Skkn Rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 (2021)

 


      1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: Rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp 1.”

      2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.  

     3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục .

     4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 10/9/2020

     5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

Mục tiêu của Giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đối với học sinh Tiểu học, khi cắp sách tới trường, tất cả mọi hoạt động, các mối quan hệ với các em còn mới mẻ. Ngay từ lớp Một, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là rất cần thiết phù hợp với mục tiêu giáo dục, nhằm góp phần đào tạo con người phát triển toàn diện đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học tốt sẽ là nền tảng, tạo cơ sở cho học sinh phát triển học tiếp các cấp học tiếp theo. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị cho học sinh những vốn kiến thức kỹ năng cơ bản trong học tập, lao động còn cần phải chú ý đến việc rèn kỹ năng sống cho học sinh, dạy học sinh cách “làm người”, để học sinh có thêm vốn kinh nghiệm thích ứng với môi trường sống.

Với học sinh Tiểu học việc bồi dưỡng cho các em cách nói năng lễ phép, giúp các em biết cách cư xử với mọi người trong gia đình, mọi người xung quanh, bạn bè trong lớp (Kỹ năng sống)… là một công việc khó đối với giáo viên và cả học sinh.

        Rèn kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học giúp cho các em thích ứng được với môi trường học tập, tự giải quyết được một số vấn đề thiết thực trong cuộc sống để phục vụ bản thân, tự tin trong giao tiếp với bạn bè, người lớn tuổi tránh được các tệ nạn xã hội,...để các em có thể tự tin, chủ động không bị quá phụ thuộc vào người lớn. Kỹ năng sống của học sinh Tiểu học rất giản đơn và có trong từng bài học Đạo đức. Bên cạnh việc cung cấp cho các em các chuẩn mực hành vi đạo đức thì việc rèn kỹ năng sống cho các em để các em có thể vận dụng kỹ năng đó cho chính bản thân. Ví như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập, kỹ năng quyết định, kỹ năng tự phục vụ...

Trong thực tế hiện nay, việc rèn kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học trong nhà trường đã được chú ý đến, song nhiều giáo viên còn lúng túng trong việc tổ chức, thực hiện các chương trình hoạt động rèn kỹ năng sống cho học sinh. Về phía học sinh Tiểu học, vốn sống rất nghèo nàn, kỹ năng sống rất hạn chế bên cạnh sự ảnh hưởng nặng nề trong sử dụng ngôn ngữ của phong tục tập quán địa phương. Đây là một trong những lý do làm hạn chế việc tiếp thu kiến thức các môn học khác.

Về phía phụ huynh học sinh Tiểu học, đa số ở độ tuổi còn trẻ đang trong giai đoạn tập trung làm kinh tế gia đình mà đôi khi lãng quên đến việc gần gũi quan tâm đến con em mình. Mọi vấn đề học hành, giáo dục phó thác hoàn toàn cho nhà trường. Các em không biết cách ứng xử đúng mực, kỹ năng sống rất hạn chế, thiếu tự tin, ngại tiếp xúc, ngôn ngữ trong giao tiếp mang nặng tính địa phương thiếu chuẩn mực, đôi khi còn sử dụng sai mà không biết....

 Chính vì vậy mà việc dạy cho học sinh các kỹ năng sống là vô cùng quan trọng và phải gắn liền với việc dạy kiến thức cho học sinh. Với học sinh Tiểu học thì giáo dục kỹ năng sống cho các em qua các môn học đặc biệt qua môn Đạo đức là vô cùng quan trọng và hiệu quả.

 Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn kỹ năng sống cho học sinh kết hợp với điều kiện thực tiễn đã áp dụng và mang lại hiệu quả cao nên tôi chọn đề tài. “Rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp Một."

 5.2. Nội dung sáng kiến:

* Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp Một.

Rèn kỹ năng cho học sinh Tiểu học là rèn những phẩm chất đạo đức, năng lực cần thiết cho các em.

Xuất phát từ bản chất của môn Đạo đức là dạy người, dạy những phẩm chất cơ bản cho học sinh .

 Bởi đạo đức là cái gốc của mọi vấn đề. “Người có tài mà không có đức là  người vô dụng” Bác Hồ đã từng nói như thế. Vì vậy, đối với học sinh Tiểu học các em như tờ giấy trắng, bắt đầu tiếp cận cuộc sống, tiếp cận xã hội, tiếp cận với cộng đồng từ gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng…Do vậy, dạy môn Đạo đức phải biết khơi dậy những gì gần gũi, gắn bó với các em hằng ngày để rút ra những bài học cho các em.

Biện pháp 1: Xây dựng môi trường lớp học thân thiện.

Trước hết cần hiểu môi trường lớp học thân thiện là gì? Đó là môi trường ở đó có thầy, có bạn, có lớp học, với đồ dùng bảng đen phấn trắng.

Trước tiên, người giáo viên cần chủ động trang trí không gian lớp học bằng các sản phẩm của học sinh lớp Một như: một số bài vẽ về gia đình, tô màu lá cờ tổ quốc, tranh vẽ về bạn của em, bài viết đẹp, sản phẩm xé, dán (có thể chưa đẹp) để học sinh thấy những sản phẩm đó mình có thể làm được và sẽ tích cực làm để được góp phần trang trí lớp học của mình.

- Xây dựng môi trường lớp học thân thiện qua sự gần gũi, yêu thương của giáo viên với học sinh. Giáo viên đến lớp sớm trò chuyện với các em, hỏi thăm về bố, mẹ, gia đình tâm tư tình cảm, sở thích của từng em; biết được em này có niềm vui vì mẹ mới sinh em bé hoặc được bố mẹ cho đi tham quan; em kia có áo mới hay học sinh có hoàn cảnh khó khăn: bố mẹ ly hôn; ông (bà) người thân mới mất..... Qua đó, giáo viên tìm hiểu được hoàn cảnh gia đình, nắm bắt được từng đối tượng học sinh trong lớp, từ đó động viên kịp thời và khéo léo bồi dưỡng cho các em một số kỹ năng sống rất riêng lại phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Đây là cách giáo dục vừa nhẹ nhàng, tế nhị mà mang lại hiệu quả cao với các em.

Qua việc tìm hiểu, giáo viên nhanh chóng sẽ phân ra các nhóm học sinh có loại hình tâm lý khác nhau để giao nhiệm vụ và có biện pháp bồi dưỡng kỹ năng sống cho phù hợp từng đối tượng học sinh.

Như vậy, việc xây dựng môi trường lớp học thân thiện là một biện pháp quan trọng trong việc rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp Một mà vai trò của giáo viên thật quan trọng. Giáo viên luôn phải tạo được sự thân thiện, gần gũi giữa cô -trò; trò - trò;

Biện pháp 2: Giáo viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo

Đối với học sinh tiểu học, thầy cô giống như ba mẹ, trong quan điểm thầy cô là mẫu mực, là đúng ở tất cả. Khi về nhà thậm chí khi bố mẹ có ý kiến các em vẫn bảo lưu ý kiến của mình và khẳng định “cô con nói như thế”.

 Bởi vậy, nên giáo viên phải gương mẫu từ cử chỉ, lời nói, việc làm, cách ăn mặc, đi đứng cho học sinh noi theo. Cô không chỉ là người mẹ thứ hai mà còn như người thân thiết gần gũi của các em. Thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, nhường nhịn, gần gũi, ân cần với các em. VD: Bẻ lại cổ áo, chải lại tóc, hướng dẫn các em đi giày .v.v... giải quyết những thắc mắc của các em, động viên khen ngợi, nhân điển hình tốt trước lớp. Đó là cách bồi dưỡng kỹ năng sống vô cùng hiệu quả đối với học sinh lớp Một.

- Giáo viên phải sử dụng các chuẩn mực, hành vi đạo đức gần gũi sát với chủ đề  đạo đức các em đang học, đã học và sẽ học để các em bắt chước dần thành thói quen trong việc thực hiện các chuẩn mực, hành vi đạo đức.

 Để dạy học sinh "Gọn gàng, sạch sẽ" và muốn có hiệu quả thì giáo viên luôn ăn mặc gọn gàng sạch sẽ. Đồ dùng của giáo viên trong lớp học luôn sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Giáo viên luôn nhắc nhở và biểu dương học sinh biết xếp sách vở, kẹp tóc gọn gàng. Tạo cơ hội cho học sinh được giúp bạn xếp lại đồ dùng học tập; kẹp lại tóc cho bạn....

Để dạy học sinh kỹ năng "Đi học đúng giờ" thì giáo viên luôn phải vào lớp đúng giờ và không quên xin lỗi học sinh nếu vào lớp không đúng giờ vì một lý do nào đó.

Để dạy học sinh kỹ năng ngồi học, kỹ năng đọc sách đúng cách thì giáo viên luôn phải cầm sách đọc và ngồi đọc chuẩn mực....

Tuy là những việc làm rất nhỏ của giáo viên song có tác dụng rất lớn đến việc hình thành kỹ năng sống cho học sinh lớp Một. Các kỹ năng sống đó ngấm dần và có tác dụng với các em suốt cả cuộc đời. Các em sẽ nhớ rất lâu những điều ấn tượng mà cô giáo lớp Một đã dạy.

Biện pháp 3: Rèn kỹ năng sống qua từng bài đạo đức

Kỹ năng sống của mỗi người được hình thành từ nhỏ, đến tuổi tiểu học, từ 6 tuổi trở lên các kỹ năng sống bắt đầu hình thành và các em có thể nhận diện được, gọi tên được để rồi ghi vào kí ức và thực hiện theo khi gặp hoàn cảnh tương tự. Các môn học của tiểu học như Tập đọc, Kể chuyện đặc biệt là môn Đạo đức giúp các em hình thành và rèn kỹ năng giao tiếp để từ đó tự nhận thức như: biết yêu thương đối với người thân, qua câu chuyện cô bé quàng khăn đỏ các em biết nhận diện cái xấu, cái ác (đối với nhân vật sói).

Để rèn kỹ năng sống phù hợp với từng bài đạo đức, giáo viên cần nghiên cứu kỹ chương trình môn học, mục tiêu cần đạt qua từng bài, xác định kỹ năng cần rèn cho học sinh. Qua thực tiễn cuộc sống ở địa phương, giáo viên hướng dẫn học sinh khai thác triệt để nội dung tranh vẽ. Qua nội dung từng bức tranh đều ẩn chứa nội dung về kỹ năng sống cần rèn cho học sinh.

Lựa chọn các phương pháp dạy thích hợp với từng bài dạy, gây hứng thú học tập cho học sinh. Không rập khuôn máy móc, không áp đặt tình huống, cần sáng tạo theo từng tiết dạy. Qua từng bài tập trò chơi, kể chuyện theo tranh, quan sát tranh và trả lời câu hỏi, đánh giá và tự đánh giá hành vi của bản thân và những người xung quanh. Giáo viên khuyến khích những em tính cách nhút nhát tham  gia vào trò chơi. Tạo không khí lớp học thoải mái, nhẹ nhàng, sôi nổi, học sinh học tập phấn khởi bằng những lời động viên, khen ngợi của giáo viên, các em được phát biểu dân chủ không gò ép. Đó là con đường rèn kỹ năng sống cho các em hiệu quả nhất.

Biện pháp 4: Rèn kỹ năng sống thông qua các môn học khác.

trường tiểu học tất cả các môn học đều hướng tới mục tiêu rèn kỹ năng và giúp học sinh hoàn thiện nhân cách của mình. Do vậy, nếu giáo viên hiểu được điều này, biết lồng ghép việc rèn kỹ năng sống vào các môn học khác sẽ rất hiệu quả.

Ví dụ: qua môn học Tự nhiên - Xã hội, môn Toán. Giúp các em kỹ năng làm việc theo nhóm biết cách phân công công việc, lắng nghe ý kiến người khác, tranh luận, biết chấp nhận đúng sai, thống nhất ý kiến, thực hiện đúng ý kiến đã thống nhất… Đây là kĩ năng hết sức cần thiết khi các em trưởng thành, làm việc trong tập thể.

          Qua các giờ học giáo viên chú ý nhắc nhở các em thực hành hành vi đã học.

Ví dụ: Trong các giờ học, học sinh chưa có cử chỉ thể hiện đúng hành vi đạo đức như: Đưa sách vở cho cô đưa bằng một tay không biết nói lời ''thưa'', ''gửi'', gọi bạn là mày. Giáo viên sửa lại hành vi đúng cho các em thể hiện lễ phép với thầy cô giáo và người lớn tuổi.

- Ở môn Thủ công giáo viên cần giáo dục kĩ năng tự phục vụ (chuẩn bị đồ dùng cho môn học) bởi ở gia đình, các em thường được cha mẹ làm thay hoặc không có thời gian gần gũi để hướng dẫn. Thầy cô cần cho học sinh thấy rằng việc chuẩn bị đồ dùng xé, dán, keo dán, giấy, khăn lau... là việc các em phải tự chuẩn bị.

- Môn Tiếng Việt, các em thường xuyên phải rèn kỹ năng học tập như: cách cầm sách đọc bài; cách ngồi viết; cách đưa vở cô chấm bài; cách diễn đạt..Ở đó giáo viên cần rèn cho học sinh hàng loạt kỹ năng sống cần thiết.

-Trong thực tiễn chúng ta có thể hướng dẫn, tập dần cho các em kĩ năng ra quyết định, kĩ năng kiên định như dứt khoát với những lời dụ dỗ, lôi kéo vào những trò chơi không lành mạnh hay thói hư tật xấu. Tùy từng bài học, chúng ta giáo dục các kĩ năng phù hợp cho các em. Ví dụ : trên đường đi học qua đám đá gà rất thú vị. Các em quyết định không xem mà đi học cho đúng giờ; Trời rét nhưng đến giờ đi học sẽ vùng dậy đi học mà không phân vân.

Việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua học tập - sinh hoạt ở nhà trường là điều hết sức cần thiết cho tương lai các em. Để đạt được điều đó, giáo viên cần kiên trì, quyết tâm thực hiện từng bước và liên tục trong suốt quá trình giảng dạy.

Môn Đạo đức cung cấp cho các em những hiểu biết ban đầu về các kỹ năng giao tiếp, ứng xử lễ phép trong cuộc sống hàng ngày thì các hoạt động giáo dục khác sẽ góp phần rèn luyện và áp dụng các kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống. Đó là những kỹ năng sống cần thiết cho mỗi con người, góp phần phát triển hoàn thiện nhân cách mai sau.

Biện pháp 5: Phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục trẻ.

Thực hiện giáo dục kĩ năng sống cho học sinh cũng cần được thông tin đến phụ huynh để phụ huynh thấy được tầm quan trọng của kĩ năng sống đối với con em mình. Họ cùng với giáo viên thực hiện, theo dõi, ủng hộ động viên các em. Nếu phối hợp với phụ huynh học sinh thì sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Nhà trường cần tổ chức tốt cuộc họp với phụ huynh học sinh. Từng phụ huynh nắm bắt kịp thời tinh thần rèn luyện của con em mình tại nhà trường qua giáo viên chủ nhiệm lớp.

Qua các cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh sẽ trao đổi thông tin hai chiều( các em ở lớp và ở nhà) tình hình rèn luyện của các em. Qua đó giáo viên có những biện pháp giáo dục các em cho phù hợp.

Trao đổi với phụ huynh tổng thể chương trình đạo đức và các kỹ năng cơ bản cần dạy cho học sinh. Phụ huynh có nhiệm vụ nhắc nhở con em mình thực hiện hành vi đã học. Đó là những kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thể hiện đúng và lễ phép với người trên như: Đi học đúng giờ; biết chào ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em;  nói vừa đủ nghe, lễ phép; biết tự giới thiệu họ tên của mình, họ tên bố mẹ, người thân; Tự vệ sinh cá nhân (đánh răng, đi giầy; chải đầu, đầu tóc, quần áo gọn gàng); Biết vâng lời ông bà, cha mẹ, nhường nhịn em nhỏ, đi bộ đúng quy định, đi học đúng giờ.

Thường xuyên liên hệ với phụ huynh để xem sự tiến bộ của các em. Từ đó có biện pháp rèn kỹ năng sống cho phù hợp.

     Tóm lại: Việc rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp Một, đòi hỏi giáo viên phải đầu tư thời gian, kiên trì, chú tâm nhắc nhở hướng dẫn các em thực hiện hành vi đúng, sửa chữa uốn nắn những hành vi chưa chuẩn. Tất cả những hành vi đó phải làm thường xuyên liên tục vì các em rất chóng quên. Giáo viên phải biết phối kết hợp các môi trường giáo dục trong việc giáo dục kỹ năng sống cho các em. Như vậy thì việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp Một mới đạt hiệu quả như mong muốn.

         5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến: Áp dụng cho toàn cấp tiểu học và cụ thể nhất là lớp Một.

6. Những thông tin cần được bảo mật : Không có 

          7.  Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến

- Phòng giáo dục - Đào tạo nên nhân rộng các mô hình rèn kỹ năng sống cho học sinh sao cho hiệu quả để các trường học tập.

- Tổ chức cho giáo viên trực tiếp giảng dạy đi học tập  phương pháp giáo dục hiệu quả ở các trường có kinh nghiệm trong việc rèn kỹ năng sống cho học sinh.

         8. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả.       

      Sau thời gian chỉ đạo giáo viên áp dụng một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho học sinh qua môn Đạo đức, tôi thấy kết quả thật đáng khích lệ.

Về phía giáo viên: Sau thời gian áp dụng các biện pháp rèn kỹ năng sống cho học sinh tôi thấy:

- Giáo viên thấy tự tin hơn trong giảng dạy.

- Giáo viên thay đổi nhận thức về việc rèn kỹ năng sống cho các em.

- Biết cách khai thác nội dung tranh để cung cấp, rèn cho học sinh các kỹ năng sống qua các hành vi, chuẩn mực đạo đức.

- Giáo viên chú ý đến việc rèn kỹ năng sống cho học sinh qua nhiều môn học và các hoạt động khác nhau.

- Tạo ra ý thức cộng đồng trách nhiệm trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Về phía học sinh

      - Các em đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn, mạnh dạn nói chuyện trao đổi với cô giáo và các bạn, biết nhắc nhở bạn khi bạn chưa thực hiện tốt kỹ năng sống đã học.

- Các em yêu thích môn học, thích chơi  sắm vai, nói năng to rõ ràng, ngôn ngữ diễn đạt dễ hiểu, giờ học nhẹ nhàng, sôi nổi.

- Các em mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, nói năng lễ phép với người lớn tuổi, thích được tham gia đóng vai trong giờ học.

- Các em đã thực hiện tốt một số kỹ năng học tập cơ bản: ngồi học đúng tư thế, cách cầm đọc sách, cách ngồi viết, cách đưa vở cho giáo viên, đi học đúng giờ..

- Tổ chức lớp học có nề nếp, các em đoàn kết biết giúp đỡ nhau trong học tập.

- Các em đã có kỹ năng tự phục vụ bản thân tốt: vệ sinh cá nhân sạch sẽ, gọn gàng, biết giữ gìn đồ dùng sách vở, sắp xếp sách vở gọn gàng, ngăn nắp. Tự mặc quần áo, tự chuẩn bị đồ dùng học tập, tự đi giầy dép đúng cách...

- Nói năng lễ phép, biết cảm ơn khi được giúp đỡ, biết xin lỗi khi làm phiền lòng người khác.

- Thực hiện tốt an toàn giao thông, biết chào khi gặp mặt, tạm biệt khi chia tay.

- Có ý thức chăm sóc, bảo vệ hoa, cây xung quanh trường và nơi công cộng.

- Các em tham gia các hoạt động do trường, đội tổ chức như: Hội thi văn nghệ, trang trí môi trường, lớp học thân thiện ...

Qua điều tra thực tiễn đã thu được kết quả như sau: chúng tôi áp dụng thử ở đơn vị (Khối 1)

(Tháng 01/2021)

Nội dung điều tra

Số lượng

Tỷ lệ

- Học sinh biết nói năng lễ phép, mạnh dạn trong giao tiếp, có Kỹ năng học tập (đi học đúng giờ; ngồi học, ngồi viết, cầm sách đúng cách..) Kỹ năng tự phục vụ: Tự mặc quần áo, tự đi giầy dép, tự chuẩn bị đồ dùng học tập..

106

80,9

- Học sinh mạnh dạn trong giao tiếp song nói chưa mạch lạc, chưa tự lực trong học tập còn phụ thuộc phần nhiều vào người lớn.

15

11,5

- Học sinh nhút nhát, ngại giao tiếp

10

7,6

- Học sinh thường gây mất trật tự lớp học, trêu bạn, làm hỏng đồ của bạn

0

 

Tổng số

131

100

          Mặc dù học sinh Tiểu học, vốn kỹ năng sống chưa có nhiều, trong quá trình học tập các em mới được giáo viên bồi dưỡng, rèn các kỹ năng sống song việc các em nhanh chóng biết sử dụng các kỹ năng sống vào thực tiễn là một thành công lớn cho người trực tiếp giảng dạy và người quản lý.

 Nguồn: ST


Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC