BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Tác giả: Phan Hoàng Phương
Tên tài liệu: Biểu tượng nước và đá trong thơ nôm Hồ Xuân Hương
Luận văn thạc sĩ văn học
Thành phố Hồ Chí Minh - 2013
1. Lý do chọn đề tài
Trong lịch sử văn học dân tộc, có một
nhà thơ nữ mà nhà thơ Xuân Diệu rất ái mộ tài năng cũng như thơ ca của bà và
trân trọng tôn xưng là “Bà chúa thơ Nôm”, kể về độc đáo thì đứng vào bậc nhất.
Tên người ấy là Hồ Xuân Hương. Một cái tên kỳ diệu, sừng sững trong làng thơ
Việt Nam xưa nay. Thơ Hồ Xuân Hương chứa đựng đầy những cảm xúc trữ tình, lãng
mạn, đó là những vần thơ giàu thế giới nội tâm, những rung cảm của một tâm hồn
lớn và một trái tim đa cảm của một nữ sĩ tài hoa độc đáo- đầy cá tính. Hồ Xuân
Hương đã tự tìm cho mình một con đường riêng, với những phong cách rất riêng đã
đạt tới đỉnh cao sáng tạo.
Đời Hồ Xuân Hương chưa đến mức là một “tấm gương oan khổ” cho bi kịch người phụ nữ trong xã hội xưa. Nhưng cuộc đời của nữ sĩ là điển hình cho những đau khổ riêng của người phụ nữ: tình duyên trắc trở, thân phận lẽ mọn. Chính vì vậy, Hồ Xuân Hương viết về mình mà tiếng nói của bà lại trở thành lời phát ngôn chung cho giới phụ nữ, khi Hồ Xuân Hương nói về nỗi đau chung của giới thì người đọc nhận ra ngay những dấu ấn riêng của chính cuộc đời nhà thơ. Bà đã dám chống lại những truyền thống của thời phong kiến là gia trưởng, nam tôn nữ ti, xem nhẹ thân phận người phụ nữ. Với tài năng và sự nhạy cảm sâu sắc của mình, nên tâm hồn nhà thơ luôn nhạy cảm với những nỗi đau sâu lắng của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Đọc những bài thơ của bà viết về thân phận người phụ nữ, chúng ta cảm nhận được nỗi cảm thông thấm qua từng câu chữ. Nhà thơ mở rộng lòng mình để cảm nhận một cách đầy đủ nhất những tâm tư, những khao khát cũng như khẳng định vẻ đẹp trong trắng, thanh tân, tươi nguyên của người con gái qua hàng loạt những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng mà theo Đỗ Lai Thúy cho rằng “Những biểu tượng phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương là những biểu tượng văn hóa- tôn giáo. Chúng là hiện thân của những siêu mẫu được hình thành và tồn tại từ thời con người chưa có chữ viết.”(Đỗ Lai Thúy,1999,Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Nxb văn học, tr111).
Biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương rất
phong phú, đa dạng và nó mang nhiều tầng nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, liên quan
đến các bộ sinh sản của người phụ nữ như hang
thì có “Hang Cắc Cớ”, “Hang Thánh Hóa”, động
thì có “Động Hương Tích”, nước thì
có “Giếng thơi”,….Những biểu tượng gốc nói theo Cao Bá Quát là “kho trời chung”
của tất cả mọi người, nhưng cũng không của riêng ai. Hồ Xuân Hương đã biết
chiếm giữ lấy cho riêng mình, “vô tận của riêng mình”, mà không làm thiệt hại
đến ai, thậm chí còn làm phong phú cho người khác. Với hàng loạt những biểu
tượng được coi là sự sáng tạo của riêng Hồ Xuân Hương qua những bài thơ Nôm,
thì biểu tượng nước và đá được bà thể hiện một cách rất độc đáo
qua tài năng của mình. Hồ Xuân Hương chỉ có cảm hứng với những nước trong hang,
hẻm, khe, kẽ, lách, vũng,… nghĩa là những hình thái nước tù đọng, quy mô
nhỏ hẹp, ở vị trí khuất nẻo, hóc hiểm.
Còn đá thì đôi lúc có quy mô rộng lớn hơn, bí ẩn hơn như động, đèo, non,… được
nhà thơ sử dụng rất tài tình, độc đáo và đầy sức hấp dẫn. Chính vì thế, người
viết luôn khao khát tìm hiểu, khám phá cái đẹp, cái hay, cái lung linh huyền ảo
qua những bài thơ Nôm của bà nên chọn đề tài “Biểu tượng nước và đá trong thơ Nôm
Hồ Xuân Hương”. Có thể nói, thơ Hồ xuân Hương tìm hiểu mãi còn bí ẩn mãi, tìm
mãi còn mãi. Bởi bà đã tìm cho mình một phong cách riêng, những sáng tạo riêng
qua tài năng sử dụng những biểu tượng.
2.
Mục đích nghiên cứu
Rất nhiều nhà khoa học trong nước lẫn ngoài nước với rất nhiều những công trình nghiên cứu, đã khám phá những điều mới mẻ, những điều diệu kì qua những bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương. Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương thể hiện sự độc đáo của riêng nhà thơ. Đó là sự dí dỏm, tinh nghịch, đôi lúc thật mạnh mẽ, táo bạo, nhưng rất hồn nhiên và đầy nữ tính. Ngôn ngữ tài hoa đã khéo léo mở ra trường nghĩa hàm ẩn, gợi cho người đọc sự suy ngẫm và liên tưởng đến những vấn đề nhạy cảm qua hàng loạt những biểu tượng liên quan đến các bộ phận của người phụ nữ, cũng như biểu đạt sức sống và cái đẹp của cơ thể, của tấm thân và trái tim rất trẻ. Đó là sự hồn nhiên, tươi nguyên, thanh tân của những cô gái đến tuổi dậy thì.
Bài nghiên cứu này, người viết không xét
những vấn đề đó là dâm hay tục, mà chỉ nghĩ đó là vẻ đẹp, sự trong trắng trinh
nguyên mà chúng ta cần phải trân trọng và ngợi khen. Đó là vẻ đẹp mang tính tạo
hóa, nó mang tính văn hóa, mĩ học. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu muốn làm rõ tại
sao người phụ nữ thời phong kiến đẹp như vậy, đẹp cả ngoại hình lẫn tâm hồn mà
cuộc đời, tình duyên lại lận đận. có phải “Hồng nhan đa truân” chăng? (“Bánh
trôi nước”, “Tự tình II”,…). Phải chăng đó là dòng đời của họ? Phải chăng nữ sĩ
tài năng đã mượn những hình ảnh này để đề cao quyền sống chính đáng của người
phụ nữ. Đó là quyền tự do yêu đương, quyền được tự khẳng định vẻ đẹp của mình
mà thời đại của bà bị chôn vùi, dập tắt. Từ đó mới thấy được một Hồ Xuân Hương,
ngoài một nữ sĩ tài năng, còn là một Hồ Xuân Hương đầy cá tính và nhân đạo, một
Hồ Xuân Hương với một trái tim luôn biết yêu thương, quan tâm, coi trọng quyền
sống, quyền tự do con người được thể hiện qua những bài thơ Nôm với những biểu
tượng mang nhiều ý nghĩa. Đặc biệt là bà sử dụng khá nhiều biểu tượng nước và đá để nói lên điều đó.
Người viết muốn tìm hiểu, khám phá và
làm rõ những ý nghĩa của biểu tượng nước và
đá trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương để
thấy được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, cái lung linh trong thơ của bà.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo
sát
Như tên đề tài của luận văn “Biểu tượng nước và đá trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương”. Bài nghiên cứu chủ yếu đi sâu tìm hiểu những bài thơ có chứa yếu tố nước và đá trong thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương. Theo tài liệu Thơ Hồ Xuân Hương của Giáo sư Nguyễn Lộc (Nhà xuất bản văn học, 1982), xác định trong thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương có khoảng bốn mươi bài. Theo tài liệu Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương của Giáo sư Lê Trí Viễn (Nxb Sở Giáo dục Nghĩa Bình, 1987), tác giả cũng cho rằng thơ Nôm xác định tương đối chính xác là của Xuân Hương thì có độ khoảng bốn mươi bài. Trong khoảng bốn mươi bài thơ nói trên, người viết thống kê có khoảng hai mươi bài có chứa yếu tố nước( sương, suối, mưa, dòng, sông, sóng, thạch nhũ…), và khoảng mười tám bài có chứa yếu tố đá( hang, động, đèo, thạch nhũ, non, sơn, ghềnh,…)
Luận văn sẽ không xét những bài thơ Nôm
có chứa yếu tố nước và đá trong tập thơ “Lưu hương ký” của tác giả vì có phong
cách khác, không liên quan nhiều đến đề tài. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên
cứu, người viết có thể trích dẫn một vài câu ở một vài bài để so sánh làm rõ
hơn, nỗi bật hơn cho bài nghiên cứu.
Ngoài ra, luận văn còn khảo sát một số
bài thơ, bài ca dao có hình ảnh nước và đá trong văn hoc Việt Nam để so sánh
đối chiếu làm phong phú thêm cho đề tài. Bên cạnh đó, người viết xin mạn phép
được tham khảo một số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhà
nghiên cứu phê bình từ trước đến nay có nhắc đến hình ảnh nước và đá trong thơ
Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương.
4.
Lịch sử vấn đề
Nữ sĩ tài năng độc đáo Hồ Xuân Hương, một
cái tên kì diệu ấy vượt qua mọi không gian và thời gian, vượt qua mọi cuộc
tranh luận xưa nay, tự mình sừng sững chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng
trong làng thơ Việt Nam. Bởi thơ Nôm của bà có sự thành công rực rỡ cả về nội
dung lẫn nghệ thuật. Hồ Huân Hương đã có những vần thơ để lại ấn tượng sâu sắc
trong lòng người đọc.
Với giọng điệu dí dỏm, hồn nhiên, mạnh
mẽ, táo bạo chưa từng có trên thi đàn, thơ của bà như những lời thách đố với
những ai thích tìm tòi, khám phá cái hay, cái đẹp, cái thanh khiết ẩn đằng sau
ngôn từ của nữ sĩ. Tuy nhiên, việc tìm hiểu nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương gặp
không ít những vấn đề khó khăn. Hầu hết các vấn đề từ cuộc đời đến sự nghiệp
thơ ca, cũng như phong cách thơ của nữ sĩ chưa có ý kiến thống nhất, có những
đánh giá, những nhận định khác nhau, thậm chí có những ý kiến tranh luận đối
lập nhau gay gắt. Song, khi tiếp nhận thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nhìn chung các nhà
chuyên môn, các nhà nghiên cứu đều ngợi khen, đều khẳng định vai trò và vị trí
quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Có thể nói, Hồ Xuân Hương là tác giả
huyền ảo nhất, lạ lùng nhất, bí ẩn nhất từ trước đến nay.
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương là một mảng đề tài rất phong phú cho các nhà chuyên môn nghiên cứu, khảo sát. Và đến nay có rất nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn đã nghiên cứu nhiều công trình có giá trị. Tuy nhiên, người viết chưa thấy có một công trình khoa học nào đi sâu nghiên cứu chuyên biệt biểu tượng nước, đặc biệt là biểu tượng đá trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, mà chỉ có những công trình khi nghiên cứu có nói sơ qua những hình ảnh của nước và đá trong thơ Nôm của bà.
Theo tìm hiểu, có những công trình khoa
học khi nghiên cứu có nói qua yếu tố nước trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương như:
Đỗ Lai Thúy có công trình nghiên cứu “Hồ
Xuân Hương- hoài niệm phồn thực”(Nxb văn hóa thông tin, 1999) đã nhận xét
“Những biểu tượng phồn thực trong thơ Hồ
Xuân Hương đều là những biểu tượng văn hóa- tôn giáo”. Biểu tượng đáng lưu ý
đến âm vật trong thơ Hồ Xuân Hương là giếng
(Giếng thơi). Đây là cái giếng thanh tân ở thời điểm dậy thì của người con
gái. Đá cũng vậy, nếu dựa vào tư duy liên tưởng theo dạng hình dáng thì hang, động cũng là âm vật.
Theo Xuân Diệu, trong cuốn sách “Bình
luận các nhà thơ cổ điển Việt Nam”(Nxb trẻ, 2006), có bình về bài thơ “Tát
nước” của Hồ Xuân Hương. Tác giả cho rằng đến câu thứ năm thì lại có sự rất lạ:
“Xì xòm đáy nước mình nghiêng
ngửa”
Đó là “Gàu nước đổ xuống ruộng, nước
kêu xì xòm, gàu không lại thả xuống khe vực nước lên, nước cũng xì xòm, trong
khoảng giữa hai lần vực gàu, nước tạm thời lắng lại, in hình người đàn bà tát
nước dốc ngược dưới đáy khe, rồi nước lại đổ, gàu lại vực, lại xì xòm mãi như
thế”.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Thu Yến qua công
trình nghiên cứu “Sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương”(Nxb văn học Hà Nội,
2008), có nói qua hình ảnh chứa nước và đá. Theo tác giả, nước trong thơ Nôm Hồ
Xuân Hương có nhiều tầng nghĩa khác nhau “Nước là nguồn sống gắn chặt với đời
sống con người. Nước tượng trưng cho sự
thanh khiết, trong trẻo, mầu nhiệm. Nhưng ở phương diện khác nước mang tính âm
và động…”. Còn đá trong thơ Hồ Xuân
Hương không chỉ đơn thuần là đá “Đá còn thể hiện ở sức nặng, sự cứng cỏi, sự
rắn chắc….thể hiện cái cao, cái sâu, cái tinh nghịch, cái bí hiểm trong tâm
tưởng của mình.”.
Giáo sư Nguyễn Lộc qua bài viết “Hồ Xuân Hương, nhà thơ trữ tình yêu đời” trong cuốn sách Hồ Xuân Hương- tác phẩm và lời bình (Nhiều tác giả, 2011, Nxb văn học), có nói đến một khía cạnh về hình ảnh nước qua bài Tự tình I và Tự tình III. Đó là dòng đời của người phụ nữ, mà đó là chính tác giả “Xuân Hương ví mình như chiếc bách nổi lênh đênh giữa dòng nước cả”.
Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Bích Ngọc có
bài viết “Một phong cách thơ Hồ Xuân Hương” qua cuốn sách Đến với thơ Hồ Xuân Hương( Nhiều tác giả, 1997, Nxb Thanh Niên Hà
Nội), có bình về bài thơ Giếng thơi.
Tác giả cho rằng “Bài thơ như vẽ ra cảnh một Động Tiên. Động Tiên này được bao
quanh bởi một dòng nước trong ngày đêm không ngừng chảy. Động Tiên ấy chính là
“nơi ơ” của nhà thơ”. Bên cạnh đó, tác giả còn cho rằng “Giếng ở đây chính là
Hồ Xuân Hương, và Hồ Xuân hương chỉ còn đề cập tới khía cạnh thanh tân của cái
giếng. Sự thanh tao, tươi tắn và lành mạnh của tâm hồn nàng và của chính con
người nàng, ai có thể làm vẩn đục đươc chăng?”. Cũng trong tài liệu này, nhà
nghiên cứu Nguyễn Đức Quyền có bình “Động Hương Tích”. Ông cho rằng, “con
thuyền vô trạo”( thuyền không có giầm của Xuân Hương) bồng bềnh rơi vào “cõi Phật”.
Nguyễn Thị Thanh Xuân qua Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn chương Việt Nam có nói về hình ảnh nước trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương: “ Hồ Xuân Hương có hai bài thơ viết về hang, trong không gian ấy, nước ở trạng thái giọt, rỉ: Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn, Luồng gió thông reo vỗ phập phòm. Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm. Con đường vô ngạn tối om om (Hang Cắc Cớ); Lách khe nước rỉ, mó lam nham (Hang Thánh Hóa). Dù vậy, nước vẫn gây ấn tượng, bởi cái thế chủ động của nó. Đặt cổ mẫu nước trong hang, Hồ Xuân Hương đã chồng cổ mẫu lên cổ mẫu. Và cổ mẫu hang là hình thái đất núi, khá đặc biệt trong tâm thức nhân loại: “Mẫu gốc của hình ảnh tử cung người mẹ”; hình ảnh cõi trần”; “biểu tượng hoàn hảo về cái vô thức”, “Hang biểu trưng cho sự thám hiểm cái tôi bên trong, đặc biệt hơn là cái tôi thô sơ, bị nén ẩn dưới những tầng sâu vô thức”, “túi chứa đựng năng lượng của cõi người, Hang “quá trình nội hoá tâm lý, để con người trở thành chính mình và đạt được sự trưởng thành…”, “cái chủ quan trong cuộc đối đầu với những vấn đề của sự phân hóa”. Giọt nước trong hang chính là yếu tố động của sức sống hiền minh, nhỏ nhoi, nép mình như trực giác, nối kết giữa vô thức và ý thức”.
Ngoài ra, còn rất nhiều nhà khoa học,
nhà nghiên cứu khi bàn đến đời và thơ Hồ Xuân Hương có nói sơ qua những hình
ảnh có chứa yếu tố nước và đá như Giáo sư Lê Trí Viễn qua Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương (1987, Nxb Sở Giáo dục Nghĩa Bình), nhà
nghiên cứu DZuy- DZao qua Sự thật thơ và
đời Hồ Xuân Hương(2000, Nxb văn hoc Hà Nội),
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ có
nhắc đến yếu tố nước, chứ chưa có công trình nghiên cứu sâu, nghiên cứu riêng
biệt. Người viết trên cơ sở học tập, tiếp thu những ý kiến của những người đi
trước, cộng với sự nỗ lực tìm tòi, khám phá, sáng tạo của bản thân. Người viết
sẽ cố gắng hoàn thành tốt bài nghiên cứu. Tuy
nhiên, đây là thử nghiệm đầu tiên, một dò dẫm tìm tòi bước đầu mà chắc
chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi sự sơ suất, thiếu sót.
5.
Phương pháp nghiên cứu
Do yêu cầu của đề tài luận văn, người
viết sẽ vận dụng một số phương pháp chủ yếu như sau:
5.1.
Phương pháp lịch sử
Luận văn khảo sát “Biểu tượng nước và đá trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương” là muốn làm rõ những yếu tố chứa nước và đá trong những bài thơ Nôm của tác giả. Muốn vậy phải đề cập đến đời và thơ của tác giả. Đặt tác giả và tác phẩm vào một hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể để xem xét, đánh giá là một hướng nghiên cứu tích cực và đạt hiệu quả. Phương pháp lịch sử hướng đến việc tìm hiểu hoàn cảnh chính trị xã hội, văn hóa, tư tưởng, thời đại mà tác phẩm ra đời. Từ đó có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về cái hay, cái mới lạ, cái lung linh của tác phẩm.
5.2. Phương pháp phân tích- tổng hợp
Đây là phương pháp quan trọng được dùng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu. Vì phải phân tích, chia nhỏ các vấn đề ra để làm sáng tỏ, sau đó tổng hợp lại những kết quả nghiên cứu để có cái nhìn tổng thể.
5.3. Phương pháp thống kê phân loại
Thơ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng phong phú và đầy phức tạp bởi tính đa nghĩa của nó. Đặc biệt là thơ Nôm truyền tụng. Người viết sẽ thống kê trong khoảng bốn mươi bài thơ Nôm của bà thì có bao nhiêu bài có chứa yếu tố nước và đá. Sau đó, phân loại ra những tác phẩm nào mang ý nghĩa biểu tượng để làm rõ.
5.4. Phương pháp so sánh
Với phương pháp này người viết sẽ so
sánh thơ Nôm Hồ Xuân Hương có chứa biểu tượng nước với các tác phẩm khác có chứa yếu tố nước để tìm ra những nét
tương đồng, dị biệt ở một số khía cạnh về nội dung và nghệ thuật. Từ đó, thấy
được sự ảnh hưởng qua lại giữa các nhà thơ. Đồng thời, thấy được cái hay riêng,
cái độc đáo của riêng tác giả. Bên cạnh đó, người viết sẽ so sánh một số tác phẩm
với nhau của chính tác giả để thấy được tài năng, sự đa dạng, sức hấp dẫn của
thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
6.
Đóng góp của luận văn
6.1. Ý nghĩa khoa học
Người viết rất trân trọng tiếp thu
những công trình nghiên cứu có giá trị về Hồ Xuân Hương từ trước đến nay. Bên
cạnh đó, luận văn sẽ đi sâu tìm hiểu về một phương diện trong phong cách thơ
độc đáo của nữ sĩ: “Biểu tượng nước và
đá trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương”.
6.2.
Ý nghĩa thực tiễn
Luận văn sẽ góp phần làm rõ hơn tại sao
trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương bà thường sử dụng yếu tố nước và đá. Vậy nó mang
những ý nghĩa biểu tượng gì? Từ đó khẳng định được tài năng của nữ sĩ. Bên cạnh
đó, luận văn sẽ trang bị cho bản thân người viết một vốn kiến thức về nhà thơ
mà mình yêu thích, nhằm phục vụ, hỗ trợ tốt cho công tác giảng dạy môn Ngữ văn
trong nhà trường. Đồng thời, sẽ trao đổi. thảo luận về chuyên môn với các đồng
môn, đồng nghiệp với mục đích cùng tiến bộ.
7.
Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
Chương
1: Những vấn đề chung
Ở chương này sẽ trình bày về thời đại
lúc Hồ Xuân Hương sinh sống để thấy được tình hình lịch sử của đất nước lúc bấy
giờ sẽ ảnh hưởng đến sáng tác thơ ca của tác giả. Bên cạnh đó cũng tìm hiểu về
tiểu sử của tác giả, tìm hiểu về số lượng bài thơ Nôm, trong các bài thơ đó thì
bao nhiêu bài có chứa các yếu tố nước và đá để phân tích, lí giải. Ngoài ra ở
chương I còn trình bày khái niệm biểu tượng và biểu tượng nước và đá nhìn từ
góc độ văn hóa, để thấy rõ tầm quan trọng của nước và đá đối với con người.
Chương 2: Ý nghĩa của biểu
tượng nước trong thơ Nôm Hồ Xuân
Hương.
Ở chương 2, người viết sẽ thống kê có
bao nhiêu bài thơ Nôm của tác giả có nước và các yếu tố chứa nước và, rồi phân
loại ra mỗi bài sẽ mang ý nghĩa biểu tượng về nội dung gì, rồi đưa dẫn chứng
phân tích.
Chương 3: Ý nghĩa của biểu
tượng đá trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
Ở chương 3, người viết cũng thống kê có
bao nhiêu bài có hình ảnh đá và các hình thức của đá, rồi phân loại ra mỗi bài
sẽ mang ý nghĩa biểu tượng về nội dung gì, rồi đưa dẫn chứng phân tích.
...
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/