PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lí do chọn đề tài:
Trong quá trình giáo dục
sẽ nảy sinh các tình huống có vấn đề. Đây thực sự là những thử thách mà mỗi
giáo viên phải bằng tri thức, đạo đức, kinh nghiệm sống và bản lĩnh nghề nghiệp
để ứng xử cho phù hợp. Và mọi hoạt động giáo dục đều cần tới ứng xử sư phạm,
bởi quan hệ thầy trò được hiểu như là quan hệ giữa hai nhân cách khác biệt có
chung một mục đích là sự hoàn thiện nhân cách về cả hai phía (thầy trưởng thành
về nghệ thuật và vốn tri thức; trò phát triển về khả năng nhận thức và tích lũy
kinh nghiệm sống) vì thế bất cứ giải quyết một nhiệm vụ giáo dục, giáo dưỡng
nào cũng cần thiết phải có sự ứng xử khéo léo. Nguồn xuất phát của những tình
huống sư phạm là học sinh.
Hình thành và tích lũy kỹ
năng giải quyết các tình huống sư phạm giúp cho giáo viên bình tĩnh, tự tin,
bồi dưỡng tư duy sư phạm linh hoạt mềm dẻo, định hướng kịp thời hành động sư
phạm của mình.
Thực tế người giáo viên
phải tiếp xúc với nhiều học sinh và trong quá trình giao tiếp đó sẽ không khỏi
vấp phải khá nhiều tình huống khó xử nào đó. Vì thế phải làm thế nào để ứng xử
khéo léo các tình huống một cách hợp lý, hợp tình, có tính giáo dục. Để giải
quyết những tình huống, trong ứng xử sư phạm cần có cách thức, biện pháp, thủ
thuật, xử lý tình huống, đôi khi được gọi là kỹ thuật xử lý. Mỗi tình huống có
cách xử lý riêng, nhưng sự thành bại lại phụ thuộc vào chủ thể xử lý - giáo
viên. Vì vậy, người giáo viên ngoài công tác giảng dạy ra thì việc ứng xử khéo
léo các tình huống sư phạm được xem như một phần quan trọng của “tài nghệ sư
phạm”. Giáo viên phải hiểu được tâm lý của học sinh để có những phương pháp,
biện pháp hay những lời khen, chê đúng mức, đúng lúc, đúng nơi. Giáo viên biết
chủ động đối mặt với những tình huống sư phạm, chính là cơ sở tạo nên uy tín
nhân cách của chính bản thân giáo viên đó. Nếu những giáo viên thiếu kinh
nghiệm và không có nghệ thuật xử lý các tình huống sư phạm thì sẽ mất đi sự tôn
trọng dành cho mình, đôi khi còn gây nên sự oán giận và chống đối của học sinh.
Do đó, việc chuẩn bị một
vài tình huống và cách ứng xử các tình huống nhằm làm cho mối quan hệ thầy – trò
ngày càng tốt đẹp và để khỏi phải bối rối khi có tình huống xảy ra với mình là
lý do tại sao tôi chọn đề tài này.
Tôi tập trung làm sáng tỏ bản chất của ứng xử trong giao tiếp giữa thầy
và trò trong quá trình dạy – học ở bộ môn Ngữ Văn bậc THCS, đồng thời cũng chỉ
ra một số khó khăn mà giáo viên thường gặp phải khi giải quyết các tình huống
sư phạm trong hoạt động ứng xử.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên
cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài chủ yếu tập trung nghiên
cứu chủ yếu đối tượng học sinh bậc THCS trong môn Ngữ Văn ở trường THCS
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Các giải pháp trong việc xử lý một số tình huống
sư phạm trong dạy – học môn Ngữ Văn bậc THCS
3.
Mục đích nghiên cứu
Đề tài nhằm đưa ra những giải pháp, những kinh
nghiệm trong việc ứng xử khéo léo một số tình huống sư phạm trong dạy – học môn
Ngữ Văn bậc THCS
4.
Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
- Phân loại tình huống.
- Quan sát, trò chuyện nhằm thu
thập các tình huống.
- Luyện tập kỹ năng, kỹ xảo ứng
xử.
- Phương pháp quan sát – điều tra
- Phương pháp thống kê
PHẦN
II: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Những vấn đề lý luận chung
về kỹ năng ứng xử tình huống sư phạm
Hoạt động ứng xử có được là nhờ ở sự xuất hiện những tình huống
trong hoạt động giáo dục. Ứng xử sư phạm là một dạng giao tiếp xã hội diễn ra
giữa hai nhóm xã hội: giáo viên và học sinh. Thầy và trò có thể hiểu biết thấu
đáo nhau hơn nhờ các thông tin phát ra trong quá trình ứng xử (trước, trong và
sau quá trình ứng xử). Những thông tin có trong ứng xử giúp cho giáo viên nhận
biết được tính cách, nhu cầu, sở thích năng lực chỗ mạnh, chỗ yếu của học sinh,
của những nhóm xã hội mà học sinh tham gia, đồng thời cũng tư nhận biết năng
lực và nghệ thuật sư phạm của bản thân mình. Về phía học sinh, cũng chính trong
quá trình ứng xử các em tiếp nhận được nhiều hơn hệ thống tri thức về cuộc
sống, cung cách đối nhân xử thế, hiểu rõ vị thế của mình trong tập thể quyền
lợi và trách nhiệm của bản thân trước cộng đồng, biết được tính cách của thầy
nhờ sự biểu đạt của thầy trong ứng xử. Không có giao tiếp thì hoạt động của
giáo viên và học sinh không thể diễn ra. Vì vậy, người giáo viên cũng phải có
năng lực giao tiếp sư phạm.
Phẩm chất sư phạm của người giáo viên: sự vững
vàng về hứng thú và nhu cầu giáo dục, sự phát triển hài hòa về trí tuệ đạo đức
và thẩm mỹ tay nghề sư phạm, những đặc điểm của lòng nhân ái đối với trẻ, các
phẩm chất tự hoàn thiện, mức độ biểu hiện các kiểu khí chất, tầm hiểu biết rộng
rãi về khoa học, nghệ thuật thẩm mỹ, năng lực sáng tạo trong công tác giáo dục,
khả năng điều tiết các quá trình xúc cảm, ý chí,..v.v... của bản thân.
Ngoài ra, trong thực tiễn hoạt động sư phạm,
người thầy giáo cần phải biểu hiện sự nhạy bén về mức độ sử dụng các động tác
sư phạm (như khuyến khích, trách phạt,..). Giáo viên phải nhanh chóng xác định
được vấn đề xảy ra và kịp thời áp dụng những biện pháp thích hợp để xử lý. Phát
hiện kịp thời và giải quyết khéo léo những vấn đề xảy ra bất ngờ, không nóng
vội và thô bạo. Biến cái bị động thành cái chủ động, giải quyết tốt những vấn
đề phức tạp đặt ra trong công tác dạy học và giáo dục. Người thầy giáo phải
biết quan tâm đến học sinh. “Trong nhà trường cần thiết phải có sự nghiêm khắc
và vui vẻ nhưng không nên biến tất cả mọi việc thành trò đùa. Mềm mỏng phải
nghiêm túc, danh dự cần có sự theo dõi, lòng nhân từ không được yếu đuối, sự
quy củ không được cầu kỳ. Điều cơ bản là hoạt động của lý trí phải thường xuyên”
(K.D.Usinxki đã từng khẳng định). Đó cũng chính là một trong những phẩm chất sư
phạm quý báu nhất của người giáo viên.
Tóm lại, muốn đạt hiệu quả khi giảng dạy, người
giáo viên không những phải chuẩn bị tốt giáo án mà còn phải nắm vững những thủ
thuật để sử dụng phương pháp dạy học một cách hợp lý và phải dự kiến trước thái
độ ứng xử đối với học sinh. Nghề dạy học đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa
tính khoa học và tính nghệ thuật, nghệ thuật của giáo viên dựa trên một lập
trường tư tưởng vững chắc, một tình yêu trẻ hết sức tế nhị và chân thành, một
trình độ hiểu biết sâu sắc về phương pháp. Người giáo viên có nghệ thuật là
người có khả năng đi vào nội tâm của học sinh, có sức lôi cuốn, cảm hóa, có khả
năng tổ chức giỏi, có sự khéo léo sư phạm, có óc tưởng tượng phong phú.
2. Thực trạng của tình huống
sư phạm xảy ra trong dạy – học môn Ngữ Văn bậc THCS
2.1. Những thuận lợi và khó
khăn
*Đối với việc dạy của giáo viên:
Đa số giáo viên Văn thật sự tâm huyết với nghề,
mong muốn đem lại cho học sinh những kiến thức, những bài thơ, áng văn mà mình
tâm đắc; thường xuyên học hỏi, trau dồi và đổi mới phương pháp dạy học Văn để
gợi mở, lôi cuốn, tạo hứng thú cho học sinh.
Bên cạnh đó có một số giáo viên vẫn còn thói quen
dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều: giáo viên giảng giải, học
sinh lắng nghe, ghi nhớ và biết nhắc lại đúng những điều mà giáo viên đã truyền
đạt. Giáo viên chủ động cung cấp kiến thức cho học sinh, áp đặt những kinh
nghiệm, hiểu biết, cách cảm, cách nghĩ của mình tới học sinh. Nhiều giáo viên
chưa chú trọng đến việc tiếp thu, vận dụng kiến thức của học sinh cũng như việc
chỉ ra cho học sinh hướng tích cực chủ động để thu nhận kiến thức. Do đó, có
những giờ dạy được giáo viên tiến hành như một giờ diễn thuyết (nói nhiều).
Điều này cũng do một phần vì giáo viên sợ “cháy” giáo án (giáo viên hỏi nhưng
học sinh không trả lời được hoặc học sinh vẫn phát biểu nhưng chưa ra vấn đề,
cho nên giáo viên làm thay). Và cũng có giáo viên đã xuất hiện tâm lí chán nản,
buông xuôi, không có động lực để trau dồi chuyên môn, tạo sức ỳ lớn trong tư
duy đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy.
*Đối với việc học của học sinh:
Những ưu
điểm:
- Vẫn còn học sinh thích học Văn, mê Văn – tuy số này không nhiều.
- Vẫn có học sinh giỏi Văn, vẫn có những bài viết hay của học sinh.
- Vẫn có học sinh tìm tòi, khám phá những cái hay, cái đẹp trong các tác
phẩm văn chương có giá trị,...
Những hạn chế:
- Hạn chế lớn nhất là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ
và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên đã giảng. Đa
phần học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học, lười suy
nghĩ. Chỉ biết suy nghĩ diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn,
lẽ ra phải làm chủ tri thức thì lại trở thành “nô lệ” của sách vở. Học sinh
chưa có hào hứng và chưa quen bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm của mình trước
tập thể, cho nên khi phải nói và viết, học sinh cảm thấy khá khó khăn.
- Học sinh hiện nay rất lười làm các bài tập. Cũng có em làm bài với tinh
thần đối phó bằng cách chép từ các sách “học tốt” nhưng khi hỏi thì không hiểu
gì. Vở ghi chép lung tung, có bài ghi chép luộm thuộm, cẩu thả, xong rồi để
đấy, không chú ý nghe giảng, thích cười đùa nói chuyện, làm việc riêng, ý thức
học tập chưa tốt. Mặc dù giáo viên đã có những biện pháp đối với những học sinh
nhưng rồi đâu cũng vào đấy.
- Nổi bật là tình trạng chán học Văn ở học sinh. Học sinh thiếu nhiều về
kiến thức Ngữ Văn, rất ít học sinh đọc sách để thấy được cái hay, cái đẹp của
văn chương, biết rung động trước những tác phẩm văn học hay. Do vậy khi làm
bài, học sinh thường suy luận chủ quan, thô tục hoá văn chương. Ngoài những lỗi
trên thì tình trạng học sinh làm bài sai kiến thức cơ bản vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Đó là tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, viết sai tên tác giả, tác phẩm,...
- Phụ huynh học sinh cũng không tha thiết với việc học Văn của con em,
cụ thể như sẵn sàng đầu tư vào các môn: Toán – Lý – Hóa – Anh, nhưng lại coi
thường môn Văn, không cho con thi học sinh giỏi Văn, ngay cả cho vào đội tuyển
học sinh giỏi cũng không muốn.
- Chương trình, nội dung dạy với nhiều bài không còn phù hợp với cuộc
sống hiện đại, xa lạ với học sinh, gây khó hiểu.
2.2. Những nguyên nhân dẫn tới
khó khăn hoặc thất bại trong ứng xử các tình huống sư phạm
* Về phía giáo viên:
Sự
thiếu kinh nghiệm giáo dục. Người ứng xử tốt phải là người có
bản lĩnh tự tin trên cơ sở vốn sống kinh nghiệm phong phú và nghệ thuật giáo
dục. Vì thế một trong những nguyên nhân dẫn tới khó khăn khi ứng xử là sự thiếu
vốn sống và kinh nghiệm giáo dục. Do ít kinh nghiệm nên không ít giáo viên khi
xử lý tình huống thường đặt đối tượng vào vị trí của mình, đòi hỏi quá nhiều
hoặc chỉ nhượng bộ cho êm ả. Những giáo viên thiếu kinh nghiệm ứng xử thường
chủ yếu là lúng túng trước mỗi tình huống bất chợt chưa quen biết, chưa tìm ra
được lối thoát trong cách cư xử thỏa mãn nhu cầu của học sinh.
Tính định kiến của người giáo viên. Định kiến đi kèm với nó là sự
bảo thủ trong khi nhìn nhận nhân cách của học sinh. Dưới cách nhìn định kiến,
hầu như mọi hành vi của những học sinh kém đều bị quy tụ về chiều hướng tiêu
cực, còn những học sinh ngoan thì ngược lại. Cách nhìn thiếu trọn vẹn, cứng
nhắc này thường dẫn tới sự bất ổn trong ứng xử với học sinh. Từ định kiến trong
suy nghĩ dẫn tới định kiến trong cách xử sự, các tình huống không được giáo
viên xem xét kỹ càng. Định kiến không bao giờ mang lại hiệu quả trong ứng xử sư
phạm, nó luôn tạo ra sự quay lưng lại của học sinh đối với các tác động giáo
dục. Ứng xử sư phạm đòi hỏi người giáo viên cần có chủ kiến chứ không phải là
định kiến.
Sự
lạm dụng uy quyền của chủ thể ứng xử. Vấn đề sử
dụng uy quyền của mình do nghề nghiệp đem lại một cách thái quá. Trong ứng xử
sư phạm, uy quyền của giáo viên là cơ sở vững chắc tạo cho họ có được vị trí
chủ đạo. Uy quyền của giáo viên do nhiều yếu tố tạo nên như quy định, nề nếp
học đường, truyền thống đạo đức xã hội,.. nhưng điều chủ yếu lại chính do mối
quan hệ thầy trò và nhân cách của giáo viên. Do đó, một sự thái quá, bất chấp
những đặc điểm tâm lý của đối tượng ứng xử, không nhận ra hoặc lãng quên những
gì mình có thể tạo nên uy quyền sẽ dẫn tới nguy cơ thất bại trong ứng xử. Lạm
dụng uy quyền của người giáo viên trong ứng xử sư phạm dẫn tới những biểu hiện
trong hành vi thiếu chuẩn mực ứng xử của họ đối với học sinh như quát nạt, sừng
sộ, thậm chí có những hành động xúc phạm nhân phẩm của học sinh; không kiềm chế
được tình cảm, xúc cảm của mình trước những đột biến do đối tượng gây ra, đôi
khi kéo theo sự hỗn láo tiêu cực đáng ra không thể có ở học sinh, làm cho tình
huống ứng xử thêm gay cấn.
*Về phía
học sinh:
Tính
mặc cảm của học sinh. Sống trong tập thể, chúng ta có thể
phân biệt được trong đó có những học sinh có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt
song đồng thời luôn tồn tại một bộ phận học sinh chậm tiến. Biểu hiện trong mỗi
ứng xử của những bộ phận học sinh này là khác nhau. Ở bộ phận những học sinh
chậm tiến, trước một tình huống do các em gây ra, thái độ và hành vi ứng xử của
các em thường mang tính thụ động. Trong suy nghĩ của số học sinh này luôn có sự
mặc cảm với chính mình rằng đúng hay sai thì phần thua thiệt vẫn là mình để từ
đó dẫn tới phản ứng của các em bằng việc im lặng hoặc cố gắng lẩn tránh trước
câu hỏi của giáo viên, cần mau chóng thoát được sự truy cứu trách nhiệm của
giáo viên hoặc sự chú ý của tập thể, thậm chí có những học sinh hỗn láo, biểu
hiện những hành vi vô giáo dục với thầy cô và tập thể, vì các em cho rằng đằng
nào thì cũng bị phê bình, rằng muốn đi tới đâu cũng được.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/
Sự
yếu kém của tập thể lớp. Nguyên nhân tạo nên khó khăn trong
ứng xử là sự thiếu đồng cảm của tập thể đối với cách xử lý của giáo viên và
điều đó cũng có nghĩa là giáo viên thiếu một chỗ dựa cho toàn bộ quá trình ứng
xử. Tập thể được coi là chỗ dựa về dư luận và sức mạnh giáo dục. Nếu một tập
thể yếu cũng có nghĩa là mất đi khả năng chế ngự những hiện tượng tiêu cực của
học sinh. Một tập thể yếu luôn tồn tại trong nó những cán bộ lớp non kém, ít có
sự đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, luôn tìm cách bao che khuyết điểm
cho nhau, do đó uy tín của tập thể không được coi trọng.
3. Các giải pháp xử lý một số tình
huống sư phạm trong dạy – học môn Ngữ Văn bậc THCS ở trường THCS & THPT Hà
Trung
Trong
phạm vi đề tài này, bản thân tôi tìm hiểu và phân ra 05 loại tình huống thường
gặp và cách giải quyết các loại tình huống sư phạm như sau:
Loại 1: Giải đáp những câu hỏi khó, bất ngờ
trong dạy học Ngữ Văn THCS (khi giảng dạy trên lớp).
Tình huống 1: Giáo viên đang giảng bài “Bạn đến
chơi nhà” (Nguyễn Khuyến) thì học sinh thắc mắc : “Có người nghĩ Nguyễn Khuyến
kể ra những thứ như gà, bầu, bí,...cho vui thôi, chứ thực ra nhà ông không có
gì. Có người lại cho rằng nhà Nguyễn Khuyến có những thứ ấy nhưng chưa đến vụ
thu hoạch. Em nên hiểu theo cách nào?”. Nếu bạn là người thầy đó, bạn sẽ xử lí
thế nào?
Qua việc phân tích bài thơ, ta thấy cả hai cách
hiểu trên đều đúng. Rõ ràng Nguyễn Khuyến không quá nghèo đến mức không có cả
miếng trầu tiếp khách mà cũng không phải có tất cả những thứ ấy mà chưa đến mùa
thu hoạch. Nhà thơ mượn cách nói ấy để làm vui cho người bạn và cũng để muốn
nhấn mạnh cái tình của mình với bạn mà thôi. Và bài thơ cũng phản ánh một sự
thật, đó là cuộc sống thanh bần, đạm bạc của một vị quan lớn quyết từ quan về
vui với cuộc sống ruộng vườn, thôn dã.
Tình huống 2: Học hết bài “Sống chết mặc bay”
(Phạm Duy Tốn), học sinh thắc mắc: Vì sao nhà văn đặt tên truyện “Sống chết mặc
bay” mà không lấy cả câu tục ngữ “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”? Nếu bạn
là người thầy đó, bạn sẽ xử lí thế nào?
Các em đọc truyện, chắc đã rõ, tác giả muốn phê
phán thái độ vô trách nhiệm của ai rồi ? Nếu dùng cả câu thì hóa ra lại phê
phán các thầy (giáo viên) à ?
* Cách giải quyết chung của
loại tình huống này:
Có thể tôi sẽ gọi vài em học sinh giỏi trong lớp
trả lời câu hỏi và nếu thấy đã tìm ra câu trả lời chính xác thì tôi sẽ bổ sung
ý của tôi vào để có câu trả lời hoàn chỉnh, chính xác và lôgich, có sức thuyết
phục. Còn nếu không có học sinh nào trả lời được và bản thân tôi cũng cảm thấy
chưa trả lời được chính xác thì tôi sẽ nói: “Câu hỏi này thật hay, thầy chưa
muốn giải đáp ngay bây giờ, mà các em hãy coi như đây là một bài tập về nhà và
hãy tìm hiểu để tìm ra câu trả lời. Em nào có câu trả lời đúng và hay nhất thầy
sẽ ghi điểm tốt”.
Mặc dù không trả lời được câu hỏi nhưng tôi cũng
sẽ không thể hiện để các em biết mình không trả lời được câu hỏi của học sinh
mà chỉ nói với các em “xem đây như là bài tập”, nếu các em biết được giáo viên
không trả lời được câu hỏi của mình thì sẽ gây cho các em cảm giác hụt hẫng, và
dần dần sẽ làm cho các em mất lòng tin, điều đó dẫn đến sự khó khăn trong quá
trình giáo dục của giáo viên. Do đó, để tạo hứng thú cho học trò, người thầy
phải đánh thức, khơi dậy được tinh thần cảm thụ văn học. Và một trong các cách
là luôn khuyến khích học sinh tiếp tục “thắc mắc” những vấn đề có liên quan đến
bài học.
Loại 2: Giáo viên giải sai bài
tập.
Tình huống : Khi giáo viên giải sai một bài tập. Nếu
có một học sinh phát hiện ra thì sao?
* Cách giải quyết chung của loại
tình huống này:
Một số người cho rằng nếu gặp tình huống này giáo
viên chỉ cần lên bảng sửa lại đáp số bài tập và kèm theo một câu xin lỗi học
sinh là được. Nhưng như
thế có lẽ sẽ không thuyết phục học sinh cho lắm, vì các em
sẽ nghĩ “thầy còn sai nữa là!” và sẽ nảy sinh hiện tượng học sinh không “tâm
phục khẩu phục” đối với giáo viên. Vì vậy giáo viên cần phải biết linh hoạt và
nhanh chóng biến tình huống này thành cái chủ động cho mình, sau đó là giải
thích cho học sinh hiểu tại sao lại giải sai như thế. Tôi sẽ ứng xử như sau :
“À, đúng rồi, bài tập này, thầy cố ý làm sai nhưng mà chỉ có bạn A phát hiện
ra, thầy làm như vậy để xem các em có nắm vững lý thuyết khi làm tập không.
Thầy khen bạn A đã phát hiện nhanh, như vậy bạn A đã nắm vững bài học, thế là
rất tốt, thầy đề nghị cả lớp cho một tràng vỗ tay để biểu dương bạn A. Các em
khác khi làm bài nhớ cẩn thận (suy nghĩ thêm) chứ không phải chỉ chép theo thầy
cô nhé !”. Đây là nghệ thuật “biến bại thành thắng” khéo léo, nhẹ nhàng mà hiệu
quả.
Loại 3: Một số học sinh không thích học Văn, không thích giáo viên dạy
Văn
Tình huống 1 : Dạy thay đồng nghiệp bị ốm.
Một lần do đồng nghiệp của bạn bị ốm phải nghỉ
dạy, bạn được phân công dạy thay. Sau khi kết thúc bài giảng, bạn hỏi các em:
“Thầy dạy thế, các em có hiểu bài không?”. Các em trả lời: “Thầy dạy hay lắm ạ.
Cô A dạy chúng em chẳng hiểu gì cả. Hay là thầy dạy luôn lớp em đi ạ”. Vào tình
huống này, bạn chọn cách xử lý nào trong 3 cách sau:
a. Mỉm cười, im lặng không nói gì.
b. Phê bình các em, tỏ thái độ không thích khi các em nói “xấu” cô giáo
A.
c. Giải thích cho các em hiểu mỗi người có một phương pháp dạy riêng,
không nên phê phán cô A dạy không hay.
Đây
là một tình huống rất thường gặp và khó xử đối với giáo viên. Giả sử đó là một
lời khen thật lòng và nhận xét đúng đi nữa bạn cũng không nên mỉm cười mà không
nói gì. Vì như vậy rất dễ khiến các em hiểu rằng bạn đồng tình với phê phán đó của các em thì thật là tệ hại, và mối quan
hệ tốt đẹp giữa bạn và người đồng nghiệp đó rất có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Vậy chọn cách xử lý c là tối ưu. Trước hết, bạn nên mỉm cười cảm ơn các em đã chú ý
lắng nghe bài giảng và dành tình cảm cho thầy. Điều đó làm thầy rất hài lòng.
Sau đó bạn nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu mỗi thầy cô giáo đều có một
phương pháp dạy riêng nhưng đều có chung một mục đích là giúp các em hiểu bài,
nắm vững được kiến thức. Chính vì vậy các em không nên so sánh để rồi khen
người này, chê bai người kia. Bạn có thể nói: “Các em ạ, các em rất may mắn là
đã được học cô A. Có thể là các em chưa quen với phương pháp dạy học của cô nên
các em cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng. Cách tốt nhất là các em
nên trao đổi thẳng thắn với cô để cô trò có thể hiểu nhau. Và theo thầy các em
nên chăm chú nghe cô giảng và có thể điều chỉnh cách học của mình để làm sao
đạt được kết quả cao nhất”.
Với những lời lẽ thấu tình, đạt lý ấy, chắc chắn
bạn sẽ được các em yêu quý, tôn trọng không chỉ vì bạn dạy hay mà chủ yếu là vì
sự tôn trọng học sinh và đồng nghiệp của bạn.
Tình huống 2: Khi học sinh xé bài kiểm tra. Trả bài
kiểm tra một tiết cho học sinh xong, bạn quay lên bục giảng thì bỗng có một em
học sinh xé giấy bài kiểm tra. Khi được hỏi tại sao em xé bài, thì em trả lời:
“Bài của em thì em xé”. Trước sự việc đó, bạn phải giải quyết ra sao?
a. Bạn không nói gì, quay trở lại bục giảng để bắt đầu bài của mình
b. Bắt em đó đứng dậy, phê bình em gay gắt trước lớp và ghi vào sổ đầu
bài vì ý thức thiếu tôn trọng giáo viên.
c. Bạn tạm thời “bỏ qua” và nhanh chóng bắt đầu bài giảng của mình. Sau
đó cuối giờ bạn gọi em học sinh đó lại để hỏi han, tâm sự và giải thích cho em
hiểu sự đúng sai trong hành động của mình.
d. Bạn dành ra một vài phút xuống chỗ em đó và nhẹ nhàng nhắc nhở em, để
em đó nhận ra khuyết điểm của mình và động viên em lần sau cố gắng.
Trong quá trình giảng
dạy, bạn không hiếm trường hợp phải đối mặt với những học sinh có thành tích
học tập kém, lại ngang ngạnh và nhiều khi tỏ ra coi thường kỉ luật, thiếu tôn
trọng giáo viên. Nếu bạn không thực sự nghiêm khắc thì có những lúc rất dễ bị
học sinh coi thường và tiếp tục có những hành động không đúng mực.
Chắc chắn là các thầy cô giáo ai cũng sẽ cảm thấy
không vui và tức giận trước hành động này của học sinh. Chính vì vậy bạn không
thể bỏ qua một cách dễ dàng (như ở gợi ý a), vì rất dễ khiến học sinh coi
thường bạn. Các em học sinh khác trong lớp sẽ nghĩ gì đây khi chứng kiến hành
động hơi vô lễ đó mà giáo viên lại “không dám làm gì”.
Thái độ nghiêm khắc lúc này là hết sức cần thiết.
Bạn có thể phê bình em đó gay gắt ngay trước lớp, nhưng để giữ “hòa khí’, bạn
nên tìm cách nhẹ nhàng khuyên bảo em. Bạn không nên đợi sau buổi học để nói
riêng với em đó vì những hành động như thế cần được rút kinh nghiệm ngay để các
em khác không lặp lại.
Bạn nên dành một vài phút xuống chỗ em học sinh đó để phân tích về hành
động vừa rồi của em. Bạn có thể nói: “Thầy biết em buồn vì điểm kém, nên “bài
của em thì em xé”. Nhưng dù sao đó cũng là bài thầy đã cẩn thận đánh giá, nhận
xét và chỉ ra cái sai cho em để lần sau em cố gắng hơn. Thế mà không ngờ công
sức của hai thầy trò lại bị em xé toạc thành những mảnh giấy vụn. Nếu đặt
trường hợp em sau này sẽ là một giáo viên, có một học sinh làm việc đó ngay
trước mặt em thì em nghĩ sao? Nhưng thôi, dù sao em cũng đã trót làm, lần đầu
thầy có thể thông cảm. Thầy mong rằng em hiểu những điều thầy nói và cố gắng
hơn trong những bài làm sau. Thầy tin là em làm được”. Đồng thời bạn cũng nên
khéo léo nhắc nhở các em trong lớp rút kinh nghiệm để lần sau không có những
phản ứng nóng nảy như thế.
* Cách giải quyết chung loại
tình huống này:
Nếu học sinh đã có ý không thích học Văn, không
thích giáo viên dạy Văn, thì với tôi phải xem xét lại bản thân mình và tự hỏi:
Tại sao học sinh lại không thích học Văn, không thích luôn cả giáo viên dạy Văn
? Có thể vì tôi làm một việc gì đó mà học sinh không thích, hay có thể tôi đã
sai hứa với học sinh, từ đó làm cho học sinh có ấn tượng không tốt với mình,
với môn học,..Nếu vậy tôi sẽ nhận lỗi và sẽ sửa chữa những sai sót của mình. Và
kể thêm một số câu chuyện về ý nghĩa của việc học Văn, giá trị của văn chương trong
cuộc sống (gợi nhắc học sinh nhớ bài “Ý nghĩa văn chương” của Hoài Thanh,
“Tiếng nói của văn nghệ” của Nguyễn Đình Thi,...), đọc bài thơ “Nếu ngày mai em
không làm thơ nữa” của Xuân Quỳnh để thu hút và đưa các em về “đội Văn của
mình”,...
Nếu thấy mình không có gì để học sinh phải ghét
hay xem thường thì nhân dịp nào đó tôi sẽ trao đổi, tâm tình và tỏ ra thân
thiện với học sinh và nó sẽ có những tác động tâm lý đến học sinh. Lại đọc thơ,
kể thêm chuyện Văn để cảm hóa học sinh.
Học sinh ở lứa tuổi này rất bướng, cho nên giáo
viên phải thực sự hiểu rõ về tâm lý các em thì các em sẽ quên đi dấu ấn không
tốt về người thầy của mình, vì các em khó kìm hãm và khó làm chủ tình cảm của
mình nên có thể sự “ghét Văn và ghét người dạy Văn” đó chỉ là bộc phát. Bởi vậy,
tôi sẽ duy trì sự tiếp xúc, luôn gần gũi học sinh để các em hiểu mình hơn, đồng
thời tôi cũng sẽ tìm ra lý do tại sao em đó lại có thái độ như vậy.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/
Giáo viên khi gặp tình huống này trước hết phải
biết đặt vị trí của mình vào vị trí học sinh xem thử học sinh đang nghĩ gì để
có cách xử lý tốt nhất.
Tất nhiên kết quả của sự tác động phụ thuộc vào
thái độ tình cảm của người giáo viên. Giáo viên không nên có những lời lẽ phê
phán một cách nặng nề bởi điều đó sẽ mang lại kết quả không tốt và lâu dần sẽ
tích luỹ trong học sinh sự phản kháng, điều đó sẽ bất lợi đối với giáo viên
trong việc giáo dục và dạy học.
Nếu mọi cố gắng của tôi đều không đạt kết quả thì
còn một cách duy nhất là kiên trì theo dõi, gần gũi với học sinh. Tôi vẫn miệt
mài với những câu chuyện Văn để cảm hóa và lay chuyển thái độ, ý thức của học
sinh. Vì Văn thơ nói hộ ta rất nhiều điều ! Nếu có thể, giáo viên đọc thơ văn
do mình sáng tác thì càng có ý nghĩa hơn.
Loại 5: Khi học sinh mắc lỗi.
Tình huống 1: Trong một lần trả bài kiểm tra lớp 9
của thầy dạy Văn, có một học sinh đứng lên thắc mắc với thầy về kết quả điểm
thầy chấm với lý do: “Bài của em làm giống hệt bài của bạn An, sao bạn ấy lại
được điểm 8 mà em chỉ được có 5?”. Đặt vào tình huống đó, bạn xử lý ra sao?
a. Trả lời qua loa và vào bài giảng mới ngay.
b. Yêu cầu học sinh đó xem lại bài và không được thắc mắc vì thầy đã
chấm rất kỹ không có chuyện nhầm lẫn.
c. Yêu cầu em đó ngồi xuống bình tĩnh xem lại bài của mình. Sau đó bạn
có thể thu lại hai bài làm đó để xem xét cho kỹ. Nếu thực sự đã có sai sót, bạn
thành thật xin lỗi trước các em và hứa chấm lại bài cho em đó. Nếu sau khi kiểm
tra thấy mình đã làm đúng thì nên giải thích cặn kẽ cho em đó hiểu về kết quả
của mình.
Tình huống 2:
Hai bài làm sai giống nhau từng chữ
Trong khi chấm bài kiểm tra viết cho học sinh,
bạn phát hiện có hai bài giải sai giống nhau từng chữ. Bạn chọn cách xử lý nào
trong ba cách sau?
a. Nêu tên hai em đó, phê bình trước lớp và cho cả hai điểm một để làm
gương cho các em khác.
b. Nêu hiện tượng này trước lớp, yêu cầu hai em đó tự giác đứng lên nhận
lỗi (bạn không thể nêu tên cụ thể hai em học sinh đó). Sau đó bạn phê bình các
em và cho cả lớp nghe một giáo dục đạo đức về tính không trung thực.
c. Trả bài bình thường và nêu chung chung rằng có hiện tượng chép bài
của nhau trong lớp. Bạn không nêu tên hai em, nhưng sau đó sẽ gặp riêng hai em
để tìm hiểu nguyên nhân và nhắc nhở.
Trong
các tình huống trên thì cách xử lý "c" là hợp lý nhất.
Tình huống 3: Học sinh không không chuẩn bị bài mới.
Hiện nay, ở các môn học, giáo viên đều bắt buộc
các em phải soạn bài trước khi lên lớp học. Đó là trả lời các câu hỏi ở mỗi bài
học trong sách giáo khoa. Muốn trả lời được tất cả các câu hỏi ấy, các em phải
đọc kỹ, tìm hiểu bài học nhiều lần nên tốn thời gian rất nhiều.
Ở bậc THCS, ít nhất các em phải học từ 3 - 5 môn
nên phải soạn bài cho chừng ấy môn học vì vậy, các em phải mất cả buổi. Trong
khi, không phải em nào cũng hiểu, trả lời được câu hỏi, nên rất khó cho các em.
Dẫn đến một hệ quả xấu, các em lấy sách giải ra chép lại câu trả lời, cuối cùng
đưa đến một hệ luỵ là các em có soạn bài đầy đủ, tốn thời gian, giấy mực nhưng
thật ra không hiểu gì cả.
Vì vậy, các em không có thời gian để học bài, làm
bài tập trước khi lên lớp, dẫn đến các em không hiểu bài. Vòng luẩn quẩn, cứ
thế tiếp tục khiến các em lại hụt hổng kiến thức ở những bài học tiếp theo,
nhất là các em có học lực trung bình và yếu, và cuối cùng dẫn đến kiến thức môn
học ở các em không chắc, chất lượng và kết quả dạy và học không như mong muốn.
Theo tôi, không nên bắt buộc các em phải soạn hết
câu hỏi ở bài học mới và cũng không nhất thiết môn học nào cũng soạn bài trước,
mà yêu cầu cấp thiết đối với các em là phải học bài và làm bài cũ cho thật tốt.
Còn bài mới, nếu em nào có thời gian thì tìm hiểu trước, còn không thì để lên
lớp thầy và trò cùng khám phá, có như thế các em mới ham học và thấy việc học
nhẹ nhàng, không căng thẳng…
Trước mặt học trò, giáo viên thường phải ứng xử
đúng mực, khuôn phép, không thái quá. Vì thế, sự kiềm chế cảm xúc, đặc biệt là
những cơn nóng giận là vô cùng cần thiết. Mỗi tình huống sư phạm có thể có
nhiều cách xử lí khác nhau để đem lại hiệu quả giáo dục tích cực. Nhưng theo
tôi, mỗi thầy cô giáo khi quyết định cách xử lí các tình huống sư phạm nên đặt
tình yêu thương, tôn trọng, công bằng với học sinh.
4. Kết quả đạt được của SKKN:
Trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên
thường gặp không ít những tình huống sư phạm đòi hỏi phải xử lý một cách nhanh
trí, linh hoạt, biết vận dụng kiến thức tâm lý - giáo dục và phù hợp với từng
đối tượng học sinh, từng hoàn cảnh cụ thể để đạt đến hiệu quả cao nhất. Trong
chuyện ứng xử với học trò, kinh nghiệm người này không thể truyền cho người
khác, thậm chí, ở cùng một giáo viên cũng không thể nhất nhất sử dụng một
phương pháp này hay giải pháp kia. Mỗi tình huống thực sự là một thử thách để
người giáo viên tự trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp của mình.
Qua việc thực hiện những biện pháp ứng xử các
tình huống sư phạm trong dạy học môn Ngữ Văn bậc THCS ở trường THCS & THPT
Hà Trung, tôi nhận thấy học sinh ngày càng gần gũi, thân ái mà nghiêm túc hơn
trong quan hệ thầy – trò. Các em hăng hái phát biểu thắc mắc, có ý kiến cá
nhân, nêu những điều các em nghĩ chứ không bị áp đặt. Bước đầu các em đã thấy
hứng thú trong giờ học. Do đó, không còn những giờ Văn giáo viên phải “độc
thoại” hay một mình “múa gươm trên sa mạc” nữa, mà thay vào đó là những cuộc
đối thoại “ăn ý” giữa người dạy và người học.
Số liệu thống kê
các lớp tôi đảm nhiệm: học kì I (năm học 2014 – 2015)
+ Học lực môn Ngữ Văn :
Lớp |
TS HS |
Giỏi |
Khá |
T.Bình |
Yếu |
Kém |
|||||
TS |
% |
TS |
% |
TS |
% |
TS |
% |
TS |
% |
||
8/2 |
30 |
02 |
6,66 |
13 |
43,33 |
11 |
36,66 |
04 |
13,33 |
00 |
00 |
8/3 |
30 |
02 |
6,66 |
10 |
33,33 |
12 |
40,00 |
06 |
20,00 |
00 |
00 |
9/1 |
35 |
11 |
31,42 |
14 |
40,00 |
10 |
28,57 |
00 |
00 |
00 |
00 |
9/4 |
36 |
00 |
00 |
06 |
16,66 |
21 |
58,33 |
09 |
25,00 |
00 |
00 |
+ Bảng khảo sát thái độ học của học sinh đối với
môn Ngữ Văn:
Lớp |
TSHS |
Thích học |
Không
thích học |
Ghi chú |
||
TS |
% |
TS |
% |
Kết quả khảo sát cuối HK 1 |
||
8/2 |
30 |
20 |
66,66 |
10 |
33,33 |
|
8/3 |
30 |
17 |
56,66 |
13 |
43,33 |
|
9/1 |
35 |
33 |
94,28 |
2 |
5,71 |
|
9/4 |
36 |
20 |
55,55 |
16 |
44,44 |
Đặc biệt, trong năm học 2014 – 2015, lớp 9/1 có
04 em học sinh được chọn đi thi Học sinh Giỏi Văn cấp Tỉnh.
PHẦN III: KẾT
LUẬN
Muốn cho các tác động sư phạm của mình có ý nghĩa
đến sự hình thành nhân cách của học sinh thì cần phải có năng lực “cảm hóa”,
đưa các em “về đội của mình”. Học sinh rất tôn trọng những giáo viên có “giao
kèo” cao nhưng không bao giờ tỏ ra cưỡng bức và đe dọa thô bạo học sinh. Tất
nhiên học sinh cũng không tán thành tính nhu nhược, sự khoan dung vô nguyên
tắc, sự cả tin một cách ngây thơ, sự uể oải, sự thiếu kiên quyết của người thầy
giáo.
Do đó, người thầy giáo phấn đấu và tu dưỡng để có
một nếp sống văn hóa cao, một phong cách mẫu mực nhằm tạo ra một uy tín chân
chính và thực sự, biểu hiện từ cử chỉ, lời nói đến tinh thần lao động hăng say,
sáng tạo, lý tưởng nghề nghiệp cao đẹp. Xây dựng mối quan hệ giáo viên với học
sinh: vừa nghiêm túc, vừa thân mật, có thái độ yêu thương và tin tưởng học
sinh, biết phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh,...có tư thế,
tác phong gương mẫu trước học sinh: ăn nói lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng, cử chỉ
đẹp, giọng điệu đàng hoàng.
Tóm lại, ứng xử khéo léo với học sinh là cả một
nghệ thuật, người giáo viên phải hiểu được tâm lý và hoàn cảnh của học sinh.
Không những thế, giáo viên phải linh hoạt với mỗi tình huống xảy ra và cách ứng
xử phải mang tính khoa học, tính thuyết phục và tính giáo dục cao. Và dù có
phải gặp tình huống nào đi nữa thì điều đầu tiên được đặt ra với người giáo
viên là phải có lòng yêu nghề, mến trẻ và sự khéo léo, đồng thời phải biết bình
tĩnh suy xét mọi sự việc để tìm ra hướng giải quyết hợp lý, hợp tình. Bên cạnh
đó, người giáo viên cũng cần tránh những áp đặt, tránh những lời lẽ hay hành
động nặng nề, tránh nóng vội để xảy ra những sai lầm không đáng có khi xử lý
tình huống sư phạm.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/