Skkn Thu hút bạn đọc đến thư viện thông qua mô hình thư viện góc lớp ở trường tiểu học

 


1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: “Thu hút bạn đọc đến thư viện thông qua mô hình thư viện góc lớp

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục ( Công tác thư viện)

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 15/10/2020 

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

 Từ lâu thư viện đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các nhà trường, vì sách báo có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội: “Không có sách thì không có tri thức”… Với nhà trường, sách lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn, vì nó là người bạn gần gũi, là học liệu cần thiết nhất của thầy và trò, góp phần quyết định chất lượng và không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên, xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

Hoạt động chủ yếu của giáo viên và học sinh trong nhà trường phổ thông là giảng dạy và học tập, cả hai hoạt động này đều phải sử dụng công cụ sách báo. Sách báo chỉ có thể phát huy được tác dụng của nó trên cơ sở quản lý tốt công tác thư viện. Vì vậy, tổ chức thư viện trường học nhằm thỏa mãn các nhu cầu về sách báo cho giáo viên và học sinh là một yêu cầu khách quan không thể thiếu. Việc tổ chức thư viện và đẩy mạnh các hoạt động thư viện là một việc làm cần thiết. Bởi đối với nhà trường, thư viện không những là một bộ phận cơ sở vật chất trọng yếu mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa khoa học của nhà trường, nơi đảm bảo cung cấp đủ số lượng và chất lượng các loại sách báo tham khảo, sách nghiệp vụ, từ điển để tra cứu, các tài liệu cần thiết của Đảng, Nhà nước và của các cấp, các ngành phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học giáo dục, bổ sung kiến thức các môn khoa học, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

       Khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự ra đời của Intenet và điện thoại di động, thói quen đọc sách dần dần mai một, nhất là trong lứa tuổi học sinh tiểu học. Vì vậy, đổi mới trong hoạt động thư viện, xây dựng nâng cao văn hóa đọc cho học sinh hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng năm của bộ phận thư viện.

  Để nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, người cán bộ thư viện cần có những biện pháp tổ chức sắp xếp, bảo quản, giữ gìn, cung cấp và luân chuyển sách một cách hiệu quả nhất. Đối với giáo viên, việc đến với thư viện là  công việc cần thiết, vì khi cần đến tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, họ sẽ tự tìm đến cán bộ thư viện để tìm và mượn tài liệu. Thế nhưng đối với học sinh thì khác. Để thu hút được học sinh đến với thư viện tìm sách để đọc là một việc không dễ. Làm thế nào để hoạt động đọc sách trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày đối với học sinh ? Làm thế nào để sách đến gần hơn với học sinh và mang lại hiệu quả thiết thực đối với các em ? Vì ngoài thời gian học, các em chỉ được ra chơi 20 phút, chưa kể thời gian tập thể dục giữa giờ, vui chơi… Hơn nữa, đối với trường có thêm điểm lẻ thì học sinh sẽ đến với thư viện vào thời điểm nào? Đó là điều khiến một cán bộ thư viện như tôi phải băn khoăn, trăn trở? để tất cả học sinh đều được tiếp cận với những quyển sách hay mà không phải tốn thời gian xuống tìm sách tại thư viện? Giải quyết vấn đề này, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu và xây dựng mô hình thư viện góc lớp. Đó cũng là lý do tôi chọn và nghiên cứu đề tài:  "Thu hút bạn đọc đến thư viện thông qua mô hình thư viện góc lớp

        5.2. Nội dung sáng kiến:

        Chính vì vậy, trong kế hoạch hoạt động thư viện của Trường Tiểu học  năm học 2020-2021, tôi đã phát động cho tất cả các lớp xây dựng “Thư viện góc lớp”

Để xây dựng được " Thư viện góc lớp", tôi đã tiến hành như sau:

5.2.1 Tuyên truyền cho học sinh thấy được lợi ích của "Thư viện góc lớp"

Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể, họp phụ huynh học sinh đầu năm học, tôi đã phối hợp với giáo viên Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm  tuyên truyền về ích lợi của "Thư viện góc lớp". Đây là nơi học sinh mang đến những quyển sách hay, bổ ích được các em yêu thích để trưng bày, trao đổi và giao lưu với bạn bè, để được đọc nhiều hơn. Các quyển truyện đó không nhất thiết phải là truyện mới, có thể là sách truyện cũ nhưng nó phải phù hợp và được các em trân trọng. Qua đó, các em làm phong phú thêm cho góc thư viện lớp bằng những quyển truyện ngắn gắn liền với các sở thích của các em.

  Mô hình tổ chức tốt sẽ mang lại nhiều thuận lợi đối với bạn đọc và thư viện,  bởi không gian sẵn có trong các lớp học, tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên chủ động tham khảo tài liệu vào thời gian thích hợp. Đặc biệt thư viện góc lớp ít tốn kém cho thư viện. Thư viện góc lớp giúp tận dụng mọi không gian, tăng cường luân chuyển sách báo giữa các lớp. Có thể phối hợp với các hoạt động khác như vẽ tranh, thủ công...

  Thư viện góc lớp giúp cho học sinh tiếp cận sách báo ngay tại lớp, hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động lớp, phát huy tính tự quản của các em trong sắp xếp bảo quản và giữ gìn sách báo. Kích thích nhu cầu đọc sách, báo học sinh  chủ động sau những thời gian nghỉ giữa tiết ngắn ngủi. Giúp các em có khả năng sáng tạo hơn trong tư duy. Tuy nhiên, với thư viện góc lớp, đòi hỏi giáo viên  phải quản lý, định hướng các em về loại sách và thời gian đọc. Với thư viện góc lớp các em cũng có thể trao đổi về những cuốn sách đã đọc và tự đưa ra ý tưởng xây dựng thư viện góc lớp đẹp, hấp dẫn.

5.2.2  Phát động các lớp làm "Thư viện góc lớp"

    - Mỗi lớp học có một góc thư viện. Tùy theo điều kiện của mỗi lớp mà thầy cô và các em xây dựng góc thư viện lớp mình. Khuyến khích các lớp học làm góc thư viện bằng những vật liệu đơn giản, dễ tìm.

   - Tạo điều kiện cho tất cả các em học sinh được tham gia vào làm thư viện góc lớp. Phát huy sự sáng tạo của mỗi em. Từ đó các em sẽ yêu quý các sản phẩm mà mình làm ra, các em sẽ đến thư viện góc lớp đọc nhiều hơn.

 

(Cô và trò đang cùng nhau thảo luận để làm "Thư viện góc lớp"

5.2.3  Khuyến khích phụ huynh, giáo viên và học sinh tặng sách cho thư viện để làm phong phú các loại sách.

-  Mỗi giáo viên và học sinh ít nhất một học kì sẽ đem đến góc thư viện 1 quyển sách (truyện). Động viên khuyến khích các em mang nhiều hơn 2 cuốn. Các loại sách truyện có nội dung phù hợp với các em.

 Như vậy, số sách mà các em đem đến sẽ ngày càng phong phú hơn, có nhiều loại sách phù hợp hơn với lứa tuổi của các em. Nếu cả lớp đã đọc hết các loại sách các em đem đến rồi thì các em sẽ trao đổi từ lớp này với lớp khác làm cho sách đa dạng và phong phú để phát triển tiềm năng của các em.

5.2.4 Sử dụng "Thư viện góc lớp"

Sau khi hoàn thành xong " Thư viện góc lớp" thì thầy và trò tiếp tục lên ý tưởng sắp xếp và phân chia các mảng đọc sao cho khoa học và phù hợp. Tùy theo ý tưởng của mỗi lớp và sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ thư viện để xây dựng mô hình phù hợp với từng lớp.

                              Cùng nhau tìm hiểu kiến thức qua sách nhé!

5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

Sáng kiến này có thể áp dụng được cho tất cả các thư viện của các trường trong và ngoài thị xã.

6. Những thông tin cần được bảo mật: Không

7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

     - Sự ủng hộ và tạo điều kiện của Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo trong trường.

- Sự phối hợp và hỗ trợ của phụ huynh và các em học sinh.

- Cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tổ chức “thư viện góc lớp”.

8. Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến:

a/ Kết quả

Áp dụng mô hình này vào công tác thư viện tôi nhận thấy:

- Các em học sinh có được những thông tin tích cực phục vụ quá trình học tập, rèn luyện các phẩm chất năng lực và hình thành văn hóa đọc, góp phần từng bước hình thành kĩ năng sống cho học sinh, giúp các em rèn luyện và trau dồi khả năng tự học, ý thức tự đọc sách, tự khám phá, tự quản.

- Các em được tự do lựa chọn những quyển sách phù hợp với sở thích, liên quan đến nội dung bài học. Đọc sách tăng thêm vốn tri thức cho các em. Ngoài ra các em còn tham gia các hoạt động giới thiệu quyển sách do giáo viên phụ trách lớp hướng dẫn, giúp các em tự tin hơn, diễn đạt tốt hơn. Đây là một trong những kỹ năng sống rất cần thiết cho các em sau này.

- Thư viện góc lớp giúp nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, hiệu quả phục vụ bạn đọc tăng lên rõ rệt và từng bước khẳng định ưu thế của việc đọc sách so với các kênh thông tin khác.

- Mô hình thư viện góc lớp góp phần xây dựng “văn hóa đọc’ ’trong học sinh, tích lũy những thông tin hữu ích phục vụ quá trình học tập, rèn luyện các phẩm chất năng lực, thói quen đọc sách sau mỗi giờ học, giúp các em yêu thích đọc sách, tạo ra sức sống cho các thư viện trường học.

- Cách bài trí thư viện góc lớp khoa học, gọn gàng, ngăn nắp và khá đẹp mắt giúp kích thích tinh thần, hứng thú đọc sách của các em học sinh.

- Vốn tài liệu trong thư viện ngày càng được bổ sung nên khá đa dạng, phong phú về nhiều lĩnh vực.

Năm học

Số lượt học sinh đến thư viện

      Số lượt mượn sách

2019 -2020

40lượt/ngày/ 309học sinh

15 lượt / trên ngày

2020-2021

80/lượt ngày/ 309học sinh

30 lượt / trên ngày

 

b/ Bài học

Để hoạt động thư viện thật sự hiệu quả và có chất lượng, đòi hỏi người làm công tác thư viện phải luôn kiên trì, nhạy bén, linh hoạt trong khâu tổ chức các hoạt động. Biết tận dụng mọi nguồn lực có sẵn và huy động sự giúp đỡ từ nhà trường, phụ huynh và các em học sinh. Bên cạnh việc phát huy và duy trì mô hình "Thư viện góc lớp", cần phải nâng cao chất lượng văn hóa đọc cho học sinh. Vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn cho các em các kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng cho học sinh cách chọn lựa các đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích trang bị cho các em kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập. Có như thế mới nâng cao được chất lượng hoạt động thư viện trong nhà trường.

 

Previous Post Next Post

QC

QC