Skkn sử dụng phương pháp trò chơi nhận thức để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thpt

1. Tên sáng kiến: SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÒ CHƠI NHẬN THỨC ĐỂ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH”.

2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

3. Mô tả bản chất của sáng kiến:

3.1. Tình hình thực trạng của vấn đề:

   Thực trạng

Chúng ta đang sống trong thời đại mới – thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển không ngừng của ngành công nghệ thông tin. Xã hội không ngừng phát triển, con người thật sự tiến bộ. Giới trẻ, đặc biệt là học sinh có thể sử dụng thành thạo thiết bị điện tử thông minh, nhưng lại rất vụng về trong cuộc sống. Các em có một kiến thức tốt, mục đích rõ ràng nhưng lại không tìm được cho mình phương hướng cụ thể, hoặc cách giải quyết tốt. Theo nhiều phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia, học sinh ngày nay không chỉ vụng về trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà còn khá máy móc và thụ động khi đối mặt với những tình huống bất thường.

Vấn đề thiếu kỹ năng sống (KNS) còn khiến không ít người trẻ không trụ vững trước tác động bên ngoài. Từ đó có những quan điểm, suy nghĩ lệch chuẩn. Một biểu hiện nữa của việc thiếu KNS chính là thái độ thờ ơ, vô cảm. Vô cảm với mọi người xung quanh và vô trách nhiệm với bản thân mình. Trước những vụ bạo lực học đường, thay vì can ngăn bạn bè thì một số bạn trẻ vây quanh để hò hét, cổ vũ, quay clip đăng facebook. Cũng là một biểu hiện của căn bệnh thiếu KNS, nhưng ở cấp độ nguy hiểm hơn. Đó là tình trạng một số bạn trẻ thiếu sự định hướng, không phân biệt được giữa cái thiện - cái ác, giữa đúng - sai. Hàng loạt những “vụ án” liên quan đến thanh thiếu niên thời gian qua mà phần lớn nguyên nhân do thiếu trang bị KNS đã làm dấy lên nỗi nghi ngại trong xã hội. Những dẫn chứng trên cho thấy các em học sinh hiện nay đang bị thiếu hụt đến mức báo động về KNS. Chưa bao giờ vấn đề KNS lại được quan tâm như hiện nay. Thiếu KNS được ví như “căn bệnh nguy hiểm” làm ảnh hưởng trực tiếp đến hành động, suy nghĩ của các bạn trẻ.

Vì vậy KNS luôn là vấn đề cần thiết nhất hiện nay đặc biệt là đối với giới trẻ. Có KNS các em có thể “giải cứu” mình trong các trường hợp cụ thể. Đồng thời làm cho con người hoạt bát hơn, biết yêu thương những người xung quanh và giúp cho các em sớm thành công.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Thuận lợi:

Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục KNS cho học sinh trung học phổ thông.

Có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của chính quyền các cấp, địa phương về hoạt động giáo dục KNS.

Ở các trường THPT trong cả nước nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng Ban tư vấn, tham vấn học đường cũng được thành lập và đi vào hoạt động.

Nhìn chung cán bộ quản lý và giáo viên trong các trường phổ thông đã bước đầu làm quen với thuật ngữ “kỹ năng sống”, mặc dù mức độ hiểu biết có khác nhau.

Học sinh có thể tìm hiểu, học tập các KNS thông qua các phương tiện truyền thông.

Khó khăn:

Hoạt động giáo dục KNS hiện nay vẫn mang tính hình thức, dàn trãi, chưa thiết thực, chưa có sự tập trung. Nội dung giáo dục chỉ là các bài học trên cơ sở lý thuyết chưa đi sâu cho các em thực hành, trãi nghiệm bằng các hình thức trò chơi hay sắm vai.

Ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục KNS chưa được nhận thức một cách đúng mức trong một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên. Giáo viên quen với việc tập trung cung cấp kiến thức mà không hoặc ít quan tâm giáo dục KNS cho học sinh.

Học sinh chỉ tập trung học kiến thức mà ít quan tâm đến việc rèn luyện KNS cho bản thân.

Nhà trường chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện giúp các em thực hành KNS.

3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:

Mục đích của giải pháp:

 Thông qua phương pháp trò chơi nhận thức, không những giúp học sinh thư giản, giải trí mà còn giúp các em có cơ hội tiếp thu, củng cố những tri thức nói chung, những kiến thức KNS nói riêng.

Qua phương pháp này, học sinh sẽ được trãi nghiệm, khám phá ưu thế bản thân, được rèn luyện một số KNS cần thiết.

Những điểm khác biệt và tính mới của đề tài:

Tính mới của đề tài đó là qua mỗi trò chơi sẽ có sự phân tích và kết luận của giáo viên. Từ những phân tích và kết luận đó giúp học sinh nắm được nội dung kiến thức KNS một cách dễ hiểu nhất.

Việc giáo dục KNS cho học sinh ở các trường THPT thường được lồng ghép với các tiết sinh hoạt dưới cờ hay sinh hoạt chi đoàn. Việc sử dụng các trò chơi để rèn luyện KNS có thể được thực hiện ở bất kì tiết học hay môn học nào. Vì phương pháp này chỉ chiếm khoảng 10 đến 15 phút. Nên không những giáo viên chủ nhiệm mà giáo viên bộ môn cũng có thể giáo dục KNS cho học sinh của mình.

Giáo dục KNS cho học sinh thông qua các trò chơi nhận thức sẽ giúp các em có điều kiện trãi nghiệm để khắc sâu hơn những kiến thức KNS, có thể tự rèn luyện những đức tính và KNS một cách tự nhiên và đầy hứng thú hơn so với việc các em được truyền đạt lý thuyết qua các tiết sinh hoạt dưới cờ hay sinh hoạt chi đoàn.

Nội dung giải pháp:

            Trò chơi nhận thức là những trò chơi giúp người chơi có thể tiếp thu, củng cố tri thức, trãi nghiệm khám phá bản thân và rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Sau mỗi trò chơi nhận thức, đều có sự phân tích và kết luận của người tổ chức trò chơi. Từ đó, người chơi sẽ tiếp nhận được những kiến thức về KNS một cách thiết thực và sâu sắc.

Mỗi một trò chơi nhận thức không đơn thuần là chơi để thư giãn, giải trí mà là chơi để nhận thức để rèn luyện kỹ năng. Qua mỗi một trò chơi khác nhau là một KNS khác nhau. Trò chơi nhận thức có thể được cải biên, sáng tạo từ những trò chơi có sẵn để phù hợp với những kỹ năng muốn truyền đạt. Vì vậy, phương pháp này luôn mang tính mới mẻ, hấp dẫn đối với người chơi.

Phương pháp này được chúng tôi áp dụng lồng ghép vào một số tiết dạy tin học và GDCD ở một số lớp 10 và 11. Dưới đây là nội dung một vài trò chơi nhận thức nhằm giáo dục KNS cho các em học sinh THPT.

Nội dung 1: Trò chơi “Gọi tên cảm xúc” - Kỹ năng nhận diện cảm xúc

* Cách tổ chức trò chơi:

Giáo viên yêu cầu 4 học sinh đại diện lớp để tham gia trò chơi.  Mỗi học sinh được bốc 1 tờ giấy được giáo viên chuẩn bị trước. Mỗi tờ giấy ghi một cảm xúc khác nhau. Mỗi bạn có nhiệm vụ chỉ dùng cử chỉ, điệu bộ của cơ thể để thể hiện cảm xúc ghi trong tờ giấy không được dùng lời nói hay chữ viết. Các bạn trong lớp có nhiệm vụ đoán xem đó là cảm xúc gì.

Hình ảnh các em học sinh lớp 10B8 thực hiện trò chơi trong giờ GDCD.

                        

      Hình 1: Cảm xúc hốt hoảng                      Hình 2: Cảm xúc ngạc nhiên

                         

        Hình 3: Cảm xúc sợ hãi                              Hình 4: Cảm xúc thất vọng

* Phân tích trò chơi:

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Sau khi thực hiện xong trò chơi. Giáo viên đặt câu hỏi và học sinh sẽ trả lời.

- Bạn ấy đã thể hiện cảm xúc vui vẻ (hốt hoảng, sợ hãi…) thông qua những biểu hiện nào?

- Ngoài những biểu hiện bạn ấy vừa minh hoạ, theo em khi vui vẻ (hốt hoảng, sợ hãi…) chúng ta còn có những biểu hiện nào khác nữa?

* Kết luận:

Giáo viên tổng kết: Thông qua trò chơi vừa rồi chúng ta có thể thấy thế giới quan cảm xúc của con người rất phong phú, phức tạp, nhiều sắc thái, nhiều cung bậc. Kỹ năng nhận diện cảm xúc là một trong những bước quan trọng đầu tiên giúp chúng ta quản lí tốt cảm xúc của bản thân và hiểu được cảm xúc của người khác. Khi đó các em sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và có nhiều mối quan hệ tốt hơn.

Nội dung 2: Trò chơi “Chiếc khăn giấy” - Kỹ năng quản lý, sắp xếp thời gian

* Cách tổ chức trò chơi:

Chia lớp thành 4 nhóm nhỏ. Phát cho mỗi nhóm 1 chiếc khăn giấy. Giáo viên yêu cầu mỗi nhóm hãy liệt kê tất cả những việc có thể làm được với chiếc khăn giấy vừa nhận được. Sau 2 phút, mỗi nhóm cử đại diện 1 học sinh đem chiếc khăn giấy của nhóm mình lên bảng và trình bày.

Hình ảnh các em học sinh lớp 11B7 thực hiện trò chơi trong giờ tin học.                  

* Phân tích trò chơi:

Sau khi thực hiện xong trò chơi, giáo viên phân tích. Các nhóm đều cố gắng liệt kê rất nhiều công việc khác nhau với chiếc khăn giấy. Nhưng các em chưa có cách sắp xếp hợp lí thì chỉ thực hiện được 1 hoặc 2 công việc mà thôi. Ví dụ ở hình 3 nhóm 1 liệt kê 16 công việc, nhưng khi thực hiện tới công việc thứ 3 (chùi mũi) thì chiếc khăn giấy không còn sử dụng được nữa. Ở hình 4, nhóm 2 liệt kê 17 công việc và các em bị dừng lại ở công việc đầu tiên. Vì sau khi hỉ mũi xong là chiếc khăn giấy không sử dụng được nữa.

Tức là nhóm chiến thắng trong trò chơi, không phải là nhóm liệt kê nhiều việc nhất mà là nhóm sắp xếp hợp lí các công việc để tận dụng tối đa 1 chiếc khăn giấy.

* Kết luận:

Giáo viên tổng kết: Mỗi người chúng ta đều có những khoảng thời gian như nhau (như việc mỗi nhóm có 1 chiếc khăn giấy như nhau), cách mà chúng ta sử dụng thời gian ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai. Nếu như chúng ta quản lí thời gian không tốt thì cuộc đời chúng ta sẽ rối như mớ bồng bông, mất phương hướng, hoang mang với mọi chuyện trong cuộc sống. Còn nếu như chúng ta biết sắp xếp thời gian hợp lí thì sẽ dễ dàng thành công hơn, biết cái gì quan trọng cái gì không để sống một cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

Nội dung 3: Trò chơi “Vẽ hình” - Kỹ năng thương lượng – giải quyết mâu thuẫn

* Cách tổ chức trò chơi:

Chia lớp thành 2 đội. Mỗi đội cử 2 học sinh đại diện cho nhóm để tham gia trò chơi.  Mỗi đội được phát 1 viên phấn. 2 thành viên của đội sẽ cùng cầm viên phấn đó. Thành viên thứ nhất sẽ vẽ hình tròn, thành viên thứ 2 vẽ hình tam giác trong cùng 1 lúc.

Hình ảnh các em học sinh lớp 10B9 thực hiện trò chơi trong giờ tin học.

* Phân tích trò chơi:

Sau khi thực hiện xong trò chơi. Giáo viên đặt câu hỏi và học sinh sẽ trả lời.

- Các em cảm thấy việc vẽ hình dễ hay khó trong trường hợp này? Tại sao lại không vẽ được hình theo yêu cầu?

- Nếu 2 bạn trong cùng 1 đội thống nhất với nhau cùng vẽ một hình rồi sau đó sẽ cùng vẽ hình tiếp theo thì các em thấy thế nào?

* Kết luận:

Giáo viên tổng kết: Điều này cũng giống như khi chúng ta mâu thuẫn với một ai đó, hai bên đều muốn đẩy tình huống đến mức căng nhất, và khiến chúng ta mệt mỏi. Một khi các em có kỹ năng thương lượng tốt sẽ giúp các em giải quyết vấn đề hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn theo cách có lợi cho tất cả các bên.

Nội dung 4: Trò chơi “Thôi miên” - Kỹ năng định hướng

* Cách tổ chức trò chơi:

Lớp cử đại diện một học sinh lên tham gia trò chơi. Giáo viên giao cho học sinh 1 tờ giấy đã được giáo viên viết 1 con số bí mật (ví dụ giáo viên ghi số 9 giống hình 4 - người chơi và cả lớp không ai được biết con số đó). Giáo viên yêu cầu học sinh đó trao tờ giấy chứa con số bí mật cho một bạn học sinh trong lớp mà bạn ấy cảm thấy tin tưởng nhất.

Hình ảnh các em học sinh lớp 11B5 thực hiện trò chơi trong giờ GDCD       

             Giáo viên sẽ vẽ 1 vòng tròn như hình 1 và yêu cầu học sinh:

-    Viết tất cả các số lẻ từ 1 đến 15 bên cạnh vòng tròn đó. (Trong đó có số 9).

-    Chọn 4 số không thích gạch chéo. (Nếu học sinh gạch 4 số trong đó có số 9, thì giáo viên yêu cầu học sinh ghi những con số đó vào 4 khung ngoài của vòng tròn. Và ngược lại học sinh gạch 4 con số trong đó không có số 9 thì giáo viên yêu cầu học sinh ghi vào vòng tròn những con số không gạch).

-    Trong 4 số ghi vào vòng tròn em hãy cho biết 2 con số em cho là đem lại may mắn (nếu có số 9 thì yêu cầu học sinh ghi vào 2 vòng bên trong của vòng tròn và ngược lại).

-    Trong 2 con số em vừa ghi vào em nghĩ đến số nào đầu tiên (nếu có số 9 thì yêu cầu học sinh ghi số đó vào vòng tròn nhỏ bên trong và ngược lại).

Cuối cùng yêu cầu học sinh đến gặp bạn mà mình đã trao tờ giấy lúc nãy và mở tờ giấy ra.

* Phân tích trò chơi:

Sau khi thực hiện xong trò chơi. Học sinh sẽ rất bất ngờ với kết quả trên. Vì tờ giấy bí mật đó ghi đúng con số cuối cùng mà học sinh đã ghi vào trong vòng tròn. Học sinh tưởng mình bị thôi miên thật. Giáo viên sẽ giải thích luật chơi.

* Kết luận:

Giáo viên tổng kết: Trò chơi này có ý nghĩa là khi làm việc gì chúng ta cũng phải có định hướng, kế hoạch trước (giống như giáo viên hướng em học sinh phải viết đúng con số 9 vào ô cuối cùng). Nói đến định hướng thì ta nghĩ ngay đến việc định hướng nghề nghiệp, định hướng tương lai. Nếu có một định hướng, hướng đi đúng đắn trong việc chọn nghề thì các em sẽ trở thành người thành công.

3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp:

           Sáng kiến có thể áp dụng đối với những giáo viên đang làm công tác giáo dục KNS và tất cả giáo viên ở các trường THPT.

           3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp:

         - Tạo được hứng thú, tạo tâm lí thoải mái, hưng phấn cho học sinh trong tiết học để các em có thể tiếp thu bài hiệu quả nhất.

         - Các em có điều kiện thoải sức sáng tạo, khám phá ưu thế bản thân qua trò chơi.

            - Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của học sinh theo hướng tích cực.

3.5. Tài liệu kèm theo: Không.

  Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC