Skkn Khai thác tình huống truyện trong quá trình dạy học một số văn bản tự sự môn ngữ văn 9

 


1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: “Khai thác tình huống truyện trong quá trình dạy học một số văn bản tự sự, Ngữ văn 9 ”.

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục (Ngữ văn)

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

      Đặc trưng của truyện ngắn là cốt truyện và thông thường cốt truyện thường bắt đầu từ các sự kiện có vấn đề đó là tình huống truyện. Chính ở đó nhà văn bộc lộ tài năng của mình. Nói cách khác tình huống chính là một lát cắt của tác phẩm, là vực xoáy trên dòng sông, tình huống truyện gắn liền với cốt truyện và chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

      Nếu như khai thác một bài thơ chúng ta chú ý tới hình ảnh, cấu tứ, nhịp điệu,…thì khai thác một tác phẩm tự sự phải chú tới nhân vật ở các góc cạnh khác nhau từ đó mà phát hiện ra giá trị cuộc sống, cùng thông điệp mà nhà văn gửi tới bạn đọc. Để khám phá nhân vật cũng như những giá trị khác của tác phẩm cần bắt đầu từ việc khai thác tình huống truyện thì học sinh phải nắm vững tác phẩm, hiểu được diễn biến của câu chuyện từ đó phát hiện ra đâu là hoàn cảnh có vấn đề. Một tác phẩm hay thì bao giờ nhà văn cũng có những phát hiện độc đáo khi khai thác vấn đề trong cuộc sống. Phần lớn các tác phẩm được trích giảng trong chương trình Ngữ văn 9 đều là tác phẩm có cốt truyện độc đáo. Thông qua cốt truyện tác giả muốn chuyển tải tới người đọc những vấn đề về nhân sinh trong cuộc sống. Việc tìm hiểu về nhân vật hay các giá trị nội dung của tác phẩm sẽ thuận lợi và sâu sắc hơn nhiều khi chúng ta khai thác tình huống truyện.

  5.2. Nội dung sáng kiến:

5.2.1. Thực trạng:

         Tác phẩm truyện ngắn chiếm một lượng khá lớn trong chương trình Ngữ văn 9. Điều này phản ánh đúng tương quan của thành tựu truyện ngắn so với các thể loại văn học khác trong đời sống văn học của chúng ta. Nhận diện thể loại truyện ngắn cũng như sáng tạo thể loại truyện ngắn là một nỗ lực liên tục cho cả người sáng tác và giới nghiên cứu phê bình. Tuy nhiên,việc khai thác, tìm hiểu, khám phá truyện ngắn từ góc độ tình huống truyện lại chưa được thực sự quan tâm đúng mức của cả người dạy lẫn người học nên việc cảm thụ tác phẩm  truyện ngắn của người học chưa được sâu sắc, trong thực tế giảng dạy môn Ngữ văn 9 ( các văn bản tự sự) ở trường TH-THCS Thanh Lương  tôi đã gặp một số khó khăn như:

 -  Về phía GV: Các tác phẩm truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn 9 có dung lượng kiến thức tương đối dài. Trong khi vốn HS đã ít có sự say sưa đối với môn Văn, đa số các em thường rất lười đọc bài và chuẩn bị bài trước ở nhà, hoặc nếu có thì các em lại chuẩn bị qua loa một cách đối phó, nên việc giúp các em phát hiện tình huống truyện rất khó khăn và mất tương đối nhiều thời gian khi tiếp cận bài mới.

-               Về phía HS:

+ Không biết tác phẩm nào có tình huống truyện.

+ Không phân biệt, nhận dạng được tình huống truyện.

+ Không biết một tác phẩm sẽ có một hay hay nhiều tình huống truyện.

+ Thường nhầm lẫn tình huống truyện với tình tiết, chi tiết trong tác phẩm.

+ Không biết cách phân tích ý nghĩa của tình huống truyện…

     Vì vậy khi xác định tình huống truyện cũng như khai thác ý nghĩa của tình huống truyện học sinh thường rất lúng túng. Và đó cũng là một trong những lí do khiến học sinh chưa thực sự có hứng thú khi học các văn bản tự sự, khiến các giờ dạy học văn bản tự sự trở nên nặng nề.

5.2.2. Khái niệm tình huống truyện:

      Tình huống truyện là sự sắp xếp các tình tiết, các sự kiện nhằm thúc đẩy câu chuyện, tạo ra xung đột, mâu thuẫn … Tình huống phải mang giá trị thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Hay nói cách khác tình huống truyện là một trong những yếu tố cơ bản của văn xuôi tự sự. Tình huống tạo nên nét riêng của truyện, đồng thời thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Nghệ  thuật tạo dựng tình huống là tạo hoàn cảnh đặc trưng, đặt nhân vật vào một hoàn cảnh đặc biệt để nhân vật bộc lộ hết tính cách, tâm trạng của mình.

5.2.3.Phân loại tình huống truyện:

- Tình huống tâm lí: Đây là tình huống khi diễn ra giúp làm sáng tỏ đặc điểm tâm lí của nhân vật. Ví dụ tác phẩm “Làng” nhà văn Kim Lân đã xây dựng cảm xúc của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc, từ đau khổ tột cùng cho đến vui sướng khi thông tin được làm sáng tỏ.

- Tình huống hành động: Tình huống hành động giúp bộc lộ diễn biến hành động qua đó làm rõ nét tính cách nhân vật. Ví dụ trong “Những ngôi sao xa xôi” trong tình huống Phương Định phải phá  bom là tình huống thử thách giúp ta thấy phẩm chất cao đẹp, tình đồng chí của cô gái này.

- Tình huống nhận thức: Đây là tình huống không nhằm miêu tả hành động hay tâm lí mà thông qua đây nhà văn giúp nhân vật hiểu ra quy luật cuộc sống.

5.2.4.Tác dụng của tình huống truyện:

- Với cốt truyện: Thúc đẩy cốt truyện phát triển, tạo kịch tính, tạo sự hấp dẫn.

- Với nhân vật: Thể hiện tính cách, phẩm chất, tâm lí nhân vật.

- Với chủ đề, tư tưởng tác phẩm: Làm sáng rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

    Trên cơ sở những hiểu biết của bản thân, những kiến thức tích lũy được trong quá trình giảng dạy tôi xin đưa ra một số giải pháp giúp học sinh giải quyết bài toán khai thác tình huống truyện trong tác phẩm tự sự như sau:

5.2.5. Khai thác tình huống truyện trong quá trình dạy học văn bản tự sự: 

      Phần lớn các tác phẩm được trích giảng trong chương trình Ngữ văn 9 đều là tác phẩm có cốt truyện độc đáo. Thông qua cốt truyện tác giả muốn chuyển tải tới người đọc những vấn đề về nhân sinh trong cuộc sống. Việc tìm hiểu về nhân vật hay các giá trị nội dung của tác phẩm sẽ thuận lợi và thấu đáo hơn nhiều khi chúng ta khai thác tình huống truyện .

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

      Cụ thể qua các bước sau:

Bước 1: Đọc kĩ văn bản:

    Đây là bước cực kì quan trọng, việc đọc và chuẩn bị bài trước khi học một giờ văn nói chung và một giờ học văn bản tự sự nói riêng là việc làm đầu tiên và vô cùng cần thiết,  giúp các em có những cảm nhận ban đầu về một tác phẩm văn học và có một tâm thế sẵn sàng cho bài học mới. Hơn nữa, các văn bản tự sự trong sách Ngữ văn 9 đều tương đối dài, không có thời gian đọc trên lớp. Việc đọc văn  bản trước sẽ giúp các em nắm được cốt truyện, nhân vật, đồng thời phát hiện ra tình huống truyện.

Bước 2: Xác định tình huống truyện :

     Trong quá trình dạy các văn bản tự sự, giáo viên lần lượt hướng dẫn học sinh xác định tình huống truyện bằng cách:

 - Đặt câu hỏi: Sự kiện nào bao trùm và chi phối toàn bộ truyện là gì? Sự kiện bao trùm nào đã giúp tác giả dựng lên toàn bộ truyện ngắn này? Hay để khắc sâu tâm trạng, tính cách nhân vật, tác giả đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh nào?...

- Tổng hợp các tình tiết: Lướt qua những tình tiết chính và xác định một trong các tình tiết ấy đóng vai trò bao trùm, chi phối quán xuyến toàn truyện, hay chúng chỉ là những thành tố nối kết với nhau để làm thành một sự kiện lớn hơn, sự kiện ấy mới trùm lên tất cả?

- Gọi tên tình huống truyện. Đây là khâu khá then chốt, chưa tìm được tên thích hợp thì xem như tình huống vẫn còn nằm ngoài tầm tay của ta vậy.

       Bước 3:  Nhận xét, phân tích tình huống:

      Giáo viên hướng dẫn học sinh đưa ra được những nhận xét, đánh giá về tình huống truyện, cần phân tích trên các bình diện cơ bản sau:

- Diện mạo của tình huống (bình diện không gian)

- Diễn biến của tình huống (bình diện thời gian)

- Mối liên kết của tình huống với các khâu khác của tác phẩm (chi phối đến tổ chức hình thức của văn bản nghệ thuật truyện ngắn)

       Bước 4:  Rút ra ý nghĩa của tình huống: 

      Việc xây dựng tình huống truyện đối với bất cứ một tác phẩm tự sự nào cũng đều nhằm góp phần xây dựng nhân vật, góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Đồng thời tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm văn học. Vậy nên học sinh cần phải phát hiện ra được tình huống truyện và cần phân tích, rút ra được ý nghĩa của tình huống truyện ấy. Để giúp học sinh, giáo viên có thể đặt các câu hỏi trên các phương diện như:

- Về quan niệm: Toát lên quan niệm gì về nhân sinh, thẩm mĩ ?

- Về cảm xúc: Chứa đựng cảm xúc chủ đạo gì ?

- Về xây dựng nhân vật: Góp phần bộc lộ tính cách, phẩm chất nào của nhân vật?

- Về thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm: giúp nhà văn thể hiện tư tưởng, chủ đề nào? Gửi tới người đọc thông điệp gì?....

Ví dụ:

1.                     Tình huống truyện trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân:

-   Bước 1: Học sinh đọc kĩ văn bản, chuẩn bị bài trước ở nhà.

 -    Bước 2: Xác định tình huống truyện:  Để học sinh phát hiện được tình huống truyện, trong giờ học tôi đặt câu hỏi : “Đang trong tâm trạng vui sướng và hạnh phúc về những tin thắng trận của quân và dân ta, thì điều gì đã sảy ra với ông Hai?” . Từ việc học sinh trả lời chuyện ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ đám người tản cư ở dưới xuôi lên tôi hướng học sinh xác định “Đây có phải là tình huống truyện không?” và giúp học sinh nhận diện ra được tình huống truyện là: ông Hai – một người nông dân yêu làng, gắn bó với làng nhưng lại phải đi tản cư bỗng nghe tin cái làng Chợ Dầu mà ông rất mực tin yêu và tự hào theo giặc. Ngoài ra trong truyện tác giả còn xây dựng tình huống nào nữa? Đó chính là tình huống ông Hai nghe tin làng được cải chính.

-   Bước 3: Nhận xét, phân tích tình huống truyện: Trong giờ dạy tôi gợi ý cho học sinh nhận xét “Đây là một tình huống như thế nào?”  Đây là tình huống tâm lí bất ngờ, gay cấn, căng thẳng, thử thách.

+ Bất ngờ: ông Hai vốn là một người rất yêu và tự hào về làng mình, cái tin làng chợ Dầu theo giặc khác nào sét đánh ngang tai khiến ông Hai bất ngờ, sững sờ.

+ Gay cấn: tin đó được chính những người đi tản cư từ phía Chợ Dầu nói ra.

 + Căng thẳng, cao trào, có ý nghĩa thử thách: đặt nhân vật vào xung đột giằng xé giữa tình yêu làng quê và tinh thần kháng chiến, tình yêu đối với đất nước, với cụ Hồ.

   Nếu coi cái tin làng Chợ Dầu theo giặc là tình huống cao trào thắt nút câu chuyện thì cái tin làng được cải chính lại là tình huống mở nút câu chuyện.

  -    Bước 4: Ý nghĩa của tình huống:

      Để học sinh phân tích được ý nghĩa của của tình huống truyện tôi đặt câu hỏi : Vậy tại sao nhà văn lại đặt nhân vật vào những hoàn cảnh như thế? Tác giả xây dựng tình huống đó nhằm mục đích gì? Từ đó từng bước tôi hướng dẫn học sinh phân tích ý nghĩa của các tình huống truyện.

*  Giúp bộc lộ, khẳng định tình yêu làng của ông Hai - thể hiện rõ qua diễn biến tâm trạng nhân vật:

+ Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng của mình đi theo giặc: Ban đầu: Cổ ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, giọng lạc hẳn đi, xấu hổ rồi cúi mặt mà đi. Cái tin làng theo giặc đến với ông Hai quá đột ngột, khiến ông sững sờ, bẽ bàng; Về đến nhà: ông nằm vật ra giường, nhìn lũ con nước mắt ông lão cứ giàn ra, ông thương chúng nó chỉ mới tí tuổi đầu đã mang tiếng người làng Việt gian, tối hôm đó ông trằn trọc không ngủ được, ông nhục nhã, đau đớn; Những ngày sau đó: ông không dám đi đâu, suốt ngày ru rú ở trong nhà, giật mình thon thót khi nghe người ta nhắc tới “Việt gian”, lo sợ sẽ bị bà chủ nhà đuổi vì ông biết rằng khắp nơi ai cũng khinh bỉ và không chứa chấp Việt gian, ông lão bế tắc, tuyệt vọng…

+ Tâm trạng của ông Hai sau khi nghe tin làng được cải chính: Mặt ông vui tươi, rạng rỡ hẳn lên, về nhà, ông chia quà cho lũ trẻ xong liền chạy khắp xóm để loan tin làng ông bị giặc đốt trong sung sướng, hả hê vì làng ông không theo giặc, ông qua nhà bác Thứ và kể chuyện làng của mình. Đây chính là tình huống giải phóng những bế tắc, tuyệt vọng của nhân vật ông Hai. Đồng thời càng tô đậm thêm lòng yêu nước, thủy chung với kháng chiến ở người nông dân chất phát ấy.

  *  Qua đó, Kim Lân muốn biểu dương tinh thần yêu nước, thủy chung, một lòng tin tưởng Cách mạng cũng như vẻ đẹp chất phác, hồn hậu của người nông dân Việt Nam.

 * Đồng thời tình huống ấy giúp câu chuyện trở nên gay cấn, kịch tính và hấp dẫn người đọc.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

2.  Tình huống truyện trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

-  Bước 1: Học sinh đọc kĩ văn bản, chuẩn bị bài trước ở nhà.

-  Bước 2:  Xác định tình huống truyện:

    Để giúp học sinh xác định được tình huống truyện, tôi hỏi: Truyện có chứa tình huống truyện không? Nếu có thì đó là tình huống nào?

Học sinh xác định đó là cuộc gặp gỡ tình cờ của ba nhân vật: anh thanh niên với ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ diễn ra trong vòng ba mươi phút trên đỉnh núi Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét.

-         Bước 3: Nhận xét, phân tích tình huống:

Theo em đó là một tình huống như thế nào?

    Đó là một tình huống bất ngờ, đơn giản mà tự nhiên.

-   Bước 4: ý nghĩa tình huống truyện:

     Từ việc học sinh có những nhận xét, đánh giá về tình huống truyện tôi hỏi : Vậy ý nghĩa của việc xây dựng tình huống ấy là gì? Từ đó mà học sinh phân tích được ý nghĩa của tình huống truyện:

* Cuộc gặp gỡ này là cơ hội thuận tiện để nhân vật chính hiện ra qua sự quan sát, suy nghĩ  của các nhân vật khác, đặc biệt là ông họa sĩ. Chính vì thế anh thanh niên không chỉ hiện ra một cách tự nhiên mà còn được soi chiếu, đánh giá từ cái nhìn và cảm xúc của các nhân vật khác rồi lại tác động đến những tư tưởng, tình cảm của các nhân vật ấy.

* Qua đó nhà văn Nguyễn Thành Long muốn làm nổi bật hình ảnh những con người đang lao động âm thầm lặng lẽ, đầy trách nhiệm để cống hiến hết mình cho đất nước, cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc những năm 70 của thế kỷ XX. Không chỉ xuất hiện một cách tình cờ, tự nhiên mà các nhân vật trong truyện còn được tác giả gọi tên bằng những danh từ chung (anh thanh niên, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ hay bác lái xe…) như ngầm nói với ta rằng họ là tiêu biểu, là đại diện cho những con người lao động thầm lặng đang ngày đêm cống hiến cho đất nước.

* Đồng thời tình huống truyện giúp truyện diễn biến một cách tự nhiên,chân thật và hấp dẫn.

3. Tình huống truyện trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng:

- Bước 1: Học sinh đọc kĩ tác phẩm, chuẩn bị bài trước ở nhà .

- Bước 2: Xác định tình huống truyện:

    Trong giờ dạy để giúp học sinh phát hiện, nhận diện được tình huống truyện, tôi đặt câu hỏi: Trong truyện có mấy tình huống? Đó là những tình huống nào?

   Truyện có 2 tình huống , đó là:

  + Ông Sáu trở về sau bảy năm xa cách nhưng con gái không chịu nhận ông là ba: Tham gia kháng chiến, ông Sáu bị thương, vết thương để lại trên khuôn mặt ông một vết thẹo lớn. Vì vết thẹo ấy, trong lần về thăm nhà ông Sáu đã phải chịu nỗi đau tinh thần: đứa con gái ông hằng thương nhớ, khát khao gặp mặt suốt bảy năm đằng đẵng lại không chịu nhận ba, đến lúc con gái chịu nhận ông là ba thì cũng là lúc ông phải trở lại chiến khu.

      +  Khi trở lại chiến khu, phần vì nhớ con, phần vì hối hận vì lỡ đã đánh con, ông Sáu dồn hết cả tình yêu thương để làm một cái lược bằng ngà cho con gái, nhưng chưa kịp trao cho con ông đã hy sinh trong một trận càn quét của giặc.

- Bước 3: Nhận xét, phân tích tình huống truyện:

     Bước tiếp theo tôi sẽ gợi mở để học sinh có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá về tình huống truyện bằng cách dùng câu hỏi : Em có nhận xét như thế nào về các tình huống truyện trên?.  Đó là những tình huống bất ngờ, éo le mà tự nhiên, hợp lí bởi vết thẹo làm mặt ông Sáu biến dạng, bé Thu không nhận ra cha. Có thể coi đó là những tình huống thử thách, thử thách để con nhận cha, cha chứng minh với con. Đây là những tình huống rất chân thực phản ánh đúng thực tại cuộc chiến đấu bảo về Tổ quốc của nhân dân ta.

- Bước 4:Ý nghĩa của tình huống truyện:

    Sau khi học sinh đưa ra được những nhận xét, đánh giá về tình huống truyện tôi tiếp tục hướng học sinh tìm hiểu, phân tích ý nghĩa của các tình huống ấy trong truyện bằng cách dẫn dắt : với mọi tác phẩm tự sự khi xây dựng tình huống truyện các nhà văn đều nhằm vào những dụng ý nghệ thuật. Vậy ở đây dụng ý của tác giả là  gì?

  Xây dựng những tình huống ấy tác giả nhằm:

* Bộc lộ tính cách của các nhân vật:

+ Bé Thu: một cô bé cá tính, bướng bỉnh, ương ngạnh song rất mực thương ba.

+ Ông Sáu: một người cha hiền từ, yêu con rất mực.

   *  Làm nổi bật tình cha con sâu nặng, cao đẹp trong chiến tranh: Tình yêu thương của bé Thu giành cho ba - đó là tình cảm mãnh liệt, tuyệt đối mà không gì có thể lay chuyển, đánh đổi được. Nỗi đau khổ của ông Sáu khi con gái không nhận ra mình, không chịu nhận mình và cảnh chia tay đầy nước mắt của 2 cha con. Tác phẩm ngợi ca tình cha con, tình cảm gia đình - thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để mỗi con người vượt lên những khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Qua câu chuyện tác giả cũng  khẳng định rằng: Chiến tranh có thể lấy đi rất nhiều thứ nhưng có một thứ mà chiến tranh không bao giờ cướp được – đó chính là tình phụ tử thiêng liêng.

   *  Thông qua tình huống, nhà văn đã ngầm lên tiếng tố cáo tội ác của chiến tranh, chiến tranh đã khiến gia đình li tán: ông Sáu dù rất mực thương con nhưng ông phải gạt bỏ tình riêng vì nghĩa lớn, vì non sông; bé Thu chưa đầy tuổi đã phải xa ba biền biệt bảy, tám năm trời. Lần nghỉ phép về thăm nhà khi con gái lên tám là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất ông Sáu được nghe con gái gọi mình một tiếng “ba” và với Thu đó cũng là những giây phút ngắn ngủi trong cuộc đời được ôm ba, được hôn, được làm nũng với ba, để rồi mãi mãi Thu không còn được ba “gắp trứng cá” cho nũa. Không một tiếng súng, không một tiếng bom đạn nhưng khi đọc câu chuyện ta vẫn nghẹn ngào bởi tình cảm cha con ông Sáu, vẫn căm phẫn bởi tội ác của chiến tranh. Tác phẩm đã phản ánh đúng thực tại cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta.

* Cũng chính nhờ các tình huống truyện như thế mà câu chuyện trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

  5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

      Giải pháp trên tôi đã thực nghiệm áp dụng khi dạy học ngữ văn cho học sinh các lớp 92, 95  ( Năm học 2020-2021) . Và với giải pháp  này, tôi sẽ tiếp tục áp dụng cho dạy các văn bản tự sự ở các khối lớp 6,7,8,9. Vì đây là cách dạy học hay, tích cực, có hiệu quả.

       Ví dụ như khi dạy học văn bản truyện Trung đại “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” của tác giả Hồ Nguyên Trừng, sách Ngữ văn 6, tập 1. Ta có thể khai thác truyện từ tình huống truyện : Có người dân thường mời Thái y lệnh Phạm Bân đến chữa bệnh cho người nhà đang nguy kịch và lệnh triệu vào cung để khám bệnh cho một quý nhân đang bị sốt của nhà vua. Tình huống ấy đã đặt Thái y lệnh họ Phạm vào 1 tình thế éo le, gay cấn buộc phải lựa chọn 1 trong hai con đường – một là sự sống của người dân và hai là tính mạng của chính mình. Từ đó bộc lộ phẩm chất y đức của Thái y lệnh. Tác phẩm là bài học cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau. Đồng thời tạo kịch tính góp phần làm câu chuyện gay cấn, hấp dẫn.

     Hay như khi dạy đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” ( trích Tắt đèn) của Ngô Tất Tố, sách Ngữ văn 8, tập 1, ta có thể khai thác tình huống truyện khi tên cai lệ đến nhà chị Dậu để đòi sưu thuế, chị Dậu đã xin được khất sưu nhưng tên cai lệ vẫn không cho và tiến vào trói, đánh anh Dậu.  Lúc đó sức sống tiềm tàng của người phụ nữ đã trỗi dậy trong chị và chị  đã đứng lên phản kháng đánh lại tên cai lệ để bảo vệ chồng.  Đó không  chỉ là tình huống khiến câu chuyện được  đẩy lên cao trào, hấp dẫn, mà từ đó bộc lộ phẩm chất yêu chồng, thương con và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của chị Dậu, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân giàu tình yêu thương và sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ. Qua đó vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của  xã hội thực dân phong kiến đương thời.

     Ngoài ra ở các tác phẩm truyện kí khác ( những tác phẩm có chứa tình huống truyện), ta hoàn toàn có thể khai thác, tìm hiểu, phân tích tác phẩm bằng cách này, đây là một cách giúp học sinh hiểu bài và nắm chắc được nội dung bài học. Đồng thời góp phần giúp các em có sự hứng thú hơn khi học văn.

6. Những thông tin cần được bảo mật:

7.  Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến: 

   - Cần có sự phối kết hợp giữa giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy.

   - Sự quan tâm của nhà trường chuẩn bị các thiết bị dạy học như máy chiếu, ti vi, tranh ảnh…

         8. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

      Sau khi áp dụng các biện pháp trên trong các tiết học văn bản tự sự, tôi nhận thấy học sinh nắm được bài học một cách rõ ràng hơn, hiểu đúng giá trị của tác phẩm mà không phải gượng ép. Giúp các em học tập một cách chủ động, tích cực và huy động được tất cả các học sinh tham gia xây dựng bài.

   Và kết quả bài kiểm tra phần truyện hiện đại (kiểm tra 15 phút) như sau:

Năm học

Tên lớp

Sĩ số

Từ 8 -> 10

Từ 5 -> dưới 8

Dưới 5

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

2020- 2021

9,2,5

81

20

24,7

58

71,6

3

3,7

       Nhìn vào kết quả trên ta có thể thấy số học sinh đạt điểm 8,9,10 tương đối cao. Và số HS đạt điểm 5, 6,7 cũng nhiều. Hạn chế rất nhiều số học sinh bị điểm yếu. Điều đó cho thấy khi học các tác phẩm truyện hiện đại các em đã nắm được nội dung cốt truyện, vẻ đẹp các nhân vật trong truyện cũng như nắm được chủ đề của các tác phẩm truyện mà các nhà văn đã gửi gắm. Giúp các em không còn bị gượng ép hay áp lực khi học văn.

   * Qua đây tôi cũng rút ra cho mình một số kinh nghiệm sau:

      Khi dạy một văn bản nào đó cần chú ý tới tình huống truyện, bởi tình huống truyện cũng chính là một trong những biện pháp nghệ thuật trong một tác phẩm tự sự .

     Khuyến khích học sinh đọc và  tìm hiểu tác phẩm trước ở nhà và trong giờ học có thể khuyến khích ghi điểm cho học sinh khi các em phất hiện ra được tình huống truyện cũng như nêu được tác dụng của tình huống truyện trong tác phẩm.

     Tuy nhiên, tình huống truyện chỉ là một biện pháp nghệ thuật trong một tác phẩm tự sự để qua đó nhà văn xây dựng nhân vật và thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Chính vì vậy khi hướng dẫn học sinh khai thác tình huống truyện cần tránh lạm dụng thời gian, làm mất thời gian khi tìm hiểu các yếu tố, phương diện khác của tác phẩm.

 Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC