Skkn Lồng ghép một số tư liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 -1975 lớp 12

 


1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến : Lồng ghép một số tư liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 -1975”

2.Chủ đầu tư tạo ra ra sáng kiến: Người viết sáng kiến cũng là chủ đầu tư

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục và đào tạo

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu:Từ tháng 03 năm 2020

5. Mô tả bản chất sáng kiến:

5.1. Tính mới:

Bình Long là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng nên việc giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong những năm qua việc giáo dục lịch sử đại phương tại .. luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đã có nhiều giáo viên bộ môn chú ý tới việc đưa tư liệu lịch sử địa phương vào trong các bài học, nhưng hiện nay chưa có sự thống nhất trong việc sử dụng tư liệu để đưa vào bài giảng.Bản thân tôi cũng đã có sáng kiến về sử dụng những tư liệu lịch sử Bình Long trong giảng dạy phần lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 -1975 xong chỉ trong phạm vi một sáng kiến ngắn vẫn chưa thể tìm hiểu hết những nội dung lịch sử của Bình Long để đưa vào bài dạy.Cho nên tôi muốn tiếp tục thực hiện đề tài nhằm tìm hiểu chương trình, nội dung sách giáo khoa, cũng như  tìm hiểu thêm một số tư liệu lịch sử Bình Long  ( giai đoạn 1954 -1975) để có thể xác định nhiều hơn nữa những tư liệu cần thiết, hiệu quả lồng ghép vào bài giảng trong chương trình dạy học lịch sử chính khóa.

5.2. Nội dung sáng kiến:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói

“Dân ta phải biết sử ta

cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Vì vậy, không chỉ là lịch sử chung của nước Việt Nam thân yêu mà mỗi chúng ta, mỗi cư dân của vùng đất Bình Long anh hùng cũng cần phải hiểu rõ hơn, nắm chắc hơn về lịch sử đấu tranh anh dũng của quê hương mình.                  

Chắc hẳn ai cũng biết Bình Long, một mảnh đất anh hùng đã từng chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Đặc biệt, trong 30 năm kháng chiến đánh đuổi hai kẻ thù xâm lược lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, quân và dân Bình Long đã lập nên biết bao kì tích hào hùng, mỗi thắng lợi đều gắn liền với máu xương, với  những tên đất, tên người của quê hương. Có những sự kiện lịch sử gắn với lịch sử dân tộc . Vì vậy đưa những sự kiện lịch sử Bình Long vào trong bài giảng lịch sử không chỉ làm tăng hiệu quả tiết dạy  mà còn giúp các em học sinh – những chủ nhân tương lai của mảnh đất Bình long– có thể hiểu rõ hơn, tự hào hơn về nơi mình sinh sống, góp phần khơi dậy ở các em tình yêu quê hương đất nước.

Nội dung cơ bản của phần lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 -1975:

Phần lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 -1975 chỉ gồm một chương, với 3 bài cụ thể như sau

Bài 21: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở Miền Nam ( 1954 -1965)

Bài 22: Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất ( 1965 -1973)

Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam ( 1973 – 1975)

     Đây là giai đoạn lịch sử phản ánh những sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc, giai đoạn đất nước bị chia cắt thành 2 miền với hai chế độ khác nhau. Miền Bắc bước vào thời kì hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, tiến hành cải cách ruộng đất. Trong  quá trình đó Miền Bắc vừa phải sản xuất, vừa phải chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của đế quốc Mĩ vừa làm tốt nhiệm vụ hậu phương.

 Ở Miền Nam, nhân dân Miền Nam kiên cường với sự chi viện của hậu phương miền Bắc đã từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mĩ

(đơn phương, đặc biệt, cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh). Ngày 27/01/1973 Mĩ kí hiệp định Pari, rút quân về nước nhưng nhân dân Miền Nam tiếp tục chiến đấu “ đánh cho ngụy nhào”, đến 30/04/1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất.

Nội dung lịch sử Bình Long được khai thác để sử dụng trong những phầncụ thể

Trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mĩ, Miền Đông Nam Bộ, trong đó có trọng điểm Bình Long – Bình Phước, luôn là chiến trường nóng bỏng, dữ dội. Nhưng với ý chí của những con người không chịu sống quỳ, sống nhục, quân và dân Bình Long đã đoàn kết lại thành một khối, anh dũng, kiên cường đánh bại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.  Giai đoạn 1954 -1975, có nhiều sự kiện của Bình Long mà giáo viên cần liên hệ, lồng ghép để giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử oai hùng của địa phương. Giáo viên có thể lồng ghép sự kiện theo những dạng sau:

Thứ nhất:  Lồng ghép những tư liệu lịch sử Bình Long có ý nghĩa và có nội dung gần với bài học.

Đối với những sự kiện có liên quan giáo viên có thể liên hệ để giúp học sinh hiểu lịch sử đấu tranh của quê hương mình có vai trò quan trọng góp phần làm nên thắng lợi  chung của nhân dân Miền Nam và cả dân tộc , từ đó khắc sâu niềm tự hào về quê hương trong mỗi học sinh, hướng các em có ý thức vươn lên học tập, xây dựng quê hương đồng thời có ý thức xây dựng khối đoàn kết với đồng bào các dân tộc nơi mình sinh sống.

Ví dụ:Khi dạy bài 21 :“Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở Miền Nam ( 1954 -1965)”(  Liên hệ  mục 2 – phần III) -Phong trào “ Đồng khởi” ( 1959 -1960) –

Khi trình bày về nguyên nhân dẫn đến phong trào “Đồng Khởi”, ngoài việc nêu nội dung chính trong sách giáo khoa, giáo viên có thể lồng ghép thêm nội dung  lịch sử Bình Long liên quan đến phần nội dung giảng dạy , cụ thể như sau:

 Trong suốt thời gian tiến hành chiến dịch “ Tố cộng, diệt cộng”, trong khắp các đồn điền Bình Long, không ngày nào là không có người bị bắt. Các quyền tự do, dân chủ bị tước đoạt....Chúng ban hành luật giới nghiêm, đặt ra quy chế kiểm soát gắt gao.Địch còn dùng nhiều thủ đoạn thâm độcnhư in truyền đơn giả, đêm đến nhét vào nhà dân để sáng hôm sau cho cảnh sát đến bắt...”

( Trích: Bình Long, truyền thống đấu tranh và xây dựng 1930 -2005 –Ban thường vụ Huyện ủy ấn hành năm 2006)

 Qua phần trích dẫn liên hệ, giáo viên giúp học sinh nhận thấy Bình Long cũng là một trong những nơi phải đương đầu với “ quốc sách tố cộng, diệt cộng”, nhân dân Bình Long cũng như nhân dân Miền Nam nói chung đều gặp nhiều khó khăn , tổn thất trước sự tàn ác của phương châm “ Không có, đánh cho có, Có đánh cho chừa” hay “ Thà giết lầm còn hơn thả lầm” của Mĩ Diệm.

Hay khi dạy phần diễn biến phong trào “ Đồng Khởi”, giáo viên có thể liên hệ để giúp học sinh nhận thức rõ rằng trong phong trào “ Đồng khởi”, quân và dân Bình Long đã có những đóng góp không nhỏ góp phần làm nên thắng lợi chung của cả Miền Nam:

“Ngày 25/2/1960, hưởng ứng phong trào đồng khởi trên toàn Miền, nhân dân Bình Long cùng với lực lượng vũ trang đã nổi dậy phá kềm diệt ác. Với cuộc Đồng khởi này không những ta đã gây cho địch tâm lý hoang mang, mà ta còn tiêu diệt được nhiều tên địch, thu giữ được nhiều vũ khí đạn dược.”

                      -Trích: Khái quát lịch sử Bình Long-

Cũng trong bài 21 ( Liên hệ  mục 1 – phần V), khi giảng về việc Mĩ thực hiện kế hoạch Stalay –Taylo để học sinh hiểu rõ hơn, giáo viên có thể dẫn chứng thêm những thủ đoạnmà Mĩ, Diệm thực hiện trên địa bàn Bình Long:

     “ Ngay từ năm 1961, địch đã tăng cường thêm cho Bình Long một lực lượng quân sự khá mạnh : 3C bảo an, 16B dân vệ, 1E chủ lực đóng tại Téc –ních ( quản Lợi)... Chúng ráo riết gom dân thực hiện quốc sách “ Ấp chiến lược”. Các ấp chiến lược được xây dựng ở Núi Gió, Thanh Lương, Thanh Bình...Ấp lập đến đâu chúng giăng đồn bót, bảo an, dân vệ kềm kẹp đến đó. ( Trích: Bình Long, truyền thống đấu tranh và xây dựng 1930 -2005 –Ban thường vụ Huyện ủy ấn hành năm 2006)

Liên hệ  mục 2 – phần V: Cụ thể khi giảng về “ mặt trận chống, phá ấp chiến lược” ngoài nội dung sách giáo khoa, giáo viên có thể đưa nội dung lịch sử Bình Long vào để dẫn chứng làm rõ thêm : Phong trào đấu tranh phá ấp chiến lược, xây dựng làng chiến đấu diễn ra sôi nổi trên địa bàn Bình Long đồng thời qua dẫn chứng cũng giúp học sinh thấy được vai trò và những đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc Xtieng trong quá trình chiến đâú bảo vệ quê hương, từ đó giáo dục tinh thần đoàn kết cho học sinh . Giáo viên trích dẫn:

“ Tháng 1/1961, hơn 4.000 công nhân các đồn điền cao su trên địa bàn đã kéo vào thị xã An Lộc đấu tranh trực diện với tên tỉnh trưởng chống gom dân, lập ấp. Cuộc đấu tranh này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong thị xã và sự ủng hộ của cả đồng bào dân tộc. Trước sức mạnh của quần chúng đã buộc tên Tỉnh trưởng phải ra nhận kiến nghị và hứa sẽ giải quyết yêu cầu của nhân dân. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang của ta liên tiếp tổ chức đánh địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, hỗ trợ cho nhân dân phá kềm.

Tháng 10/1961, quân và dân Bình Long nổi dậy phá ấp chiến lược, tổ chức đón đánh địch trên quốc lộ 13, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên ác ôn. Những đòn tấn công liên tiếp đó đã khiến cho địch hết sức hốt hoảng, buộc chúng phải co cụm vào trung tâm thị xã, thị trấn. Vùng giải phóng của ta được mở rộng.

Trong năm 1962, phong trào của nhân dân và đồng bào dân tộc ở các xã chống gom dân lập ấp, chống bắn pháo vào nương rẫy, đòi tự do đi lại phát triển mạnh. Trong đó nổi bật là cuộc đấu của đồng bào dân tộc Sóc Tó vào cuối năm 1962.

              -Trích: Khái quát lịch sử Bình Long-

Hay trong năm 1963, khi cuộc đấu tranh chống, phá ấp chiến lược đang diễn ra gay go, quyết liệt quân và dân Bình Long cũng có đóng góp không nhỏ:

  “ Tháng 10 năm 1963, lực lượng vũ trang hỗ trợ đồng bào nổi dậy phá ấp chiến lược Phú Miêng, diệt 4 tên địch, thu 4 súng… sự kiện ấp chiến lược kiểu mẫu Phú Miêng bị phá banh là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng của quân dân Bình Long”

( Trích: Bình Long, truyền thống đấu tranh và xây dựng 1930 -2005 –Ban thường vụ Huyện ủy ấn hành năm 2006)

Tại Bình Long, đêm 11 tháng 11 năm 1963, B75 của tỉnh kết hợp với lực lượng địa phương đột nhập ấp chiến lược Tổng Cui, đốt phá toàn bộ ấp, đưa nhân dân trở về sóc cũ. Ở Quản Lợi, ta tập kích một trung đội dân vệ, diệt 7 tên, bắt sống 2 tên. Ở Tân Khai các chi bộ bên trong, bên ngoài phối hợp hướng dẫn nhân dân phá hàng rào ấp chiến lược, rồi dùng lý lẽ buộc địch không được bắt đồng bào làm lại hàng rào. Đến cuối năm 1963 địch bỏ luôn ấp chiến lược này”

 ( Trích: Lịch sử Bình Phước  kháng chiến 1945 -1975)

Cũng đề cập đến thắng lợi trong chiến đấu chống chiến lược“Chiến tranh đặc biệt”, trong bài 21 (mục 2 – phần V), những thắng lợi trên mặt trận quân sự trong giai đoạn 1964 -1965 :  khi giảng về những thắng lợi trong Đông – xuân 1964 -1965 với những chiến dịch ở Đông Nam Bộ, giáo viên đề cập đến  các thắng lợi An Lão,  Ba Gia, Đồng Xòai,  đặc biệt với chiến thắng Đồng Xoài giáo viên mở rộng liên hệ:

“Ngày 10/5/1965, chiến dịch Đồng Xoài- Phước Long đã diễn ra trên hai hướng chính: Bình Long và Phước Long, lực lượng vũ trang Bình Long đã phối hợp với lực lượng Miền và lối đánh du kích của nhân dân để chặn đánh địch không cho địch đi tiếp ứng ở Bù Đốp và Đồng Xoài - Phước Long gây cho địch nhiều thiệt hại đáng kể.”                        

(Trích: Khái quát lịch sử Bình Long)

Đây là sự kiện được đề cập trực tiếp trong sách giáo khoa nên việc đưa dẫn chứng cụ thể góp phần giúp cho bài giảng trở nên phong phú hơn, học sinh trao đổi, thảo luận sôi nổi hơn,  đồng thời giúp học sinh hiểu Quân dân Bình Long đã góp phần xứng đáng trong việc làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Việt Nam.

Hai mươi mốt năm kháng chiến chống Mĩ thực sự là thời kì đấu tranh vô cùng ác liệt và gian khổ của toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng cách mạng Bình Long. Trải qua các giai đoạn chống các chiến lược chiến tranh với nhiều âm mưu, thủ đoạn vừa tàn bạo, vừa dã man, thâm độc, xảo quyệt của Mĩ – ngụy cuối cùng Bình Long đã giải phóng vào ngày 23 tháng 03 năm 1975, để rõ hơn khi dạy bài 23:“ Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 -1975)” ( Liên hệ  mục 2 – phần III), giáo viên cung cấp tư liệu:

 “ Ngày 23 tháng 03 năm 1975, trước sức vây ép của quân cách mạng ngày càng thắt chặt, địch ở An Lộc không thể chịu đựng được nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Địch ở tiểu khu Bình Long và chi khu An Lộc rơi vào tình trạng hỗn loạn và tan vỡ hoàn toàn, số đầu hàng quân giải phóng, số ngoan cố phải chia nhỏ ra rút chạy theo đường rừng về Chơn Thành....Trong ngày 23 tháng 03 năm 1975, thị xã An Lộc và toàn bộ phận Hớn Quản được hoàn toàn giải phóng.

(Trích: Bình Long, truyền thống đấu tranh và xây dựng 1930 -2005 –Ban thường vụ Huyện ủy ấn hành năm 2006)

Ngày 23/03 không chỉ là ngày giải phong Bình Long mà sau này căn cứ vào các điều kiện lịch sử và một số tiêu chí cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh Ủy Bình Phước đã họp thống nhất chọn ngày 23/03/1975 là ngày giải phóng Tỉnh Bình Phước.

       Như vậy, với trích dẫn trên, giáo viên cho học sinh thấy được thắng lợi của quân và dân Bình Long góp phần vào thắng lợi chung trong mùa Xuân Đại thắng năm 1975 của miền Nam và của cả dân tộc.

Thứ 2:  Kết hợp vừa lồng ghép sự kiện với giới thiệu những tên đường, những địa danh, di tích lịch sử tiêu biểu ở địa phương.

Như đã nói, mỗi sự kiện lịch sử đều gắn với đều gắn liền với máu xương, với  những tên đất, tên người, với các địa danh  của quê hương, vì vậy trong mỗi bài học giáo viên liên hệ để giúp học sinh thấy rõ hơn.

Khi dạy bài 21 :“Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở Miền Nam ( 1954 -1965)”

Liên hệ  mục 2 – phần V: Khi nói về phong trào “ Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, giáo viên dẫn chứng:

“Ngày 18 tháng 10 năm 1963, quân cách mạng đánh vào bót Cây Trường, diệt đồn cố thủ của địch nằm giữa khu tam giác ( phía Đông là Dinh điền Cái Sắn nằm trên quốc lộ 13; phía Tây là hệ thống dinh điền Căm Xe, Suối Can; Phía Bắc là hệ thống dinh điền Văn Hiên). Trong trận đánh này xuất hiện tấm gương hy sinh của liệt sĩ Trần Văn Thố, lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội xung phong diệt địch...Anh được gọi là “ Phan Đình Giót của miền Nam”

( Trích: Bình Long, truyền thống đấu tranh và xây dựng 1930 -2005 –Ban thường vụ Huyện ủy ấn hành năm 2006)

Với dẫn chứng này giúp học sinh hiểu được tại sao ở Bình Long nói riêng cũng như ở nhiều tỉnh khác cái tên Trần Văn Thố được đặt thành tên đường, tên xã hoặc tên trường học từ đó giúp các em thêm tự hào về mảnh đất Đông Nam Bộ anh hùng.

 Hay trong giai đoạn chiến đấu chống chiến lược “ Việt Nam hóa chiến tranh” nhân dân Miền Nam nói chung, nhân dân Bình Long nói riêng đã chiến đấu anh dũng từng bước phá hoại âm mưu của kẻ thù. Trong đó có sự kiện có ý nghĩa to lớn góp phần vào  thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược Xuân – Hè 1972.

Ví dụkhi dạy bài 22:“ Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất ( 1965 -1973)”

Mục liên hệ ( Mục 3 – phần III)  giáo viên có thể lấy “ chiến dịch Nguyễn Huệ - Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972” để dẫn chứng:

“ Tháng 10/1971, Trung ương cục và Quân ủy Miền đã vạch kế hoạch mở đợt tấn công xuân hè 1972 cho tất cả các hướng chiến lược trên toàn Miền và quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ mà khu vực quyết chiến là Lộc Ninh- Hớn Quản.”

  “Mặc dù địch đã gây cho ta rất nhiều khó khăn, song Bộ tư lệnh chiến dịch vẫn quyết tâm giải phóng cho được thị xã An Lộc. Ngày 7/4/1972, ta bắt đầu tấn công An Lộc, địch tổ chức đánh trả quyết liệt với một lực lượng hỏa lực dày đặc tập trung ở đây. Suốt 32 ngày đêm ở An Lộc - Bình Long đã diễn ra cuộc chiến đấu giằng co (từ 7/4/1972 đến 15/5/1972) giữa một bên là Quân Giải phóng quyết giải phóng cho được thị xã và một bên là địch quyết giữ cho được Bình Long, nhưng đến ngày 15/5/1972, do yếu tố bất ngờ của chiến dịch không còn và do lực lượng của ta cũng bị thiệt hại đáng kể lại không kịp bổ sung lực lượng cho nên ta quyết định chuyển sang bao vây cô lập địch trong thị xã, đồng thời dùng lực lượng mạnh chặn đánh địch trên đường 13.

Chiến dịch Nguyễn Huệ trên chiến trường Lộc Ninh- Bình Long, tuy không đạt được hết những mục tiêu đã đề ra là giải phóng thị xã An Lộc, nhưng đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tập kích xuân- hè năm 1972 trên cả nước, buộc địch phải quay trở lại bàn đàm phán Pari với ta.”

(Trích: Khái quát lịch sử Bình Long)

       Không chỉ lồng ghép nêu diễn biến, giáo viên giới thiệu các di tích lịch sử gắn với sự kiện như:  “Mộ 3000 người”- chứng tích chiến tranh về tội ác của Mĩ- ngụy trong chiến dịch Nguyễn Huệ, hay di tích trường tiểu học Quốc Quang - trong chiến dịch Nguyễn Huệ  ( 1972 nơi này trở thành điểm giao tranh giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và ngụy quyền Sài Gòn , hiện nay nhiều mảnh bom, vết đạn còn in trên tường và nhiều mảng tường vỡ lớn được tạo ra sau các đợt B52 rải thảm) .

Cũng trong bài 22:“ Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất ( 1965 -1973)”

Mục liên hệ ( Mục 2 – phần III)  khi nói về qúa trình chiến đấu chống chiến lược “ Việt Nam hóa chiến tranh” trên mặt trận quân sự, giáo viên có thể liên hệ di tích mộ tập thể lực lượng vũ trang an ninh An Lộc:

“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ( 1954 - 1975 ) , thị xã An Lộc , tỉnh Bình Long

( nay thuộc thị xã Bình Long , tỉnh Bình Phước ) , là cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn nên có vị trí quan trọng , là “ tuyến đầu chặn đứng sự tấn công của Cộng

 sản ”. Ngày 08/07/1970, trong một đợt làm nhiệm vụ, đoàn công tác của trung đội An ninh vũ trang An Lộc gồm 7 đồng chí đi đến Ấp Bình Tây, xã Tân Lập Phú, thị xã An Lộc thì bị địch phát hiện, các chiến sĩ chiến đấu anh dũng nhưng 3 đồng chí đã hi sinh và 4 đồng chí khác bị thương. Sau khi sát hại 3 đồng chí, quân ngụy dùng xe Jeep kéo lê trên đường để thị uy rồi vùi xác xuống giếng ( Địa điểm di tích hiện nay) . Đến đêm 27/07/1970, đoàn công tác của Trung đội An ninh An Lộc gồm 5 người bị rơi vào ổ phục kích của địch, 3 đồng chí hi sinh, ngày hôm sau địch kéo xác 3 đồng chí bỏ xuống giếng và lấp lại ( Ngoài ra có đồng chí Dệt – 1 chiến sĩ tăng cường- bị bắt và hy sinh được chôn ở nơi khác). Giếng nước là nơi yên nghỉ của 6 đồng chí, là chứng tích ghi lại tội ác của Mĩ – ngụy. Để tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống hi sinh cho nền độc lập dân tộc , ngày 15 / 12 / 2011 UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với tên gọi Mộ tập thể lực lượng vũ trang an ninh An Lộc”.

( Sưu tầm tại trang Tuyên giáo Bình Phước)

Qua việc nêu lên các sự kiện cũng như  giới thiệu những di tích lịch sử tại địa phương giúp học sinh tự hào hơn và đồng thời giáo viên cũng hướng các em đến các hoạt động  bảo tồn, chăm sóc các di tích lịch sử của địa phương( Lồng ghép giới thiệu hình ảnh di tích và hình ảnh các học sinh đã tham gia chăm sóc khu di tích).

5.3 Vềkhả năng áp dụng của sáng kiến:

- Việc đưa những kiến thức lịch sử địa phương vào bài học là có thể bởi Bình Long là một vùng đất lịch sử anh hùng và có nhiều sự kiện lịch sử, nhiều địa danh, di tích gắn liền với nội dung kiến thức trong chương trình lịch sử lớp 12, đặc biệt trong giai đoạn 1954 -1975. Ngoài một số nội dung đã khai thác, có thể  tìm hiểu, mở rộng hơn nữa đề tài, đưa nhiều hơn tư liệu lịch sử địa phương vào bài học.

- Có thể áp dụng cho tất cả giáo viên dạy lịch sử 12, giai đoạn 1954 -1975 ở các trường THPT và GDTX trên địa bàn Thị xã Bình Long.

6.Những thông tin cần được bảo mật: Không có

7.Điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

- Giáo viên nắm chắc nội dung cần liên hệ , lồng ghép, sử dụng tư liệu phù hợp với từng phần nội dung của sách giáo khoa, không liên hệ dài dòng.

- Tư liệu lịch sử liên hệ phải làtư liêu chính thống chính thống do chính quyền địa phương biên soạn.

8. Đánh giá hiệu quả thu được: Qua việc khảo sát số học sinh lớp 12 năm học 2019 -2020, giáo viên thu được kết quả như sau:              

Trước khi áp dụng

Sau khi áp dụng

 

 

Mức độ

 

 

Mức độ

 

Lớp

 

Tổng

số

Rất

thích

 

Thích

Không thích

 

Lớp

 

Tổng số

Rất

 thích

Thích

Không thích

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

12

22

4

18,2

6

27,3

12

54,5

12

22

7

31,8

6

27,3

9

40,9

 Qua việc khảo sát cho thấy, khi tiến hành lồng ghép những kiến thức địa phương giúp cho bài học sinh động hơn, đỡ nhàm chán với những nội dung sách giáo  khoa và từ đó giúp học sinh hứng thú , sôi nổi hơn với bài học. Một phần nào đó khắc phục được tình trạng học sinh coi nhẹ, không thích học môn lịch sử. Đồng thời cũng góp phần giáo dục cho học sinh về tình yêu , niềm tự hào đối với lịch sử địa phương, giáo dục ý thức chăm sóc , bảo tồn những di tích lịch sử nơi mình sinh sống, tăng cường khối đoàn kết với các dân tộc anh em tại đại phương.

 Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

 

Previous Post Next Post

QC

QC