Tài liệu ôn thi học sinh giỏi lịch sử lớp 8

Từ khóa: Tài liệu ôn thi học sinh giỏi môn lịch sử lớp 8, Ôn thi học sinh giỏi lớp 8 môn lịch sử, Đề cương ôn thi học sinh giỏi lịch sử lớp 8.

Dvtuan.com tổng hợp và chia sẻ miễn phí đến thầy cô và các em học sinh Bộ tài liệu ôn thi học sinh giỏi lịch sử lớp 8.

Tài liệu bao gồm 40 trang word, được trả lời theo từng câu hỏi, giúp dễ dàng trong việc ôn luyện học sinh giỏi môn lịch sử lớp 8.

Phần 1: LỊCH SỬ THẾ GIỚI CẬN ĐẠI

(Từ giữa thế kỉ XVI đến năm 1917)

 

I. THỜI XÁC LẬP CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

(Từ giữa thế kỉ XVI đến nửa sau thế kỉ XIX)

1. Em hiểu thế nào là “Cách mạng tư sản”? Nêu hình thức đấu tranh của các cuộc CMTS thế kỉ XVI - XVIII.

Cách mạng tư sản là: cuộc cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo (có nơi liên kết với quý tộc mới - quý tộc tư sản hoá), nhằm đánh đổ chế độ phong kiến lỗi thời, đem quyền lợi lại cho giai cấp tư sản, tạo tiền đề cho quan trọng cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

* Hình thức đấu tranh:

- Chiến tranh giải phóng dân tộcCách mạng tư sản Hà Lan TK XVI; Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.

- Nội chiến: Cách mạng tư sản Anh TK XVII; Cách mạng tư sản Pháp cuối TK XVIII.

2. Trình bày sự phát triển chủ nghĩa tư bản Anh và những hệ quả của nó? Vì sao nói: Cách mạng tư sản Anh là cuộc Cách mạng tư sản không triệt để? Em hiểu như thế nào về câu nói Thắng lợi của giai cấp tư sản có nghĩa là thắng lợi của chế độ xã hội mới, thắng lợi của chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đối với chế độ phong kiến” của Mác?

* Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Anh:

- Nhiều công trường thủ công: Luyện kim, cơ khí, làm đồ sứ, dệt len dạ... ra đời, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

- Nhiều trung tâm lớn về công nghiệp, thương mại, tài chính được hình thành, tiêu biểu là Luân Đôn.

- Những phát minh mới về kĩ thật, về các hình thức tổ chức lao động hợp lí làm cho năng suất lao động tăng nhanh.

- Số đông địa chủ là quý tộc vừa và nhỏ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bảm. Họ trở thành tầng lớp quý tộc mới.

* Hệ quả: Sự thay đổi về kinh tế, những mâu thuẫn gay gắt giữa tư sản, quý tộc với chế độ quân chủ chuyên chế (bên cạnh những mâu thuẫn cũ giữa nông dân với địa chủ, quý tộc) dẫn tới cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

- Cách mạng tư sản Anh là cuộc Cách mạng tư sản không triệt để. Vì: Lãnh đạo cách mạng là liên minh tư sản – quý tộc mới nên nhiều tàn dư phong kiến không bị xoá bỏ. Điển hình là sự thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. Nông dân và binh lính là hai lực lượng chính của cách mạng nhưng không được hưởng chút quyền lợi gì. Trái lại, nông dân còn tiếp tục bị cướp đoạt ruộng đất và bị đẩy tới chỗ phá sản hoàn toàn.

* Ta có thể hiểu câu nói của Mác như sau:

- Thắng lợi của cuộc cách mạng chính là thắng lợi của giai cấp tư sản.

- Từ trong thắng lợi đó, một chế độ xã hội mới ra đời - chế độ của giai cấp tư sản nắm chính quyền.

- Chế độ xã hội mới đó là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thay thế chế độ cũ: chế độ phong kiến.

3. Tính chất tiến bộ của “Tuyên ngôn độc lập” nước Mĩ thể hiện ở những điểm nào?

- Tính chất tiến bộ của “Tuyên ngôn độc lập” của Mĩ thể hiện ở chỗ: Xác định quyền của con người và quyền của các thuộc địa. Tuyên ngôn mang tính chất dân chủ tự do, thấm nhuần tư tưởng tiến bộ của thời đại. Nó nêu các nguyên tắc bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người. Tuyên ngôn khẳng định: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không thể tước bỏ. Trong số những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

- Bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mĩ đã truyền cảm hứng cho nhiều bài phát biểu nổi tiếng khác như của Martin Luther King và Abraham Lincoln. Bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mĩ cũng ảnh hưởng đến nhiều tuyên ngôn độc lập của các nước khác như Việt Nam và Dim-ba-bu-ê.

4. Hoàn thiện sơ đồ sau về sự phân chia đẳng cấp trong xã hội Pháp trước cách mạng. Em có nhận xét gì về vai trò, vị trí, quyền lợi của các đẳng cấp trong xã hội Pháp trước cách mạng?

- Xã hội phong kiến Pháp phân thành 3 đẳng cấp: Tăng lữ, Quý tộc và Đẳng cấp thứ ba.

+ Hai đẳng cấp đầu: Tăng lữ, Quý tộc. Chiếm số ít trong cư dân, nhưng được hưởng mọi đặc quyền, đặc lợi nhưng không phải đóng thuế cho nhà vua.

+ Đẳng cấp thứ ba: gồm tư sản, nông dân, bình dân thành thị. Họ phải chịu mọi thứ thuế và nghĩa vụ, không có quyền lợi về chính trị và lệ thuộc vào những đẳng cấp có đặc quyền. Nông dân chiếm 90% dân số (khoảng 24 triệu người) là giai cấp nghèo khổ nhất vì không có ruộng đất, bị đẳng cấp trên áp bức bóc lột.

- Mẫu thuẫn xã hội Pháp trở nên gay gắt trong đó mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Pháp lúc này là: đẳng cấp thứ ba (muốn xóa bỏ chế độ phong kiến) với hai đẳng cấp Tăng lữ và Quý tộc (muốn duy trì chế độ phong kiến).

- Nước Pháp lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc, báo hiệu một cuộc cách mạng đang đến gần.

5. Vẽ sơ đồ thể hiện quá trình phát triển của Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII.

Chế độ quân chủ chuyên chế (trước 14/7/1789)

Chế độ quân chủ lập hiến (14/7/1789 -> 10/8/1792)

Bước đầu nền cộng hòa (21/9/1792 -> 2/6/1793)

Chuyên chính dân chủ cách mạng Gia-cô-banh (2/6/1793 -> 27-71794)

6. Tại sao nói: Thời kỳ chuyên chính dân chủ cách mạng Gia-cô-banh là thời kỳ phát triển tới đỉnh cao của cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII?

- Ngày 2/6/1793, sau khi lật đổ phái Gi-rông-đanh, chính quyền thuộc về phái Gia-cô-banh do luật sư trẻ tuổi Rô-be-xpi-e lãnh đạo. Trước những khó khăn thử thách, ngoại xâm nội phản, phái Gia-cô-banh đã đưa ra những biện pháp kịp thời và những chính sách tiến bộ:

- Về chính trị: Chính quyền cách mạng đã thi hành nhiều biện pháp kiên quyết để trấn áp và trừng trị bọn phản cách mạng, giải quyết nhu cầu của nhân dân, thiết lập nền dân chủ cách mạng.

- Về kinh tế: Đã giải quyết và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân: chia ruộng đất cho nhân dân, trưng thu lúa mì, quy định giá bán các mặt hàng thiết yếu cho dân nghèo, quy định mức lương tối đa cho công nhân..

- Về quân sự: Chính quyền cách mạng thông qua sắc lệnh tổng động viên quân đội huy động sức mạnh của nhân dân chống thù trong giặc ngoài.

Ngày 26/6/1794 liên minh chống Pháp bị đánh bại và tan rã. Các cuộc nổi loạn trong nước bị dập tắt.

- Nhận xét: Như vậy có thể thấy đây là những biện pháp tiến bộ đem lại quyền lợi cơ bản cho nhân dân, vì thế có tác dụng động viên quần chúng, tập hợp đông đảo quần chúng, khơi dậy và phát huy tinh thần cách mạng, sức mạnh của quần chúng trong việc chống ngoại xâm, nội phản. Bài học về tập hợp quần chúng nhân dân ...

7. Vì sao cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII được coi là cuộc "Đại cách mạng"? (Quần chúng nhân dân có vai trò như thế nào trong Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII?)

- Cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII có sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân mà trước tiên là nông dân. Nhân dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình cách mạng. Đó là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định đến sự thắng lợi của CM: lật đổ chế độ quân chủ chuyển chế, thiết lập nền cộng hòa, xác lập nền chuyên chính dân chủ cách mạng, đánh thắng giặc ngoại xâm. Điều đó được thể hiện qua 3 sự kiện:

+ Ngày 14 - 7 - 1789, quần chúng lao động Pa-ri đã tấn công pháo đài - nhà ngục Ba-xti , mở đầu thắng lợi cho cuộc cách mạng. Sau đó lần lượt làm chủ hầu hết các cơ quan và vị trí quan trọng trong thành phố, nhanh chóng lan rộng khắp nước. Sự kiện tại Pháp ngày 14-7 có ý nghĩa hết sức quan trọng: Chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp bị giáng một đòn đầu tiên, Lu-i XVI chỉ được giữ ngôi vua, nhưng không có quyền hành gì, phái Lập hiến của tầng lớp đại tư sản lên cầm quyền. Cách mạng Pháp bước đầu giành thắng lợi và tiếp tục phát triển. Tháng 9-1791, Quốc hội thông qua Hiến pháp, xác lập chế độ quân chủ lập hiến.

+ Ngày 10-8-1792, quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa lật đổ sự thống trị của phái Lập hiến, đồng thời xóa bỏ chế độ phong kiến, xử tử vua Lu-i XVI, thiết lập nền cộng hòa đầu tiên ở Pháp, đưa cách mạng phát triển lên một bước cao hơn. Quốc hội thông qua "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền", nêu khẩu hiệu nổi tiếng " Tự do - Bình đẳng - Bác ái".

+ Ngày 2-6-1793, trước tình trạng “Tổ quốc lâm nguy” (sự tấn công của quân Anh cùng quân các nước phong kiến châu Âu, bọn phản động ở trong nước nổi loạn ở vùng Văng-đê và cả miền Tây Bắc, nạn đầu cơ tích trữ hoành hành, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân khốn khổ nhưng phái Gi-rông-đan không lo tổ chức chống ngoại xâm, nội phản, ổn định cuộc sống nhân dân mà chỉ lo củng cố quyền lực) quần chúng nhân dân Pa-ri dưới sự lãnh đạo của Rô-be-spie lại khởi nghĩa lật đổ phái Gi-rông-đanh, đưa phái Gia-cô-banh lên cầm quyền.

- Chính quyền Gia-cô-banh đã thi hành nhiều biện pháp kiên quyết để trừng trị bọn phản cách mạng và giải quyết những yêu cầu của nhân dân: Đất công xã mà quý tộc phong kiến chiếm đoạt, được lấy chia cho nông dân. Tịch thu ruộng đất của Giáo hội và quý tộc bán cho nông dân, trưng thu lúa mì, quy định giá tối đa, lương tối đa. Những biện pháp tích cực của phái Gia-cô-banh nhằm cứu nước Pháp thoát khỏi sự đe dọa của "thù trong, giặc ngoài", đưa cách mạng đạt đến đỉnh cao.

- Với những kết quả mà cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII đã đạt được không chỉ có ý nghĩa đối với nước Pháp mà còn có ý nghĩa to lớn đối với thế giới: Đã lật đổ chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển và có tác động ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nước trên thế giới, làm lung lay tận gốc rễ chế độ phong kiến ở châu Âu. Nó được ví như "cái chổi khổng lồ" quét sạch mọi rác rưởi của chế độ phong kiến châu Âu. Vì vậy, cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII được coi là cuộc "Đại cách mạng".

8. Trình bày ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ thứ XVIII (Vì sao Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII được coi là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất?)

- Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII đã lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế từng thống trị nước Pháp trong nhiều thế kỉ, hoàn thành các nhiệm vụ của một cuộc cách mạng tư sản: lật đổ chính quyền quân chủ chuyên chế, thủ tiêu mọi tàn dư phong kiến, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Những cản trở đối với công thương nghiệp bị xoá bỏ, thị trường dân tộc thống nhất được hình thành.

- Giai cấp tư sản lãnh đạo cách mạng, song quần chúng nhân dân đóng vai trò quyết định trong quá trình phát triển, đưa cách mạng đến thành công.

- Do ảnh hưởng của cách mạng và do hậu quả khách quan của những cuộc chiến tranh thôn tính các nước châu Âu, chế độ phong kiến đã bị lung lay ở khắp châu Âu. Cách mạng tư sản Pháp đã mở ra thời đại mới - thời đại thắng lợi và củng cố của chủ nghĩa tư bản ở các nước tiên tiến thời bấy giờ.

Hạn chế: Tuy Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII được coi là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất, nhưng nó vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ quyền lợi cho nhân dân, vẫn không hoàn toàn xóa bỏ được chế độ phong kiến, chỉ có giai cấp tư sản là được hưởng lợi.

9. So sánh điểm giống và khác nhau của các cuộc cánh mạng tư sản thời cận đại.

* Giống nhau:

- Nguyên nhân dẫn đến cách mạng : Do sự phát triển của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa, mẫu thuẫn giữa các giai cấp tư sản, nông dân,.. với chế độ phong kiến hoặc giữa các tâng lớp nhân dân ở thuộc địa với chính quốc,.. ngày càng gay gắt.

- Lãnh đạo cách mạng: giai cấp tư sản, có nơi là tư sản liên minh với quý tộc mới.

- Lực lượng cách mạng: đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

- Nhiệm vụ: xoá bỏ những cản trở của chế độ phong kiến, chế độ thực dân,.. mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

- Kết quả: đều dành thắng lợi, đưa giai cấp tư sản hoặc liên minh tư sản - quý tộc tư sản hoá lên nắm quyền, tạo tiền đề cho quan trọng cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhiều nước chuyển qua giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

* Khác nhau: về hình thức: nội chiến hoặc giải phóng dân tộc, cải cách thống nhất đất nước.

10. Cách mạng tư sản có tác dụng như thế nào đối với sự phát triển lịch sử?

Cách mạng tư sản bắt đầu từ thế kỷ XVI kéo dài tới thế kỷ XX vừa có tác dụng tích cực nhưng có những hạn chế mà cách mạng tư sản mang lại:

* Tích cực:

- Xóa bỏ chế độ phong kiến, thiết lập nền dân chủ tư sản.

- Tạo ra phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất đồng thời có một tiến bộ vượt bậc về phương thức sản xuất, là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử trong xã hội nhân loại.

* Hạn chế:

- Thay thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác, đó là sự thay thế chế độ bóc lột phong kiến bằng chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa.

- Chưa giải quyết được vấn đề cơ bản của xã hội là xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

- Làm nảy sinh những mâu thuẫn mới trong xã hội. Các cuộc đấu tranh giai cấp liên tục diễn ra ờ các nước tư bản chủ nghĩa.

11. Cách mạng công nghiệp Anh thế kỉ XVIII. Tại sao Anh tiến hành Cách mạng công nghiệp bắt đầu bằng ngành dệt? Cách mạng công nghiệp dẫn đến hệ quả gì?

Cách mạng công nghiệp Anh thế kỉ XVIII

+ Nguyên nhân:

- Do nhu cầu của sản xuất và cuộc sống con người ngày càng cao.

- Giai cấp tư sản đã nắm được chính quyền, muốn tích lũy được của cải nhiều hơn.

Tiến trình cách mạng công nghiệp ở Anh:

- Từ những năm 60 của thế kỉ XVIII, Anh tiến hành CMCN bắt đầu bằng ngành dệt. Máy móc được phát minh và sử dụng trong sản xuất với sự ra đời của máy kéo sợi Gien-ni, máy kéo sợi chạy bằng sức nước, máy dệt chạy bằng sức nước.

- Máy móc trên được phát minh thì năng suất tăng lên rõ rệt so với sản xuất bằng tay. Nhưng máy chạy bằng sức nước phải đặt gần những khúc sông chảy xiết. Về mùa đông, máy phải ngừng hoạt động vì nước đóng băng....

- Do vậy đến năm 1784, Giêm Oát hoàn thành việc phát minh ra máy hơi nước. Từ đó, các nhà máy có thể xây dựng ở bất cứ nơi nào thuận tiện...

- Lúc đầu máy móc mới được sử dụng trong ngành dệt, về sau được đưa dần vào các ngành kinh tế khác, chế tạo tàu thủy chạy bằng máy hơi nước, xây dựng đường sắt.....

(Vào giữa thế kỉ XIX, Anh đẩy mạnh sản xuất gang, thép và than đá vì: Gang thép chế tạo máy móc và đường sắt, than đá sử dụng cho máy hơi nước.)

Kết quả: cách mạng công nghiệp ở Anh đã chuyển từ nền sản xuất nhỏ, thủ công sang sản xuất lớn bằng máy móc, là nước đầu tiên tiến hành công nghiệp hóa. Từ một nước nông nghiệp. Anh đã trở thành nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, là "công xưởng" của thế giới.

 * Anh tiến hành Cách mạng công nghiệp bắt đầu bằng ngành dệt vì:

- Ngành dệt là ngành thuộc công nghiệp nhẹ bỏ vốn đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh, ít rủi ro.

- Tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên...

- Sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu sử dụng rất cần thiết đối với mọi người dân trong và ngoài nước.

- Sử dụng được đông đảo nguồn lao động.

* Cách mạng công nghiệp dẫn đến hệ quả:

+ Hệ quả về kinh tế:

Cách mạng công nghiệp đã làm cho nền sản xuất phát triển nhanh chóng chuyển từ sản xuất nhỏ thủ công sang sản xuất lớn bằng máy móc, của cải ngày càng dồi dào.

Cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt các nước tư bản: Nhờ phát minh máy móc, nhiều khu công nghiệp lớn, nhiều trung tâm khai thác than đá, nhiều đường sắt, nhiều thành phố mọc lên, thu hút dòng người từ nông thôn đến tìm việc làm. Giải quyết được việc làm cho người lao động góp phần giải phóng nông dân, bổ sung lực lượng lao động cho thành phố.

- Giúp Anh trở thành một nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.

+ Hệ quả về xã hội:

Hình thành hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Sự tăng cường bóc lột công nhân (vô sản ) của giai cấp tư sản làm cho mâu thuẫn trong xã hội tư bản và cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản không ngừng tăng lên với các hình thức: đập phá máy móc, nêu yêu cầu về quyền lợi, khởi nghĩa vũ trang.

- Cách mạng công nghiệp đã thu hút dòng người từ nông thôn đến thành phố tìm kiếm việc làm nên dân số ở thành phố ngày càng tăng, đông đúc hơn trước. Do vậy, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội …

12. Vì sao các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa? Những sự kiện nào chứng tỏ đến giữa thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đã thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới?

* Các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa là bởi vì: Trong thời kì cách mạng công nghiệp, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh đã làm tăng nhu cầu tranh giành về thị trường tiêu thụ, nguyên vật liệu, nhân công lao động rẻ,... vì vậy, các nước tư bản chủ nghĩa đã đẩy mạnh việc xâm chiếm thuộc địa.

* Những sự kiện nào chứng tỏ đến giữa thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đã thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới:

- Sự xác lập của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi thế giới được thể hiện ở thắng lợi của CM tư sản dưới nhiều hình thức khác nhau ở các nước châu Âu và Mĩ La Tinh.

+ Năm 1830, chế độ phong kiến bị lật đổ ờ Pháp rồi cách mạng tư sản lan nhanh ra nhiều nước châu Âu.

+ Năm 1948 — 1849, cách mạng tư sản ờ nhiều nước châu Âu góp phần củng cố sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ờ Pháp và làm rung chuyển chế độ phong kiến ở châu Âu.

+ Năm 1859 - 1870 hoàn thành thống nhất I-ta-li-a ; 1864 - 1871 hoàn thành thống nhất Đức ; 1861 cải cách nông nô ờ Nga đã tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ở những nước này.

+ Các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh xâm lược thuộc địa. Hầu hết các nước châu Á, châu Phi lần lượt trở thành thuộc địa hoặc phụ thuộc vào các nước tư bản phương Tây.

- Như vậy, với cách mạng cộng nghiệp khởi đầu ở Anh và lan nhanh ra các nước tư bản khác. Đồng thời, cách mạng tư sản tiếp tục thành công ở nhiều nước với những hình thức khác nhau, chứng tỏ đến giữa thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đã thắng lợi trên phạm vi thế giới.

Chương II. CÁC NƯỚC ÂU - MĨ CUỐI THẾ KỈ XIX - ĐẦU THẾ KỈ XX

 II. CÁC NƯỚC ÂU - MĨ CUỐI THẾ KỈ XIX - ĐẦU THẾ KỈ XX

1. Vì sao nói: Công xã Pa-ri là một nhà nước kiểu mới? Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm để lại của Công xã Pa-ri trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước là gì?

* Công xã Pa-ri là một nhà nước kiểu mới vì:

- Về tổ chức bộ máy nhà nước: ngày 26-3-1871, một chính phủ cách mạng được bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Cơ quan cao nhất của nhà nước mới là Hội đồng Công xã. Hội đồng gồm nhiều uỷ ban, đứng đầu mỗi uỷ ban là mội uỷ viên công xã, chịu trách nhiệm trước nhân dân và có thể bị bãi miễn. Quân đội và cảnh sát cũ bị giải tán, thay vào đó là lực lượng vũ trang nhân dân. Công xã tách nhà thờ khỏi những hoạt động của trường học và nhà nước, nhà trường không dạy kinh thánh.

- Về chính sách: Công xã thi hành nhiều chính sách tiến bộ như công nhân được làm chủ những xí nghiệp mà bọn chủ bỏ trốn ; đối với những xí nghiệp chủ vẫn ở lại thì công nhân được kiểm soát chế độ tiền lương, giảm bớt lao động ban đêm... Công xã đề ra chủ trương giáo dục bắt buộc và không mất tiền đối với toàn dân, quan tâm tới cải thiện điều kiện làm việc cho nữ công nhân...

Như vậy, về cơ cấu tổ chức và hoạt động thực tế chứng tỏ công xã Pa-ri là nhà nước khác hẳn các kiểu nhà nước của những giai cấp bóc lột trước đó. Đây là một nhà nước kiểu mới - nhà nước vô sản, do dân, vì dân.

* Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm để lại của Công xã Pa-ri:

- Công xã Pa-ri là hình ảnh của một chế độ mới, xã hội mới, là sự cổ vũ nhân dân lao động toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn.

- Công xã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu:

+ Cách mạng vô sản muốn thắng lợi phải có Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo.

+ Thực hiện liên minh công nông vững chắc.

+ Phải kiên quyết trấn áp kẻ thù, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

2. Qua tình hình của các nước Anh, Pháp, Đức, Mĩ cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX, hãy nêu đặc điểm chung, nổi bật trong sự phát triển kinh tế của các nước đó?

+ Ở Anh: Trước năm 1870, nền công nghiệp Anh đứng đầu thế giới. cuối thế kỉ XIX, tuy vai trò bá chủ thế giới về công nghiệp bị giảm sút, Anh vẫn chiếm ưu thế về tài chính, xuất khẩu tư bản, thương mại, hải quân và thuộc địa. Trong thời kì này, nhiều công ti độc quyền xuất hiện ở hầu hết các ngành công nghiệp : khai thác than, dệt, thuốc lá, hoá chất, luyện kim, vận tải và đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

+ Ở Pháp: Trước năm 1870, công nghiệp Pháp đứng hàng thứ hai thế giới (sau Anh), nhưng từ năm 1870 trở đi. Pháp phải nhường vị trí này cho Đức và tụt xuống hàng thứ tư thế giới. Tuy nhiên, tư bản Pháp vẫn phát triển mạnh, nhất là các ngành khai mỏ, đường sắt, luyện kim, chế tạo ô tô,... Nhiều công ti độc quyền ra đời chi phối nền kinh tế Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Pháp xuất khẩu tư bản, chủ yếu cho các nước tư bản chậm tiến vay với lãi suất rất cao, nên Lê-nin gọi chủ nghĩa đế quốc Pháp là "chủ nghĩa đế quốc cho vay lãi".

+ Ở Đức: Trước năm 1870, công nghiệp Đức đứng hàng thứ ba thế giới (sau Anh, Pháp), nhưng từ khi hoàn thành thống nhất (1871) công nghiệp Đức phát triển rất nhanh, vượt qua Anh và Pháp, đứng hàng thứ hai thế giới (sau Mĩ). Sự phát triển mạnh của công nghiệp Đức đã dẫn đến việc tập trung tư bản cao độ. Nhiều công ti độc quyền ra đời, nhất là về luyện kim, than đá, sắt thép,... chi phối nền kinh tế Đức.

+ Ở Mĩ: Trước năm 1870, tư bản Mĩ đứng thứ tư thế giới. Từ năm 1870 trở đi, công nghiệp Mĩ phát triển mạnh, vươn lên vị trí số 1 thế giới. Công nghiệp phát triển mạnh đã dẫn đến sự tập trung tư bản cao độ. Nhiều công ti độc quyền ớ Mĩ ra đời đứng đầu là những ông vua công nghiệp lớn ví dụ như "vua dầu mỏ" Rốc-phe-lơ, "vua thép" Moóc-san. "vua ô tô" Pho,... đã chi phối toàn bộ nền kinh tế Mĩ. Nông nghiệp, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, lại áp dụng phương thức canh tác hiện đại, Mĩ vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước, vừa xuất khẩu cho thị trường châu Âu.

Như vậy, cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX các nước Anh, Pháp, Đức, Mĩ có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Sự hình thành các tổ chức độc quyền, chi phối toàn bộ đời sống xã hội.

3. Điền vào bảng sau đây tên 4 nước dẫn đầu thế giới về kinh tế ở thời điểm giữa và cuối thế kỉ XIX. Nêu mâu thuẫn chủ yếu giữa các đế quốc "già" (Anh, Pháp) với các đế quốc "trẻ" (Đức, Mĩ)? Mâu thuẫn đó chi phối chính sách đối ngoại của các nước đế quốc như thế nào?

 

Thời gian \ Vị trí

Thứ nhất

(1)

Thứ hai

(2)

Thứ ba

(3)

Thứ tư

(4)

Giữa thế kỉ XIX

Anh

Pháp

Đức

Cuối thế kỉ XIX

Đức

Anh

Pháp

Các đế quốc phát triển sớm - đế quốc "già" (Anh. Pháp)... kinh tế phát triển chậm lại, nhưng lại có nhiều thuộc địaCòn các đế quốc mới ra đời - đế quốc "trẻ" như Đức, Mĩ vươn lên nhanh chóng về tốc độ phát triển kinh tế nhưng lại có ít thuộc địa hơn Anh, Pháp. Vì vậy, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc “già" và "trẻ” về thuộc địa là hết sức gay gắt.

- Mâu thuẫn đó là làm cho các nước đế quốc thi hành chính sách ngoại giao hiếu chiến, xâm lược, tích cực chạy đua vũ trang, tuyên truyền tư tưởng; bạo lực, chuẩn bị chiến tranh thế giới đế giành giật thuộc địa. Các cuộc chiến tranh đế quốc bước đầu chia lại thế giới đã diễn ra. Đó là chiến tranh Mĩ – Tây Ban Nha (1898) và chiến tranh Anh – Bô-Ơ (1899 – 1902): Anh thôn tính hai nước của người Bô-Ơ, sáp nhập vào Nam Phi; chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905).

– Mâu thuẫn các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa phát triển gay gắt dẫn đến hình thành hai khối quân sự kình địch nhau: khối Liên minh gồm Đức, Áo- Hung, I-ta-li-a; khối Hiệp ước gồm Anh, Pháp, Nga. Cả hai khối tích cực chuẩn bị chiến tranh để thanh toán địch thủ chia lại thuộc địa, làm bá chủ thế giới.  Đây chính là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.

4. Nêu hoàn cảnh lịch sử, những thành tựu chủ yếu về kĩ thuật trong các thế kỉ XVIII - XIX? Ý nghĩa của những thành tựu trên? (Tại sao nói: “Thế kỉ XIX là thế kỉ của sắt, máy móc và động cơ hơi nước"?)

* Hoàn cảnh lịch sCuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trước tiên ở nước Anh sau đó lan sang các nước Âu – Mĩ đã tạo một cuộc cách mạng trong sản xuất, chuyển từ lao động thủ công sang lao động bằng máy móc, đưa nền kinh tế tư bản phát triển nhanh chóng.

* Thành tựu chủ yếu:

- Về nông nghiệp: Sử dụng phân hoá học, máy kéo, máy cày, tăng hiệu quả làm đất và năng suất cây trồng.

- Về công nghiệp: Kĩ thuật luyện kim, chế tạo máy móc, đặc biệt là máy hơi nước, sử dụng nguyên liệu than đá, dầu mỏ (phát triển nghề khai thác mỏ).

- Về giao thông: đóng tàu thuỷ, chế tạo xe lửa, phát minh máy điện tín. Do việc phát triển của các ngành khác nên việc chuyển chở hàng hoá tư miền này sang miền khác, nước này sang nước khác tăng lên, đòi hỏi phải có sự phát triển  nhanh chóng của những phương tiện vận chuyển.

- Về quân sự: Sản xuất nhiều loại vũ khí mới, chiếm hạm, ngư lôi, khí cầu…

 Nhận xét: Với sự tiến bộ về kĩ thuật vào thế kỉ XIX, máy móc đã được sử dụng phổ biến trong công nghiệp và sản xuất nông nghiêp; sắt trở thành nguyên liệu chủ yếu để chế tạo máy móc; máy hơi nước được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và ngành giao thông vận tải, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp TBCN. Do vậy, thế kỉ XIX là thế kỉ của sắt, máy móc có động cơ hơi nước.

5. Nêu những phát minh lớn về khoa học tự nhiên trong các thế kỉ XVIII- XIX?

Đầu thế kỉ XVIII, Niu-tơn (người Anil) đã tìm ra thuyết vạn vật hấp dẫn.

- Giữa thế kỉ XVIII, Lô-mô-nô-xốp (người Nga) tìm ra định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, cùng nhiều phát minh lớn về vật lí, hóa học.

- Năm 1837, Puốc-kin-giơ (người Séc) khám phá ra bí mật về sự phát triển của thực vật và đời sống của các mô động vật. Ông trở thành người đầu tiên chứng minh rằng đời sống của mô sinh vật là sự phát triển của tế bào và sự phân bào.

- Năm 1859, Đác-uyn (người Anh) nêu lên thuyết tiến hóa và di truyền, đập tan quan niệm về nguồn gốc thần thánh của sinh vật..

 Những phát minh trên chứng tỏ rằng vạn vật biến chuyển, vận động theo quy luật, chúng tấn công mạnh mẽ vào giáo lý thần học cho rằng thượng đế sinh ra muôn loài.

...

Link Google Drive tải file đầy đủ, miễn phí

Tải Xuống Tài Liệu

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post

QC

QC