Skkn Giúp học sinh học tốt phân môn Tập đọc ở lớp 4 (2021)

 


1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: Giúp học sinh học tốt phân môn Tập đọc ở lớp 4”.

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục ( phân môn Tập đọc lớp 4)

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 07.9.2020

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

Môn Tiếng Việt là môn học vô cùng quan trọng đối với học sinh Tiểu học.  Ở lớp 4,  mục tiêu của môn học này là hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng sử dụng Tiếng Việt để học tập, giao tiếp trong các môi trường hoạt động… Những kỹ năng sử dụng Tiếng Việt ( nghe, nói, đọc, viết) được rèn luyện thông qua các phân môn trong đó phân môn Tập đọc có nhiệm vụ rèn các kỹ năng đọc, nghe và nói, trọng tâm là kỹ năng đọc ( đọc thành tiếng, đọc – hiểu, đọc thầm và đọc diễn cảm). Giáo viên cần có cách tổ chức hoạt động lớp học thế nào để mọi học sinh đều tham gia tốt bài học, hiểu nội dung bài…

        Dạy học không những rèn luyện kĩ năng đọc mà còn phát triển cho các em vốn từ ngữ Tiếng Việt phong phú. Từ đó các em sẽ học tốt các môn học khác. Học cách đọc các em cũng đồng thời học được cách nói cách viết một cách chính xác, ngôn ngữ trong sáng, có nghệ thuật, góp phần không không nhỏ vào việc rèn luyện suy nghĩ, diễn đạt, hình thành một nhân cách toàn diện cho lớp người chủ tương lai của xã hội.

         Qua thực tế giảng dạy ở trường tiểu học, tôi thấy vấn đề rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh là vấn đề rất quan trọng. Cách rèn đọc có thể làm tăng tính ham thích đọc, tính chủ động của học sinh trong quá trình học song cũng có thể ngược lại.

Khi dạy tập đọc cho học sinh lớp 4, vấn đề không phải chỉ dạy cho học sinh đọc to, rõ ràng mà còn phải dạy cho học sinh đọc đúng, lưu loát, ngắt nghỉ, hạ giọng cao giọng, đọc nhớ, đọc nhanh. Ngoài ra, còn giúp các em hiểu và cảm thụ tốt bài đọc thì học sinh mới đọc hay, đọc diễn cảm được bài đọc đó. Phải hiểu được bài đọc nói lên cái gì ? và các em học được gì qua bài đọc đó.

       Để đọc đúng, đọc lưu loát đã khó, đọc hay, đọc diễn cảm truyền đến người nghe cảm xúc “thật”, “rung động” đối với bài văn lại càng khó hơn. Ngoài ra khi đọc các em còn cảm thụ nội dung để có thể trả lời các câu hỏi tìm hiểu bài và tìm ý từng đoạn, cả bài văn, bài thơ.

      Thực tế hiện nay, chúng ta thấy đa số học sinh phát âm chưa rõ ràng, đọc chưa rành mạch, ngắt, nghỉ còn chưa đúng chỗ, đọc chưa đúng ngữ điệu, chưa biết nhấn giọng ở từ gợi tả hình ảnh, âm thanh nên chưa thể hiện hết ý nghĩa và tình cảm của tác giả đó gởi gắm trong nội dung bài thơ, bài văn.

     Từ nhận thức trên cùng với thực tế nhiều năm giảng dạy, tôi đã quyết tâm làm thế nào để nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn tập đọc trong đó chú trọng việc rèn đọc diễn cảm cho học sinh trong quá trình giảng dạy và tôi mạnh dạn trình bày Giúp học sinh học tốt phân môn Tập đọc ở lớp 4”. Hy vọng đề tài này nhằm nâng cao chất lượng đọc và cảm thụ văn bản cho học sinh lớp 4, tạo điều kiện cho các em học tập ở những lớp trên.

5.2. Nội dung sáng kiến:

a.Thực trạng của vấn đề

Chất lượng sách giáo khoa Tiếng Việt ở Tiểu học được đánh giá cao nhờ tuyển chọn nhiều bài tập đọc hay, có giá trị giáo dục cao, có định hướng sư phạm rõ ràng. Những đoạn văn trong sách giáo khoa có một bước tiến lớn so với trước, chất văn sách giáo khoa được nâng lên. Các văn bản đã đề cập đến cuộc sống nhiều mặt của con người và được xếp theo chủ điểm hợp với tâm lí lứa tuổi. Nhiều bài thơ, bài văn hay được trích hoặc soạn lại từ các tác phẩm văn học có giá trị ở thời đại thuộc kho tàng văn học trong nước, nước ngoài hợp với thị hiếu và nhận thức của trẻ em, đã gây được cảm xúc mạnh, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn các em.

Những chú giải và hệ thống câu hỏi, bài tập của bài tập đọc đã trở thành những chỉ dẫn, gợi ý rất quan trọng để giáo viên và học sinh tìm hiểu nội dung bài.

Bên cạnh những thuận lợi đã nêu, việc học môn Tiếng Việt vẫn còn có nhiều khó khăn tồn tại, đó là :

  - Địa bàn có nhiều dân cư nơi khác chuyển đến ở, do đó học sinh có nhiều giọng nói khác nhau, cách phát âm cũng khác nhau.

Theo kết quả khảo sát đầu năm của lớp Bốn 4 như sau:

 

Sĩ số

Đọc trôi chảy, phát âm chuẩn, diễn cảm

Đọc đúng  tốc độ yêu cầu, phát âm đúng

Đọc còn chậm, phát âm chưa chuẩn

41 em

     12 em

18 em

11 em

 

Qua kết quả kiểm tra tôi tìm hiểu và nắm được những hạn chế của học sinh là:

          - Sự tự giác trong học tập chưa cao, độ tập trung chú ý còn ở giai đoạn thấp, trình độ đọc còn yếu.

        - Đọc chưa rành mạch, còn ấp úng, chưa thật thông hiểu văn bản, phần nhiều mới chỉ là sự phát âm đúng, các em có thói quen đọc ê a, kéo dài hoặc liến thoắng, vội vã, hấp tấp, đọc chưa đúng theo ngữ, câu, chưa biết đọc nhấn mạnh vào những từ cần nhấn, thể hiện giọng đọc phù hợp với văn bản chưa tốt.

        -  Do ảnh hưởng phát âm ngôn ngữ nên đa phần các em phát âm chưa chuẩn phụ âm đầu l/n.      

Chính vì những nguyên nhân trên đòi hỏi người giáo viên cần phải tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhất để khắc sâu kiến thức cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học. Muốn học sinh học tốt phân môn Tập đọc ở lớp 4 thì giáo viên phải thực hiện tốt những việc sau:

b. Các giải pháp thực hiện

1.Việc luyện rèn đọc:

                Đây là giai đoạn bài học sinh được tiếp xúc với văn bản, được đọc vỡ, muốn các em đọc được diễn cảm hay giáo viên phải làm tốt khâu này. Trong khi học sinh đọc bài, giáo viên chú ý theo dõi và kịp thời sửa chữa kịp thời những lỗi phát âm chưa chuẩn xác.

    - Đối với tiếng có âm đầu ch/tr

       Âm ch: cách phát âm: đầu lưỡi – hàm, đưa đầu lưỡi hàm bật hơi nhẹ. Ví dụ: chan chứa. Cũng âm đầu tr, cách phát âm: gốc lưỡi – hàm,

đưa gốc lưỡi hàm bật hơi nhẹ. Ví dụ: trong trẻo.

         - Đối với tiếng cú âm đầu là l/n,

                 Âm l: cách phát âm: đầu lưỡi – hàm. Hướng dẫn phát âm: đặt đầu lưỡi lên hàm sau đó bật hơi. Ví dụ: long lanh. Các âm n: cách phát âm: mặt lưỡi – hàm. Hướng dẫn phát âm: đưa mặt lưỡi mặt hàm bật hơi nhẹ. Ví dụ: cái nong.

                 Tương tự như vậy với các âm khác, giáo viên cũng hướng dẫn học sinh như thế. Lúc đầu tôi áp dụng phương pháp này chưa quen, nên việc rèn cho các em đọc gặp không ít khó khăn, nhưng do sự động viên khuyến khích kịp thời của tôi, các em dần dần quen và cảm thấy dễ sửa hơn.

2. Luyện đọc hiểu từ, cụm từ khó:

Khi luyện cho học sinh luyện đọc hiểu có nghĩa là trong quá trình đọc, học sinh hiểu được một số từ ngữ khó có trong bài. Tôi đưa ra cho học sinh một số từ, cụm từ khó đọc, khó hiểu, học sinh đọc thầm và giải nghĩa từ ấy, tôi nhận xét và chốt lại nghĩa đúng.

3. Đọc mẫu:

   Về việc đọc mẫu của giáo viên có ý kiến cho rằng “Nếu mở đầu tiết tập đọc, giáo viên đọc mẫu ngay, như vậy là áp đặt học sinh”, có ý kiến khác lại cho rằng “Để tự học sinh tìm ra cách đọc đoạn, bài trên cơ sở có sự hướng dẫn của giáo viên”. Xét tình hình thực tế hiện nay, học sinh có thể làm được điều mà ý kiến thứ hai đưa ra. Song việc đọc mẫu vẫn không thể thiếu được bởi không phải lúc nào học sinh cũng tìm ra được cách đọc đúng nhất cho đoạn, bài đó. Như vậy việc đọc mẫu trong giờ dạy tập đọc là không thể thiếu được. Việc đọc mẫu là rất quan trọng bởi nó có tác dụng làm cơ sở định hướng cho học sinh khi đọc. Ở Tiểu học các em còn nhỏ nên việc đọc theo cô, thầy, tiếp cận với đọc mẫu cũng nhanh thường thì cô đọc thế nào, trò đọc như vậy. Vì vậy mỗi bài tập đọc trước khi dạy, giáo viên phải chuẩn bị trước để khi đọc mẫu thật trôi chảy, phát âm chuẩn xác và nắm vững các mức độ đọc diễn cảm để rèn cho học sinh đọc tốt. Và sau đây là một số việc mà giáo viên phải lưu ý trong giờ dạy tập đọc của lớp mình :

-   Giáo viên biết hạ giọng hay cất cao giọng theo từng loại câu.

-   Giáo viên biết nhấn mạnh các từ trong câu (từ, cụm từ cần nhấn mạnh)

-   Tuỳ theo nội dung từng đoạn văn, bài văn mà giáo viên có giọng đọc thích hợp.

-   Giáo viên chú ý phân biệt lời tác giả và lời nhân vật để có giọng đọc khác nhau.

              4. Hướng dẫn học sinh đọc cảm thụ bài dọc (tìm hiểu bài):

                 Ngoài nhiệm vụ rèn đọc cho học sinh ra, phân môn tập đọc còn có nhiệm vụ tích lũy kiến thức nhiều mặt đa dạng phong phú cho các em. Mỗi bài tập đọc là bức tranh thu nhỏ về hiện thực cuộc sống người và thời đại hoặc là vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước con người,. . .theo các chủ đề, chủ điểm. Hơn thế nữa phân môn tập đọc còn cung cấp, mở rộng cho các em một vốn từ ngữ thuộc những chủ đề đó. Từ đó giúp học sinh có thêm vốn từ ngữ khi viết văn. Vấn đề ở đây là dạy học như thế nào để tránh biến giờ tập đọc thành giờ giảng văn hoặc biến giờ tập đọc thành một tiết học nhàm chán khô khan không gây hứng thú cho học sinh.

Sau khi học sinh luyện đọc, giáo viên hướng dẫn các em tìm hiểu bài qua hệ thống câu hỏi. Yêu cầu học sinh đọc câu hỏi, gạch dưới những từ trọng tâm dùng để hỏi

+ Ví dụ trong bài “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu ((Tiếng việt 4 - tập 1) , học sinh đọc câu hỏi:

      - Dế Mèn gặp Nhà Trò trong hoàn cảnh như thế nào ?

Đọc câu hỏi, gạch dưới những từ trọng tâm rồi các em tập xác định phần trả lời cho câu hỏi nằm trong đoạn nào? (đoạn 1). Cách trả lời câu hỏi ấy như thế nào ? Sau khi xác định được phần trả lời ở đoạn 1, các em dùng bút chì gạch chân dưới những đặc điểm nổi bật “ Dế Mèn nghe tiếng khóc tỉ tê, lại gần thì thấy chị Nhà Trò gục đầu bênh tảng đá cuội.” Câu hỏi 2 – tương ứng đoạn 2; câu hỏi 3 tương ứng phần trả lời ở đoạn 3.

Hay trong bài thơ, câu hỏi 2 có phần trả lời ở nằm ở cả bài, nên khi đọc câu hỏi học sinh đọc kĩ để xác định phần trả lời cho đúng.

+ Ví dụ như bài “Tre Việt Nam” (Tiếng việt 4 - tập 1)

Câu hỏi 1:

-Những hình ảnh nào của tre nói nên phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam? ( cần cù, đoàn kết, ngay thẳng) Khi đọc câu hỏi này các em cũng sẽ lấy bút gạch chân dưới từ trọng tâm dùng để hỏi rồi đọc lại các khổ thơ trong bài, đưa ra ý trả lời (Cần cù: Ở đâu tre cũng xanh tươi / cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu;………….Đoàn kết: Khi bão bùng, tay ôm tay níu cho gần nhau thêm/……………. Ngay thẳng: Nòi tre đâu chịu mọc cong……………)

Ví dụ: Câu hỏi “Ông Xi-ôn-cốp-xki đã kiên trì thực hiện mơ ước của minh như thế nào?. (Trong bài: Người tìm đường lên các vì sao -Tiếng Việt 4-Tập 1)

Để trả lời được những loại câu hỏi này các em phải đọc lướt toàn văn bản. Vậy khi đọc toàn bài, học sinh xác định phần trả lời câu hỏi tức là các em đã phần nào đọc hiểu được văn bản rồi.

Nếu học sinh đọc chưa tốt, đọc mà vẫn không nắm được yêu cầu câu hỏi, thì giáo viên phải có gợi ý, dẫn dắt để các em hiểu được câu hỏi, xác định trả lời.

Nếu câu hỏi dài cần trả lời nhiều ý, giáo viên chia nhỏ câu hỏi để nhiều học sinh được trả lời và trả lời được đầy đủ các ý, sau đó cho 1, 2 học sinh trên chuẩn trả lời lại toàn bộ câu hỏi.

     Cứ như vậy giáo viên hướng dẫn học sinh để học sinh tự mình đặt câu hỏi và trả lời. Trong quá trình tổ chức, điều khiển hoạt động của lớp như vậy có những câu trả lời của học sinh không đúng với nội dung câu hỏi thì giáo viên phải dưa ra những câu hỏi phụ để học sinh trả lời được đúng nội dung câu hỏi đó. Đây là tình huống sư phạm đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt xử lý. Quan trọng là giáo viên chủ động lựa chọn nội dung kiến thức phù hợp với bài học, với đối tượng học sinh không phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa và sách hướng dẫn.

Có một số dạng câu hỏi phát huy tính tích cực của học sinh, khuyến khích các em nêu ra được nhiều ý kiến, giáo viên nên để các em nêu để phát triển thêm suy nghĩ của trẻ. Nếu các em đưa ra được nhiều ý kiến khác đúng chứng tỏ các em đã đọc kĩ, hiểu bài, tiết học thành công.

       Để nâng cao chất lượng giờ dạy tập đọc, cần tận dụng không gian lớp học, sử dụng các phương tiện dạy học như đồ dùng trực quan, các phiếu học tập, các băng hình, băng tiếng,… Vận dụng đồng bộ các hình thức tổ chức dạy học như dạy học cá nhân, theo nhóm, tổ chức trò chơi,….

        Trong một tiết tập đọc giáo viên có thể sử dụng hai hình thức đó là: đọc thầmđọc thành tiếng:

+ Hình thức đọc thành tiếng, tôi áp dụng vào lúc luyện đọc đúng cho học sinh. Hình thức đọc thầm, tôi áp dụng vào lúc tìm hiểu bài. Giáo viên yêu cầu học sinh đọc thầm để tìm câu trả lời cho câu hỏi nào đó. Đây là hình thức lâu nay trong các nhà trường chưa coi trọng đúng mức.

+ Về mối quan hệ giữa đọc đúng (đọc thành tiếng) và đọc thầm thì đọc thành tiếng là cơ sở cho việc đọc thầm. Đọc thành tiếng là hình thức yêu cầu đọc thấp, đọc thầm là hình thức yêu cầu đọc cao hơn. Đọc thầm giúp học sinh dễ cảnh nhận nội dung bài học. Vậy trong các bước của giờ tập đọc ta không nên bỏ qua bước đọc thầm này. Trước khi yêu cầu học sinh đọc thầm tôi đưa ra câu hỏi và giao nhiệm vụ cho các em đọc thầm và tìm câu trả lời cho câu hỏi đó như: “Em hãy tóm tắt nội dung đoạn em vừa đọc ?”. Làm như vậy các em mới tập trung vào việc đọc thầm và tự giỏc đọc thầm không cần giáo viên nhắc nhở.

 5. Giáo viên hướng dẫn đọc diễn cảm, đọc thuộc lòng:

     Trong một giờ tập đọc dạy theo phương pháp mới này, thì khâu luyện đọc diễn cảm diễn ra sau khi học sinh luyện đọc đúng; tìm hiểu bài là phù hợp, hợp lý bởi các em có đọc đúng văn bản, hiểu được nội dung văn bản và từ đó các em có thể tự mình xác định được giọng đọc cho bài thơ, văn bản đó. Có nhiều cách tổ chức luyện đọc diễn cảm cho học sinh như: Giáo viên đưa ra hệ thống cậu hỏi để tìm ra những từ ngữ, cụm từ đọc diễn cảm hay giáo viên yêu cầu học sinh tìm những từ, cụm từ cần đọc diễn cảm có trong đoạn văn, đoạn thơ và nêu giọng đọc các từ ấy,...

                 Khi học sinh xác định được giọng đọc của đoạn, bài đó rồi. Giáo viên có thể tổ chức cho các em đọc theo nhóm hai bạn và thi đọc hay giữa các nhóm. Việc làm của giáo viên như vậy vừa tìm được ra những em học sinh có giọng đọc hay, vừa giúp các em hưng phấn trong khi đọc giúp tiết học nhẹ nhàng hiệu quả.

                 Đối với những bài thơ (bài văn yêu cầu thuộc một đoạn), khi học sinh đó xác định được giọng đọc của bài. Giáo viên tổ chức cho học sinh thi đọc thuộc đoạn đó. Giáo viên có thể yêu các em học thuộc bài, đoạn văn (thơ) dưới dạng trò chơi “Đọc thơ truyền điện”.

                 Trên đây là những hình thức tổ chức hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm và đọc thuộc lòng mà tôi đưa ra và áp dụng với lớp mình. Cũng tuỳ thuộc vào những bài văn, thơ mà mỗi giáo viên áp dụng những hình thức đọc diễn cảm, đọc thuộc lòng phù hợp nhất cho đối tượng học sinh của lớp mình. Để các em học sinh có những tiết học thật thoải mái và hiệu quả.

5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

Phương pháp này có thể áp dụng cho toàn thể học sinh khối 4 ở trường Tiểu học An Lộc A và học sinh khối 4 trong toàn địa bàn thị xã Bình Long.

6. Những thông tin cần được bảo mật: Không

          7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:  Giáo viên tâm huyết với nghề, nhiệt tình trong giảng dạy, có năng lực truyền thụ kiến thức tốt, yêu thương học sinh như chính con mình. Sự nỗ lực của học sinh trong học tập. Ngoài ra cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là những điều kiện không thể thiếu trong việc giảng dạy cho các em. Phải kết hợp với gia đình trong nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc việc học tập của các em .

8. Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến:

a. Kết quả đạt được:

Trong học kì I của năm học này, với phương pháp dạy học như trên tôi đã thấy rõ sự tiến bộ của học sinh lớp tôi đạt được sau những tiết học, sau kỳ kiểm tra học kỳ I do nhà trường ra đề đã cho thấy công sức tôi bỏ ra có kết quả nhất định như sau:

Sĩ số

Đọc trôi chảy, phát âm chuẩn, diễn cảm

Đọc đúng  tốc độ yêu cầu, phát âm đúng

Đọc còn chậm, phát âm chưa chuẩn

41 em

 16 em

20 em

5 em

 

b. Bài học kinh nghiệm:

Để có được kết quả cao trong học tập của học sinh thì sự giảng dạy nhiệt tình của giáo viên thôi  chưa đủ. Mỗi một môn học, mỗi một bài học, mỗi một tiết học đều có một sắc thái, một đặc điểm riêng, đòi hỏi một phương pháp riêng phù hợp với nó. Vì vậy, ngoài những phương pháp chung đã được sách báo in thành chương, thành mục, mỗi giáo viên cần xây dựng cho mình một phương pháp dạy học riêng, với những kiến thức đã có và những kiến thức, những kinh nghiệm được đúc kết qua những năm tháng giảng dạy. Những kinh nghiệm đó không phải đã ghi sẵn trong tài liệu hướng dẫn giảng dạy nên không ai giống ai. Vì vậy, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè đồng nghiệp cũng là một công việc không thể thiếu nhằm thúc đẩy và nâng cao kết quả học tập của học sinh.

Giáo viên cũng cần quan tâm đến nhu cầu tiếp thụ của học sinh. Mỗi học sinh có một khả năng nhận thức khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải dựa vào tình hình thực tế để điều chỉnh cách dạy sao cho phù hợp nhất. Chỉ có như vậy, công sức lao động của chúng ta bỏ ra mới không bị uổng phí. Kết quả thu được mới thể hiện đúng giá trị đích thực của nó. Bằng những kinh nghiệm của bản thân, bằng những nỗ lực và đam mê với nghề, chúng ta hãy tạo ra những con đường bằng phẳng nhất để các em dễ dàng tiếp nhận kiến thức.

Trên đây là một số ý giúp học sinh khắc phục những khó khăn khi học phân môn Tập đọc ở lớp 4 mà tôi đã nghiên cứu. Tuy nhiên đề tài của tôi không thể tránh những khiếm khuyết. Song qua nghiên cứu và thực nghiệm, tôi rút ra được đây chính là biện pháp giúp các em hăng say học tập hơn và đọc bài diễn cảm cũng như đọc hiểu tốt hơn. Kính mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý cấp lãnh đạo, để đề tài này của tôi được hoàn thiện hơn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/ 

Previous Post Next Post

QC

QC