phép kinh doanh thì không chấp hành nộp thuế” thì cơ quan thuế có đến nhắc nhở làm việc nhiều lần nhưng vẫn cố tình dây dưa không nộp thuế và đặc biệt là có cơ sở đã cố tình chống đối, thách thức đối với cơ quan thuế.

Từ những nhận định trên, vấn đề then chốt là phải xác định mục tiêu để giải quyết tình trạng cố tình không chấp hành Luật thuế về dây dưa nộp chậm tiền thuế, gây thất thu cho ngân sách. Đó là:

- Phải tăng cường công tác quản lý thu thuế ở địa bàn cơ sở, kịp thời phát hiện những biểu hiện nộp chậm tiền thuế ngay từ đầu để đề ra những biện pháp xử lý tức thời nhằm vừa tránh thất thu cho NSNN , vừa nắm bắt được tình tiết,, nguyên nhân của sự việc mà có giải pháp kịp thời, không để kéo dài chồng chất nợ đọng thuế ở cơ sở.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ thuế ở địa bàn, đặc biệt là vai trò, chức năng của Đội trưởng đội thuế phường (xã) trong điều hành công tác quản lý, thu nộp tiền thuế ở địa bàn quản lý, không ngừng phát huy hết chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm đạt được yêu cầu là vừa quản lý thu chặt chẽ khai thác đúng mức nguồn thu cho NSNN vừa làm tròn vai trò tham mưu cho HĐTV ở phường (xã) cũng như đối với BLĐ chi cục thuế. 

PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ 

* Về nguyên nhân:

 Qua diễn biến của nội dung sự việc, đi sâu phân tích vào từng phần tiến hành và từng thời điểm của sự việc xảy ra, có thể nêu ra những nguyên nhân dẫn đến sự việc tập trung chủ yếu các điểm sau:

- Trước hết, phải nghiêm túc nhìn nhận công tác quản lý, giám sát địa bàn của đội thuế xã Bình Minh còn lơi lỏng, không bám sát địa bàn nếu không muốn nói là yếu kém trong nhiệm vụ QLTT dẫn đến tình trạng nợ tồn đọng kéo dài chồng chất nhiều năm.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

- Hai là, vai trò của HĐTV ở xã Bình Minh cũng như sự quan tâm của UBND xã chưa đúng mức, chưa nhận thấy ý nghĩa, lợi ích xã hội của công tác thu nộp thuế trên địa bàn mình quản lý, mà xem việc thống nhất thu thuế là trách nhiệm của ngành thuế, trong khi đó, chính việc chi ngân sách để điều hành bộ máy chính quyền địa phương, xây dựng cơ bản, phát triển Kinh tế xã hội ở xã là hoàn toàn lệ thuộc vào khả năng huy động, động viên qua công tác thu nộp thuế. Ở đây, muốn nói có một bộ phận thừa hành ở xã còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chi trợ cấp của ngân sách cấp trên mà không phát huy tính tự lập, tự cường trong lĩnh vực thu nộp ngân sách.

- Ba là, công tác kiểm tra của Tổ kiểm tra Chi cục thuế Thị xã chưa thật sự mạnh dạn, tham mưu cho Ban lãnh đạo Chi cục chưa kịp thời về tình hình nợ đọng thuế cũng như chưa chủ động đề ra các giải pháp hữu hiệu để kịp thời xử lý tình trạng tồn đọng thuế ngay từ đầu.

- Bốn là, Ban lãnh đạo Chi cục thuế Thị xã chưa có kế hoạch tham mưu với cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân Thị xã thành lập Đội cưỡng chế thi hành các biện pháp chế tài đối với các trường hợp kinh doanh trốn thuế cố tình dây dưa nộp chậm tiền thuế cũng như sự kết hợp với các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương chưa cao nên dẫn đến việc xử lý các tồn tại về thuế chưa thực sự mạnh mẽ.

- Năm là, các cơ quan có chức năng xét duyệt, đăng ký cấp phép kinh doanh trong thực hiện giải quyết cấp giấy phép cho các cơ sở còn chậm trễ, không dứt khoát làm ảnh hưởng không ít cho tâm lý người kinh doanh, đối tượng nộp thuế.

* Về hậu quả:

- Trước mắt, nếu không xử lý được những tồn đọng thuế ở các đối tượng kinh doanh lò mì trên thì sẽ gây thất thu cho NSNN hơn 130 triệu đồng bằng tổng số thu các loại thuế trong 01 năm của xã Bình Minh, một xã hiện nay có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc dạng thấp nhất của Thị xã Tây Ninh nói riêng và có thể của toàn tỉnh nói chung.

- Kế đó là hậu quả về xã hội là dẫn đến sự không công bằng trong lĩnh vực chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng nộp thuế nói chung, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến lòng tin trong nhân dân đối với chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước về nghĩa vụ nộp thuế, dẫn đến tình trạng một số bộ phận trong dân cư không chấp hành luật thuế hoặc chấp hành với ý thức không thực sự phục tùng.

- Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, thích đáng thì công tác quản lý thu thuế ở lĩnh vực ngoài quốc doanh của cơ quan thuế vốn khó khăn sẽ càng phức tạp hơn đối với đối tượng nộp thuế cũng như đổi mới điều hành trong chỉ huy trong nội bộ ngành thuế.

XÂY DỰNG, PHÂN TÍCH VÀ LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT:

Nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng thuế chồng chất kéo dài của các đối tượng nộp thuế trong khu vực kinh tế cá thể, ngoài quốc doanh nhất là đối với các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn để quản lý thu thuế một cách chặt chẽ, có hiệu quả cần phải có một cơ chế quản lý thực sự thích hợp với 2 yêu cầu là: Vừa tránh tồn đọng thuế, thất thu cho ngân sách, vừa đảm bảo sự ổn định kinh doanh cho cơ sở SXKD và công bằng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Cơ chế đó có thể thực hiện theo các phương án sau:

-Phương án 1: Đội thuế cùng HĐTV hiệp thương với chủ cơ sở về một mức thuế và lịch nộp thuế cụ thể hàng tháng.

Tức là Đội thu thuế sẽ kết hợp với HĐTVT đến tận cơ sở xem xét tình hình hoạt động kinh doanh về quy mô sản xuất, tình hình tiêu thụ sản phẩm, mức thu nhập thực tế của chủ hộ kinh doanh để ấn định một mức thuế phải nộp và lịch nộp thuế hàng tháng đối với cơ sở.

- Thuận lợi: Phương án xem ra tránh được trước hết là tồn đọng về thuế, bởi các chủ hộ kinh doanh biết trước được số thuế phải nộp và định kỳ nộp thuế hàng tháng qua sự “thoả hiệp” với Đội thuế và HĐTVT ở địa phương; thứ hai, chủ cơ sở an tâm tập trung vào việc đầu tư phát triển kinh doanh không phải suy nghĩ hạch toán về thuế vì mức thuế đã được thống nhất.

- Bất lợi: Phương án này hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan của Đội thuế, HĐTVT và chủ cơ sở kinh doanh, dễ dàng dẫn đến sự mất công bằng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giữa các đối tượng nộp thuế và điều nguy hiểm nhất là các hiện tượng tiêu cực trong QLTT của cán bộ thu thuế có điều kiện tốt để nảy sinh ảnh hưởng xấu đến uy tín danh dự của ngành thuế.

- Phương án 2: Phân công cán bộ thuế chuyên quản thường trực ở cơ sở kinh doanh.

Có nghĩa là Chi cục thuế sẽ phân công một hoặc một số cán bộ chuyên quản phụ trách hộ lớn thường xuyên túc trực ở cơ sở sản xuất kinh doanh để theo dõi kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh, xác định doanh thu, chi phí, thu nhập và mức thuế phải nộp cuả cơ sở và chủ động định kỳ nộp thuế cho chủ hộ kinh doanh.

- Thuận lợi: Phương án này giúp cho cơ quan thuế nắm chính xác về doanh thu, mức thuế phải nộp của từng cơ sở, vừa tránh thất thu cho ngân sách, vừa không để tồn đọng thuế kéo dài.

- Bất lợi: Tuy nhiên cũng tương tự như phương án 1, phương án này mang tính chủ quan “vừa đá bóng vừa thổi còi” đối với cán bộ phụ trách quản lý mức thuế phải nộp được thể hiện bởi sự tính toán, quyết định của một chủ thể không dựa trên cơ sở khách quan nào cả, từ đó tiêu cực trong quản lý thu thuế dễ dàng xảy ra.

- Phương án 3: Tổ chức kết hợp công tác thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng hoá đơn chứng từ theo luật định, tự kê khai nộp thuế với sự kiểm tra giám sát của cán bộ chuyên quản:

Là phương án buộc các cơ sở kinh doanh (thuộc dạng lớn) này phải lập và ghi sổ sách kế toán, sử dụng hoá đơn chứng từ đầu vào, đầu ra hạch toán kinh doanh phù hợp với doanh thu, chi phí, thu nhập thực tế phát sinh, đồng thời tự kê khai doanh thu, thuế phải nộp hàng tháng cho cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, cán bộ thuế chuyên quản thông qua các biện pháp nghiệp vụ và các định mức quy định về công suất, mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, năng lượng và các thông tin khác để kiểm tra tờ khai nộp thuế, xác định doanh thu, thuế phải nộp vừa đảm bảo chính xác, vừa mang tính khách quan trung thực.

- Thuận lợi: Phương án này đối với chủ cơ sở chủ động biết trước được số thuế phải nộp thông qua việc sử dụng hoá đơn, chứng từ và thực hiện ghi chép sổ sách kế toán, đối với cơ quan thuế thì vừa tránh được thất thu cho ngân sách, vừa đảm bảo tính khách quan trong quản lý. Ở đây thuế đóng vai trò kiểm tra theo luật pháp còn trách nhiệm thì chủ yếu ở cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ thuế phụ trách chuyên quản thật sự giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đầy đủ năng lực tay nghề cao để làm tròn chức năng kiểm tra, tính toán để phát hiện và xử lý các trường hợp khai man, trốn thuế có thể xảy ra, đồng thời phải có phẩm chất đạo đức tốt để đảm bảo đấu tranh có hiệu quả đối với các chủ cơ sở kinh doanh mà chính họ là những người vì mục đích lợi nhuận sẽ tìm mọi cách để trốn thuế.

Qua 03 phương án được trình bày trên, xem xét về tính hiệu quả và tính khả thi cũng như đảm bảo tính thực tế, tôi nhận thấy Phương án 3 là phương án tối ưu nhất để thực hiện quản lý thu đối với các hộ kinh doanh có quy mô tương đối lớn. Đây là phương án vừa đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa phù hợp với tình hình quản lý thu thuế hiện nay;

LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

Lập kế hoạch:

- Chi cục thuế phải tổ chức khảo sát các địa bàn để phân loại, chọn lựa cơ sở (hộ) kinh doanh đủ điều kiện về quy mô, tính chất sản xuất kinh doanh để thực hiện công tác quản lý thu theo sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ theo quy định.

- Tổ chức triển khai học tập về ý nghĩa của việc lập và ghi chép SSKT, phương pháp giữ sổ sách kế toán, cách kê khai nộp thuế theo định kỳ cho tất cả các cơ sở và cán bộ chuyên quản.

- Lựa chọn cán bộ đủ điều kiện về khả năng quản lý, trình độ chuyên môn thích ứng với công tác QLTT theo SSKT và sử dụng HĐCT.

- Lập quy trình luân chuyển, bảo quản hồ sơ giữa các bộ phận chuyên môn với cán bộ chuyên quản phụ trách địa bàn quản lý.

- Ban hành quy chế về công tác kết hợp kiểm tra giám sát giữa các bộ phận và chế độ thông tin báo cáo định kỳ theo quy định.

Biện pháp thực hiện:

- Vận dụng quy trình quản lý thu thuế theo Quyết định 1345/TCT-TCCB ngày 09/12/1998 của Tông cục trưởng Cục thuế và nội dung Quyết định 169/QĐ-TCT làm kim chỉ nam xuyên suốt quá trình QLTT đối với các hộ cá thể thực hiện SSKT.

- Tham mưu với Cấp uỷ - UBND huyện, Thị nắm và quán triệt ý nghĩa, mục đích của công tác quản lý thu theo kê khai sổ sách kế toán để tranh thủ sự đồng tình của các cơ quan, ban ngành nhất là đối với UBND & HĐTVT ở phường (xã) tiến hành các biện pháp hỗ trợ cho cơ quan thuế hoàn thành nhiệm vụ.

- Chi cục thuế phải thường xuyên chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn như: Tổ nghiệp vụ, Tổ kế hoạch, Tổ kiểm tra, đặc biệt là Tổ chuyên quản hộ lớn phải kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ trong thực hiện quản lý thu ở các đối tượng này.

- Đây là biện pháp quản lý đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn giỏi,, sự vận dụng mang tính tổng hợp cho nên Ban lãnh đạo Chi cục thuế phải thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản ý thuế cho cán bộ thuế thuộc quyền, tranh thủ kịp thời ý kiến chỉ đạo của ngành thuế cấp trên để thực hiện nhiệm vụ một cách linh hoạt và năng động, thích nghi với tiến trình tổ chức thực hiện.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục cho đối tượng nộp thuế, cho nhân dân, người tiêu dùng hiểu biết và chấp hành tốt trong việc sử dụng hoá đơn bán hàng, mua hàng khi mua bán bởi hoá đơn là chứng từ gốc cho việc thực hiện sổ sách kế toán một cách đúng đắn, trung thực nhất.

- Đảm bảo tốt chế độ thông tin báo cáo theo đúng định kỳ để làm cơ sở cho đánh giá nhận xét của các cấp.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

KIẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN 

1. Kiến nghị:

Trong phương hướng tới, Cấp uỷ và UBND các cấp cần phải quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện triển khai học tập công tác quản lý thu thuế với các cơ sở (hộ) kinh doanh đủ điều kiện thực hiện lập và ghi chép SSKT, sử dụng hoá đơn chứng từ. Mặt khác, phải đề ra các cơ chế thực hiện tuyên truyền trong dân cư, người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa của việc yêu cầu lấy và sử dụng hoá đơn bán hàng khi mua hàng.

- Ngành thuế các cấp (Cục thuế, Chi cục thuế) phải có kế hoạch mở những cuộc hội thảo chuyên đề cho các HĐTVT ở phường (xã), quán triệt được ý nghĩa mục đích của Luật thuế, giúp cho HĐTVT hiểu được vai trò của mình trong công tác hỗ trợ cho quản lý thu thuế, nhận thức được lợi ích của xã hội hơn là lợi ích của địa phương qua chính sách thuế nhằm các HĐTVT sẽ tăng cường hỗ trợ cho công tác thu nộp ngân sách tích cực hơn.

- Cần nâng các định mức về chế độ khen thưởng, công tác phí phù hợp với thực tế để một mặt tạo điều kiện khuyến khích cho hiệu quả công vụ, mặt khác giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực của cán bộ nhân viên trong thi hành công vụ.

- Nên ban hành các quy chế, quy trình quản lý thu vừa đơn giản vừa đảm bảo hiệu quả công tác, vừa giảm bớt các thu tục rờm rà trong tổ chức thực hiện./.

2. Kết luận:

Công tác quản lý thu thuế là nhiệm vụ đầy khó khăn và phức tạp, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh thì mức độ phức tạp càng cao hơn. Mặc dù tổng số thu nộp thuế ở khu vực này chiếm tỷ trọng không cao so với tổng thu của NSNN, nhưng nó có vai trò rất quan trọng và cần thiết trong xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước ta hiện nay. Mặt khác, ở cấp ngân sách huyện (thị) thì thu ngoài quốc doanh là nguồn thu chủ lực của thu ngân sách địa phương, góp phần tích cực trong đảm bảo cân đối thu chi ngân sách - tài chính trên địa bàn quản lý, vừa đảm bảo chi thường xuyên cho bộ  máy Nhà nước ở địa phương, vừa chi đầu tư cho xây dựng cơ bản góp phần cải thiện đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân địa phương.

Đối với sự việc xảy ra về xử lý tồn đọng thuế ở xã Bình Minh vừa qua là một biểu hiện cụ thể mà cơ quan thuế và chính quyền địa phương các cấp cần phải rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện thực sự hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng nợ thuế, gây thất thu cho ngân sách.

- Việc xử lý, kết luận của Cục thuế tỉnh Tây Ninh đối với sự việc trên là đúng với tình hình thực tế, xác định đúng mức độ sai phạm, tính chất vụ việc để đảm bảo quyền lực của Nhà nước trong quản lý thu thuế, đồng thời tạo sự công bằng trong lĩnh vực thuế đối với công dân.

- Nguyên nhân cơ bản của vụ việc được trình bày trên là các cơ sở kinh doanh lò mì chưa ý thực được nghĩa vụ nộp thuế, còn vịn vào nhiều lý do để chiếm dụng tiền thuế; hai là, cán bộ quản lý thuế ở địa bàn xã Bình Minh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình còn yếu kém cũng như vai trò của Đội trưởng đội thuế chưa được thể hiện đúng chức trách, HĐTVT ở xã chưa thật sự tích cực trong công tác hỗ trợ thu nộp cho ngân sách; ba là, Tổ kiểm tra của Chi cục thuế chưa thực hiện hết chức năng tham mưu cho Ban lãnh đạo Chi cục một cách kịp thời làm dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình về quản lý Nhà nước chuyên đề quản lý Nhà nước về tài chính tiền tệ của Học viện Hành chính quốc gia.

2. Quy trình quản lý thu thuế hộ cá thể công thương nghiệp dịch vụ của Tổng cục thuế Nhà nước.

3. Quyết định 169/QĐ-TCT của Tổng cục thuế Nhà nước.

4. Hồ sơ xử lý tồn đọng thuế của Tổ kiểm tra Chi cục thuế Thị xã Tây Ninh.

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC