Skkn Phương pháp giúp học sinh yêu thích môn Khoa học lớp 4 (2021)

 


1.  Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến : “Phương pháp giúp học  sinh yêu thích môn Khoa học  lớp 4.

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:   Dạy - học môn khoa học lớp 4

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử.   

- Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 20 /4/ 2020

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

        5.1 Tính mới của sáng kiến:

       Như chúng ta đã biết, đối tượng HS lớp Bốn là những học sinh 10 tuổi, độ tuổi mà ngày xưa ông bà ta thường nói “ Ăn chưa no, lo chưa tới”. Tâm lí của các em cũng rất đặc biệt: Nhận thức thường là cảm tính, lí tính chưa thực sự phát triển. Tư duy trực quan chiếm ưu thế. Năng lực tập trung không lưu.Trí nhớ theo kiểu máy móc tốt. Đặc biệt là những biểu hiện tâm lí của các em dễ bị dao động theo tác động của môi trường sống.

           Các em  rất thích tìm hiểu về khoa học và có một lượng tri thức khoa học nhất định về nhiều lĩnh vực tuy chưa có hệ thống. Các em rất thích đọc các loại sách về khoa học, thích làm thí nghiệm dù các hiện tượng khoa học đó các em đã gặp trong đời sống nhưng tôi biết các em hứng thú vì các em đã hiểu được “Vì sao?” và gọi đúng tên khoa học của nó. Đó là ham thích khám phá khoa học. Hiện tại, để có thể đáp ứng được những ham thích của các em, tôi đã thực hiện một số hoạt động trên lớp về bộ môn này. Thực sự các em cũng chính là nguồn cảm hứng để tôi có thể chọn lựa hoặc thay đổi phương pháp, linh hoạt trong từng điều kiện và hoàn cảnh cũng như nội dung bài dạy. Mối quan hệ thầy và trò đã là niềm say mê của tôi trong việc hướng dẫn các em tìm tòi, khám phá các tri thức khoa học.

         Hiểu được sự cần thiết của khoa học trong đời sống và đặc điểm tâm lí của học sinh tiểu học, để thực hiện tốt những giờ Khoa học có hiệu qủa tôi đã nghiên cứu và viết ra đề tài: “Phương pháp giúp học sinh yêu thích môn Khoa học  lớp 4. Tính mới của sáng kiến do tôi thực hiện đã khắc phục được nhược điểm học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động do giáo viên truyền đạt có sẵn trong sách giáo khoa. Áp dụng giải pháp này tạo cho học sinh chủ động sáng tạo, lĩnh hội tri  thức mới, ham học hỏi, ham nghiên cứu khoa học giúp các em tự tin khắc sâu kiến thức.Vật làm thí nghiệm đơn giản dễ làm gắn liền với đời sống thực của các em.

5.2 Nội dung sáng kiến:  

            a.   Khai thác vốn hiểu biết của học sinh trước khi truyền đạt kiến thức mới.

     Mỗi em học sinh từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên, ít nhiều các em cũng đã tiếp cận với những vấn đề khoa học. Kiến thức khoa học đã tiềm ẩn trong các em. Vậy người thầy làm thế nào để có thể khơi gợi những năng lực tiềm ẩn ấy ở các em? Khơi gợi như thế nào để hiệu quả nhất, phù hợp nhất? Để lí giải câu hỏi này đòi hỏi người thầy phải có định hướng trước khi tổ chức các hoạt động học tập. Một số biện pháp nhằm khơi gợi khả năng của các em như:

       Giáo viên nêu một hiện tượng có trong đời sống hàng ngày mà các em đã từng gặp để các em suy đoán, trả lời. Từ đó, người thầy sẽ dắt các em đi tiếp cuộc hành trình cho đến khi phát hiện chân lí của vấn đề.

Ví dụ: Mở đầu bài “ Không khí cần cho sự sống” , giáo viên nêu câu hỏi: “Nếu lấy tay bịt mũi và ngậm miệng lại, em cảm thấy thế nào?” Học sinh sẽ có nhiều cách trả lời như:

-         Ngạt thở

-         Khó chịu

-         Tức ngực

       Tiếp đó giáo viên yêu cầu học sinh giải thích hiện tượng ấy bằng những điều đã biết trong thực tế, các em sẽ giải thích theo kiểu của mình… Lúc ấy các em đã chủ động bước vào bài học mới.

Giáo viên nêu kết luận sai về một hiện tượng liên quan đến bài cần dạy, bằng vốn hiểu biết của mình, các em sẽ lý giải để phủ định ý đó.

  Ví dụ: Dạy bài “ Nước có tính chất gì?, giáo viên yêu cầu học sinh :

Quan sát vật thật theo nhóm để rút ra tính chất không màu, không mùi, không vị của nước.

Làm thí nghiệm chứng minh nước không có hình dạng nhất định: chảy lan ra mọi phía, chảy từ cao xuống thấp, thấm qua một số vật và hòa tan một số chất.

Học sinh còn được thảo luận các câu hỏi gợi ý các em tìm tòi , phát hiện ra cách tiến hành thí nghiệm chứ không đơn thuần làm thí nghiệm một cách máy móc theo yêu cầu của GV. Ví dụ:

  + Làm thế nào để biết được một vật cho nước thấm qua hoặc không?

  + Làm thế nào để biết được một chất có hòa tan hay không hòa tan trong nước?

        Việc phối hợp nhiều PPDH như trên đã làm cho các hoạt động của HS đa dạng, phong phú, lôi cuốn mọi học sinh cùng tích cực tham gia.         

  Ví dụ: Dạy bài “Ánh sáng cần cho sự sống”, giáo viên nêu: “Có một ý kiến cho rằng ánh sáng không cần thiết đối với người bị mù bẩm sinh.” Theo em điều đó đúng hay sai? Vì sao?

       - Học sinh sẽ có các đáp án cho câu hỏi này tuỳ theo khía cạnh các em xét. Chắc chắn sẽ có em biết liên hệ với bài học hôm trước để có thể cho rằng ý kiến ấy sai… Giáo viên sẽ tuỳ theo tình huống mà dẫn dắt nhận định vấn đề cho đúng đắn.

b. Kích thích tư duy quan sát, kĩ năng sáng tạo của học sinh khi thực hiện các thao tác.

        *  Đây là mục tiêu giáo viên đặt ra khi tổ chức hoạt động thực hành, thí nghiệm. Những thao tác các em thường làm như: sưu tầm mẫu vật và trình bày, thực hành thí nghiệm và ghi lại các nhận xét trên phiếu của nhóm rồi trình bày, làm đồ dùng thí nghiệm đơn giản… Trong tác phẩm “ Bàn tay nặn bột”của Geoger Charpak, ông đã viết: “Thao tác là để hiểu biết”. Vâng, chỉ có thao tác mới làm tăng sức thuyết phục các em khi tiếp thu kiến thức. Để đạt hiệu quả cao trong thao tác, các em không chỉ thực hiện mà còn phải ghi nhận lại tất cả những điều quan sát được khi thao tác, nhận xét và kết luận. Một số biện pháp cụ thể tôi đã thực hiện để đạt mục tiêu này đó là tổ chức cho các em:

    - Thao tác trong nhóm: Đối với các thí nghiệm phức tạp như bài “Không khí cần cho sự cháy”; “Tại sao có gió?”; “Không khí gồm những thành thành phần nào?

    - Thao tác cá nhân: Đối với các thí nghiệm đơn giản như bài “Nóng, lạnh và nhiệt độ”; “Vật dẫn nhiệt và vật cách nhiệt”; “Bóng tối”; “Ánh sáng

     - Giáo viên chỉ nêu hiện tượng, không định hướng kết quả mà chỉ yêu cầu học sinh tự nghĩ ra một thí nghiệm nhỏ để tìm ra vật liệu rồi từ đó đối chiếu kết quả. Các em sẽ có cuộc tranh luận nho nhỏ để khám phá.

   Ví dụ: Dạy bài “Ba thể của nước”, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh nêu “Làm sao để nhận biết nước có thể chuyển từ thể này sang thể khác? Làm điều đó với những vật liệu nào?” Học sinh trình bày rất tự nhiên và hợp lí.

        *Sự hiểu biết về thế giới xung quanh không thể đến với các em như một trò ảo thuật mà phải để nó đến bằng chính những điều các em khám phá được. Phải giúp các em xây dựng kiến thức từ phát minh của mình qua các thao tác. Để giúp cho các em có thể thao tác được, bản thân người thầy phải tạo cho các em một môi trường thuận lợi và chuẩn bị những điều có thể khích lệ các em. Người thầy luôn đứng ở vị trí hướng dẫn tận tình, không bỏ mặc các em trong hoàn cảnh ấy và theo hướng xác định với hệ thống câu hỏi dẫn dắt như: “Em sẽ làm gì đây? Điều gì sẽ xảy ra? Tại sao làm như thế? Còn cách nào khác nữa không? Em có đồng ý không? Theo em, giải thích như vậy đã hợp lý chưa?...

c. Tận dụng thực tế xung quanh khi tìm hiểu bài.

         *Việc tận dụng thực tế xung quanh cũng là một điều hết sức cần thiết để dạy – học. Nhờ đó mà kiến thức của các em không tách rời thực tế mà nó có được từ thực tế khách quan sinh động, từ trong nhịp sống hằng ngày của con người, từ trong những điều con người phải làm để tồn tại.

Ví dụ: Khi dạy bài: “Bạn cảm thấy thế nào khi bị bệnh?” Giáo viên yêu cầu học sinh trả lời cá nhân các câu hỏi:

         + Nêu cảm giác của em lúc khoẻ.

         + Em đã từng mắc bênh gì? Khi bị bệnh đó, em cảm thấy trong người như thế nào?

         + Em đã làm gì khi bị bệnh?

d. Hệ thống kiến thức.

       *  Từ trước đến giờ, điều mà học sinh Tiểu học sợ nhất là học thuộc lòng những con chữ khô khan trong sách giáo khoa như một con vẹt và rất ít học sinh có thể nhớ nằm lòng các kiến thức cần ghi nhớ trong quyển sách Khoa học. Đó là điều mà tôi luôn băn khoăn cứ sau khi học sinh học xong một chương hay trước khi các em kiểm tra học kì. Sau một số năm thực nghiệm với những đối tượng khác nhau và nhiều cách khác nhau, tôi đã dùng một số biện pháp cụ thể sau:

    - Dùng sơ đồ để hệ thống kiến thức sau mỗi bài dạy. Người sáng tạo sơ đồ có thể là giáo viên hoặc học sinh.

    - Học sinh dựa vào sơ đồ để trình bày lại những kiến thức cần ghi nhớ.

    - Dùng sơ đồ câm, bài tập trắc nghiệm dưới nhiều hình thức để kiểm tra kiến thức.

    - Hệ thống cả chương bằng sơ đồ hay biểu bảng.

     * Muốn các biện pháp trên đạt hiệu quả, bản thân người thầy phải nắm thật vững hệ thống kiến thức và các mối liên quan giữa một chuỗi các sự vật hiện tượng để kết nối bằng sơ đồ, dẫn dắt học sinh đi từng bước để xây dựng và hoàn tất sơ đồ.

Ví dụ: Khi dạy bài “Không khí cần cho sự cháy” Giáo viên chỉ cần ghi bảng như sau:

* Vai trò của ôxi với sự cháy:

            - Khí ôxi " sự cháy

            - Càng nhiều không khí " càng nhiều ôxi " sự cháy lâu

    * Cách duy trì sự cháy và ứng dụng:

            -  Muốn duy trì sự cháy " liên tục cung cấp không khí có chứa ôxi

e. Chia nhóm học tập một cách linh hoạt để các em trao đổi thông tin, chủ động trong việc chuẩn bị bài, tự tin khi tiếp thu kiến thức.

        *Giáo viên ai cũng rất quen thuộc với công việc này tôi nhắc lại nhằm xem như đây là một hoạt động bổ trợ cho việc tạo nên sự hứng thú và đồng tâm giữa các thành viên trong nhóm và không mang tính áp đặt đối với các em.

g. Phối hợp một cách linh hoạt các phương pháp khác.

          *Thật vậy, không có một phương pháp nào là vạn năng mà luôn luôn là sự kết hợp thật hài hoà giữa các phương pháp trên cơ sở một số phương pháp đặc trưng của từng môn học. Tuy nhiên, một điều chúng ta cần lưu ý là chú trọng đến phương pháp đàm thoại. Phương pháp này hầu như được kết hợp trong các phương pháp đặc trưng hay bổ trợ cho một môn nào đó.

Ví dụ: Khi dạy bài: “Âm thanh”

 Hoạt động 2: Các cách làm vật phát ra âm thanh

* Bước 1: Hoạt động nhóm

- GV tổ chức cho HS hoạt động trong nhóm, mỗi nhóm 4 học sinh.

- GV giao việc cho các nhóm: Hãy tìm cách để các vật dụng mà các em chuẩn bị như ống bơ, thước kẻ, sỏi, kéo, lược, … phát ra âm thanh.

- HS hoạt động trong nhóm theo yêu cầu. Mỗi học sinh nêu ra một cách và các thành viên thực hiện.

- Đại diện các nhóm trình bày cách làm để tạo ra âm thanh của nhóm mình (HS vừa làm vừa thuyết minh cách làm):

 + Cho hòn sỏi vào ống bơ rồi dùng tay lắc mạnh.

 + Dùng thước gõ vào thành ống bơ.

 + Dùng hai hòn sỏi gõ vào nhau.

 + Dùng bút để mạnh lên bàn.

 + Cho bút vào hộp rồi cầm hộp lắc mạnh, …

- HS, GV nhận xét các cách mà học sinh trình bày.

* Bước 2: Đàm thoại

 - GV hỏi: Theo em, tại sao vật lại phát ra âm thanh?

- HS trả lời:

+ Vật có thể phát ra âm thanh khi con người tác động vào chúng.

     + Vật có thể phát ra âm thanh khi chúng có sự va chạm với nhau.

- GV kết luận, chuyển hoạt động 3.

5.3   Khả năng áp dụng của sáng kiến:  

Phương pháp nêu trên đã được áp dụng tại Trường Tiểu học An Lộc A với sự tham gia của tất cả học sinh trong khối. Kết quả cho thấy đã không những khắc phục được nhược điểm tìm hiểu nội dung bài học một cách thụ động, chỉ dựa vào sự truyền thụ kiến thức của giáo viên có trong sách giáo khoa mà còn  phù hợp với phương pháp dạy học mới; giúp học sinh tích cực, hứng thú tham gia vào các hoạt động tập, ham tìm hiểu khoa học và tự tin hơn trong việc lĩnh hội kiến thức mới. Sáng kiến này có khả năng áp dụng đại trà trong giảng dạy môn khoa học lớp 4 ở các trường Tiểu học.

6. Những thông tin cần được bảo mật (nếu có): Không 

7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:  

- Áp dụng cho dạy- học môn khoa học: Các vật liệu làm thí nghiệm đơn giản, dễ kiếm, dễ làm, gắn liền với đời sống thực tế của học sinh.  

- Có sự chấp thuận của Ban Giám hiệu nhà trường.

     8.  Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

*Sau một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm trên chính đối tượng học sinh của mình, kết quả đạt được như một sự động viên khích lệ cho tôi tiếp tục tìm tòi và rút kinh nghiệm để việc dạy – học Khoa học của thầy và trò đạt được hiệu quả cao, huy động vốn kiến thức và kinh nghiệm sống của HS để xây dựng bài; khuyến khích HS nêu câu hỏi, ý kiến cá nhân, nêu thắc mắc về vấn đề đang học; khuyến khích HS nhận xét, bổ sung câu hỏi của bạn. Đặt câu  hỏi tạo cho HS tính tỉ mỉ, ham hiểu biết và tự làm thí nghiệm chuẩn bị cho bài học sau.

       - Chất lượng: Bên cạnh những kiến thức cơ bản cần nắm, các em còn được bổ sung và mở rộng thêm một số kiến thức phổ thông khá lí thú.

        - Kết quả trên thực tế bằng điểm số: Các em đều đạt điểm cao trong những lần  kiểm tra định kì Cuối kì I và và cuối năm học kết quả cụ thể như sau:

Kết quả học tập của HS cuối năm học 2019 - 2020

SS lớp 42 em

Môn

Điểm 10

Điểm 9

Điểm 8

Điểm 7

Điểm 6

Điểm 5

Điểm dưới 5

HTT

HT

CHT

Khoa học

33

4

5

0

0

0

0

37

5

0

 

Học kì I năm học 2020 – 2021, kết quả học tập môn Khoa học của lớp đạt được như sau :

SS lớp : 44 em

Môn

Điểm 10

Điểm 9

Điểm 8

Điểm 7

Điểm 6

Điểm 5

Điểm dưới 5

HTT

HT

CHT

Khoa học

40

3

1

0

0

0

0

43

1

0

 Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC