Tài liệu ôn thi học sinh giỏi ngữ văn thpt chuyên đề Nguyễn Du và truyện Kiều trong trang phê bình văn học của Xuân Diệu

 Nguyễn Du và Truyện Kiều trong trang phê bình văn học

của Xuân Diệu

Nhân đọc cuốn “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” của Xuân Diệu.

  

  Từ khi “Truyện Kiều” ra đời cho đến nay, đã có rất nhiều ý kiến đánh giá về tác phẩm này. Xuân Diệu từng viết:”Truyện Kiều sau hơn 150 năm, đến nay vẫn cứ được bàn luận, tranh cãi sôi nổi. Cái đó chỉ chứng tỏ cô Kiều quả thật sắc sảo, mặn mà, vẫn còn làm gãy lưng được nhiều nhà phê bình, nhà bình luận. Riêng Xuân Diệu, ông đã nhiều lần viết về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”. Trong mỗi bài viết của mình, Xuân Diệu đều có những phát hiện mới mẻ. Ông góp tiếng nói riêng vào việc đánh giá tác giả tác phẩm, làm cho viên ngọc” Truyện Kiều” vô giá ấy thêm sáng ngời, lấp lánh những vẻ đẹp.

1.     Tìm hiểu” con người Nguyễn Du”:

Ông Nguyễn Lộc, khi viết về Nguyễn Du đã quan tâm đến con người Nguyễn Du ở khía cạnh tìm hiểu về tiểu sử nhà thơ: Một người hiếu học, khổ học, sinh ra trong một thời điểm lịch sử biến động. Ông Nguyễn Lộc cho rằng: Trước những biến cố lịch sử ấy, bản than Nguyễn Du đi nhiều, tiếp xúc với nhiều than phận, sự kiện khiến cho trái tim nhà thơ them giàu cảm xúc nhân đạo. Còn Xuân Diệu lại có cách tìm hiểu rất riêng. Ông cho rằng: Phía sau Nguyễn Du, tác giả ‘Truyện Kiều”, Nguyễn Du ông quan, còn có Tố Như, có cái thế giới thân mật hơn, riêng tây hơn. Xuân Diệu khẳng định:” Muốn hiểu thơ Nguyễn Du, không chỉ dừng lại ở “ Truyện Kiều” mà cần tìm đến cả thơ chữ Hán của Nguyễn Du”. Bằng trí tưởng tượng phong phú, nhờ năng lực thẩm thơ tài hoa Xuân Diệu vẽ lên bức chân dung thi sĩ Tố Như bằng ngôn từ. Đây là điểm rất đặc biệt trong ngòi bút phê bình của Xuân Diệu.

Trước cách mạng Xuân Diệu quan tâm đến một hình ảnh Tố Như trẻ trung”bàn tay xanh non của ta sẽ rũ bụi cho hương hồn tài tử, ta phải đặt lại Nguyễn Du trong khung xuân sắc, có hoa lá đụng vào mình thi sĩ…”. Xuân Diệu nhận thấy:”Nguyễn Du trước hết là một tài tử như bịn thi sĩ của muôn đời”. Ở bài viết “Đọc lại Nguyễn Du”(1966), Xuân Diệu lại tìm hiểu Nguyễn Du trong “Thác lời anh trai phường nón”. Ông thấy Nguyễn Du kể lại những cuộc đi hát ví với các ả phường vải. Xuân Diệu nhận thấy: bài thơ nói về nỗi đâu khổ của anh chàng phường nón tương tư, thất tình vì cô gái phường vải đã được Nguyễn Du đưa lên thành điển hình cho hang vạn người yêu nhau thuở ấy. Đó là một cuộc tương tư phổ biến của trai gái trong đời, nhưng vào tâm hồn Nguyễn Du, nó thành một nỗi đau khổ da diết.

Nếu trước cách mạng, Xuân Diệu chỉ thấy :”Lời kêu gọi của một trang tình nghe êm ái ngậm ngùi”, thì sau cách mạng, qua 102 bài thơ chứ Hán của Nguyễn Du, Xuân Diệu thấy được nhưng nét của con người Nguyễn Du, mà trước đây ông không thể tìm ra được. Xuân Diệu khẳng định: Thơ chữ Hán chứa đựng” bong hình,đời sống, nét mặt, mái tóc, dấu chân, suy nghĩ của Nguyễn Du”.

Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du, ông tím ra dấu ẫn lịch sử của một thời. Xuân Diệu viết:” Cái thời đại của Nguyễn Du đúng là tê đi và tái lại, tái cắt không ra máu đỏ của niềm vui”. Từ cách nhìn nhận ấy, Xuân Diều hiểu rõ hơn về con người Nguyễn Du. Ông cho rằng: Bản thân Nguyễn Du mang một cái bệnh của thời đại làm căn bệnh của chính mình. Mâu thuẫn xã hội không giải quyết được, tích tụ lại thành một nỗi u uất riêng. Xuân Diệu so sánh:” Nguyễn Du là nàng Kiều trong cái lầu Ngưng Bích của chế độ phong kiến”.

Như vậy, Xuân Diệu đã tìm hiểu Nguyễn Du theo cách riêng của ông. Xuân Diệu nhận ra: Ở thơ chữ hán chứa đựng tâm tình của Tố Như. Ở đó Tố Như có những câu hỏi về xã hội, về đời người,về kiếp người, mà lại hỏi cho mình, một cá thể. Từ những nhận xét ấy, Xuân Diệu đi đến nhận định:” Nguyễn Du mạng một cái đau khổ lớn, tích luỹ vào cái buồn ở tâm hồn Nguyễn Du thành một thiên tính thứ hai”.

2.     Đánh giá về nội dung “Truyện Kiều”:

      Xuân Diệu có cách đánh giá về Truyện Kiều ở phương diện giá trị nội dung: Tác phẩm là một bản cáo trạng lớn đối với xã hội phong kiến. Nó là một tiếng khóc vĩ đại trong xã hội cũ. Một số nhà nghiên cứu đánh giá cao cảm hứng nhân văn trong Truyện Kiều. Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thanh Lê cho rằng: Qua nhân vật trung tâm, Nguyễn Du thể hiện cảm hứng nhân đạo sâu sắc, đẹp đẽ, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp, đồng tình với khát vọng giải phóng con người, đồng cảm với số phận bi kịch của con người và là tiếng nói lên án những thế lực bạo tàn. Với Xuân Diệu, ông cũng khẳng định quan niệm đó, song có cách nói riêng bằng hình tượng: “Biết khóc, khóc to, khóc lớn, là vạch mâu thuẫn không giải quyết được của xã hội phong kiến, khóc rung chuyển cả muôn lòng người, khóc đến nỗi mây sầu gió thảm, trời đất cũng không thể đứng yên, là muốn đập vào cửa trời, bắt phải trả lời về số phận con người tại sao khổ sở, cùng cực đến thế. Xuân Diệu có nhận xét rất riêng về màn Kim Kiều đoàn viên, ông cho rằng: “Bản cáo trạng cuối cùng của Truyện Kiều lại nằm ngay trong những giờ phút vui vẻ nhất: “Đoàn viên tái hợp nở những nụ cười tươi, những sắc mặt vui sướng nhưng luôn luôn Nguyễn Du cứ nói: Đây là nạn nhân 15 năm của xã hội. Nguyễn Du đã sử dụng triệt để cuộc đoàn viên, để tính sổ một lần cuối cùng”. Với Xuân Diệu, ông còn khẳng định: trong Truyện Kiều, chất lãng mạn và hiện thực luôn kết tinh, hoà quyện vào nhau qua hai nhân vật Từ Hải và Thuý Kiều. Trong bài viết năm 1958, Xuân Diệu có nhận xét: “Thuý Kiều là kết tinh của tài hoa, Từ Hải là kết tinh của khí phách, nhưng cả hai lãng mạn tuyệt vời ấy luôn rất thực”. Ở bài viết sau năm 1964, Xuân Diệu khẳng định điều này rõ hơn: Nguyễn Du tập trung, kết tinh, nâng cao tinh thần lãng mạn, nói những ước mơ chắp cánh của con người, tuy nhiên cái mới là Nguyễn Du đưa đến trong truyện là cuốn tiểu thuyết hiện thực, bởi vậy ta thấy có thực trong đời, bởi nhân vật chính diện của Nguyễn Du cũng có khuyết điểm, bởi trong đời nó thế: Kiều nhẹ dạ tin người cầu an, Từ Hải thiếu cảnh giác.

3.     Đề cao cái cá thể khi nghiên cứu Truyện Kiều:

 Khi tìm hiểu Truyện Kiều, Xuân Diệu đã đề cập đến “con người cá nhân”, vấn đề quyền sống và quyền hạnh phúc của mỗi con người, vấn đề của individu trong xã hội phong kiến. Đây là cách nhìn nhận mới mẻ của Xuân Diệu ở thời điểm phê bình lúc bấy giờ (1966). Xuân Diệu cho rằng: Chỉ có Nguyễn Du trong Truyện Kiều mới đặt vấn đề chữ mình một cách tập trung hơn cả, một cách gay gắt điển hình. Ông so sánh vấn đề số phận con người được đề cập trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương. Ông nhận thấy ở thơ Hồ Xuân Hương, nữ sĩ đòi quyền sống của con người trong xã hội. Tuy nhiên, Xuân Hương không dùng chữ mình và chữ riêng, còn ở Nguyễn Du đã nhiều lần nói vấn đề mỗi cá nhân, chữ mình một cách rõ ràng:

                             Một mình lưỡng lự canh chầy

                        Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh

                             Hoa trôi bèo dạt đã đành

                        Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi

                             Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi

                        Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn

                             Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn

                                                     (Truyện Kiều-Nguyễn Du)

 Xuân Diệu nhận thấy: việc đặt vấn đề số phận con người bị nghiền nát, vấn đề quyền sống của con người bị phủ nhận là đòi hỏi bức thiết trong thời đại Nguyễn Du. Nhà thơ lấy mỗi con người là một bản cá thể, một con người cá thể. Xuân Diệu so sánh với các tác giả khác, nhận thấy trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đưa nhân vật chính vào giữa cuộc đời và nhập thân vào nàng, luôn luôn Thuý Kiều tự giác mình là một cái thân, một tấm lòng, một con người. Trong khi đó các tác phẩm khác, chữ mình chỉ lơ thơ, lác đác. Xuân Diệu chú ý đến cách: Nguyễn Du viết tiểu thuyết, kể chuyện như không mải sự kiện, tình tiết mà quên vấn đề con người. Ông cho rằng: tất cả là quy tụ vào số phận một con người, qua nàng Kiều, Nguyễn Du muốn nói cái nỗi đòi hỏi u uất của hàng triệu người.

 Như vậy, vấn đề cá thể trong Truyện Kiều được Xuân Diệu nhìn nhận và đánh giá có cơ sở khoa học. Từ hiện tượng cá thể trong tác phẩm, ông có cách nhìn khái quát: “Bi kịch ấy chính Nguyễn Du cũng không biết làm sao mà giải quyết ra được, chỉ đến xã hội mới, cá nhân hoà vào xã hội, xã hội bồi dưỡng cá nhân, vấn đề của anh trai phường nón Nguyễn Du đến xã hội mới, được giải quyết thoả đáng, biện chứng”.

4.     Những khám phá của Xuân Diệu về tài năng ở một hồn thơ vĩ đại:

Đánh giá về tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du, giáo sư Nguyễn Lộc đánh giá cao về trình độ ngôn ngữ thơ phong phú, chính xác của Tố Như thể hiện ở Truyện Kiều. Giáo sư chú ý hiện tượng kế thừa văn học dân gian (thành ngữ, ca dao, tục ngữ,...) trong Truyện Kiều, việc tiếp nhận nguồn thi liệu giàu có của văn học Trung Quốc; đồng thời ông cho rằng: bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là một thành công đáng kể. Còn Xuân Diệu, với sở trường thẩm thơ, ông có khả năng khai thác từ ngữ, tiết tấu, nhạc điệu. Ông quan tâm đến những câu thơ có tính nhịp điệu, tiết tấu:

                                 Làm cho cho mệt cho mê

                            Làm cho đau đớn, ê chề cho coi!

                                Trước cho bõ ghét những người

                             Sau cho để một trò cười về sau.

                                                          (Truyện Kiều)

 Xuân Diệu có bài viết “Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều” (1976), với lối cảm thụ tinh tế, ông đưa ra những cách hiểu sao cho phù hợp với nội dung văn bản. Xuân Diệu có nhận xét: “Vào đến thế giới của các từ, của từng từ một, nó là từng viên gạch một, nó là mỗi tế bào của tác phẩm thơ, càng thấy Nguyễn Du là một ông thầy của ngôn ngữ, là một phù thuỷ của ngôn từ. Những từ, những chữ dùng của Nguyễn Du rất đắt. Dĩ nhiên, “từ” đây không phải là danh từ, mà còn là động từ, tính từ, trạng từ,… Tất cả các thì, là, mà, rằng.

 Đặc biệt trong bố cục của Truyện Kiều, Xuân Diệu có phát hiện khá lí thú. Ông cho rằng: “Nguyễn Du có tất cả lí do để dùng 400, 500 câu thơ trong hơn ba nghìn câu, trồng cái cây tình ái của Kim Kiều cho thật chắc, sâu sắc trong hai tháng, để nó vượt qua được cái phũ phàng trong 15 năm. Bố cục ở phần đầu được Nguyễn Du để bao nhiêu tâm huyết, hai tháng so với 15 năm quả là ngắn ngủi, nhưng Nguyễn Du đã dành một phần tám tác phẩm để điểm trang “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”.

  Phải là Xuân Diệu, một thi sĩ nổi tiếng về thơ tình, một nhà phê bình giàu khả năng nắm bắt chất thi vị của tình yêu mới có thể có phát hiện độc đáo và lí thú như thế. Không chỉ vậy, Xuân Diệu còn chứng minh được văn Truyện Kiều là tinh hoa của văn chương cổ điển kết hợp với tinh hoa của văn chương bình dân. Từ chất văn xuôi của truyện chuyển sang chất thơ. Ông cho rằng: Nguyễn Du đã có những bút pháp để gạn lấy nét chính, tập trung vào tâm tình, tạo ra hình tượng.

  Tập hợp các bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều của nhà phê bình Xuân Diệu từ 1958-1976, ta thấy ông luôn luôn thể hiện sự ngưỡng mộ nhiệt thành với thi hào dân tộc Nguyễn Du. Góp một tiếng nói riêng trong nhiều tiếng nói về Truyện Kiều xưa và nay, Xuân Diệu đã thể hiện được cái nhìn tiến bộ trong tư tưởng nghệ thuật khi đề cao cá thể trong nghiên cứu Truyện Kiều, ở cách xem xét hài hoà giữa tác phẩm và cuộc đời tác giả. Xuân Diệu có duyên trong những trang phê bình đề cập đến tình yêu, có lẽ đây là sở trường của nhà phê bình Xuân Diệu.

                                                              Tháng 6/2013

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC