Skkn một số phương pháp dạy từ vựng môn tiếng anh tiểu học

 



Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ

     1. Lí do chọn đề tài

     Hiện nay, tiếng Anh được sử dụng ở hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống và nó được coi là ngôn ngữ quốc tế số một trên thế giới. Nó được coi là “chìa khóa vàng” cho sự hợp tác và cùng phát triển giữa các quốc gia trên thế giới với nhau. Vì thế, việc học và sử dụng tiếng Anh ngày càng tăng. Ở Việt Nam, tiếng Anh ngày càng chiếm vị trí quan trọng và đang là môn ngoại ngữ được sử dụng phổ biến nhất. Ngày 30/9/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1400/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” (gọi tắt là đề án ngoại ngữ 2020). Mục tiêu chung của đề án là “Thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục nhằm đảm bảo đến năm 2020 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực…..”. Có thể thấy rằng, để Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu, để con người Việt Nam có thể vươn lên tầm cao trí tuệ thế giới, thì Tiếng Anh đóng một vai trò quyết định.

      Trong quá trình học ngoại ngữ, từ vựng có thể xem là phần quan trọng nhất vì nó là phương tiện dùng để diễn đạt ý tưởng đồng thời đó cũng là cầu nối giữa các kĩ năng nghe, nói, đọc và viết. Tuy nhiên, việc dạy từ vựng cho trẻ đang ở ngưỡng bắt đầu học ngoại ngữ đòi hỏi sự đầu tư ở mỗi bài học. Dạy tiếng Anh nói chung và dạy từ vựng nói riêng cho trẻ đòi hỏi ở người giáo viên không chỉ khả năng ngôn ngữ mà còn là khả năng khuyến khích, khơi dậy được sự hứng thú, say mê của học sinh. Để làm được điều đó, giáo viên buộc phải tạo ra sự đa dạng trong các hoạt động trong giờ học. Đó là lí do tại sao giáo viên cần lựa chọn và phối hợp các phương pháp và kỹ thuật dạy từ vựng một cách linh hoạt và uyển chuyển để duy trì khả năng tập trung ở học sinh tiểu học. Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy tại trường Tiểu học, tôi nhận thấy việc giảng dạy từ vựng chưa mang lại hiệu quả cao trong giờ học Tiếng Anh. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng trên?

     Qua những tìm hiểu về tâm lý học lứa tuổi và giáo học pháp đối với học sinh bậc tiểu học, tôi nhận ra rằng một phần nguyên nhân ở việc giáo viên vẫn còn chưa nắm vững được nội dung và đặc điểm của các phương pháp dạy từ vựng, từ đó dẫn đến việc chưa thực sự thuần thục khi sử dụng chúng trong các bài học cụ thể. Hơn nữa, một đặc điểm dễ nhận thấy của học sinh tiểu học đó là nhút nhát, thụ động và thiếu sự tích cực trong giờ học. Vậy nên để học sinh yêu thích, say mê với môn học và thay đổi được thực trạng trên, tôi đã mạnh dạn đi đến quyêt định lựa chọn đề tài nghiên cứu “Một số phương pháp dạy từ vựng môn Tiếng Anh Tiểu học” khi học sinh đang được lần đầu tiếp cận với bộ giáo trình mới, tiên tiến theo hướng giao tiếp (communicative approach).

     2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài.

     a. Tìm hiểu tác động của việc học từ vựng đến tác kĩ năng Tiếng Anh.

     b. Tìm hiểu các phương pháp giảng dạy từ vựng tích cực nhằm nâng cao các kĩ năng Tiếng Anh cho học sinh Tiểu học một cách hiệu quả.

     c. Tìm hiểu thực trạng các việc giảng dạy từ vựng trong nhà trường cho học sinh Tiểu học. Từ đó, đưa ra các biện pháp tích cực lồng ghép với các phương pháp dạy học truyền thống nhằm khuyến khích khả năng học môn Tiếng Anh ở học sinh tiểu học nói chung.

     3. Phạm vi nghiên cứu.

     Các phương pháp giảng dạy từ vựng Tiếng Anh hiệu quả phù hợp với lứa tuổi học sinh ở bậc Tiểu học.

     4. Phương pháp nghiên cứu.

     Quan sát thực tế, thống kê, thực nghiệm sư phạm.

PHẦN II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

     1. Cơ sở lí luận.

     Trong việc dạy và học tiếng Anh, từ vựng là một trong ba thành tố tạo thành hệ thống kiến thức ngôn ngữ và đóng vai trò là phương tiện, điều kiện hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp. Trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, vai trò của từ vựng cũng hết sức quan trọng. Có thể thấy một ngôn ngữ là một tập hợp của các từ vựng. Không thể hiểu ngôn ngữ mà không hiểu biết từ vựng, hoặc qua các đơn vị từ vựng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ hiểu các đơn vị từ vựng riêng lẻ, độc lập với nhau mà chỉ có thể nắm vững được ngôn ngữ thông qua mối quan hệ biện chứng giữa các đơn vị từ vựng. Như vậy việc học từ vựng và rèn luyện kĩ năng sử dụng từ vựng là yếu tố hàng đầu trong việc truyền thụ và tiếp thu một ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Vì từ vựng là một đơn vị ngôn ngữ nên nó được thể hiện dưới hai hình thức: Lời nói và chữ viết. Muốn sử dụng được ngôn ngữ đó, tức là phải nắm vững hình thức biểu đạt của từ bằng lời nói và chữ viết. Song do có mối liên quan của từ vựng với các yếu tố khác trong ngôn ngữ (ngữ pháp, ngữ âm, ngữ điệu ...) hoặc trong tình huống giao tiếp. Nếu không có một vốn từ vựng cần thiết thì người học không thể sử dụng các cấu trúc câu và các chức năng ngôn ngữ trong giao tiếp. Tuy nhiên, các quan điểm dạy và học từ vựng trong tiếng Anh không ngừng biến đổi dẫn đến các phương pháp dạy và học từ vựng cũng đã có nhiều đổi thay. Do đó, việc lựa chọn phương pháp dạy hoc như thế nào để phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh, bồi dưỡng năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên cho học sinh là điều mà tất cả giáo viên dạy Tiếng Anh quan tâm.

     Hiện nay trong nhà trường tiểu học việc dạy và học tiếng Anh đang diễn ra cùng với sự đổi mới phương pháp giáo dục, nhằm làm phù hợp với nhận thức của học sinh, giúp cho học sinh được tiếp cận với các nội dung, kiến thức hiện đại. Vốn từ vựng tiếng Anh trong chương trình học cũng được sử dụng phù hợp với sự phát triển chung của xã hội và đặc điểm tâm lí của học sinh. Do học sinh tiểu học đang hình thành và phát triển năng lực nhận thức trên cơ sở tư duy cụ thể nên việc dạy từ vựng cần bắt nguồn từ hệ thống chủ điểm, chủ đề thú vị, gần gũi với trải nghiệm của các em để quá trình học tập diễn ra tự nhiên. Ở độ tuổi này học sinh vận dụng từ vựng tốt nhất khi được tham gia tích cực vào các hoạt động giao tiếp thông qua các tình huống cụ thể, các chủ đề quen thuộc. Điều này đòi hỏi mỗi giáo viên phải vận dụng, linh hoạt, mềm dẻo các phương pháp và kỹ thuật dạy từ nhằm đáp ứng nhu cầu và điều kiện dạy học khác nhau ở các địa phương. Hơn nữa việc cung cấp vốn từ cho học sinh phải đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học, tính tích hợp giữa các chủ đề, chủ điểm. Làm thế nào để cung cấp cho học sinh vốn từ vựng phong phú và qua đó giúp các em hình thành và phát triển năng lực sử dụng Tiếng Anh như một công cụ giao tiếp? Đó là câu hỏi lớn cần được giải đáp để nâng cao chất lượng học từ của vựng của học sinh Tiểu học.

     2. Thực trạng của việc học Tiếng Anh tại trường Tiểu học

     Trong đề án ngoại ngữ 2008-2020 của Bộ Giáo dục, mục tiêu cụ thể của chương trình Tiếng Anh tiểu học là sau khi kết thúc cấp học, học sinh có thể:

- Có vốn từ vựng khoảng 500-700 từ gồm cả khẩu ngữ và bút ngữ.

- Học sinh có thể vận dụng vốn từ vựng đã học trong các tình huống giao tiếp đơn giản thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết trong đó chủ yếu hai kĩ năng nghe, nói.

- Có kiến thức tối thiểu về ngôn ngữ tiếng Anh, và thông qua Tiếng Anh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, văn hóa và con người của các nước nói Tiếng Anh.

- Có thái độ tích cực đối với việc học Tiếng Anh.

- Hình thành các cách học tiếng Anh một cách có hiệu quả, tạo cơ sở cho việc học ngoại ngữ khác trong tương lai.

     Để đạt được mục tiêu trên thật không hề đơn giản bởi nhiều lẽ: Ở nước ta hiện nay, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường diễn ra trong môi trường giao tiếp của thầy và trò còn có rất nhiều hạn chế: Dạy học trong một tập thể lớn, trình độ nhận thức có nhiều cấp độ khác nhau, phương tiện hỗ trợ giảng dạy chưa đồng bộ. Những điều này làm phân tán sự tập chung của học sinh, tác động rất lớn đến việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh, làm chậm quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh và sự phân bố thời gian cho từng phần nội dung bài sao cho phù hợp với từng loại bài giảng (thực hành, kĩ năng) cũng là một tác động tới việc lựa chọn, nghiên cứu và áp dụng kĩ năng dạy từ vựng sao cho thích hợp.

     Ngoài ra, còn những yếu tố khác làm ảnh hưởng đến quá trình làm giàu vốn từ của học sinh Tiểu học như:

- Cảm giác không thoải mái, căng thẳng hay phân tán tư tưởng, bối rối vì những khái niệm trừu tượng khó hiểu về nguyên tắc ngữ pháp cũng như cách áp dụng chúng.

- Những hoạt động đòi hỏi chúng phải tập trung chú ý trong một thời gian dài.

- Sự nhàm chán.

- Việc giáo viên chữa lỗi quá nhiều.

     Hơn nữa:

- Do đa số học sinh còn nhút nhát, thiếu tự tin, ngại phát âm, và thực hành giao tiếp. Thêm vào đó, cấu tạo âm tiết của ngoại ngữ có nhiều khác biệt, do đó khả năng ghi nhớ từ, cấu trúc câu ... của các em còn hạn chế.

- Học sinh tiểu học rất hiếu động, dễ mất tập trung nên việc dạy ngôn ngữ mới cho các em gặp không ít khó khăn.

- Thiếu nhiều nguồn tài liệu cần thiết để giúp các em hiểu thêm văn hóa của các nước nói Tiếng Anh.

- Thiếu môi trường thực tế để học sinh có thể tham gia vào các hoạt động giao tiếp có ý nghĩa bằng Tiếng Anh.

- Thiếu nguồn kinh phí để làm thêm đồ dùng học tập.

- Nhiều phụ huynh chưa thấy được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ nên chưa quan tâm đến môn học này.

- Mặc dù rất khó khăn song chúng ta phải nhận thấy rằng việc học Tiếng Anh ở thời điểm này là sự khởi đầu cho việc xây dựng nền móng tri thức cơ bản cho học sinh; Là điều kiện cần thiết để các em tiến bước đến các bậc học cao hơn. Do vậy việc dạy và học Tiếng Anh ở tiểu học là vấn đề rất đáng quan tâm. Để giải quyết vấn đề đó, giáo viên cần tạo ra những hình thức dạy học phong phú, đa dạng. Trong đó việc vận dụng tốt các kỹ thuật và phương pháp dạy từ là một trong những hình thức thu hút được nhiều học sinh tham gia học tập và mang lại hiệu quả cao trong việc làm tăng vốn từ vựng cho các em.

     3. Một số phương  pháp dạy từ vựng môn Tiếng Anh Tiểu học.

     3.1. Biện pháp 1: Nắm vững các nguyên tắc dạy Tiếng Anh cho trẻ.

     3.1.1. Cách trẻ học từ vựng:

     Để học sinh có hứng thú học tập, chủ động tích cực chiếm lĩnh tri thức thì trong dạy học giáo viên luôn cố gắng đảm bảo quy tắc 4L (Learn – Live – Love – Laugh). (Học- sống - yêu- cười). Thật vậy khi dạy cho học sinh tiểu học chúng ta cần đảm bảo nguyên tắc: Học mà chơi- chơi mà học. Để tạo cho học sinh cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, GV cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò, xóa bớt mặc cảm tâm lí “sợ cô”, cô và trò cùng học cùng vui chơi như những người bạn. Không nhồi nhét hay biến học sinh thành người thụ động mà trái lại phát huy tính tích cực trong mỗi cá nhân. Để là được điều đó ngành giáo dục phải tạo ra một môi trường thuận lợi cũng như cung cấp những nguồn thông tin hữu ích, những giáo trình đã đượcchọn lựa cẩn thận và điều chỉnh phù hợp với lứa tuổi cùng những cơ hội luyện tập thích hợp.

     Để có những giờ dạy hiệu quả, người thầy không chỉ cần hiểu rõ thời điểm thích hợp hay trở ngại khiến trẻ “chán” học mà còn phải nắm được phương thức trẻ tiếp cận một ngôn ngữ. Dưới đây là những tổng kết về cách trẻ học tiếng mà trong quá trình dạy học tôi đã đúc kết được:

- Có nhiều cơ hội tiếp xúc với ngoại ngữ đó.

- Liên hệ các từ, mẫu câu với nhau và đặt chúng vào những ngữ cảnh rõ ràng, có liên quan chặt chẽ với nhau.

- Sử dụng tất cả các giác quan của bản thân, quan sát và bắt chước, theo dõi và lắng nghe.

- Khám phá, thử nghiệm, mắc lỗi và kiểm tra cách hiểu của bản thân.

- Lặp đi lặp lại và cảm thấy tự tin khi chúng thiết lập được thói quen sử dụng kiến thức mới học được.

- Cảm thấy được khích lệ, đặc biệt khi bạn bè các em cũng đang học cùng thứ tiếng đó.

     3.1.2. Các nguyên tắc dạy Tiếng anh cho Trẻ

     Dạy trẻ em là công việc tương đối khó và phức tạp bởi trẻ chưa thực sự có ý thức học tập như người lớn và hầu hết còn rất ham chơi. Để trẻ tập trung vào bài học, giáo viên cần tuân theo các nguyên tắc dạy học cho trẻ:

     * Nguyên tắc “Chơi hơn dạy”

     Đây là phương pháp “Dạy mà không dạy”, giáo viên tạo sân chơi đa dạng, nhiều màu sắc bằng tiếng Anh cho học sinh, hướng dẫn học sinh làm chủ sân chơi và từng bước bổ sung vào các hoạt động khác.

     * Nguyên tắc “Hoạt động, hình ảnh hơn lý thuyết”

     Hình ảnh, trò chơi, nhạc họa, diễn kịch... nói chung là các hoạt động nhằm giúp học sinh tham gia vào môi trường sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, không gượng ép.

     * Nguyên tắc “Học cụ hơn giáo trình”

      Việc bám theo một giáo trình nào đó sẽ hạn chế năng lực sáng tạo của cả thầy lẫn trò. Hơn nữa, để có thể đa dạng hóa các hoạt động trong lớp, việc tăng cường học cụ là điều cần thiết.

      * Nguyên tắc “Nghe - nói nhiều hơn đọc - viết”

      Thực tế cho thấy kỹ năng nghe nói rất quan trong, dễ học và bắt chước hơn trong học ngoại ngữ. Và khi nghe nói được, học sinh đã từng bước xây dựng được tâm lý tự tin trong sử dụng tiếng Anh.

      * Nguyên tắc “Bắt chước hơn ngữ pháp”

      Bắt chước là không thể thiếu được đối với trẻ nhỏ, đặc biệt trong học ngoại ngữ. Bắt chước giúp quá trình học tập đi nhanh hơn, trong đó kể cả việc áp dụng từ vụng vào các mẫu câu căn bản.

      * Nguyên tắc “Vui hơn cho điểm”

      Tạo không khí lớp học sinh động, lí thú, khuyến khích học sinh có động cơ học tâp tốt hơn là điểm số.

     3.2. Biện pháp 2: Cập nhật các phương pháp giảng dạy từ vựng tiên tiến

     Như chúng ta đã biết, lịch sử dạy và học từ vựng tiếng Anh đã trải qua nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp Ngữ pháp-Dịch, phương pháp Nghe-Nhìn, phương pháp Nghe - Nói, phương pháp Giao tiếp. Mỗi phương pháp điều có ưu điểm và tồn tại riêng chẳng hạn như:

     3.2.1. Phương pháp Ngữ pháp - Dịch.

     Phương pháp Ngữ pháp - Dịch đã được sử dụng phổ biến ở nước ta trong một thời gian khá dài và nó đã có những ưu điểm không thể phủ nhận. Đó là:

- Học sinh được rèn luyện rất kỹ về ngữ pháp và tiếp thu lượng từ vựng khá lớn.

- Học sinh nắm được tương đối nhiều các cấu trúc câu cơ bản, thuộc lòng các đoạn văn hay hoặc bài khóa mẫu.

- Học sinh có thể đọc hiểu nhanh các văn bản.

Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của đất nước và thời đại, mục đích của việc học tiếng Anh cũng có thay đổi đòi hỏi phương pháp dạy và học tiếng Anh nói chung và từ vựng nói riêng cũng phải thay đổi.

Người ta dần dần nhận ra những hạn chế của phương pháp Ngữ pháp-Dịch là:

- Không giúp học sinh “giao tiếp” được. Hoạt động chủ yếu trong lớp là người thầy; nghĩa là người thầy giảng giải, nói nhiều, học sinh thụ động ngồi nghe và ghi chép, không có ý kiến phản hồi hoặc không tham gia giao tiếp (nói) với thầy và bạn bè.

- Hoạt động dạy học chỉ diễn ra một chiều – học sinh hoàn toàn bị động, không có cơ hội thực hành giao tiếp trong lớp; khả năng sáng tạo và đặc biệt kỹ năng nói của người học bị hạn chế nhiều.

     3.2.2. Phương pháp Nghe - Nói

Phương pháp Nghe - Nói có những ưu điểm là:

- Có hiệu quả đối với những người mới học, đặc biệt là học sinh tiểu học. Người học cảm thấy phấn khởi và tự tin khi được nghe và tập bắt chước theo giáo viên, ví dụ: Học sinh làm theo lệnh của giáo viên hoặc hát các bài hát tiếng Anh đơn giản.

Tuy nhiên phương pháp này lại có những hạn chế như sau:

- Học sinh rất dễ nhàm chán với phương pháp này nếu không có sự điều chỉnh phương thức dạy học cần thiết.

- Học sinh áp dụng những gì đã được lĩnh hội trong lớp học vào thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ là khó. Học sinh không thể vận dụng các hình thức ngôn ngữ được luyện tập trên lớp một cách tự nhiên vì tuy học sinh có khả năng nghe hiểu, nhớ và bắt chước ngay tại chỗ trong lớp học, song các em cũng rất chóng quên và cảm thấy lúng túng khi gặp tình huống tương tự trong giao tiếp thực. Điều này nói lên rằng mặc dù học sinh có thể nhắc lại từ một cách hoàn hảo xong các em không hiểu rõ nghĩa của từ và không có khả năng sử dụng từ trong những ngữ cảnh khác với điều đã được học.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

     3.2.3. Phương pháp giao tiếp

     Phương pháp giao tiếp được xem như phương pháp dạy học ngoại ngữ phổ biến nhất và hiệu quả nhất hiện nay. Mục tiêu cuối cùng của dạy học ngoại ngữ là phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngôn ngữ. Mục đích cuối cùng của học sinh học từ vựng không chỉ biết được cách đọc, cách viết và nghĩa của từ mà cần phải đạt được năng lực giao tiếp; tức là phát triển được tất cả 4 kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và sử dụng được từ vựng đó để giao tiếp. Với quan điểm lấy năng lực giao tiếp của học sinh làm trung tâm thì từ vựng được coi là một trong ba thành tố làm thành công cụ hay phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ.

Việc dạy và học từ vựng theo phương pháp giao tiếp được tuân theo những nguyên tắc sau:

- Dạy và học từ thông qua luyện tập các kĩ năng giao tiếp

Việc học từ thông qua qua các kĩ năng giao tiếp giúp người học hiểu nghĩa từ dễ dàng hơn vì các kĩ năng giao tiếp luôn mang ngữ cảnh giao tiếp cụ thể và sinh động. Mặt khác việc học từ thông qua các kĩ năng giao tiếp kích thích nhu cầu sử dụng từ mới như một công cụ phát triển các kĩ năng.

- Dạy và học từ có tần suất sử dụng cao

Việc chọn các từ có tần suất sử dụng cao để dạy sẽ giúp việc học từ đạt hiệu quả cao hơn vì những từ đó được người học sử dụng thường xuyên trong nhiều tình huống giao tiếp khác nhau.

- Dạy và học từ một cách tổng thể

Chúng ta đều biết học từ mà chỉ chú ý đến nghĩa sẽ không đặt được mục đích giao tiếp cao. Do đó khi dạy và học từ cần chú ý đến các khía cạnh khác của từ như: hình thái chữ viết (spelling), cách phát âm (pronunciation), hình thái ngữ nghĩa (lexical meaning), hình thái ngữ pháp (grammatical form) và cách sử dụng (use).

- Dạy và học từ thông qua nhiều thủ thuật khác nhau

Như đã nói ở trên, giáo viên cần sử dụng các thủ thuật khác nhau để giới thiệu từ mới hoặc kết hợp nhiều thủ thuật để giới thiệu một từ mới. Việc làm này giúp dạy từ vựng có hiệu quả hơn và giúp học sinh nhớ từ lâu hơn. Một điều cần lưu ý là dịch từ mới sang tiếng mẹ đẻ là một thủ thuật dạy từ có kết quả, song giáo viên nên hạn chế sử dụng thủ thuật này vì việc phụ thuộc quá nhiều vào dịch sẽ làm giảm khả năng giao tiếp của học sinh.

- Dạy và học từ thông qua luyện tập thực hành

Giáo viên cần tổ chức các hoạt động thực hành và ôn luyện củng cố từ thông qua nghe, nói, đọc và viết để tăng độ trôi chảy khi sử dụng từ. Các hoạt động này sẽ giúp học sinh tập trung vào việc nhận biết và sử dụng từ đã học thành thạo trong từng ngữ cảnh.

- Chú trọng đến vai trò của học sinh trong việc dạy và học từ vựng

Giáo viên cần khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào việc học từ thông qua một quá trình lâu dài và liên tục. Mặc dù giáo viên có thể cung cấp cho học sinh các thông tin về từ vựng và hỗ trợ học sinh trong quá trình học từ.

- Dạy và học từ thông qua sử dụng từ điển

Giáo viên cần hướng dẫn và khuyến khích học sinh Tiểu học sử dụng từ điển tranh, giúp các em làm quen với việc sử dụng chúng, vì từ điển là phương tiện tra cứu đắc lực cho việc học từ sau này. Việc hướng dẫn sử dụng từ điển sẽ giúp người học nâng cao khả năng tự học đồng thời góp phần làm cho việc dạy từ đạt hiệu quả cao.

Tóm lại, phương pháp Giao tiếp có ưu điểm hơn hẳn các phương pháp khác là nó bao trùm mọi phương diện của quá trình dạy học ngoại ngữ: đó là các yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, các yếu tố ngoài ngôn ngữ… nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp hoàn chỉnh. Đặc biệt phương pháp giao tiếp coi hình thành và phát triển bốn kỹ năng giao tiếp như nghe, nói, đọc và viết là mục đích cuối cùng của quá trình dạy học. Các kiến thức ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp là phương tiện, điều kiện hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp. Vì vậy, phương pháp giao tiếp thực sự giúp cho người học có khả năng sử dụng được tiếng Anh để giao tiếp.

Tuy nhiên vẫn có một số hạn chế đó là: Phương pháp giao tiếp nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển 4 kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết trong quá trình dạy học, trong đó kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp) không được quan tâm một cách thích đáng. Kết quả là một số người học cảm thấy khó có thể “giao tiếp” vì họ làm sao có thể nghe, nói, đọc, viết được một khi không nắm chắc hệ thống qui tắc ngôn ngữ.

Mỗi phương pháp ra đời sau đều được coi như một cố gắng kế thừa những thành tựu và khắc phục nhược điểm của phương pháp ra đời trước nó. Vì vậy là giáo viên trực tiếp giảng dạy cần lựa chọn và vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy từ cho phù hợp với từng đối tượng học sinh và từng bài học cụ thể để giúp học sinh tiếp thu bài tốt nhất. 

     3.3. Biện pháp 3: Thành thạo quy trình giảng dạy từ vựng

     3.3.1. Cách chọn từ để dạy

     Tiếng Anh có hàng trăm ngàn từ, vì thế việc dạy từ mới quả là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với các giáo viên ngoại ngữ. Tuy nhiên cần nhớ là trung bình một người nói tiếng bản ngữ chỉ dùng khoảng năm nghìn từ trong giao tiếp hằng ngày. Hơn nữa, học sinh không cần phải dùng chính xác tất cả những từ đã học vì đôi lúc các em chỉ cần nhận ra và hiểu được thông điệp mà những từ đó chuyển tải. Vì thế, việc chọn từ để dạy dựa vào tần suất sử dụng và công dụng của từ theo nhu cầu của học sinh là rất quan trọng.

     Ở môi trường tiểu học hiện nay, khi nói đến ngữ liệu mới là chủ yếu nói đến ngữ pháp và từ vựng, từ vựng và ngữ pháp luôn có mối quan hệ khắng khít với nhau, luôn được dạy phối hợp để làm rõ nghĩa của nhau. Tuy nhiên dạy và giới thiệu từ vựng là vấn đề cụ thể cần xem xét theo mục đích của đề tài mà tôi chọn. Thông thường trong một bài học luôn xuất hiện những từ mới, xong không phải từ mới nào cũng cần đưa vào để dạy. Để chọn từ cần dạy, giáo viên cần xem xét những vấn đề:

- Từ chủ động (active vocabulary)

- Từ bị động (passive vocabulary)

Chúng ta đều biết cách dạy hai loại từ này khác nhau. Từ chủ động có liên quan đến bốn kỹ năng (nghe – nói – đọc – viết). Đối với loại từ này giáo viên cần đầu tư thời gian để giới thiệu và cho học sinh tập nhiều hơn.

Với từ bị động giáo viên chỉ cần dừng ở mức nhận biết, không cần đầu tư thời gian vào các hoạt động ứng dụng. Giáo viên cần biết lựa chọn và quyết định xem sẽ dạy từ nào như một từ chủ động và từ nào như một từ bị động.

- Khi dạy từ mới cần làm rõ ba yếu tố cơ bản của ngôn ngữ là: Form; Meaning và Use

Đối với từ chủ động ta chỉ cho học sinh biết chữ viết và định nghĩa như từ điển thì chưa đủ, để cho học sinh biết cách dùng chúng trong giao tiếp, giáo viên cần cho học sinh biết cách phát âm, không chỉ từ riêng lẻ, mà còn biết phát âm đúng những từ đó trong chuỗi lời nói, đặc biệt là biết nghĩa của từ.

-Số lượng từ cần dạy trong bài tuỳ thuộc vào nội dung bài và trình độ của học sinh. Không bao giờ dạy tất cả các từ mới, vì sẽ không có đủ thời gian thực hiện các hoạt động khác. Tuy nhiên, trong một tiết học ở tiểu học theo tôi chỉ nên dạy tối đa là 6 từ.

- Trong khi lựa chọn từ để dạy, tôi xem xét đến hai điều kiện sau:

+ Từ đó có cần thiết cho việc hiểu văn bản không?

+ Từ đó có khó so với trình độ học sinh không?

- Nếu từ đó cần thiết cho việc hiểu văn bản và phù hợp với trình độ của học sinh, thì nó thuộc nhóm từ tích cực, do đó ta phải dạy cho học sinh nắm vững với những biện pháp cụ thể tôi sẽ nêu bên dưới.

- Nếu từ đó cần thiết cho việc hiểu văn bản nhưng khó so với trình độ của học sinh, thì nó không thuộc nhóm từ tích cực, do đó ta nên giải thích rồi cho học sinh hiểu nghĩa từ đó ngay.

- Nếu từ đó không cần thiết cho việc hiểu văn bản và cũng không khó lắm thì bạn nên yêu cầu học sinh đoán.

     3.3.2. Các bước dạy từ

 Bước giới thiệu bài, giới thiệu chủ đề: đây là bước khá quan trọng trong việc dạy từ vựng. Bước này sẽ quyết định sự thành công của tiết học, nó sẽ gợi mở cho học sinh liên tưởng đến những từ sắp học qua chủ điểm vừa mới được giới thiệu.

Điều quan trọng nhất trong giới thiệu từ mới là phải thực hiện theo trình tự: nghe, nói, đọc, viết. Đừng bao giờ bắt đầu từ hoạt động nào khác “nghe”. Hãy nhớ lại quá trình học tiếng mẹ đẻ của chúng ta, bao giờ cũng bắt đầu bằng nghe, bắt chước phát âm rồi mới tới những hoạt động khác. Hãy giúp cho học sinh của bạn có một thói quen học từ mới một cách tốt nhất:

- Bước 1: “Nghe”, cho học sinh nghe từ mới bằng cách đọc mẫu hoặc dùng CD giọng bản ngữ là tốt nhất.

- Bước 2: “Nói”, sau khi học sinh đã nghe được ba lần bạn mới yêu cầu học sinh nhắc lại. Khi cho học sinh nhắc lại, cần chú ý cho cả lớp nhắc lại trước, sau đó mới gọi cá nhân để kiểm tra và sửa lỗi ngay lập tức cho các em.

- Bước 3: “Đọc”, viết từ đó lên bảng và cho học sinh nhìn vào đó để đọc. Cho học sinh đọc cả lớp, rồi đọc cá nhân và sửa lỗi cho học sinh.

- Bước 4: “Viết”, sau khi học sinh đã đọc từ đó một cách chính xác rồi bạn mới yêu cầu học sinh viết từ đó vào vở.

- Bước 5: Xác định xem học sinh có hiểu nghĩa của từ không.

- Bước 6: Đánh trọng âm từ: phát âm lại từ và yêu cầu học sinh nhận diện âm tiết có trọng âm và đánh dấu.

- Bước 7: Cho câu mẫu và yêu cầu học sinh xác định từ loại của từ mới học.

     3.4. Biện pháp 4: Áp dụng tốt các kĩ thuật làm rõ nghĩa của từ.

     Trong Tiếng Anh mỗi từ thường có hai mặt: nghĩa của từ và cách sử dụng. Nghĩa của từ và cách chúng được dùng như thế nào là hai vấn đề khác nhau. Có nhiều trường hợp khi tra từ điển chúng ta có thể hiểu được nghĩa của từ, song không phải như vậy là đã biết cách sử dụng từ đó. Cách sử dụng của một từ phụ thuộc vào chức năng của từ trong câu, ngữ cảnh, thói quen của người sử dụng và các mối quan hệ của họ với môi trường văn hóa và xã hội. Sau đây là những thủ thuật làm rõ nghĩa từ:

     a. Sử dụng trực quan:

     Nội dung: Đồ vật thật trên lớp, tranh ảnh, hình vẽ phác hoạ, hình cắt dán từ tạp chí, cử chỉ điệu bộ … Chúng có tác dụng mạnh mẽ đến hứng thú học tập của học sinh và giúp học sinh ghi nhớ nhanh hơn, lâu hơn.

     b. Sử dụng ngôn ngữ đã học:

     - Định nghĩa, miêu tả: Học sinh sẽ dựa vào từ đã học và hiểu biết cơ bản để đoán ra nghĩa của từ qua định nghĩa của giáo viên. Thủ thuật này tạo cho học sinh sự tò mò và có nhu cầu tham gia vào quá trình học tập đồng thời rèn kỹ năng nghe cho học sinh.

Ví dụ 1: Dạy từ “Elephant”

+ Giáo viên: It is very big and it has a long nose. What is it?
+ Học sinh: Is it an elephant?

+ Giáo viên: Yes!

Ví dụ 2: Dạy từ “Snake”

+ Giáo viên: It’s small. It’s very long. What’s is it?

+ Học sinh: Is it a snake?

+ Giáo viên: Yes!

- Sử dụng từ đồng nghĩa (synonyms) và từ trái nghĩa (antonyms)

Ta sử dụng từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa để làm rõ nghĩa của một từ khi học sinh đã biết nghĩa của một từ trong cặp từ đồng nghĩa, trái nghĩa.

a. Từ đồng nghĩa (synonyms)

Start – begin; Big – large

Fall – autumn; Eraser – rubber

b. Từ trái nghĩa (antonyms)

Young – old; New – old

Small – big; Thick – thin

Sử dụng các quy tắc hình thành từ, tạo từ:

Học sinh có thể đoán được nghĩa của từ nhờ từ gốc. Với quy tắc này giáo viên không những giúp học sinh nắm kiến thức mà còn mở rộng vốn từ cho học sinh

Work – worker; Drive – driver; Speak – speaker

Sea – seafood; Happy – unhappy; Like – dislike

Sử dụng các tình huống:

Giáo viên thiết lập tình huống thật đơn giản, dễ hiểu bằng Tiếng Anh, học sinh đoán nghĩa qua tình huống, có thể bắt chước và sử dụng từ vào ngữ cảnh giao tiếp và rèn kĩ năng nghe.

Ví dụ: This is my brother. He’s very lazy. He gets up late, and he doesn’t do anything. I say to him, “Don’t be lazy! Do your homework!”

- Khuyến khích học sinh đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh:

Ví dụ:

- My school is small. There are ten classrooms.

- Lan’s school is big. There are nineteen classrooms.

Đưa ra ví dụ giúp học sinh hiểu rõ nghĩa từ

Sử dụng công cụ dịch (Translation):

Giáo viên dùng những từ tương đương trong tiếng Việt để giảng nghĩa từ trong tiếng Anh. Giáo viên chỉ sử dụng thủ thuật này khi không còn cách nào khác, thủ thuật này thường được dùng để dạy từ trừu tượng, hoặc để giải quyết một số lượng từ nhiều nhưng thời gian không cho phép, Giáo viên gợi ý học sinh tự dịch từ đó. Cần lưu ý nếu giáo viên thường xuyên sử dụng thủ thuật này sẽ gây cho học sinh cảm giác đơn điệu, nhàm chán, không phát huy được tính tư duy, sáng tạo của các em.

Ví dụ: delicious; wonderful; beautiful…

c. Phối hợp nhiều kỹ thuật trong dạy từ vựng:

Trong quá trình giới thiệu từ mới giáo viên nên phối hợp các kỹ thuật với nhau. Chẳng hạn giáo viên thiết lập tình huống bằng Tiếng Anh, học sinh sẽ cố gắng nghe và đoán từ trong ngữ cảnh, kết hợp thể hiện bằng động tác, điệu bộ và yêu cầu học sinh đặ câu sử dụng từ đó.

Ví dụ: Phối hợp giữa các kỹ thuật sau để dạy từ “skip”

- Cho HS xem tranh

- GV thực hiện động tác

- HS bắt chước động tác

- Đưa ra ví dụ

- Dịch sang Tiếng Việt

- Giáo viên: + Look: He can skip

                     + Now, look at me: I can skip

                     (GV thực hiện động tác “nhảy dây”)

     + She can skip (1 HS chạy)

- Học sinh: skip

- Giáo viên: What does it mean Vietnamese?

- Học sinh: Nhảy dây (HS dịch sang tiếng việt)

     3.5. Biện pháp 5: Sử dụng hiệu quả các biện pháp củng cố từ vựng

     Quên từ mới là một căn bệnh phổ biến ở học sinh tiểu học. Nhiều học sinh nói rằng mặc dù đã nhắc đi nhắc lại một từ mới nào đó rất nhiều lần. Một số nhà nghiên cứu cho rằng căn nguyên của việc quên thông tin là do chúng ta không sử dụng thông tin được lưu trong trí nhớ thường xuyên và dần dần chúng biến mất khỏi bộ nhớ. Vì vậy giáo viên cần vận dụng hiểu biết về cách thức lưu giữ thông tin của não bộ để nâng cao chất lượng học từ vựng của học sinh.

     3.5.1. Làm cho bài học dễ ghi nhớ

     Có rất nhiều cách để làm cho bài giảng dễ dàng đi vào bộ nhớ của học sinh như dùng tranh ảnh; lồng từ mới vào những ngữ cảnh sử dụng thực tế, thú vị; kể những câu chuyện tiếng Anh có những từ mà học sinh cần học. Bên cạnh đó, giáo viên có thể tạo điều kiện để học sinh có thể sử dụng những từ mới học ấy theo cách riêng của từng em để hoàn thành những nhiệm vụ học tập thực sự hữu ích cho các em trong cuộc sống.

     3.5.2. Sử dụng các trò chơi ngôn ngữ giúp củng cố từ vựng đã học

     Chìa khoá để dạy học thành công là lặp lại theo những cách thức khác nhau, sử dụng các kỹ năng khác nhau. Nhằm giúp học sinh nhớ ngay được các từ vựng hay cấu trúc, chúng ta có thể sử dụng cách lặp lại đơn giản bằng trò chơi vui nhộn, nó có thể xua tan sự buồn tẻ của giờ học thay vào đó là tạo ra môi trường học tập vui vẻ làm tăng sự hứng thú của học sinh đối với việc học, khiến các em luôn sẵn sàng tham gia giờ học.

     Sau đây là những trò chơi nhằm củng cố và tăng vốn từ cho học sinh:

* Trò chơi Bingo:

Sử dụng trò chơi này nhằm tăng cường năng lực ghi nhớ và nghe hiểu cùa học sinh. Trò chơi này thích hợp để củng cố về các chủ đề như: số đếm (Number), bảng chữ cái (The Alphabet), từ chỉ nghề nghiệp (Occupation), màu sắc (Colors), quả (Fruit), động vật (Animals), trang phục (Clothes), nghề nghiệp (Jobs)…

Luật chơi:

+ Giáo viên cho một số từ đã học.

+ Mỗi học sinh điền những từ vựng đó vào các hình vuông với 9, 16 hoặc 25 ô vuông nhỏ bên trong.

+ Giáo viên đọc các từ không theo trật tự.

+ Học sinh đánh dấu P vào từ đã chọn khi nghe giáo viên đọc từ đó.

+ Học sinh nào đánh dấu được 3, 4, hoặc 5 ô vuông theo hàng ngang, hàng dọc, hoặc theo đường chéo thì nói “Bingo” và học sinh đó thắng cuộc.

Ví dụ:

* Trò chơi Crossword (Trò chơi ô chữ)

Để kiểm tra vốn từ của các em tôi cũng thường xuyên cho các em chơi trò chơi ô chữ: thông qua hình ảnh gợi ý, các em đoán các chữ cần tìm, nếu đội nào đoán được nhiều ô chữ đúng sẽ thắng cuộc

Ví dụ:

* Trò chơi Matching (Trò chơi ghép nối)

Đây cũng là một họat động rất phổ biến trong tiết dạy từ vựng, HS phải nối từ với nghĩa của nó và ngược lại, hoặc cũng có thể là nối cặp từ trái nghĩa, số ít với số nhiều... tùy theo nội dung hay chủ ý của GV.

Luật chơi:

- Chia lớp làm nhiều nhóm nhỏ; Phát wordsheet cho các nhóm; Các nhóm kiểm tra chéo kết quả bài làm của nhau

Ví dụ:

* Trò chơi Slap the board (Trò chơi Đập bảng)

Luật chơi:

+ Giáo viên viết từ mới hoặc đính tranh lên bảng.

+ Gọi hai nhóm lên bảng, mỗi nhóm 6 học sinh

+ Yêu cầu các nhóm đứng cách nhau một khoảng bằng nhau.

+ Giáo viên đọc to một từ Tiếng Anh

+ Lần lượt học sinh ở hai nhóm chạy lên bảng, vỗ vào tranh hoặc từ được gọi.

+ Học sinh thuộc nhóm nào làm đúng và nhanh hơn thì nhóm đó ghi điểm.

+ Nhóm nào ghi được nhiều điểm hơn thì thắng cuộc.

Ví dụ:

Trò chơi Charades (Trò chơi đố chữ)

Luật chơi:

Trò chơi này giúp các em biết cách dùng cử chỉ để diễn tả nghĩa của từ.

Giáo viên đặt phiếu từ úp mặt xuống thành từng chồng. Một học sinh nhặt phiếu trên cùng, dùng cử chỉ để diễn tả nghĩa của từ ấy, cả lớp đoán từ, viết vào bảng con.

Hoạt động này phù hợp với từ chỉ nghề nghiệp, con vật, các từ chỉ hoạt động…

Ví dụ: Cho các tranh chỉ hoạt động, 1 HS miêu tả. Lớp viết bảng con.

* Trò chơi Jumbled words (Trò chơi sắp xếp chữ cái)

Luật chơi:

- Giáo viên viết một số từ có các chữ bị xáo trộn lên bảng.

- Yêu cầu HS sắp xếp lại các chữ cái thành từ có nghĩa.

Ví dụ:

* Trò chơi The Alphabet (Trò chơi Đoán chữ theo bảng chữ cái)

Luật chơi:

- Chia lớp làm ba đội.

- Giáo viên nói 1 chữ cái. Học sinh tìm các từ bắt đầu bằng chữ cái đó và ghi vào giấy.

- Nhóm nào ghi được nhiều từ hơn thì được ghi điểm.

Ví dụ:

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Giáo viên: It starts with A

Học sinh: apple, ant, alphabet …

Giáo viên: It starts with S

Học sinh: skip, skate, sky, smile …

* Trò chơi What’s missing? (Trò chơi Phát hiện từ còn thiếu)

Luật chơi: Ở trò chơi này tất cả học sinh đều tham gia độc lập và ghi phần trả lời ra bảng con của mình. Giáo viên cho xuất hiện một số từ, sau đó cho biến mất 1 từ, giáo viên phát hiệt ra từ biến mất và ghi bảng con. thời gian suy nghĩ cho mỗi từ là 20 giây, thí sinh đồng loạt giơ bảng con lên, giáo viên lần lượt cho các từ khác xuất hiện và biến mất, học sinh phát hiện và ghi bảng.

* Trò chơi Pelmanism (Trò chơi Lật thẻ)

Luật chơi:

- Chia lớp làm 2 đội.

- Mỗi đội lần lượt cử 1 thành viên trong đội lật 2 thẻ. Nếu 2 thẻ khớp nhau thì thì được tính điểm (điểm 10). Nếu không khớp, lật úp thẻ lại như cũ và tiếp tục trò chơi cho đến khi tất cả các thẻ được lật. Nhóm nào được nhiều điểm hơn thì thắng.

Ví dụ: Xếp các thời gian ở analog với các thời gian ở dạng điện tử.

* Trò chơi Shark attack (Trò chơi Cá mập tấn công)

Luật chơi:

Chia lớp làm 2 đội.

Giáo viên gợi ý số chữ cái của từ cần đoán bằng các vạch, hoặc ô.

Yêu cầu HS trong mỗi nhóm đoán các chữ cái có trong từ.

Nếu đội nào đoán sai thì rớt xuống một bậc.

Đội nào rớt hết 4 bậc thì thua cuộc.

Ví dụ:

* Trò chơi Kim’s game (Trò chơi Ghi nhớ - Tái hiện)

(Giáo viên có thể dùng tranh ảnh với các chủ đề khác nhau để học sinh chơi.)

Luật chơi: Chia lớp làm 3 đội chơi.

- Quan sát lần lượt 6 bức tranh.

- Các đội chơi nhớ và ghi lại tên các bức tranh đó bằng Tiếng Anh trong thời gian 1 phút. Ghi đúng mỗi bức tranh đội chơi sẽ được 10 điểm.    

3.5.3. Củng cố từ vựng qua các bài hát

Giáo viên luôn phải giới thiệu và cho luyện tập từ vựng trong một ngữ cảnh cụ thể để làm rõ nghĩa hơn và để những trải nghiệm trở nên đáng nhớ hơn. Các bài hội thoại, truyện ngắn, bài hát đều là những cách hữu hiệu nhằm ngữ cảnh hoá ngôn ngữ để chúng dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Công cụ tốt nhất chúng ta có thể sử dụng trong lớp học là sự dí dỏm; do đó, hãy tìm kiếm những tài liệu có khả năng gây cười cho học sinh.

Trong lớp học tiếng Anh, từ vựng được ghi nhớ hiệu quả nhất qua các bài hát có nhiều đoạn lặp lại với nhịp điệu khoẻ và giai điệu dễ nhớ. Thực ra, giáo viên có thể tự sáng tạo ra một giai điệu đều đều cho hầu hết các cấu trúc hay chuỗi từ định dạy. Miễn là đảm bảo nhấn đúng trọng âm, thì việc hát những cụm từ ngắn, hay thậm chí cả những câu hỏi và câu trả lời đơn giản sẽ kích thích học sinh phát âm và lưu ngôn ngữ vào bộ nhớ.

Ví dụ: Hát bài “Hockey Cokey” để ôn tập các từ vựng chủ đề “Body parts”

You put your right arm in
your right arm out
In, out, in, out,
You shake it all about.
You do the Hokey Cokey and you turn around
That's what it's all about...
[Chorus]
Woah, the hokey cokey (x3)
Knees bent, arms stretched, ra ra ra!

     3.5.4. Sử dụng “Ngân hàng thẻ từ”

     Khi học sinh đã “luyện tập” một nhóm các từ hay một cấu trúc cụ thể, phải đảm bảo những gì có trong trí nhớ ngắn hạn chuyển hoá được sang trí nhớ dài hạn. Để làm được việc này, giáo viên cần tạo ra nhiều cơ hội tái sử dụng và ôn tập.

     Lập một ngân hàng những tấm thẻ từ cũng là một ý kiến rất hay giúp học sinh ôn tập những gì đã học. Chia lớp thành những nhóm nhỏ. Cuối mỗi buổi học/tuần học, yêu cầu học sinh viết lại tất cả những từ mới đã học lên bảng và yêu cầu các nhóm viết những từ này vào những tấm thẻ rồi nộp lại. Mỗi giờ học giáo viên mang những tấm thẻ đến lớp để các thành viên trong nhóm có thể tự kiểm tra nhau hoặc kiểm tra chéo các bạn trong nhóm khác. Giáo viên yêu cầu học sinh tự chia từ đã học vào những nhóm thích hợp, thậm chí xây dựng nên một câu chuyện bằng cách trao đổi những tấm thẻ và viết thêm những câu sử dụng từ được ghi trên mỗi tấm thẻ từ. Bằng cách khuyến khích học sinh nhớ lại những từ đã học trong những tiết trước và luôn tạo điều kiện để chúng liên tục tiếp xúc với những từ đó trong những bài học tiếp theo, giáo viên hoàn toàn có thể trị được căn bệnh “học trước quên sau” khi học từ mới.

     3.5.5. Hình thành kĩ năng tự học ở học sinh:

     Học sinh mới là đối tượng cần phải học từ mới và giáo viên không thể làm thay các em được. Bởi vậy, muốn trị tận gốc căn bệnh ‘học trước quên sau’, việc dạy học sinh phương pháp học là rất quan trọng. Ngay khi bắt đầu năm học hãy dành thời gian giúp học sinh hiểu rõ những khó khăn mà học sinh sẽ gặp phải khi ghi nhớ thông tin mới và dạy các em phương pháp học sao cho hiệu quả như:

- Tìm những từ vựng mà học sinh đang cố gắng ghi nhớ khi đọc hay nghe Tiếng Anh.

- Viết những câu sử dụng những từ mới học nói về những gì gần gũi với bản thân.

- Nhắc học sinh rằng việc ôn tập một cách đều đặn là cách tốt nhất để các em nâng cao vốn từ vựng mà không quên mất những gì đã học.

     Tuy nhiên, không có phương pháp nào là tốt nhất trong số những phương pháp đã nêu vì mỗi phương pháp lại giúp học sinh học từ vựng theo một cách khác nhau. Khi học từ vựng, học sinh thường phải sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau mà có khi chính các em cũng không nhận thấy. Hiệu quả của việc tự học từ vựng phụ thuộc rất nhiều vào việc học sinh kết hợp những phương pháp học đơn lẻ như thế nào. Nhiệm vụ của giáo viên trong trường hợp này là tạo ra những hoạt động và nhiệm vụ học tập (trên lớp và về nhà) để giúp học sinh làm giàu vốn từ vựng và nắm vững những phương pháp tự học từ vựng. Nhờ đó học sinh sẽ có cơ hội trải nghiệm, đánh giá hiệu quả và sau đó quyết định chọn lựa phương pháp tự học hiệu quả nhất.

     3.5.6. Hướng dẫn học sinh liên tưởng và ghi chép

     Ngôn ngữ liên hệ thường dễ nhớ hơn là ngôn ngữ không có kết nối gì. Đó là lý do tại sao phương pháp tốt nhất là dạy từ vựng theo chủ điểm hoặc theo chuỗi các từ vựng có chung gốc.

Lập ra các nhóm từ vựng theo chủ đề bằng cách vẽ sơ đồ tư duy:

+ Học sinh làm việc theo nhóm, tìm những thông tin về chủ điểm đã cho, sau đó so sánh với các nhóm.

+ Giáo viên tập hợp các thông tin phản hồi từ học sinh.

+ Thưởng cho nhóm liệt kê được đúng và nhiều từ thuộc chủ đề, và hoàn thành trước nhất.

     4. Hiệu quả của Sáng kiến kinh nghiệm:

      Sau thời gian thực hiện việc áp dụng đề tài, các tiết học trong lớp học của tôi trở nên sôi nổi hơn hẳn, học sinh tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài hơn. Những học sinh trước không tự tin với khả năng Tiếng Anh của bản thân đã tỏ ra thích thú khi được tham gia các hoạt động theo nhóm, cặp hay tập thể.

      Điều này được thể hiện qua tỉ lệ thay đổi mức độ hứng thú của học sinh đối với môn học Tiếng Anh. Mức độ “Rất hứng thú” tăng 90% trong khi các mức độ còn lại “Hứng thú”, “Bình thường”, “Ít hứng thú” và “Không hứng thú” đều giảm. Không còn học sinh nào cảm thấy không hứng thú đối với giờ học Tiếng Anh. Đó là tín hiệu mừng đối với việc bước đầu áp dụng các biện pháp có trong đề tài nghiên cứu. Tỉ lệ học sinh ở mức độ “Hứng thú” có giảm nhưng đó là kết quả của việc học sinh đã chuyển từ việc cảm thấy hứng thú thành cảm thấy rất hứng thú trong giờ học. Học sinh đã không còn thờ ơ với môn học khi có thể thấy tỉ lệ học sinh có mức độ hứng thú “Bình thường” và ”Ít hứng thú” đề giảm mạnh.

     Mặc dù khả năng tiếp thu của học sinh còn chưa đồng đều nhưng tinh thần cầu tiến, sự tích cực trong giờ học cũng như các năng lực, khả năng ngôn ngữ của các em tiến bộ rõ rệt. 100% học sinh đều hoàn thành môn học theo chuẩn đánh giá và xếp mới của thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

     Trong năm học này, tôi đã dạy thực hiện việc giảng dạy trong các chuyên đề Cấp trường và các tiết thanh tra dự giờ của Phòng Giáo dục với các bài học Unit 17. How much is the T-shirt? Lesson 2 Trong đó, tôi đã lồng ghép việc giảng dạy với việc sử dụng các phương pháp giảng dạy từ vựng được nêu ở trên và cũng như các kĩ thuật bồi đắp từ vựng như Kim’s game hay Pelmanism Các tiết học đã được Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp đánh giá tốt và ghi nhận việc áp dụng các phương pháp giảng dạy từ vựng đã góp phần tăng hiệu quả giảng dạy, giúp khơi dậy được sự tự tin và hứng khởi của học sinh đối với môn Tiếng Anh.

Rất hứng thú

Hứng thú

Bình thường

Ít hứng thú

Không hứng thú

61%

32%

6%

1%

0%

  Bảng thể hiện mức độ hứng thú của học sinh trong giờ học Tiếng Anh ở thời điểm hoàn thiện nghiên cứu đề tài.

PHẦN III. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

     1. Kết luận:

     Các phương pháp giảng dạy từ vựng tích cực là một trong những phương tiện dạy học đắc lực của người giáo viên. Không khí giờ học trở nên tươi vui, học sinh hào hứng với tiết học và người giáo viên là tôi cũng trở nên thêm yêu và nhiệt tình hơn trong giảng dạy.

     Trong khi khi áp dụng các phương pháp trên, giáo viên cần đa dạng hóa hình thức làm việc của học sinh như làm việc theo cặp, làm việc nhóm, tập thể hoặc cá nhân.

     Đối với hình thức làm việc theo cặp, không nhất thiết học sinh luôn làm việc với bạn cùng bàn, hai học sinh ngồi cách nhau cũng có thể tạo thành một cặp. Còn đối với hình thức làm việc theo nhóm, sẽ rất hiệu quả khi chia học sinh làm nhóm bốn hoặc sáu dựa trên một vài tiêu chí, chẳng hạn như giáo viên có thể sử dụng các hình thức phân nhóm khác nhau như “Gọi số” theo ngày sinh, số thứ tự hay “Gọi tên” theo vần nhằm tạo các hoạt động kết nhóm phong phú, tạo hứng thú cho học sinh.

     Giáo viên cần đặc biệt chú ý đến việc ghép nhóm cho học sinh có lực học yếu và hoặc trung bình, luôn cổ vũ, động viên khi những học sinh đó hoàn thành bài.

     Trong khi thực hiện các hoạt động trên, việc quản lý lớp học cũng rất quan trọng. Các hoạt động trên nên được ước lượng thời gian cụ thể và thích hợp cho từng hoạt động và giáo viên nên chủ động dừng lại nếu học sinh cảm thấy không hứng thú hoặc trở nên xao lãng. Giáo viên nên thiết lập các hiệu lệnh bắt đầu và kết thúc một hoạt động nào đó, chẳng hạn như vỗ tay, giơ cao tay hoặc đếm.

     Trẻ nhỏ luôn thích được khen. Vì vậy bất cứ khi nào trẻ thực hiện tốt, giáo viên nên chủ động tặng những lời khen cho trẻ. Trong trường hợp trẻ chưa thực hiện được, giáo viên cũng nên khuyến khích chứ không nên quát mắng.

     Trong khi áp dụng các phương pháp giảng dạy từ vựng tích cực, các chỉ dẫn và hiệu lệnh trong lớp học nên được sử dụng bằng Tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ giúp học sinh củng cố được các kĩ năng cần thiết mà học sinh đang được học. Để giúp học sinh hiểu rõ hơn những câu lệnh bằng Tiếng Anh, các động tác cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể và thậm chí là một chút Tiếng Việt sẽ là cần thiết khi lần đầu học sinh tiếp xúc với các hiệu lệnh đó. Các hiệu lệnh đó nên ở dạng ngắn gọn, đơn giản dễ hiểu và được sử dụng liên tục để học sinh luôn hiểu mình được yêu cầu thực hiện điều gì.

     2. Khuyến nghị:

     Để tạo điều kiện cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh theo chương trình Tiếng Anh Tiểu học đổi mới nói chung và việc sử dụng có hiệu quả các trò chơi ngôn ngữ trong việc giảng học Tiếng Anh cho học sinh ở bậc Tiểu học, tôi có một số khuyến nghị nhỏ như sau:

     * Đối với nhà trường Tiểu học:

      Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường có thể tổ chức một cuộc thi Tiếng Anh trong đó các phần có áp dụng các phương pháp giảng dạy từ vựng tích cực; từ đó các em có thể tự áp dụng các kiến thức ngôn ngữ đã học. Đồng thời, cùng với những trang thiết bị hiện đại đã có, nhà trường nên bổ sung thêm các đồ dùng hỗ trợ như tranh ảnh, thẻ từ đi kèm với bộ sách giáo khoa mới.

     * Đối với Phòng Giáo dục:

     Cần tổ chức thường các chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên Tiếng Anh cả về phương pháp lẫn khả năng sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với bộ sách Tiếng Anh Tiểu học mới. Trong đó, nhấn mạnh đến việc sử dụng có hiệu quả biện pháp giảng dạy từ vựng Tiếng Anh trong việc đổi mới công tác dạy và học bộ môn Tiếng Anh.

     Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm, người phụ trách nên đưa nội dung phương pháp giảng dạy Tiếng Anh theo hướng đổi mới nói chung và kinh nghiệm sử dụng các biện pháp giảng dạy từ vựng Tiếng Anh tích cực nói riêng, để các giáo viên có thể cùng thảo luận, rút ra được những bài học cụ thể để tăng hiệu quả các tiết dạy.

     * Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo:

      Đối với các bộ giáo trình Tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế luôn luôn có những bộ tranh ảnh, thẻ từ, hình nhân vật, đĩa bài hát, câu truyện kể hay các bài kịch và các đồ dùng chi tiết đến từng bài học nhỏ, hỗ trợ đắc lực cho việc sáng tạo trong dạy và học. Vậy nên, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét đến việc phát hành các bộ đồ dùng học tập cụ thể, chi tiết cho từng bài học, tránh trường hợp bộ đồ dùng hỗ trợ có nội dung chung chung, không trúng trọng tâm bài học như bộ sách giáo khoa cũ. Có như vậy, giáo viên mới cảm thấy không còn e ngại việc phải tự chuẩn bị một bộ đồ dùng, tranh và giúp được tiết học trở nên sinh động, gần gũi và dễ hiểu với học sinh.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC