Hướng dẫn học sinh lớp 4 làm bài văn miêu tả cây cối

 


MÔ TẢ SÁNG KIẾN

1. Hoàn cảnh nảy sinh sáng kiến:

          Tiếng Việt là một trong những môn học trong trường Tiểu học góp phần đắc lực trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Nó là một trong những môn học quan trọng chiếm chủ yếu trong chương trình. Môn học này hình thành và phát triển các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh nhằm giúp các em sử dụng tiếng Việt có hiệu quả trong học tập và trong giao tiếp ở gia đình, trường học, xã hội. Nó góp phần cùng các môn học khác phát triển năng lực tư duy cho học sinh. Môn Tiếng Việt trang bị cho các em những hiểu biết ban đầu về văn học, văn hóa và ngôn ngữ văn hoá thông qua một số sáng tác văn học và một số văn bản khác của Việt Nam và thế giới, nhằm hình thành ở các em nhu cầu thưởng thức cái đẹp, khả năng rung động trước cái đẹp, trước những buồn vui, yêu, ghét của con người. Qua đó bồi dưỡng cho các em những tình cảm lành mạnh, trong sáng như: tình yêu gia đình, quê hương, làng xóm, Tổ quốc.

          Trong môn học Tiếng Việt không thể không kể tới phân môn Tập làm văn.  Phân môn Tập làm văn có nhiệm vụ chủ yếu là rèn luyện kĩ năng sản sinh ngôn bản nói và viết. Để sản sinh được các bài văn này, học sinh phải có nhiều kĩ năng như các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, kĩ năng dùng từ đặt câu. Học sinh phải có các kĩ năng phân tích đề, lựa chọn ý, kĩ năng lập dàn bài, viết đoạn, liên kết đoạn. Cho nên có thể nói nhiệm vụ cơ bản chủ yếu của phân môn Tập làm văn là giúp học sinh sau một quá trình luyện tập lâu dài có ý thức, dần dần nắm được cách viết bài văn theo nhiều loại.

          Hiện nay với nhiều giáo viên thường coi môn Tập làm văn là môn khó dạy, ngại dạy. Mặt khác khi dạy học giáo viên còn lệ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, vào những bài văn mẫu thiếu thực tế. Chưa biết khai thác vốn sống thực tế của học sinh, chưa chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thực tiễn, hoạt động ngoại khoá hỗ trợ cho việc học tập làm văn. Học sinh bị bó hẹp trong bốn bức tường của lớp học và gia đình. Giáo viên còn thiếu tính kiên trì trong việc hướng dẫn học sinh luyện tập.

          Học sinh ít hứng thú học tập môn này. Nhiều học sinh khi làm bài văn cảm thấy khó, thấy bí, thấy không biết viết gì, nói gì ngay cả với những học sinh khá. Qua thực tế giảng dạy ở lớp, ở trường, qua dự giờ thăm lớp các bạn đồng nghiệp, thông qua việc tìm hiểu chương trình, yêu cầu kiến thức kĩ năng cơ bản của phân môn Tập làm văn trong Tiếng Việt bậc Tiểu học nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng cho thấy: Kiến thức Tập làm văn ở Tiểu học tập trung nhiều trong  trong chương trình Tập làm văn lớp 4- 5 với các kiểu bài như: trao đổi ý kiến; kể chuyện; miêu tả;… Ở lớp 4, văn miêu tả được dạy trong 30 tiết với 3 kiểu bài cụ thể: tả đồ vật, tả con vật, tả cây cối.  Trong đó khó nhất đối với học sinh là văn miêu tả. Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh lớp 4 khi làm văn tả cây cối, thì học sinh còn nhiều lúng túng. Các em làm văn sơ sài vì không có gì để viết. Câu văn nghèo nàn cảm xúc, hình ảnh, khô khan tẻ nhạt, tối nghĩa. Dùng từ chưa sát thực dẫn đến tả không chính xác. Diễn đạt mang đậm tính liệt kê, kể lể, lủng củng. Nhiều em chưa xác định trọng tâm yêu cầu của đề nên khi nói, viết lan man. Bố cục rời rạc, khả năng liên kết câu, đoạn còn hạn chế, rất ít các bài văn sinh động gợi tả gợi cảm. Vì cảnh vật, cây cối lại luôn gắn với sự cảm nhận của con người về cảnh vật trong một tâm trạng nhất định. Cây cối trong tự nhiên luôn mang theo trong nó cuộc sống riêng với những đặc điểm riêng. Nhưng con người cảm nhận về cây cối, cảnh vật như thế nào thì sẽ vẽ lên bằng ngôn ngữ hình ảnh cây cối như thế ấy. Đó là cái nhìn, cách quan sát tinh tế của người viết văn. Tả cảnh, tả cây cối mà không gửi gắm tình cảm, sự yêu mến của người viết vào đó thì bài văn sẽ không có hồn, sẽ trơ trọi, thiếu sức sống. Chính vì vậy dạy học sinh viết văn tả cây cối trong phân môn Tập làm văn lớp 4 sao cho gần gũi, tinh tế, chân thực, sinh động tưởng là gần gũi, dễ tả, dễ nói ấy vậy mà lại rất khó.

 Xuất phát từ những lí do trên và với cương vị của một người thầy có nhiệm vụ dẫn dắt các em đến với kiến thức mới với tinh thần chủ động sáng tạo, yêu thích môn Tập làm văn, thích viết văn và viết văn đạt kết quả cao, tôi tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu các biện pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng viết Tập làm văn của học sinh lớp 4. Đây là một vấn đề rất rộng và khó. Tôi chỉ đi sâu nghiên cứu một phần nhỏ trong phân môn Tập làm văn đó là:   Hướng dẫn học sinh  lớp 4 làm bài văn miêu tả cây cối.

2. Thực trạng việc dạy và học văn miêu tả cây cối trong nhà trường tiểu học:

Việc dạy và học trong nhà trường hiện nay đã có nhiều khởi sắc về điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Đội ngũ giáo viên tương đối đầy đủ về số lượng, tỉ lệ chuẩn hoá đã được nâng cao. Đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học từng bước được đẩy mạnh. Song để tiết học thực sự lôi cuốn học sinh vào quá trình học tập, các hoạt động của thầy và trò diễn ra được tự nhiên, nhẹ nhàng, hiệu quả trên cơ sở phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh còn là một vấn đề cần được quan tâm.

Vì vậy tôi đã tích cực đi dự giờ, trao đổi với đồng nghiệp, trò chuyện với học sinh đồng thời khảo sát và phân loại học sinh trong dạy học môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng nhằm mục đích nắm được đối tượng của mình và đề ra biện pháp giúp học sinh lớp 4 làm tốt bài văn miêu tả cây cối. Qua đó tôi thấy thực trạng dạy Tập làm văn như sau:

2.1. Đối với giáo viên:

Giáo viên dạy kiến thức trong sách giáo khoa và trong chương trình chủ yếu bằng phương pháp thuyết trình, giảng giải. Học sinh thụ động tiếp thu kiến thức. Đôi khi giáo viên có đàm thoại hay sử dụng đồ dùng trực quan… thì cũng chỉ nhằm cho trò hiểu được, nhớ được lời thầy giảng để làm được bài tập thầy ra. Hoạt động của thầy và trò giới hạn trong bốn bức tường, lấy bàn và bảng đen làm trọng tâm thu hút của học sinh.

 Giáo viên chưa chú ý phát huy hết khả năng sáng tạo của học sinh, chưa khơi dậy, đánh thức trong mỗi học sinh những tiềm năng trí tuệ, vốn sống thực tế của học sinh nên khi dạy giáo viên còn áp đặt cách cảm, cách nghĩ của người lớn cho học sinh, học sinh ít có cơ hội được bộc lộ tâm trạng cảm xúc của mình qua ngôn ngữ.

Việc nhận xét bài cho học sinh của một số giáo viên còn chung chung không cụ thể như: Bài văn chưa hay, bài viết chưa chân thực, dùng từ chưa chính xác..., hoặc nhìn thấy lỗi của các em nhưng giúp các em sửa thì lại rất lúng túng hoặc ngại.

 Trong quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên mới chỉ chú ý hướng dẫn học sinh tìm ý, lập dàn bài, làm bài mang tính chất khung sườn, chưa chú ý nhiều đến hướng dẫn học sinh quan sát, gợi mở, cung cấp vốn từ ngữ miêu tả, các biện pháp nghệ thuật cho học sinh, rèn các kĩ năng liên kết câu, đoạn.  Hoặc hướng dẫn chung chung để học sinh tự mày mò. Hoặc dùng “văn mẫu”, học sinh cứ việc sao chép. Các cách trên đều làm cho HS không biết làm văn, ngại học văn, mặc dù vẫn có tình yêu đối với văn học (ví dụ các em rất thích đọc truyện). Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, một phần là do trình độ nhận thức, năng lực sư phạm của giáo viên, cũng có thể chính ngay trong giáo viên cũng thiếu những tri thức khoa học cũng như vốn sống thực tế. Một nguyên nhân nữa đó là “bệnh thành tích” trong Giáo dục.

2.2. Đối với học sinh:

Tôi gặp gỡ học sinh trò chuyện, phỏng vấn một số học sinh lớp 4A tôi dạy và một số học sinh lớp 4 trong trường với một số câu hỏi như

Ví dụ: Con có thích văn miêu tả cây cối không? Vì sao?  Thì chỉ có 25,8% nói là thích vì: Nhà con có nhiều cây cối, vì con thích ăn nhiều quả chín, vì nó giúp con quan sát cây cối một cách tinh tế, giúp con hiểu biết về thiên nhiên, về thế giới xung quanh con nhiều hơn. Học văn giúp con diễn đạt tốt hơn, lớn lên giúp con diễn đạt cho người khác nghe dễ thành công hơn.

 Con thấy văn tả cây cối có khó không? Vì sao?” thì hầu hết học sinh trả lời là khó vì con không quan sát nhiều về thiên nhiên, vì muốn viết  được câu văn hay con phải suy nghĩ kỹ, đôi khi con ngồi nghĩ mãi không biết diễn đạt như thế nào cho hay, làm một bài văn rất lâu cho nên con rất ngại học văn hơn các môn học khác.

“ Con có nhờ đến bố mẹ, người thân giúp con khi làm văn không?”thì rất nhiều học sinh trả lời là “có” vì con nhờ bố mẹ, người thân giúp tìm những câu văn hay, hỏi về cây đó có những đặc điểm như thế nào, nhờ bố mẹ sửa cho những câu văn cho hay hơn.

Qua trao đổi với đồng nghiệp và phỏng vấn học sinh các lớp 4,  đọc các bài văn của học sinh, tôi nhận thấy:

- Nhiều học sinh ngại học văn vì theo các em học văn phải là viết nhiều, phải tìm tòi suy nghĩ nhiều. Phỏng vấn học sinh lớp 4 tại trường tôi thu được kết quả: Số học sinh thích học môn Tiếng Việt chiếm khoảng 55 %. Số học sinh thích học phân môn Tập làm văn chỉ chiếm khoảng 20 %  - 25,5% (Tập trung vào những em học sinh có năng khiếu viết văn).

- Việc sử dụng từ ngữ của học sinh còn lặp, còn vụng, chưa hợp văn cảnh.

- Các em thiếu kiến thức thực tế về đối tượng miêu tả, có em tả cây hoa hồng nhung cao ngập đầu bố em, thân cây bàng bốn bạn học sinh lớp 4 ôm không xuể, cây chuối có cành rung rinh, hoa phượng thơm nồng nàn như hoa sữa…

- Một số học sinh có năng khiếu cũng chưa chú ý một cách đúng mức đến việc tập viết những câu văn giàu giá trị nghệ thuật.

- Bài viết thiếu cảm xúc, khô cứng, chưa trọng tâm hoặc sơ sài, hay lan man.

- Nhiều học sinh còn rất vụng trong việc nối câu, tạo đoạn, sắp xếp bố cục, liên kết giữa các đoạn trong bài để có bài văn bố cục chặt chẽ.

- Học sinh thường miêu tả rất chung chung, đối tượng miêu tả dù là loài cây nào cũng giống nhau: tả gốc, thân, cành, lá, hoa, quả… Các em không phân biệt giữa các loài cây với nhau, không nắm được với loài cây ăn quả tả kĩ bộ phận nào? Loài cây cho bóng mát cần tả bộ phận nào là chính, loài cây hoa thì cần làm nổi bất bộ phận nào?.

Với đề bài tả cây cối, tôi thấy các em thường gặp một số hạn chế sau:

- Mở bài còn khô khan: “Trường em có trồng một cây bàng từ lâu rồi.” hay “ Trong trường em có nhiều cây nhưng em thích nhất là cây bàng”. Hay “ Bố em trồng một cây hồng trong nhà.”

- Có kết bài mở rộng nhưng nội dung nhạt nhẽo: “Em rất yêu quý cây hoa phượng”,  Cây hoa phượng này thật có ích”.

- Tả sai thực tế như: “Cây hoa hồng cao chừng 4 -5  mét”, “hoa phượng thơm nồng nàn như hoa sữa”, “ thân cây bàng bốn bạn ôm không xuể”

- Dùng từ ngữ còn vụng, thiếu hình ảnh:“ bông hoa đẹp không chê vào đâu được”, “ Quả bàng ăn ngon hết ý” “ cánh hoa hồng rất chi là mỏng và có màu đỏ nhạt”

- Việc so sánh khập khiễng, thiếu chính xác: “ Những bông hoa hồng xinh xinh như những con cún con đậu trên cành” , “ Lá bàng to bằng quyển vở” “Nụ hoa to bằng móng tay, “cành của hoa hồng bé như que tăm”, “cánh hoa hồng to bằng một cái tẩy”…

- Dù đã có hình ảnh hay nhưng dùng dấu câu không đúng: “Nụ hoa hé nở chúm chím. Như đôi môi cô thiếu nữ”

- Chưa có thói quen chia bài thành các đoạn nhỏ, chưa có thói quen xuống dòng khi kết thúc mỗi phần.

2.3. Với phụ huynh học sinh:

     Tôi gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh bằng một số câu hỏi như : Khi giúp đỡ các con học văn miêu tả nói chung và văn tả cây cối nói riêng thì anh ( chị) thấy khó khăn gì? Thì đa số phụ huynh đều có ý kiến là: Hướng dẫn các con làm văn tả cây cối nói riêng và văn miêu tả nói chung là rất khó, khó hướng dẫn hơn môn Toán và các môn học khác rất nhiều vì văn không có công thức, văn là cảm xúc, cùng một đối tượng quan sát để miêu tả nhưng mỗi người có một cảm xúc khác nhau, sự suy nghĩ, sự cảm nhận về sự vật, hoàn cảnh sống khác nhau thì miêu tả đối tượng cũng khác nhau. Thấy văn của con chưa hay nhưng cũng không biết hướng dẫn như thế nào.

2.4. Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng:

2.4.1 Về phía học sinh:

          - Học sinh tiểu học ngại học văn vì bài văn miêu tả cây cối khó, đòi hỏi có sự nhạy cảm tinh tế

- Học sinh đọc ít sách, vốn kiến thức của các em về thiên nhiên, về các loài cây còn hạn chế dẫn đến bài viết của các em hay sơ sài, ít cảm xúc, ít sáng tạo, không tả được những nét riêng biệt của từng loại cây. Một số em ỷ lại, lệ thuộc vào cô giáo, bố mẹ, phụ thuộc vào các bài văn mẫu

- Không nắm chắc yêu cầu đề bài.

- Nhiều em thường xuyên bỏ qua bước lập dàn ý khi viết văn miêu tả.

- Chưa biết cách liên kết câu, ý, đoạn, bài sao cho liền mạch, uyển chuyển.

- Nắm chưa chắc phương pháp làm một bài văn miêu tả.

- Chưa ham học nên chưa chú trọng rèn luyện kĩ năng.

- Vốn từ ngữ của học sinh tiểu học còn hạn chế, các em lại thường không có thói quen tích lũy vốn từ ngữ của mình,  thường diễn đạt không linh hoạt, ngôn ngữ chưa phong phú, ít vốn sống.

Ngoài ra có thể kể đến các nguyên nhân khác, như sự hấp dẫn của các trò chơi hiện đại. Ngoài giờ học, các em thường bị thu hút vào các trò chơi GAMES hoặc các trang WEB hấp dẫn khác trên INTERNET mà quên đi rằng thế giới thiên nhiên xung quanh các em thực sự hấp dẫn khác. Trẻ em ngày nay đang bị lãng quên một thế giới thơ mộng ở xung quanh, cái thế giới mà không phải chỉ nhà văn Tô Hoài mới có. Đó là thế giới của ruộng đồng, cây cỏ, côn trùng, của mưa, của gió... Đây là thế giới có khả năng làm phong phú tâm hồn tuổi thơ và rèn luyện óc quan sát, nhận xét,....

      Việc đọc sách của các em hiện nay cũng đang bị xem nhẹ. Phần lớn HS tiểu học ít quan tâm đến việc đọc và có đọc thường là truyện tranh, thậm chí có những truyện tranh không mang tính giáo dục. Việc trò chuyện, tiếp xúc với bố mẹ, với những người thân trong gia đình và cộng đồng cũng rất hạn chế bởi những lí do: người lớn thì bận công việc còn các em thì ở trường cả ngày, tối về lại ôn bài. Cho nên vốn liếng về cuộc sống, về văn học của HS tiểu học rất hạn chế. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến việc học văn và tập làm văn của HS.

2.4.2 Về phía giáo viên:

- Giáo viên đã được học tập và bồi dưỡng nghiệp vụ về đổi mới phương pháp dạy học trong đó có phương pháp dạy Tập làm văn. Tuy nhiên việc vận dụng đổi mới phương pháp vào giảng dạy văn miêu tả vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định.

- Một số thầy cô chưa thật sự sát sao uốn nắn, sửa chữa cho học sinh khi học sinh mắc lỗi  trong bài văn của mình.

Trên đây là những nguyên nhân cơ bản khiến học sinh lớp 4 chưa say sưa học phân môn Tập làm văn nói chung, kiểu bài văn miêu tả cây cối nói riêng. Để giúp học sinh lớp viết văn miêu tả cây cối đạt kết quả tốt tôi đã sử dụng phối hợp các giải pháp sau:

3. Một số giải pháp thực hiện:

3.1. Giúp học sinh hiểu rõ đặc điểm cơ bản của văn miêu tả cây cối:

Miêu tả cây cối là dùng từ ngữ giàu hình ảnh của mình vẽ lên bức tranh sinh động về cây, làm người đọc thấy hiện ra trước mắt đặc điểm nổi bật của cây về gốc, rễ, thân, cành lá, hoa, quả, hương thơm, màu sắc, sự phát triển của cây,…Ví dụ khi tả cây ăn quả thì cần miêu tả những đặc điểm về các bộ phận của cây: hình dáng, rễ, thân, cành, lá, đặc biệt là  sự ra hoa hình thành quả, sự phát triển của quả từ khi còn non đến khi chín, màu sắc, hương vị đặc biệt của quả. Đặc điểm riêng biệt của cây ăn quả đó so với những cây hoa khác.

Trong miêu tả cây cối, để giúp học sinh định hình được đối tượng miêu tả, tôi cho học sinh liệt kê các loại đối tượng theo những đặc điểm chung nhất đó là:

Cây bóng mát

Cây ăn quả

Cây hoa

1-MB: Giới thiệu cây sắp tả

2-TB:

+ Tả bao quát: tầm cao, dáng cây…

+ Tả chi tiết các bộ phận

+Chú ý:  Tả sự phát triển của lá, tán lá, đặc điểm của lá, tán lá

+ Ích lợi, sự gắn bó

3-KB: cảm nghĩ của em

1-MB: Giới thiệu cây sắp tả

2-TB:

+ Tả bao quát: tầm cao, dáng cây…

+ Tả chi tiết các bộ phận

+Chú ý:  Tả sự hình thành phát triển của quả khi còn non đến khi chín, đặc biệt tả màu sắc, hương vị của quả khi chín.

+Ích lợi, sự gắn bó

3-KB: cảm nghĩ của em

1-MB: Giới thiệu cây sắp tả

2-TB:

+ Tả bao quát: tầm cao, dáng cây…

+ Tả chi tiết các bộ phận

+ Chú ý: Tả sự phát triển của hoa, đặc biệt tả màu sắc, hương thơm của của hoa

+ Ích lợi, sự gắn bó

3-KB: cảm nghĩ của em

Trong thực tế có rất nhiều loài cây khác nhau, mỗi loài cây lại có những đặc điểm, tính chất, ích lợi riêng. Để học sinh phân biệt rõ và làm nổi bật các đặc điểm của từng loài cây tôi đã hướng dẫn học sinh so sánh sự giống và khác nhau giữa các loài cây

Giống nhau: Khi miêu tả các loài cây đều tả bao quát về tầm cao, dáng cây,…, tả chi tiết các bộ phận: gốc, rễ, thân, cành, lá…, ích lợi nhưng với từng loại cây tôi nhấn mạnh làm nổi bật đối tượng miêu tả. Với cây ăn quả khác cây bóng mát, cây hoa ở chỗ: cây bóng mát cần miêu tả kĩ về sự phát triển của lá, tán lá, vẻ đẹp của tán lá và ảnh hưởng của tán lá với cảnh vật xung quanh và con người. Với cây ăn quả cần đặc biệt chú ý đến sự hình thành và phát triển, hương vị, màu sắc của quả, giá trị của quả đem lại. Với cây hoa cần miêu tả kĩ sự hình thành và phát triển của hoa, màu sắc, hương thơm, vẻ đẹp của nó tác động đến môi trường xung quanh.

Ngoài ra có thể mở rộng thêm cho học sinh năng khiếu các đối tượng miêu tả như:

- Loài cây làm cảnh.VD : cây tùng tháp, cây vạn tuế,…..

- Cây làm thuốc: cây hương nhu, cây đinh lăng, khóm cam thảo,…

- Loài cây là biểu tượng của làng quê: cây tre, cây dừa, cây cọ

- Loài cây đặc trưng của mùa xuân ( cây đào, cây mận..) mùa hè ( hoa sen, hoa súng…), mùa thu ( hoa cúc vàng,..), mùa đông ( hoa cải,…).

- Một vườn rau hoặc một vườn hoa, một vườn cây ăn quả.

Việc đưa ra các đối tượng miêu tả giúp cho học sinh thấy trong thực tế có rất nhiều loài cây, mỗi loài cây có đặc điểm, lợi ích khác nhau. Dù cùng là một loài cây thì chúng cũng khác nhau cơ bản về đặc điểm, độ lớn của gốc, rễ, thân, cành, lá, mùi hương, hoa,…Có loại cây do người trồng, có loài cây mọc tự nhiên, có loài cây mọc trên mặt đất, có loài cây sống ở dưới nước,..

3.2. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề:

Đây là bước rất quan trọng bởi nó giúp học sinh xác định được hướng đi đúng. Ở bước này, học sinh cần nắm được:

- Đề thuộc thể loại văn gì?

- Kiểu bài gì?

- Đối tượng miêu tả là gì?

- Để làm nổi bật loài cây đó thì trọng tâm miêu tả là bộ phận nào của cây?

- Trọng tâm ấy ta dự kiến miêu tả tại thời điểm quan sát hay tả nó theo cả quá trình phát triển?

Với dạng bài miêu tả cây cối, các đề ra thường rất rõ ràng về loài cây cần miêu tả nên học sinh ít khi bị nhầm lẫn giữa loài cây này với loài cây khác. Nên khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề bài tôi thường giúp học sinh tìm hiểu kĩ về đặc điểm nổi bật của đối tượng cần tả.

       Ví dụ: Tả một cây cho bóng mát mà em thích. (Trang 92 SGK Tiếng Việt 4, tập 2)

Tôi hướng dẫn các em nắm yêu cầu đề bằng cách như sau:

+ Gọi 2 -3 em đọc đề bài.

+ Cho các em xác định yêu cầu chính của đề bằng những câu hỏi dẫn dắt:

- Đề thuộc thể loại văn gì? Vì sao em biết? (Đề thuộc thể loại miêu tả, kiểu bài tả cây cối loại văn miêu tả. nhờ từ “tả”).

- Kiểu bài gì? (kiểu bài tả cây cối)

- Đối tượng miêu tả là gì? (Đối tượng là cây cho bóng mát).

- Trọng tâm miêu tả là bộ phận nào? (Trọng tâm miêu tả là đặc điểm của lá, tán lá của cây đó).

- Làm thế nào để nổi bật được trọng tâm miêu tả đó? ( Tả sự hình thành và phát triển của lá, đặc điểm hình dáng, màu sắc của lá khi còn non và đã đã trưởng thành, tán lá của cây có gì đặc biết khác với lá, tán lá cây khác.)

- Vì sao em lại chọn trọng tâm miêu tả ấy?  (Vì cây ăn bóng mát người ta trồng chủ yếu để làm bóng mát che nắng, che mưa cho con người)

- Kể tên các loại cây bóng mát em biết? (bàng, phượng, liễu, bằng lăng, xà cừ, hoa sữa, …)

Tôi nhấn mạnh và gạch chân bằng phấn màu dưới các từ ngữ quan trọng mà các em vừa nêu rồi chốt: Đó là những từ ngữ cho biết kiểu bài, đối tượng miêu tả và trọng tâm miêu tả.

Tóm lại: Tìm hiểu đề bài là vô cùng quan trọng. Nó giúp học sinh định hướng tốt, viết văn đúng thể loại, không bị lạc đề, giúp học sinh xác định mình cần viết gì để làm nổi bật trọng tâm của cây cần miêu tả, diễn đạt súc tích, sâu sắc, không lan man.

3.3 Hướng dẫn học sinh quan sát, tìm ý và miêu tả:

3.3.1 Các cách quan sát:

Để viết được bài văn miêu tả nói chung và bài văn tả cây cối nói riêng được hay, sinh động, hấp dẫn, gần gũi thì việc quan sát là quan trọng nhất. Nếu không bài văn chỉ mang tính liệt kê, kể lể, thiếu chính xác.

Trước hết cần cho học sinh hiểu quan sát là gì.

- Quan sát là sử dụng các giác quan để nhận biết sự vật, cho ta cảm giác về màu sắc (xanh, đỏ, vàng, tím,..), hình dạng cao thấp, trạng thái, mùi vị... Ta phải cảm nhận sự vật bằng tất cả các giác quan khác, khi ta nhắm mắt lại ta vẫn cảm nhận được những gì, không lạm dụng thị giác. Dạy học sinh quan sát là dạy cách mở rộng  các giác quan để tìm ra đặc điểm của sự vật, cảnh vật, cây cối,... Với học sinh đại trà, tôi chỉ yêu cầu các em quan sát một số bộ phận nổi bật của cây, còn với học sinh có năng khiếu tôi yêu cầu các em bước đầu cần sáng tạo trong quan sát, quan sát tinh tế. Tức phải biết đặt đối tượng trong không gian, thời gian nào đó. Học sinh thấy những điểm mà người khác nhìn vào chỉ thấy bình thường còn mình nhìn vào thấy nó thú vị. Để phát huy tính sáng tạo, độc lập trong quan sát của các em, tôi đã hướng dẫn các em:

*Quan sát theo trình tự thời gian

Quan sát theo trình tự thời gian là quan sát cây từ khi bé đến lúc trưởng thành, từ mùa này sang mùa khác hoặc quan sát từ sáng đến tối,…Trong khoảng thời gian ấy, cây có sự thay đổi rõ nét ở một hay một số bộ phận về độ lớn, màu sắc, đặc điểm, trạng thái do tác động của thời gian, thời tiết. Cây phát triển theo từng thời kì, lại cũng biến đổi theo mùa, theo mưa, nắng; có khi biến đổi theo ngày, giờ. ( Ví dụ: Bài Bãi ngô của Nguyên Hồng  trang 30; bài Cây gạo  trang 32 của Vũ Tú Nam – TV4 tập 2)

Hay : Ví dụ: Mùa hè cây phượng rực rỡ màu đỏ của hoa, mùa thu cây bàng thay lá, còn cây đào, cây mai lại khai hoa vào mỗi độ Tết đến xuân về …nắng nhiều làm cho cây khô cằn, héo lá, còn khi mưa cây như hớn hở reo vui.

          Tầm vóc, hình dáng, sức lớn và vẻ đẹp của cây gắn liền với từng giai đoạn phát triển, với mỗi mùa trong năm, với thời tiết mỗi ngày và ở mỗi loại cây có một đặc điểm riêng. Khi miêu tả các em phải làm toát lên được điều ấy. Kiểu quan sát này còn gọi là quan sát theo từng thời kì phát triển của cây.

Ví dụ:  Hướng dẫn quan sát cây phượng theo trình tự thời gian:

- Mùa đông cây phượng  thế nào?(cây gầy guộc, tưởng như đã chết, cành khẳng khiu, trụi lá, đứng trơ trọi…)

- Sang xuân cây ra sao? ( Từ những cành cây khẳng khiu, gầy guộc ấy mầm non thi nhau nhú lên, cây đâm chồi, nảy lộc, rồi phượng ra lá...Cây như trẻ lại tràn đầy sức sống)

- Khi mùa hè đến?         (bắt đầu ra hoa, rồi hoa nở từng chùm,....)

+ Lúc bắt đầu ra hoa, thời điểm hoa nở rộ, thời kì hoa nhạt màu.

- Quả phượng như thế nào?

Để miêu tả theo trình tự thời gian học sinh đã có sự quan sát, bằng vốn sống của học sinh các em tự tổng hợp lại dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Tôi cũng hỗ trợ thêm cho các em bằng hệ thống câu hỏi, tranh ảnh, những đoạn video, clip về sự phát triển của cây theo thời gian.

*Quan sát theo trình tự không gian

Quan sát theo trình tự không gian là quan sát cây từ xa đến gần hoặc từ gần đến xa. Quan sát từ dưới lên trên hoặc từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong hoặc từ trong ra ngoài. Kiểu quan sát này còn gọi là quan sát theo từng bộ phận của cây. ( Ví dụ: Bài Cây mai tứ quý của Nguyễn Vũ Tiềm – trang 23 – TV 4 Tập 2).  Cây thường có các bộ phận: rễ, gốc, thân, cành lá, hoa, quả. Khi quan sát cần chú ý là hình dáng, màu sắc, hương vị của mỗi loài cây đề tìm ra những cái khác nhau. Cái đẹp của cây hoa là ở những bông hoa, cành hoa còn cái đẹp ở cây ăn quả là ở những chùm quả sai trĩu trịt, chín mọng,…Cây liễu đẹp ở dáng mềm mại của thân cây và thướt tha của cành lá, còn dáng đẹp của cây tùng tháp lại là ở cái dáng thẳng đứng sừng sững,…Có loại rễ ăn sâu vào lòng đất, có loại rễ bò lan trên mặt đất, lại có loài rễ rủ từ trên cao xuống như cây si,…Phải làm toát lên những nét riêng biệt ở từng loại cây.

Khi quan sát em cũng cần chọn được một vị trí thích hợp và không nhất thiết là một vị trí cố định. Có thể từ xa đến gần, có khi từ trên nhìn xuống dưới hay từ dưới ngước lên

Ví dụ: Tôi hướng dẫn học sinh cách quan sát cây bàng ở sân trường:

- Em thấy nhìn từ xa, hình dáng cây thế nào?

- Khi đến gần các bộ phận: gốc, rễ, thân, cành, tán, lá, hoa, quả  ra sao?

- Nên dừng lại ở bộ phận nào để quan sát kĩ hơn? Vì sao? (ở đây tôi định hướng cho học sinh vì cây bàng là loại cây cho bóng mát, vì vậy trọng tâm miêu tả phải là vòm lá, tán lá. Người tả phải quan sát kĩ các chi tiết về lá cây: hình dáng, màu sắc, cách mọc trên cành, sự phát triển,…) Cây bàng thường được trồng ở sân trường học, nên cần tìm hiểu mối quan hệ, những kỉ niệm tuổi cắp sách tới trường,…

* Quan sát theo trình tự tâm lí

Quan sát theo trình tự tâm lí là kiểu quan sát thấy nét gì nổi bật thu hút bản thân, gây cảm xúc mạnh thì quan sát trước, còn các bộ phận khác được quan sát sau.

Ưu điểm của kiểu quan sát theo trình tự tâm lí là hay gây xúc cảm mạnh cho người quan sát tại thời điểm quan sát nên người viết dễ dàng bộc lộ cảm xúc của mình. Tuy nhiên học sinh làm theo cách này khó vì  thường hay bị mắc lỗi là diễn đạt lộn xộn

Ví dụ:  Gợi ý tìm hiểu cây Sầu riêng của nhà văn Mai Văn Tạo, quan sát theo trình tự tâm lí:

- Bài văn gồm mấy đoạn?

- Nội dung chính của mỗi đoạn là gì? (Đoạn 1 tả hương vị đặc biệt của trái sầu riêng, đoạn 2 tả đặc điểm của hoa sầu riêng và đoạn 3 tả bao quát về thân cây, cành cây và lá sầu riêng).

- Đối chiếu cách quan sát này của tác giả với dàn bài văn miêu tả cây cối đã học em thấy chúng có gì giống và khác nhau? (Giống nhau là đều tả các bộ phận nổi bật của cây,  khác nhau: Cây sầu riêng tác giả đã quan sát bộ phận quả trước).

Tôi giới thiệu: Cách quan sát của nhà văn về cây sầu riêng là cách quan sát theo trình tự tâm lí.

Tuy nhiên quan sát theo cách nào thì cũng cần quan sát kĩ ở bộ phận được coi là chủ yếu của cây.

- Tôi còn hướng dẫn học sinh quan sát đối tượng cần miêu tả phối hợp giữa cách quan sát theo trình tự thời gian và trình tự không gian. Ví dụ: Khi miêu tả cây bàng, tả các bộ phận của cây thì quan sát và tả theo trình tự không gian, riêng lá bàng tôi định hướng cho các em quan sát để tả theo trình tự thời gian: xuân hạ, thu, đông để bài văn sinh động.

3.3.2. Phối hợp các giác quan để quan sát:

Thường thì học sinh dùng mắt để quan sát các sự vật. Các nhận xét thu được thường là nhận xét và cảm xúc gắn liền với thị giác bởi vậy bài văn thường đơn điệu. Tôi hướng dẫn học sinh tập sử dụng thêm các giác quan khác để quan sát cây cối Các em hãy dùng mắt mà quan sát vóc dáng, kích thước, màu sắc. Tay xoa, da chạm lên thân cây, trên mặt lá, tai nghe tiếng gió, tiếng chim, tiếng lá thì thầm, mũi xác định hương thơm của hoa và miệng để rõ vị ngọt của quả…

Ta có thể chọn một thời điểm nhất định hay một khoảng thời gian nào đó để miêu tả như từ lúc đến bên cây, chạy chơi dưới gốc cây đến khi ra về hoặc lúc chăm sóc, vun gốc, tưới nước, bắt sâu cho cây,..: tai nghe, mũi ngửi, tay sờ, lưỡi nếm ( tả quả), da cảm nhận và cả cảm xúc của bản thân.

Ví dụ: Khi hướng dẫn học sinh quan sát cây cho bóng mát ( cây bàng) ở sân trường tôi cho học sinh ra thực tế sân để học sinh quan sát. Đồng thời tôi nêu các câu hỏi gợi ý:

- Nhìn từ xa em thấy cây thế nào? (dáng cây thẳng, có 3 tán lá, cây cao ngang tầng 2 của ngôi nhà, trông giống như một cái ô khổng lồ)

- Đến gần, nhìn và sờ tay vào thân cây em thấy gì? (vỏ cây màu nâu mốc, sờ vào thấy sần sùi, ram ráp, sù sì như da cóc).

- Nhìn bộ rễ, em thấy thế nào? (có nhiều rễ cây to nhỏ nổi lên mặt đất)

- Nhìn lên những tán lá em thấy gì? (tán lá tròn, rất to, có nhiều tầng, có mấy chú chim đang chuyền cành…)

- Lắng tai nghe, em thấy gì? (tiếng lá xào xạc, tiếng chim hót líu lo…)

Sau khi học sinh quan sát xong tôi cho học sinh ghi lại những điều mình quan sát bằng ngôn ngữ của các em. Lưu ý học sinh cần ghi lại những đặc điểm cơ bản của cây vừa quan sát.

Khi dạy học sinh quan sát cây cối trong tiết học, tôi còn tổ chức cho học sinh chơi nhiều trò chơi để rèn kĩ năng quan sát của học sinh.

Ví dụ trò chơi: Nhắm mắt đoán vật. Các em tham gia trò chơi bịt kín mắt. Cô giáo phát cho các em một số loại hoa, quả. Các em lựa chọn và đoán tên các loại hoa quả đó bằng cách cảm nhận bằng nhiều giác quan rồi tả lại.

+ Giai đoạn 1( 5 giây):  Các em chỉ được sờ và đoán tên.( Thấy hình dáng to, nhỏ, vỏ nhẵn nhụi hay sần sùi, bóng, mềm hay cứng,…)

 Nếu không đoán được tên chuyển sang giai đoạn 2: Đưa lên mũi ngửi rồi đoán tên. ( ngửi thấy mùi thơm như thế nào?  Có quả không có mùi thơm)

Qua 2 giai đoạn mà không đoán được tên chuyển sang giai đoạn nếm. ( VD Cam thấy vị chua, vỏ sần, có múi, có các tép, bổ ra nếm mới thấy được hương thơm của nó Hay quả hồng cũng vậy chỉ khi ta đặt miếng hồng vào đầu lưỡi ta mới cảm nhận được hương của nó đặc biệt như thế nào)

Qua các dạng bài tập này đã rèn cho học sinh kĩ năng quan sát rất tỉ mỉ và tinh tế, chỉ ra được nét riêng biệt của từng loại cây, loài cây.

 

3.4 Hướng dẫn học sinh  Lập dàn ý:

          Sau khi học sinh đã quan sát về đối tượng cần miêu tả thì  các em cần chọn lọc chi tiết để tả. Chọn lọc chi tiết chính là bước dựa vào kết quả quan sát, học sinh lược bỏ các bộ phận được coi là không chủ yếu, giữ lại các bộ phận được coi là chủ yếu của cây miêu tả. Muốn xác định được đâu là những bộ phận nổi bật của cây cần được giữ lại thì các em phải xem lại đề bài về tên cây miêu tả, các chi tiết cần miêu tả và trọng tâm miêu tả.

Ví dụ: Khi hướng dẫn các em lập dàn bài tả cây ăn quả, vì là đề bài yêu cầu tả cây ăn quả nên phần giới thiệu và bao quát cần giữ lại các chi tiết: Tên cây ăn quả, chiều cao của cây, hình dáng chung của cây; tả kĩ về màu sắc, kích thước, mùi vị của quả, tác dụng của quả.

          Muốn viết tốt, tìm được chi tiết rồi thì cần sắp xếp các chi tiết đó vào bài sao cho phù hợp với đối tượng, với không gian và thời gian tả. Lựa chọn trình tự nào là tuỳ thuộc vào người vết, về thời gian quan sát, về điểm nhìn để làm sao cho cây nổi bật hơn, đẹp hơn, gần gũi thân thiết hơn.

    + Để học sinh quen dần với việc sắp xếp các ý, tôi thường nêu ra các câu hỏi:

- Em dự định tả cây gì? Trồng ở đâu?

- Tả cây theo trình tự nào?

- Cây đó có những bộ phận nào, đặc điểm nổi bật của từng bộ phận?

- Mỗi bộ phận cần tả những chi tiết nào?

- Bộ phận nào của cây cần tả kĩ?

+ Trả lời được câu hỏi đó là học sinh nắm được nội dung chính để làm bài văn.

          Sau khi học sinh đã biết cách lập dàn ý tôi còn cho học sinh so sánh dàn ý của ba loài cây khác nhau để học sinh nắm được sự giống nhau và khác nhau giữa các loài cây và biết miêu tả để làm nổi bật đặc điểm cơ bản của từng loại cây.

 

 

 

Cây bóng mát

Cây ăn quả

Cây hoa

1-MB: Giới thiệu cây sắp tả

2-TB:

+ Tả bao quát: tầm cao, dáng cây…

+ Tả chi tiết các bộ phận

+ Tả sự phát triển của lá, tán lá, đặc điểm của lá, tán lá

+ Ích lợi, sự gắn bó

3-KB: cảm nghĩ của em

1-MB: Giới thiệu cây sắp tả

2-TB:

+ Tả bao quát: tầm cao, dáng cây…

+ Tả chi tiết các bộ phận

+ Tả sự hình thành phát triển của quả khi còn non đến khi chín, đặc biệt tả màu sắc, hương vị của quả khi chín.

+Ích lợi, sự gắn bó

3-KB: cảm nghĩ của em

1-MB: Giới thiệu cây sắp tả

2-TB:

+ Tả bao quát: tầm cao, dáng cây…

+ Tả chi tiết các bộ phận

+ Tả sự phát triển của hoa, đặc biệt tả màu sắc, hương thơm của của hoa

+ Ích lợi, sự gắn bó

3-KB: cảm nghĩ của em

Ví dụ: Tả cây hoa hồng.

1. Mở bài: Giới thiệu cây hoa hồng.

2. Thân bài:

a. Tả bao quát: Cây trồng ( chậu, hay ở luống, đứng một mình hay sóng đôi, sóng ba).

- Dáng vóc: mảnh mai, xanh bóng, chia ra vài nhánh….

- Tầm cao: ngang bụng, ngang ngực em,….

b. Tả chi tiết lần lượt từng bộ phận của cây :

-  Thân cây : thường mảnh,  nhiều nhánh, nhiều cành.

- Vỏ cây màu xanh sẫm ,  có gai …

- Lá:

+ Lá hình tim , mép lá có răng cưa

+ Lá gần thân màu xanh đậm, màu lá trên ngọn pha sắc tím tía đỏ…

- Hoa: Búp hoa mới nhú như búp sen non, bông hoa mới nở, cánh hoa cuộn lại chúm chím như đôi môi em bé .Cánh hoa mỏng mịn màu…Nhị hoa vàng tươi

- Hương thơm: thoang thoảng, nhẹ nhàng, lan tỏa trong không khí

- Các chi tiết liên quan đến cây:

+ Cây hoa hồng thật đẹp vào lúc nào? ( Sau cơn mưa hay vào buổi sáng sớm, những hạt sương đậu long lanh….

+ Có mấy nàng bướm vàng,  bướm trắng bay lượn,….

+ Gió gửi hương thơm….

+ Nắng tô sắc thắm,…

+Hoa hồng tô điểm cho khu vườn, theo người vào phòng khách, tỏa hương trên bàn học, chia vui trong buổi liên hoan,…

3. Kết bài: Em có thích hoa hồng không? Thích nó đâu phải đứng bên nó thưởng thức vẻ đẹp hương thơm. Em phải làm gì cho nó. Nêu cảm nghĩ về cây, tình cảm hoặc ấn tượng đặc biệt của người viết đối với cây hoa hồng.

Sau khi học sinh có một dàn ý hoàn chỉnh tôi hướng dẫn học sinh chuyển từ dàn ý thành một bài văn tả cây cối sinh động giàu hình ảnh.

3.5 Hướng dẫn học sinh viết bài văn:

3.5.1 Hướng dẫn viết mở bài:

Mở bài là một trong ba phần quan trọng của bố cục bài văn. Mở bài là bộ phận mở đầu cho một văn bản, là phần khởi phát của hoạt động tư duy.

Phần mở bài có nhiệm vụ giới thiệu nội dung định tả, dẫn dắt người đọc đi vào vấn đề. Phần này cũng có mục đích thu hút kích thích sự suy nghĩ và lôi cuốn người đọc vào quá trình tìm hiểu và nhận thức. Mở bài tốt sẽ là thành công đầu tiên cho việc thực hiện bài tập làm văn. Nó tạo nên chất xúc tác, cầu nối cảm hứng để người viết đi vào bài văn.

Có hai cách mở bài:

+ Mở bài trực tiếp: Giới thiệu thẳng vào cây mình tả.

+ Mở bài gián tiếp: Dẫn dắt từ vấn đề bao quát hơn để đến vấn đề cụ thể đó là cây mình định tả. Kiểu bài này khó hơn cách trên. Nó đòi hỏi học sinh tìm ra cái cớ, phải nói từ xa rồi dẫn dắt đến đối tượng chính.Yêu cầu quan trọng là mở bài phải tự nhiên, không gò bó.

Để phân biệt rõ 2 cách mở bài này tôi dạy thật kĩ bài: Luyện tập xây dựng mở bài trong bài văn tả cây cối. SKG Tiếng Việt 4 tập 2. Ngoài ra tôi cũng cho thêm ví dụ khác để học sinh nắm chắc hơn.

Ví dụ: Sánh hai mở bài sau, em thấy cách mở bài nào hay hơn? Vì sao?

Mở bài 1: “Nhà em có trồng một cây hoa đào

Mở bài 2: “    Sân nhà em có một khoảng đất trống, bố em đặt ở đó nhiều chậu hoa cảnh: hoa ngọc lan trắng muốt, hoa nhà nhỏ bé khiêm nhường, hoa quỳnh e ấp nở về đêm, hoa hông nhung thanh tao kiều diễm… Trong số những loài hoa khoe sắc tỏa hương đó có một cây hoa được bố em đặc biệt quan tâm, chăm sóc, đó là cây hoa đào.”

Tất cả học sinh đều nhận thấy rằng ở cách một mở bài đã đủ, đúng nội dung nhưng cách mở bài thứ hai hay hơn. Đây là cách mở bài gián tiếp sáng tạo, sinh động.

Khi viết mở bài có em viết ngắn gọn bằng một hoặc hai câu, nhưng lại có em mở bài bằng cả một đoạn văn. Nhưng tôi yêu cầu dù mở bài dài hay ngắn bằng cách nào thì cũng không được tách rời nội dung đã xây dựng ở phần này, tuỳ nghệ thuật vào bài của các em mà tôi góp ý, không gò bó áp đặt học sinh.

Ví dụ:

Đề bài: Em hãy tả lại một cây hoa mà em thích.

- Có em viết: “ Trong khu vườn nhỏ của nhà em có trồng nhiều loài hoa nhưng em thích nhất là cây hoa hồng nhung.”

Cách mở bài như thế đã đúng, ngắn gọn nhưng chưa hay. Với học sinh có năng khiếu tôi có thể hướng dẫn, yêu cầu các em mở bài theo cách gián tiếp.

- Có em viết: “Xuân về trăm hoa đua nở, ngàn cây khoe lộc biếc chồi non. Khu vườn nhà em như được thay một bộ quần áo mới. Những loài hoa thi nhau khoe sắc, tỏa hương. Hoa nào cũng đẹp, cũng thơm nhưng em thích nhất là cây hồng nhung trồng trước cửa nhà.”

Hay: “Hoa hồng là nữ chúa của các loài hoa. Còn gì đẹp hơn những bông hoa hồng nhung trên còn đọng những giọt sương mai long lanh như những hạt ngọc.”

 Hay tôi hướng dẫn các em mở bài bằng một câu đố’ “ Đố bạn cây gì thân có gai nhọn. Hoa có nhiều màu. Từng được mệnh danh. Nữ hoàng loài hoa?..... À đó là cây hoa hồng. Ở khu vườn nhà tôi có một khóm hoa hồng. Mỗi buổi sớm mai những nàng hoa hông kiểu diễm điểm những hạt ngọc long lanh trên chiếc áo choàng đỏ thắm của mình trông thật lộng lẫy.” Đây là cách mở bài gián tiếp cũng rất là hấp dẫn.

Nhờ khuyến khích học sinh diễn đạt phần mở bài bằng những cách khác nhau mà vẫn đảm bảo nội dung chính nên nhiều em đã viết được phần mở bài văn hay, có tính nghệ thuật. Ví dụ có em đã viết được mở bài hấp dẫn: Trường tôi rợp mát bóng cây xanh. Cây bàng như chiếc ô xanh khổng lồ, cây bằng lăng nở hoa tím biếc như màu mực tím thân thương mỗi độ hè về. Cây liễu rủ thướt tha, cây xà cừ khỏe mạnh. Nhưng tôi thích nhất là cây phượng vĩ ngay cổng trường,  nơi tôi thường đứng chờ mẹ đón sau mỗi buổi tan trường.

3.5.2 Hướng dẫn viết kết bài:

Có nhiều cách kết bài khác nhau nhưng tôi yêu cầu học sinh kết bài đều phải xuất phát từ nội dung chính. Cũng như mở bài, các em nêu cảm xúc hoặc thâu tóm lại vấn đề thì cũng có thể kết bài bằng nhiều cách nhưng chọn cách nào cho tự nhiên và hay nhất. Thường có hai cách kết bài:

+ Kết bài không mở rộng: Nêu cảm nghĩ của bản thân về cây mình vừa tả.

Ví dụ: Tả cây ăn quả : Em rất thích cây cam của nhà em. Em sẽ chăm sóc cây thật tốt.”hay  : “ Cây cam nhà em như thế đấy.”

 + Kết bài mở rộng: ngoài việc nêu cảm nghĩ của bản thân với đối tượng vừa miêu tả còn đưa ra sự liên hệ, lời bình, lời đánh giá của bản thân với cây cối, sự ảnh hưởng (tốt - xấu) của cây với đối tượng khác. Hay có thể mượn lời câu thơ, lời bài hát để bộc lộ, gửi gắm tình cảm của mình với cây.

Ví dụ: Tả cây hoa hồng: “ Em có thích hoa hồng không? Thích nó đâu phải chỉ đứng bên nó mà thưởng thức vẻ đẹp hương thơm, phải không? Hãy tưới cho nó, vun gốc, bắt sâu cho nó và nó là hoa nơi công viên thì không  được hái vì em thích và người khác cũng thích, ta để thưởng thức chung.”

 Hay kết bài cho bài tả cây ăn quả“ Em rất yêu quý cây cam này , em thường xuyên tưới nước cho cây, cây như cũng thầm trả ơn người bằng cả một mùa hoa thơm quả ngọt.” hay tả  cây hoa “ Cám ơn thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta một loài hoa đẹp như hoa hồng. Em yêu hồng nhung bởi nó là biểu tượng của tình yêu, sự sắt son, kiên cường.”

 Hay có em mượn lời một bài hát để kết bài rất cảm động: Mỗi khi nghe bài hát : “ Tu hú kêu! Tu hú kêu! Hoa gạo đỏ, hoa phượng nở đầy ước mơ hy vọng. Tu hú kêu! Tu hú kêu! Mùa quả chín vào mùa thi, tình bạn trong sáng dưới mái trường,…” Lòng em lại rộn lên một cảm xúc bâng khuâng xao xuyến nghĩ đến một ngày nào đó nghỉ hè em sẽ phải xa cây phượng, xa mái trường thân yêu.”

Tôi cũng thường hay cho học sinh tham khảo các kết bài hay, cho học sinh so sánh các kết bài để học sinh học tập và rút kinh nghiệm để tìm cách viết kết bài hay. Tôi cũng lưu ý học sinh kết bài phải gắn với thân bài, không chuyển ý đột ngột, nên liên hệ mở rộng khái quát. Giọng văn phải chân thành tự nhiên, thể hiện riêng cảm xúc của riêng mình, tránh sáo rỗng, gượng ép, hô khẩu hiệu như: “Em cần phải.....”; “Em sẽ cố gắng.....’ “Em xin hứa....”; “ Càng yêu.........càng chăm.......”

3.5.3 Hướng dẫn học sinh viết từng đoạn thân bài:

Khi làm văn học sinh thường chia bài làm ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài nên các em chỉ viết thành ba đoạn văn. Mở bài và kết luận ngắn, thân bài thì dài. Vì vậy không làm nổi bật được trọng tâm miêu tả, ý lan man rườm rà. Đây là một điều đáng tiếc thường bắt gặp trong bài làm của học sinh. Vì vậy giáo viên phải giúp học sinh khắc phục hạn chế này. Ở thân bài có thể viết thành hai đến ba đoạn sao cho phù hợp với đối tượng miêu tả.

Có nhiều cách để chia đoạn trong bài văn tả cây cối:

- Chia đoạn theo trình tự thời gian: Đặt đối tượng miêu tả vào các thời gian khác nhau. Ví dụ : Trong một năm chia ra các mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc trong một ngày thì có sáng, trưa, chiều, tối.

- Chia đoạn theo trình tự không gian : Từ việc quan sát đối tượng từ nhiều góc độ, nhiều hướng khác nhau: từ xa nhìn lại, từ ngoài nhìn vào, từ trong nhìn ra, từ trên nhìn xuống, từ dưới nhìn lên, nhìn bên trái, nhìn bên phải, nhìn phía trước, nhìn phía sau, nhìn toàn bộ hay nhìn chi tiết,...ta sẽ chia thành các đoạn văn khác nhau.

- Chia đoạn theo đối tượng được miêu tả: Tả gốc, thân, cành, lá, hoa, quả, cảnh vật xung quanh,...

Ví dụ: Khi miêu tả cây bóng mát, phần thân bài có thể chia ra làm hai đoạn: đoạn tả chung các bộ phận của cây, đoạn tả về đặc điểm, sự phát triển màu sắc của lá, vẻ đẹp của tán lá

Sau khi chia đoạn trong thân bài cần suy nghĩ cách triển khai ý trong từng đoạn. Bình thường phần thân bài triển khai trong một đoạn văn thì nhiều khi chỉ cần liệt kê các bộ phận của cây cũng có thể tạo thành đoạn Nhưng nếu tách thân bài ra thành một số đoạn văn mà học sinh không có đủ kiến thức để triển khai các ý thì sẽ làm cho bài văn trở nên rời rạc, thiếu liên kết. Như vậy, đòi hỏi học sinh phải có khả năng mở rộng ý, phát triển hình ảnh miêu tả một cách phong phú và hợp lí. Có như vậy bài văn tả cây cối của các em mới giàu hình ảnh và có hồn. Có thể mở rộng ý bằng các cách:

- Mở rộng ý bằng cách liên tưởng, so sánh đối tượng đang miêu tả với những đối tượng khác hoặc đặt đối tượng đang miêu tả trong các mối quan hệ với đối  tượng xung quanh.

Ví dụ: Mùa xuân vải ra hoa.  Hoa vải trổ từng chùm như hoa sữa, nhưng không thơm nồng nàn như hoa sữa, không rực rỡ kiêu kì như hoa cúc hay hoa đào mà nó nhẹ nhàng thanh thoát như tà áo trắng của cô thiếu nữ mới chớm tuổi mười tám, đôi mươi. Cả một khu vườn đồi xanh um đôi khi chỉ cần một cây vải nở hoa trắng xóa cũng đủ đẹp đến nao lòng. Cánh hoa vải bé mọc thành từng chùm y như những bông tuyết đậu trên cành cây non. Ong bướm tha hồ về đây lấy mật. Người nào đi từ vườn vải về, áo cũng lấm tấm mật hoa.

- Mở rộng ý bằng cách đi vào miêu tả thật tỉ mỉ, thật chi tiết từng đặc điểm về đường nét, hình dáng, màu sắc của đối tượng.

- Mở rộng ý bằng cách đan xen vào những câu văn tả là những câu văn nêu cảm xúc, suy nghĩ, nhận xét hay sự liên tưởng tới một kỷ niệm nào đó.

- Mở rộng ý bằng cách miêu tả đặc điểm với lời giới thiệu về giá trị, về công dụng, ích lợi của cây được tả.

Ở phần hướng dẫn viết thân bài tôi thường cho học sinh làm một số bài tập:

Ví dụ: Viết một đoạn văn tả vẻ đẹp, màu sắc, hương thơm của cây hoa ở trường em hoặc em đã quan sát được ở một nơi nào đó.

Hoặc: Viết đoạn văn tả thân và gốc của cây bàng  mà em đã có dịp quan sát.

Hay: Viết đoạn văn tả ích lợi của một loại cây..

Từ những bài tập trên học sinh được rèn cách viết từng đoạn văn theo hướng mở rộng được các ý.

Sau khi viết được các đoạn văn cần hướng dẫn ghép nối chúng để được một bài văn hoàn chỉnh.

3.6. Hướng dẫn học sinh tích luỹ các tư liệu văn học, làm giàu vốn từ ngữ:

Về mặt này giáo viên và học sinh thường hay coi nhẹ. Qua các bài tập đọc, học thuộc lòng, các bài luyện từ và câu, sách đọc thêm, và nhất là sử dụng có hiệu quả "Thư  viện xanh" tôi hướng dẫn học sinh tìm hiểu các câu văn hay, giàu hình ảnh, tìm hiểu các biện pháp nghệ thuật được sử dụng hiệu quả. Sau đó tôi hướng dẫn học sinh nên có một cuốn sổ tay ghi lại những câu thơ, câu văn mà các em yêu thích, khuyến khích các em đọc thuộc lòng các bài văn, bài thơ hay trong chương trình, trong sách tham khảo,…

Từ các bài tập đọc tôi hướng dẫn học sinh chú ý đến cách miêu tả của tác giả, giúp các em chỉ ra các từ ngữ miêu tả hay, đã được chọn lọc, gọt giũa, cách sử dụng nghệ thuật của tác giả như thế nào. Tôi chọn một vài trường hợp đặc sắc để phân tích kỹ giúp học sinh thấy được sự sáng tạo của các nhà văn khi lựa chọn từ ngữ, sử dụng biện pháp nghệ thuật.

Ví dụ  : Dạy bài “ Sầu riêng” - Tập đọc 4 tập II. Ở phần tìm hiểu bài tôi phân tích cho học sinh thấy: qua cách dùng điệp từ chỉ tính chất mà mùi vị và hương vị độc đáo của sầu riêng được nhấn mạnh: “ Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chín, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị ngọt của mật ong già hạn. Chỉ đọc, chưa một lần được nếm ta đã có thể hình dung ra cái hương vị rất đặc biệt của trái sầu riêng của miền Nam nước ta.

Khi phân tích đoạn 3 tôi giúp học sinh nhận thấy tác giả sử dụng hàng loạt các từ ngữ đã được chọn lọc và sử dụng nghệ thuật so sánh.“Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột – Lá nhỏ xanh vàng, hơi khép lại tưởng như lá héo.” Như vậy người ta có thể mượn hình ảnh để ca ngợi một hình ảnh khác (mượn cái không đẹp của cây sầu riêng để tăng thêm hương vị của trái sầu riêng).

Từ cái hay cái đẹp của những bài văn đã phân tích, tôi khuyến khích học sinh tích cực học cách dùng từ ngữ, nghệ thuật miêu tả sắc bén của các tác giả nổi tiếng. Chẳng hạn: ta học nhà văn Nguyên Hồng khi tả bắp ngô: “Những bắp ngô non được bọc trong làn áo mỏng óng ánh” (Tiếng việt 4 tập 2). Ta học nhà văn Ngô Văn Phú tả quả cà chua: “Cà chua xum xuê, chi chít, quả lớn, quả nhỏ vui mắt như bầy gà mẹ đông con. Quả một, quả chùm, quả sinh đôi, quả chùm ba, chùm bốn. Quả ở thân cây, quả leo nghịch ngợm lên ngọn (Tiếng việt 4 tập 2)

Từ các tiết luyện từ và câu, tôi cũng chú ý hướng dẫn học sinh tìm và lựa chọn từ ngữ phù hợp khi miêu tả. Ngoài ra tôi cho học sinh tìm từ ngữ theo từng đề tài nhỏ gắn với thể loại văn miêu tả cây cối.

Ví dụ 1 :

- Tìm các từ để miêu tả cây cối: xanh mướt, xanh rì, xanh mơn mở, xanh non, xanh lá mạ, xanh biếc, xanh lục,….rung rinh, um tùm, sum suê, khẳng khiu, gầy guộc, thanh mảnh, mảnh mai, rực rỡ, mỡ màng, vàng úa, xơ xác, trơ trụi, lác đác, xào xạc, lả tả,…

- Các từ dùng để tả mùi vị: Thơm thơm, thơm thoang thoảng, ngòn ngọt, chan chát, nồng nồng, cay xè, ngai ngái, hăng hắc, dìu dịu, ngào ngạt, sực nức,…

Ví dụ 2 : Khi tả màu vàng của hoa cúc mùa thu tôi cho các em tìm các từ chỉ màu vàng: vàng tươi, vàng ửng, vàng hoe, vàng rực, vàng thẫm, vàng nhạt…

Học sinh lựa chọn từ phù hợp nhất để tả màu vàng của hoa cúc( vàng tươi). Tôi hướng dẫn thêm về các từ còn lại: vàng xuộm có thể để tả bông lúa, bãi rơm, vàng ửng, vàng hoe, vàng rực, vàng thẫm, vàng nhạt để tả màu sắc của một số loài hoa, quả chín, …  Hay khi tả độ chín của quả có thể chọn lọc các từ ngữ: ương, chín tới, chín mọng, chín mềm, chín nhũn, chín nục,…

Trong thực tế, mỗi hình ảnh chỉ có một từ hay nhất, chuẩn nhất có thể miêu tả hết cấp độ của nó nên tôi đã dạy các em khi viết câu cần chọn từ thích hợp nhất để tả đối tượng. Nhiều khi cần thay thế nhiều lần một từ cho kì được từ thích hợp.

Ngoài ra trong những lần nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan thực tế các cảnh đẹp của địa phương hay các cảnh đẹp của đất nước, tôi luôn theo sát, hướng dẫn các em quan sát, ghi chép lại những cây cối mà các em thấy lạ, thấy thích thú theo cảm nhận của từng em. Sau đó về trường tôi yêu cầu các em viết lại thành một bài văn nói về cây cối đó cũng như cảm xúc của các em. Đó là những tư liệu mang tính chân thực rất tốt cho việc viết văn của các em.

Việc tích luỹ vốn văn học, ghi chép các câu văn câu thơ, câu ca dao hay, làm giàu vốn từ ngữ  rất hữu ích với mỗi học sinh khi viết văn miêu tả nói chung và văn miêu tả cây cối nói riêng. Vốn văn học tích luỹ dần như những viên gạch dùng để xây nhà. Có nhiều gạch thì sẽ dễ xây. Có như vậy học sinh mới có thể viết được những bài văn hay, sinh động.

3.7 Hướng dẫn học sinh vận dụng các biện pháp nghệ thuật:

Để viết văn miêu tả hay và sinh động tôi luôn luôn chú ý đến việc hướng dẫn học sinh tập diễn đạt từng câu văn sao cho chân thực, có cảm xúc. Ngoài ra học sinh cần biết sử dụng tốt các biện pháp tu từ mà các em đã được học vào viết văn làm cho câu văn gợi tả, sinh động. Do các em thu nhận sự vật từ trực quan là chính nên ngay từ khi dạy kĩ năng quan sát tôi đã gợi cho các em phải có thói quen sử dụng một số biện pháp nghệ thuật chính đó là các biện pháp: so sánh, nhân hóa, hệ thống từ tượng hình (tả màu sắc, hình dáng, trạng thái ...), hệ thống từ tượng thanh (mô phỏng các tiếng động ) hay từ ngữ nói lên tình cảm, sự chăm sóc của con người đối với cây cối (tưới nước, vuốt ve, nâng niu, ...). Nhằm làm đẹp lên đối tượng miêu tả.

Đối với học sinh tiểu học, câu là đơn vị để tạo nên đoạn văn, bài văn, nên phải coi trọng việc luyện câu. Luyện câu gồm luyện viết câu đúng (Thuộc phạm trù ngữ pháp) và luyện viết câu sinh động, viết câu hay (Thuộc phạm trù tu từ)

Muốn viết được câu văn hay, trước hết tôi yêu cầu học sinh viết câu đúng. Câu đúng ngữ pháp, đúng với chủ đề yêu cầu. Câu diễn đạt rõ ràng, ý nghĩa trong sáng. Sau đó mới dùng các biện pháp tu từ để làm cho câu văn hay, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh.

Ví dụ: Để tả bông hoa đào, em chọn câu nào để tả ? Vì sao?

a) Hoa đào có năm cánh, màu hồng phớt.

b) Hoa đào chỉ có năm cánh, nhưng màu cánh như có bàn tay của người họa sĩ tài ba đã pha những sắc màu thật nền nã mà chau chuốt: ở sát nhuỵ là một màu của lụa trắng trong veo, nhưng càng về dần đầu cánh, nó lại chuyển sang phơn phớt hồng.

- Học sinh dễ dàng nhận thấy rằng câu thứ hai hay hơn. Câu văn sử dụng nghệ thuật so sánh làm cho bông hoa trở nên sinh động gần gũi, giàu hình ảnh hơn.

Tôi yêu cầu học sinh tập viết câu văn cho hay hơn bằng cách sử dụng các biện pháp tu từ đã học.   Ví dụ:Viết lại câu văn sau cho hay hơn:

Quả bưởi tròn căng, màu vàng đẹp mắt.

Học sinh 1: “Quả bưởi chín tròn xoe, căng mọng trên cành trông giống như một ông mặt trời lấp ló giữa tán lá xanh.”

Học sinh 2: “Lúc chín, quả bưởi to tròn như quả bóng, da căng mịn, vàng  óng thật đẹp mắt.”

- Hướng dẫn học sinh so sánh đối tượng được miêu tả với các đối tượng khác tương đồng. Đây là một trong những “bí quyết” để viết văn miêu tả nói chung, tả cây cối nói riêng được hay hơn. Chẳng hạn khi tả chiếc lá bàng ta có thể so sánh với cái quạt, chiếc bánh đa,…Hay khi tả những chùm hoa phượng ta có thể so sánh với những đốm lửa hồng bập bùng cháy; tả những quả bàng xanh so sánh với chú rùa con bé xíu, tả quả bưởi chín so sánh như ông mặt trời tí hon …

3.8 Chuẩn bị tốt và dạy tốt tiết trả bài Tập làm văn:

Đây là tiết học vô cùng quan trọng khi dạy – học Tập làm văn. Thông qua bài văn ta có thể đánh giá khả năng tiếp thu kiến thức, khả năng dùng từ viết câu, viết đoạn, diễn đạt của học sinh đến mức độ nào. Ngoài ra bài văn còn phản ánh những tình cảm, vốn sống, thái độ của học sinh đối với thế giới xung quanh. Chính vì vậy mà tôi đầu tư thời gian cho việc nhận xét, chấm chữa bài.

Nhận xét bài: Giờ trả bài có thành công hay không, học sinh có thấy được cái đúng, cái sai trong bài làm của mình hay không? Điều đó bắt đầu bằng việc đọc và nhận xét. Đó chính là phần chuẩn bị của giáo viên.

Tôi đọc kĩ từng bài của học sinh, ghi lại những ưu nhược điểm của từng bài vào một quyển sổ chấm bài như lỗi về bố cục bài văn, diễn đạt, dùng từ viết câu, lỗi chính tả..v..v..Thống kê xem những lỗi nào là lỗi phổ biến, thường gặp, những lỗi nào học sinh ít mắc rồi so với những bài viết trước để hướng dẫn học sinh chữa lỗi, tìm ra sự tiến bộ.

Tôi tự làm cho mình một quyển sổ nhận xét bài. Quyển sổ này có tác dụng thống kê các loại lỗi để tìm ra lỗi sai phổ biến, ghi chép những sai, đúng cụ thể của từng học sinh làm tư liệu để phục vụ cho việc nhận xét và hướng dẫn chữa lỗi. Nhưng trước hết muốn ghi chép đúng thì giáo viên phải đọc kỹ bám sát yêu cầu mà chuẩn kiến thức, kĩ năng đã đề ra, đưa ra lời nhận xét để đảm bảo tính khoa học, khách quan, vô tư. Từ đó thấy được ưu và nhược điểm của bài viết. Ngoài ra quyển sổ này giúp giáo viên so sánh đối chiếu những bài làm sau của học sinh so với những bài trước xem sự dứt điểm của từng loại lỗi đã làm được chưa. Làm đến đâu? Sự tiến bộ của các em đạt đến mức độ nào? Trong sổ tôi kẻ rõ như sau:

Loại sai

Tên học sinh

Dẫn chứng

Hướng sửa

1. Bố cục

2. Không đúng yêu cầu đề

3. Chính tả, từ

4. Diễn đạt

5. Câu:

 

 

 

Cuối bảng giáo viên ghi rõ cần dứt điểm loại lỗi nào trong bài viết, kể tiếp việc này được nêu ở giờ trả bài phần củng cố, học sinh sẽ thấy được để ở giờ sau phấn đấu đạt kết quả tốt hơn.

Hướng dẫn học sinh chữa bài:

Dựa vào kết quả bài làm của học sinh, giáo viên tiến hành việc hướng dẫn học sinh chữa bài sao cho linh hoạt và đạt hiệu quả thiết thực theo các cách sau:

- Trả bài cho học sinh, yêu cầu học sinh đọc thầm lại toàn bộ bài làm, lời nhận xét chung và những chỗ lưu ý cụ thể của giáo viên trong bài viết.

- Hướng dẫn học sinh chữa lỗi chung về nội dung (sai, thiếu ý hoặc chi tiết, sự việc…) và hình thức (về bố cục, về cách dùng từ, đặt câu, lỗi chính tả…)

- Cho học sinh tự chữa bài làm của cá nhân, sau đó đổi bài với bạn để kiểm tra, giúp đỡ nhau về việc chữa lỗi. Với cách làm này có thể cho học sinh tạo nhóm theo năng lực hoặc đôi bạn cùng tiến. Các em trao đổi vở, đọc bài, phát hiện lỗi, nêu lỗi và cùng trao đổi để tìm cách sửa.

- Với những bài làm tốt tôi yêu cầu học sinh đọc cho bạn nghe để giúp các em vận dụng vào bài viết của mình. Gợi ý học sinh nhận xét, trao đổi để học tập những ưu điểm trong bài văn của bạn (về bố cục, sắp xếp ý, diễn đạt, dùng từ đặt câu, sử dụng biện pháp nghệ thuật). Tôi cũng đọc những câu văn, những đoạn văn, bài văn hay của của học sinh viết những năm học trước mà tôi tích lũy được để học sinh tham khảo.

- Hướng dẫn học sinh chọn viết một đoạn văn trong bài làm cho tốt hơn (Đây là bước dành cho học sinh năng khiếu). Đoạn văn học sinh chọn để viết lại cho tốt hơn có thể là đoạn văn còn mắc lỗi (chính tả, dùng từ, đặt câu…., đoạn văn viết chưa hay).

- Khi giáo viên thực hiện tiết trả bài nên biểu dương những học sinh làm bài tốt. Luôn động viên, khen ngợi học sinh khi học sinh có sự tiến bộ dù là tiến bộ nhỏ nhất. Đối với những học sinh chưa hoàn thành hoặc bài viết chưa tốt tôi không công bố tên của các em trước lớp.

Tóm lại: Phân môn Tập làm văn là phân môn thực hành. Kết quả của tập làm văn dựa trên sự huy động nhiều kĩ năng khác nhau. Như phần trên cho chúng ta thấy muốn có kĩ năng viết văn phải qua một giai đoạn dài luyện tập. Kĩ năng là kết quả của sự luyện tập thực hành gian khổ, là sản phẩm của lòng kiên trì. Giáo viên cần cho học sinh hiểu được: Muốn có kết quả làm văn tốt phải chịu khó tập viết, tập nói, tập dùng từ đặt câu, viết đoạn,...nhiều lần. Không ngại tập đi, tập lại. Không ngại sửa đi sửa lại đoạn văn, câu văn đã viết. Bản thân mỗi giáo viên cũng kiên trì hướng dẫn học sinh luyện tập và giúp đỡ các em sửa chưa những sai sót.

4. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Tôi đã đọc các bài văn trong vở Tập làm văn của học sinh hai lớp 4A và 4B với các đề bài viết về văn tả cây cối. Tôi thấy chất lượng bài viết tập làm văn của học sinh lớp 4A đã có nhiều tiến bộ rõ rệt so với lớp 4B, nhiều em đạt được điểm tốt. Tôi cũng đã khảo sát một đề bài với 2 lớp: lớp 4A đã áp dụng phương pháp này và lớp 4B chưa áp dụng phương pháp này ( Hai lớp có chất

lượng học sinh và sĩ số ngang nhau)

Với đề bài sau: “Em hãy tả một cây mà em yêu thích nhất.”Về chất lượng bài viết:

Chất lượng bài viết

Lớp 4A

(dạy thực nghiệm– 26 em )

Lớp 4B

(đối chứng – 25 em)

- Học nắm được yêu cầu đề bài

- Bố cục rõ ràng, có trọng tâm

- Biết cách dùng từ đặt câu, lên kết câu, đoạn, ít mắc lỗi chính tả.

- Bài viết sinh động sáng tạo.

- Số học sinh phụ thuộc văn bản mẫu .

- Học sinh lười học, lười sửa lỗi, ít tiến bộ.

26em=100%

23 em = 88,5 %

20 em= 76,9%

 

9 em = 34,6 %

1 em = 3,8 %

1 em = 3,8 %

23 em = 92%

16 em = 64%

14 em = 56%

 

3 em = 12%

6 em = 24%

3 em = 12%

 

 

Trải qua một thời gian áp dụng dạy thực nghiệm, tôi thấy chất lượng bài viết tập làm văn của học sinh lớp 4 A đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Câu văn không rườm rà tối nghĩa. Bài văn phần lớn có bố cục rõ ràng, ý mạch lạc, đặc biệt là không còn em nào lạc đề, không còn em nào không biết viết phần mở bài hay kết bài. Bước đầu các em đã biết sử dụng một số tín hiệu nghệ thuật trong miêu tả nhất là so sánh, nhân hóa và dùng nhiều từ gợi tả. ( Một số bài làm học sinh ở phần phụ lục), và cũng từ đó các em hứng thú học phân môn tập làm văn hơn trước khi áp dụng, làm không khí lớp học diễn ra sôi nổi hơn. Các em bắt đầu tự giác đam mê học tập.

5. Điều kiện để sáng kiến được nhân rộng:

Dạy tốt phân môn  Tập làm văn cho học sinh lớp 4 ở nhà trường là một việc làm rất quan trọng. Bởi vì học tốt được văn miêu tả các em sẽ cảm nhận được thế giới xung quanh một cách rõ nét và sâu sắc hơn. Văn miêu tả ở lớp 4 sẽ là tiền đề cho các em học tiếp các dạng văn miêu tả ở các lớp cao hơn. Đặc biệt với thể loại văn tả cây cối ở lớp 4, một đề tài cũng rất quen thuộc, gần gũi với các em. Việc áp dụng sáng kiến này không khó. Tất cả các giáo viên đều có thể áp dụng được, và đối tượng áp dụng là tất cả các em học sinh lớp 4 – 5  ở mọi vùng miền đất nước. Tuy nhiên để chất lượng bài làm Tập làm văn của học sinh đạt kết quả cao thì cần chú ý một số vấn đề sau:

- Học sinh: không ngại tập đi, tập lại, không ngại sửa đi sửa lại đoạn văn, câu văn đã viết. Bồi dưỡng cho mình tình yêu văn học bằng thói quen đọc sách và đọc có chọn lọc. Hiểu được nội dung văn bản và biện pháp nghệ thuật của bài thơ, bài văn đó; biết ghi chép những chi tiết, những hình ảnh, những đoạn thơ, đoạn văn đặc sắc; biết lắng nghe và chắt lọc những ý của thầy cô. Biết tổng hợp kiến thức để bổ sung thêm cho vốn kiến thức của mình , các em hãy hoà mình với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá,… ,

- Việc bồi dưỡng và tích luỹ kiến thức là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các thầy cô giáo, các bậc làm cha mẹ phải kiên trì, tỉ mỉ trong việc hướng dẫn, định hướng cho các em, tạo cho các em có cơ hội được hoà nhập với thế giới thiên nhiên và những mối quan hệ xung quanh các em. Mỗi ngày một ít, mỗi lúc một ít, mỗi nơi một ít sẽ làm giàu thêm vốn sống, vốn liếng văn học cho các em.

 


KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

1. Kết luận:

Từ thực trạng học sinh lớp 4 khi làm văn tả cây cối, thì học sinh còn nhiều lúng túng. Các em làm văn sơ sài vì không có gì để viết. Câu văn nghèo nàn cảm xúc, hình ảnh, khô khan tẻ nhạt, tối nghĩa. Dùng từ chưa sát thực dẫn đến tả không chính xác. Diễn đạt mang đậm tính liệt kê, kể lể, lủng củng. Nhiều em chưa xác định trọng tâm yêu cầu của đề nên khi nói, viết lan man. Bố cục rời rạc, khả năng liên kết câu, đoạn còn hạn chế, rất ít các bài văn sinh động gợi tả, gợi cảm. Tôi đã mạnh dạn áp dụng sáng kiến Hướng dẫn học sinh lớp 4 làm bài văn miêu tả cây cối, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng làm văn. Tôi kiên trì giúp các em hiểu và nắm chắc yêu cầu của bài văn tả cây cối, biết tìm hiểu đề, cách quan sát tỉ mỉ, tinh tế, lập dàn ý, cách xây dựng các đoạn văn mở bài, kết bài, viết bài văn, tích lũy tư liệu văn học, vốn từ ngữ, sử dụng biện pháp nghệ thuật để miêu tả. Nhiều em viết được một bài văn tả cây cối tương đối sinh động, giàu hình ảnh, cảm xúc.

2. Khuyến Nghị:

2.1. Đối với nhà trường:

- Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên thông qua bồi dưỡng thường xuyên và qua các hội nghị, các chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng dạy học.

- Phòng đồ dùng cần có nhiều trực quan tranh ảnh về cây cối.

- Hằng năm, nhà trường cần tổ chức cho học sinh lớp 4,5 đi tham quan thực tế ở những nơi có nhiều phong cảnh đẹp, có nhiều cây trồng,.

2.2. Đối với giáo viên:

- Để có sự thành công trong giảng dạy thì đòi hỏi người giáo viên phải tìm ra phương pháp dạy học phù hợp, chú ý các phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm”.

- Chịu khó đọc tích lũy vốn kiến thức văn học cho mình qua sách báo, mạng internet…

- Coi trọng vốn sống thực tế của các em.

- Chuẩn bị chu đáo bài dạy trước khi đến lớp. Từ khâu chọn lọc đề đến khâu tìm hiểu phân tích đề, hướng dẫn học sinh quan sát, lập dàn bài, khuyến khích học sinh chọn hình ảnh sinh động, phát huy trí tưởng tượng.

2.3. Đối với học sinh:

- Ham học, đọc sách, ham hiểu biết, yêu thích môn học.

- Có thói quen quan sát các sự vật xung quanh.

- Biết lập sổ tay văn học ghi chép những từ ngữ, những câu văn, đoạn văn hay để làm tư liệu.

- Các em hãy yêu thiên nhiên, sống hoà mình với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá,…

Trên đây là một số kinh nghiệm giảng dạy của tôi về Hướng dẫn học sinh lớp 5 viết văn Tả cảnh. Việc áp dụng sáng kiến này vào giảng dạy tuy đã có kết quả song trong quá trình viết và áp dụng sáng kiến này không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi rất mong được sự góp ý chân thành của các bạn đồng nghiệp, của Hội đồng khoa học các cấp để góp phần tạo nên sự thành công cũng như sự tiến bộ của bản thân tôi.

                            Tôi xin trân trọng cảm ơn!


DANH MỤC CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Tiếng Việt lớp 4- Tập 1, Tập 2 (Nhà xuất bản Giáo dục)

2. Bài tập Tiếng Việt 4 - Tập 1, Tập 2. (Nhà xuất bản Giáo dục).

3. Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt Tập 1; Tập 2( Nhà xuất bản Giáo dục)

4. Các phương pháp dạy viết văn Miêu tả ở tiểu học.  (Nhà xuất bản Giáo dục)

5. Luyện Tập làm văn lớp 4. (Nhà xuất bản Giáo dục).

6. Tiếng Việt nâng cao lớp 4.

7. Tập san Giáo dục.

8. Tạp chí: Thế Giới trong ta.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

THÔNG TIN CHUNG VỀ SÁNG KIẾN.. 1

TÓM TẮT SÁNG KIẾN.. 2

1.Hoàn cảnh nảy sinh sáng kiến. 2

2. Điều kiện, thời gian, đối tượng áp dụng sáng kiến. 2

3. Nội dung sáng kiến: 3

4. Khẳng định giá trị, kết quả đạt được của sáng kiến: 3

5. Đề xuất kiến nghị để thực hiện áp dụng sáng kiến. 3

MÔ TẢ SÁNG KIẾN.. 5

1. Hoàn cảnh nảy sinh sáng kiến: 5

2. Thực trạng việc dạy và học văn miêu tả cây cối trong nhà trường tiểu học: 7

2.1. Đối với giáo viên: 7

2.2. Đối với học sinh: 8

2.3. Với phụ huynh học sinh: 10

2.4. Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng: 10

3. Một số giải pháp thực hiện: 12

3.1. Giúp học sinh hiểu rõ đặc điểm cơ bản của văn miêu tả cây cối: 12

3.2. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề: 14

3.3 Hướng dẫn học sinh quan sát, tìm ý và miêu tả: 15

3.4 Hướng dẫn học sinh  Lập dàn ý: 20

3.5 Hướng dẫn học sinh viết bài văn: 22

3.6. Hướng dẫn học sinh tích luỹ các tư liệu văn học, làm giàu vốn từ ngữ: 27

3.7 Hướng dẫn học sinh vận dụng các biện pháp nghệ thuật: 29

3.8 Chuẩn bị tốt và dạy tốt tiết trả bài Tập làm văn: 31

4. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC.. 33

5. Điều kiện để sáng kiến được nhân rộng: 34

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 36

1. Kết luận: 36

2. Khuyến Nghị: 36

2.1. Đối với nhà trường: 36

2.2. Đối với giáo viên: 36

2.3. Đối với học sinh: 37

 

 

 


GIÁO ÁN MINH HỌA

PHÂN MÔN TẬP LÀM VĂN LỚP 4

BÀI : LUYỆN TẬP QUAN SÁT CÂY CỐI – TUẦN 22.

I. MỤC TIÊU:

- Học sinh biết cách quan sát cây cối, trình tự quan sát, biết kết hợp các giác quan khi quan sát cây cối. Nhận ra được sự giống nhau và khác nhau giữa miêu tả một loài cây với miêu tả một cái cây. Quan sát và ghi lại được kết quả quan sát một cây cụ thể.

- Rèn kỹ năng quan sát cây cối bằng nhiều giác quan, ghi kết quả quan sát.

- Giáo dục học sinh yêu thiên nhiên cây cối, sống gần gũi với thiên nhiên, nhận ra cái đẹp, ích lợi của cây cối.

II. CHUẨN BỊ:

- GV:  Thiết kế giáo án điện tử, giấy khổ to kẻ sẵn bản thể hiện nội dung bài tập 1.

- HS : Bút dạ, vở bài tập, sách bút. Mỗi em chuẩn bị một loại quả, mỗi tổ chuẩn bị một chiếc rổ nhựa để đựng quả.

III. HOẠT ĐỘNG DẠY VÀ HỌC

Hoạt động của thầy

Hoạt động của trò

1. Kiểm tra bài cũ:

- Em hãy đọc dàn ý tả một loại cây ăn quả theo một trong cách đã học:

+ Tả lần lượt từng bộ phận của cây.

+Tả lần lượt từng thời kỳ phát triển của cây.

2. Bài mới:

2.1. Giới thiệu bài: Các em ạ, muốn viết được những câu văn hay, những bài văn miêu tả hay sinh động mà mỗi khi đọc, người đọc dường như tưởng tượng ra được cả sự vật đó cần phải có sự quan sát. Hôm nay, các em sẽ được học cách quan sát một cái cây theo thứ tự,  kết hợp nhiều giác quan để tìm những chi tiết cụ thể cho dàn ý một bài văn miêu tả cây cối qua bài văn: Luyện tập quan sát cây cối  

2.2. Hướng dẫn học sinh làm bài tập

2.2.1 Bài 1: - Gọi HS đọc yêu cầu bài tập.

- Tổ chức cho HS hoạt động theo nhóm 4.

- GV hướng dẫn từng nhóm:

+ Trước hết :Đọc lại bài Bãi ngô – SGK trang 30, Cây gạo trang 32, Sầu riêng trang 34.

+ Trao đổi với bạn từng câu hỏi.

- GV gọi đại diên các nhóm trả lời từng câu hỏi.

- GV cùng HS nghe và nhận xét để có câu trả lời đúng.

a)Tác giả mỗi bài quan sát theo trình tự nào?

- GV : + Sầu riêng: Tả từng bộ phận của cây.

Quan sát từng bộ phận của cây( hay là theo trình tự không gian) :  Tả khái quát trước rồi tả chi tiết: Tả từ dưới lên trên: gốc, thân, cành, lá, hoa quả,..).

+ Bài Bãi ngô; Cây gạo tả theo từng thời kỳ phát triển của cây.

* Bài văn tả cây cối có hai cách tả: Tả từng bộ phận của cây hoặc Tả từng thời kỳ phát triển của cây. Nhưng để có bài văn hay em phải có sự quan sát và tả kết hợp cả hai cách trên.

-  GV đưa ra bảng sau để học sinh dễ nắm được bài.

 

- 2 học sinh đứng tại chỗ đọc bài.

 

- HS và cô giáo nghe và nhận xét.

 

 

-         HS lắng nghe.

 

 

 

 

 

 

 

 

- 2 HS nối tiếp nhau đọc.

- HS hoạt động theo nhóm 4 theo hướng dẫn cô giáo

 

- Mỗi nhóm chỉ trả lời một câu hỏi, các nhóm khác nghe và nhận xét, bổ sung.

- a) Trình tự quan sát:

+ Sầu riêng: Tả từng bộ phận của cây.

+Bãi ngô: Tả theo trình tự từng thời kỳ phát triển của cây.

+ Cây gạo: Tả theo trình tự từng thời kỳ phát triển của cây.( Của bông gạo)

Đoạn

      Sầu riêng

       Bãi ngô

          Cây gạo

 

1

Tả bao quát và nói lên nét đặc sắc của cây sâu riêng

Cây ngô từ nhỏ tới lúc trưởng thành

Cây gạo vào mùa hoa

 

2

Hoa và trái sầu riêng

Cây ngô ra hoa và bắp ngô non

Cây gọa lúc hết mùa hoa

 

3

Thân, cành, lá sầu riêng

Cây ngô vào lúc thu hoạch

Cây gạo  vào lúc quả đã già

 

Trình tự quan sát

Quan sát  tả từng bộ phận của cây ( Quan sát theo trình tự không gian)

Quan sát tả từng thời kỳ phát triển của cây (Quan sát theo trình tự thời gian)

Quan sát tả từng thời kỳ phát triển của cây (Quan sát theo trình tự thời gian)

 

 

b) Các tác giả quan sát cây bằng những giác quan nào? – Đại diện một nhóm trả lời

- GV và học sinh nghe, nhân xét chốt lại.

+ Sầu riêng:  Quan sát bằng mắt để thấy hoa, quả, thân cành, lá,…Mũi để cảm nhận hương thơm của quả, lưỡi để biết vị  ngọt,  béo ngậy của sầu riêng.

+ Bãi ngô” Quan sát bằng mắt để thấy được cây ngô từ lúc còn lấm tấm đế khi ra hoa, ra bắp và thu hoạch. Tai để nghe tiếng chim tu hú gần xa ran ran.

+Cây gạo: Quan sát bằng mắt để thấy cây gạo khi vào mùa hoa, lúc hết mùa hoa và quả già. Tai nghe để thấy tiếng chim hót trong vòm lá.

* GV chốt lại và chuyển ý: Các em ạ muốn có một bài văn hay các em phải sử dụng tất cả các giác quan; tay ta sờ thấy ( xúc giác), mũi ta ngửi thấy, lưỡi ta nếm thấy, tai ta nghe, ta nhìn rồi ghi chép lại. Ngoài ra muốn có bài văn sinh động các em biết quan sát tinh tế, quan sát tinh tế là quan sát bằng tất cả các giác quan và kết hợp các biện pháp nghệ thuật so sánh nhân hóa, liên tưởng, tưởng tượng ( Ví dụ: Ngắm những quả hồng chín đỏ trên cây ta liên tưởng đến những chiếc đèn lồng…)  Ta xem các tác giả đã sử dụng biên pháp nhân hóa và sánh như thế nào khi tả?

c) Chỉ ra những hình ảnh so sánh và nhân hóa mà em thích.

 Theo em, các hình ảnh so sánh và nhân hóa này có tác dụng gì?

* GV : Trong bài tác giả đã sử dụng rất nhiều các hình ảnh so sánh, nhân hóa làm cho câu văn hấp dẫn hơn, gần gũi hơn. Thấy được sự quan sát tinh tế hơn, bài văn sống động hơn.

VD: Búp ngô non núp trong cuống lá. Núp là chỉ sự hoạt động con người chỉ sự thụt thò sắp sửa ra giống như một đứa trẻ dang núp thật ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Hay câu: Cây gạo già mỗi năm lại trở lại tuổi xuân. Cây gạo cũng giống như con người. Một năm có bốn thì xuân, hạ, thu, đông. Thêm một tuổi cây gạo lại già thêm. Câu đó có sự trải nghiệm của cuộc sống . Là học sinh lớp 4 rồi các em cần có những câu từ cần tìm hiểu ví dụ nghe ông, bà, bố mẹ, cô giáo nói ta ta thấy được những từ ngữ đó trong cuộc sống.

 

d) trong ba bài văn trên, bài nào miêu tả một loài cây, bài nào miêu tả một cây cụ thể?

e) Theo em, miêu tả một loài cây có điểm gì giống và điểm gì khác miêu tả một cây cụ thể?

- Gọi đại diện nhóm trình bày.

- Hình ảnh so sánh:

+ Sầu riêng: trái sầu riêng thơm mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà,…Hoa sầu riêng thơm ngát như hương cau, hương bưởi, cánh hoa nhỏ như vẩy cá, hao hao giống cánh sen con….

+ Bãi ngô: Lúc còn nhỏ lấm tấm như mạ non. Hoa ngô còn nhỏ như kết bằng nhung và phấn.

Hoa ngô lúc già xơ xác như cỏ may.

+ Cây gạo: Cánh rụng quay tít như chong chóng, quả gạo vút như con thoi. Khi hoa gạo già nở bung ra, cây gạo như rung rinh treo hàng ngàn nồicơm gạo mới.

- Hình ảnh nhân hóa:

+ Bãi ngô: Búp ngô non núp trong cuống lá. Búp ngô già chờ tay tay người đến bẻ,..

+ Cây gạo: Cây gạo già mỗi năm lại trở lại tuổi xuân. Cây trở về dáng vẻ trầm ngâm và đứng im, hiền lành.

- HS nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa và so sánh.

 

- Bài Sầu riêng, bãi ngô tả một loài cây. Bài Cây gạo tả một cây cụ thể.

 

 - Gọi 2- 3 Hs trả lời theo ý hiểu.

* GV chốt lại :

- Giống: Đều phải quan sát kỹ và sử dụng mọi giác quan, tả các bộ phận của cây, tả khung cảnh xung quanh, dùng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa khắc họa sinh động, chính xác các đặc điểm của cây, bộc lộ tình cảm của người miêu tả.

- Khác: tả loài cây cần chú ý đến các đặc điểm phân biệt loài này với các loài cây khác. Tả một cây cụ thể phải chú ý đến đặc điểm riêng của cây đó, đặc điêm là nó khác biệt với các cây cùng loại.

2.2. 2.Bài 2: - Gọi HS đọc yêu cầu đề bài:

- Yêu cầu HS làm bài. Nhắc HS quan sát một cây cụ thể, có thể là cây bóng mát, cây ăn quả, cây hoa nhưng cây đó là cây có thật trong khu vực trường, hoặc nơi em ở, hoặc em đã thấy.

- Đưa ra các câu hỏi làm tiêu chí đánh giá trên bảng.

+ Cây đó có thật trong thực tế quan sát không.

+ Cây quan sát có gì khác với cây cùng loài.

+ Em đã quan sát cây bằng những giác quan nào?

+ Em đã quan sát  theo trình tự nào? Hợp lý chưa?

+ Em đã quan sát kết hợp với so sánh, nhân hóa hay liên tưởng chưa?

+ Tình cảm của em với cây như thế nào?

- Gọi HS trình bày bài của mình.

- Gọi HS khác nhận xét dựa vào các câu hỏi. Gv hướng dẫn HS chữa những câu văn chưa đúng .

3. Củng cố: Tôi tổ chức cho HS chơi trò chơi : Nhắm mắt đoán vật để củng cố kiến thức đồng thời làm cho các em hứng thú thêm trong học tập

- GV phổ biến luật chơi:  Các em tham gia trò chơi bịt kín mắt. Cô giáo phát cho các em một số loại hoa, quả. Đựng trong một chiếc rổ. Các em lựa chọn và đoán tên các loại hoa quả đó bằng cách cảm nhận bằng nhiều giác quan rồi tả lại. Sau 5 phút, đội nào đoán nhanh, đúng, miêu tả hay sẽ thắng. Đội thắng sẽ được thưởng toàn bộ số hoa quả mà mình vừa đoán tên.

+ Giai đoạn 1(5 giây):  Các em chỉ được sờ và đoán tên.( Thấy hình dáng to, nhỏ, vỏ nhẵn nhụi hay sần sùi, bóng, mềm hay cứng,…)

Nếu không đoán được tên chuyển sang giai đoạn 2 ( 5 giây): Đưa lên mũi ngửi rồi đoán tên.

Qua 2 giai đoạn mà không đoán được tên chuyển sang giai đoạn nếm. ( VD có những quả không có mùi thơm, khó nhận biết: quả hồng, cà chua, táo xanh khi ta đặt dùng đầu lưỡi ta nếm mới đoán được tên quả).

 - Chú ý: phải quan sát theo đúng, lần lượt từng giai đoạn

* Dặn dò: Về nhà các em quan sát thật kỹ một bộ phận của cây( Thân, lá, gốc,…)  và ghi lạ chuẩn bị cho giờ học sau: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối.

- 3 HS nối tiếp nhau đọc thành tiêng trước lớp.

- HS tự ghi các kết quả quan sát.

 

- 5 HS trình bày bài làm của mình.

 

 

-         Các HS khác nghe và nhận xét có thể giúp bạn sử những câu chưa hay, chưa đúng

 

 

 

 

-  Ba tổ: Mỗi tổ cử 2 bạn tham gia.

( 6 em tham gia)

- HS nghe phổ biến luật chơi.

 

 

- Cho Hs chơi thử một lần.

 

 

- HS chơi thật.

- HS dưới lớp quan sát, bình chọn đội thắng cuộc

 

 Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC