Skkn Dạy học phân hóa nhằm phát triển năng lực cho học sinh khi dạy thực hành luyện tập trong môn Toán lớp 3

 


 

"Dạy học phân hóa nhằm phát triển năng lực cho học sinh khi dạy thực hành luyện tập trong  môn Toán lớp 3".

1. Mục đích của giải pháp:

 - Nhằm đáp ứng mục tiêu định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là: “Phát triển phẩm chất, năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp. Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học”.

          - Đáp ứng mục tiêu, nội dung chương trình môn Toán 2018 được xây dựng theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học toán cho phù hợp với yêu cầu, cơ bản góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực đặc thù.

2. Biện pháp:

a. Chuẩn bị của giáo viên trước khi lên lớp:

- Chuẩn bị chu đáo từ xây dựng chương trình, lựa chọn nội dung dạy học, xác định mục tiêu các tiết học để lập kế hoạch bài học trước khi lên lớp của giáo viên là việc làm quan trọng và cần thiết ban đầu góp phần nâng cao chất lượng mỗi giờ dạy.

            + Thống kê, nghiên cứu, hệ thống hóa các dạng bài luyện tập, thực hành

          Giáo viên phải thống kê các dạng bài tập, luyện tâp thực hành của môn học và hướng dẫn cách giải của từng dạng bài (dạng cơ bản, mở rộng, nâng cao) nhằm để giúp giáo viên nhận biết các dạng bài tập. Đây cũng chính là xây dựng một khung chương trình để giáo viên làm điểm tựa để dạy có hiệu quả.

           + Lựa chọn nội dung và xác định đúng mục tiêu của từng tiết học là cũng cố những kiến thức mà học sinh  đã chiếm lĩnh được, hình thành các kĩ năng thực hành và từng bước phát triển năng lực tư duy cho học sinh. Các bài tập nên thực hiện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp nhằm kích thích nhu cầu tìm tòi, học hỏi của từng đối tượng học sinh.

+ Lập kế hoạch bài học: Trước khi dạy giáo viên cần  nghiên cứu kĩ nội dung chương trình để xác định mục tiêu tiết học, chuẩn bị đồ dùng và các hoạt động dạy học, thiết kế các câu hỏi gợi ý, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, phân bố thời gian  phù hợp với đối tượng học sinh. Phải phân hóa đối tượng trong từng hoạt động dạy học. Củng cố và chốt kiến thức sau mỗi hoạt động; sử dụng phương pháp và hình thức dạy học nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của tất cả học sinh trong lớp.

     b. Dạy học phân hóa nhằm phát triển năng lực người học.

           - Tìm hiểu nắm bắt, phân loại đối tượng học sinh. Đây là việc làm rất quan trọng vì khi phân loại được học sinh lớp giáo viên sẽ hình dung ra nhóm học sinh nào cần gì để xây dựng kế hoạch giảng dạy.

          - Lựa chọn nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Cùng với việc nắm bắt, phân loại đối tượng học sinh, giáo viên phải quan tâm đến chuẩn kiến thức, kĩ năng cần đạt của học sinh trong từng bài. Dựa vào nội dung bài học giáo viên xác định luyện tập học sinh cần luyện kĩ năng gì? Em nào chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng? Em nào còn hỏng kiến thức, hỏng ở phần nào? Đối với học sinh năng khiếu cần mở rộng, nâng cao nội dung nào? Đó là dạy đến từng đối tượng học sinh, dạy theo nhu cầu người học.Trong quá trình dạy học, hoạt động của thầy giữ vai trò là người tổ chức, hướng dẫn các hoạt động, còn học sinh với vai trò chủ động, tham gia một cách tích cực vào hoạt động học. Nên để học sinh  tự học, tự quan sát và nhận ra các dạng bài tập.

          - Cần tạo ra sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau giữa các học sinh trong nhóm, trong lớp. Khuyến khích học sinh tự  kiểm tra nhận xét kết quả học tập của mình và của bạn. Động viên học sinh kịp thời tạo cho các em niềm tin vào sự tiến bộ của bản thân và phấn đấu vươn lên trong học tập.

- Tùy vào mục tiêu của bài học giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh nhằm phát huy năng lực từng học sinh .

- Giáo viên phải tổ chức một giờ dạy mà tất cả học sinh đều được làm việc với năng lực riêng của mình mà các em không thấy có sự phân biệt đối xử hay phân loại trình độ học sinh.

Trong các bài luyện tập thường được thiết kế: Bài tập 1,2,3 thường là bài tập cũng cố kiến thức, kĩ năng đã học thuộc chuẩn kiến thức, kĩ năng học sinh phải đạt còn bài tập 4,5 thường là bài tập nâng cao hoặc phát triển năng lực cho học sinh. Thường có nhiều hình thức để tổ chức nhưng chúng ta cần tổ chức sao cho tất cả học sinh đều đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng các em thật sự được rèn luyện những kĩ năng cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu học tập và thực tiễn. Đồng thời vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức để học sinh có năng khiếu được phát triển năng lực sở trường ở các bài tập phát triển năng lực. Chúng ta thường tổ chức như sau:

 Học sinh hệ thống các bài tập cần làm, đọc và mô tả yêu cầu. Giáo viên giúp học sinh hiểu yêu cầu bài tập. Yêu cầu các em vận dụng các kiến thức và  kĩ năng đã học để giải quyết tất cả các bài tập trong thời gian nhanh nhất. Trong khi đó giáo viên theo dõi giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn, giúp các em được rèn luyện kiến thức, kĩ năng đạt chuẩn. Những học sinh có năng lực tốt bằng quỹ thời gian như vậy các em làm thêm các bài tập phát triển kĩ năng theo năng lực của mình. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức đánh giá kết quả học tập. Giáo viên khéo léo tổ chức cho học sinh đánh giá lẫn nhau ở các bài tập 1,2,3 và cho học sinh có năng lực học tập bình thường báo cáo kết quả đồng thời nhận xét giúp các em nhận ra và tự tin với kĩ năng làm bài của mình. Còn với các bài tập phát triển kĩ năng giáo viên nên tổ chức dạng trò chơi thi đua hoặc thảo luận báo cáo kết quả để học sinh bình thường không thấy bị phân biệt đối xử. Ví dụ:

Khi dạy Bài tập Luyện tập Toán 3: Tuần 14. Cụ thể như sau: 

- Bài dạy có tất cả 5 bài tập. Bài tập 1 là bài tính nhẩm. Bài tập 2,3 là dạng điền số thích hợp vào ô trống. Bài tập 4 là dạng tìm x. Bài tập 5 giải toán có lời văn bằng hai phép tính .

+ BT1: Chọn hình thức học sinh nêu miệng với lí do là cho học sinh  nhớ lại các bảng nhân, bảng chia đã học.

+ BT2: Là dạng bài tập khá đơn giản, học sinh  chỉ cần thuộc các bảng chia thì sẽ tìm được số thích hợp vào ô trống. Nhưng lại chọn và áp dụng kĩ thuật khăn trải bàn để các em tự phát huy năng lực của mình qua tự làm ở phần cá nhân, đến khi báo cáo thống nhất kết quả của nhóm là lúc các em thể hiện sự hợp tác thống nhất, tranh luận, chia sẻ. Chính qua hoạt động thực tế này giúp các em trình bày giải thích việc làm của mình một cách tự nhiên và cũng qua đó hiểu kiến thức sâu hơn. Việc làm này các dạng đối tượng cho thấy sự phân hóa rõ rệt hơn.

+ BT3: Để phát huy năng lực học sinh, tổ chức cho học sinh làm bài trong nhóm.

+ BT4: Là kiểu bài tập tìm x là tìm thừa số chưa biết. GV để cho học sinh tự làm bài cá nhân. Giáo viên quan tâm giúp đỡ những em còn gặp khó khăn. Sau đó tổ chức cho học sinh thi đua “ Ai nhanh, ai đúng”.

 + BT5: Để phát huy năng lực học sinh, tổ chức cho học sinh làm bài cá nhân nhưng giáo viên đặc biệt chú ý những học sinh  kĩ năng giải toán chưa tốt để hỗ trợ, giúp đỡ các em. Giúp các em ngày càng hoàn thiện kĩ năng của mình.

          Tuy nhiên trong quá trình dạy học  giáo viên cần linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học để tránh nhàm chán nhưng cơ bản là dựa trên việc dạy học cá thể hóa.

c. Đa dạng hóa các hình thức dạy học:

              Đa dạng hóa các hình thức dạy học nhằm giúp học sinh không chán học, tạo được nhu cầu học cho học sinh và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, nâng cao ý thức tự học cho học sinh.

        Có thể tổ chức đan xen giữa hình thức dạy học cá nhân, học nhóm, học cả lớp; thay đổi giữa các bài tập như: trắc nghiệm, câu đố, trò chơi...; xen kẻ sử dụng đồ dùng học tập như: bảng con, phiếu học tập, vở, bảng nhóm,...

            Khi sử dụng phương pháp dạy học phải đảm bảo nguyên tắc: Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên, trong đó chú trọng rèn luyện tư duy logic, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo của học sinh thông qua các hoạt động phân tích, tổng hợp, so sánh, vận dụng kiến thức lí thuyết vào việc mô tả, trình bày, giải thích kết quả làm bài của mình hoặc tranh luận một số vấn đề thực tế, tình huống toán học đặt ra trong học tập.

          Tăng cường vận dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học hợp tác. Dạy phương pháp học, đặc biệt là phương pháp tự học, tăng cường năng lực làm việc với vở bài tập và tài liệu tham khảo, rèn luyện kĩ năng tự học. Phải làm sao để cho người học được “suy nghĩ nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn”, được “học tập trong hoạt động và bằng hoạt động”.

          Vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học trong một lớp học sẽ phát huy tính tích cực, tinh thần hợp tác của học sinh. Nhờ vào những hình thức tổ chức dạy học này, học sinh không chỉ chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng mà còn được rèn luyện các phẩm chất, thái độ cần thiết khác.

Trong quá trình dạy học giáo viên phải thể hiện vai trò tổ chức, hướng dẫn, hợp tác với học sinh trong mọi hoạt động. Phải huy động sự tham gia của tất cả học sinh vào tiết học. Giáo viên phải tạo ra cơ hội cho học sinh chia sẻ kinh nghiệm, tự sửa sai, trình bày, giải thích, tranh luận trong tiết học để các em hiểu sâu hơn phần nội dung kiến thức được học.        

          d. Thực hiện tốt việc đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 22

          Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải đảm bảo mục tiêu và nguyên tắc đánh giá:

           - Đánh giá không phân biệt đối xử mà kịp thời động viên để mỗi học sinh đều được phát triển năng lực cá nhân, giúp các em tự tin vươn lên trong học tập.

           - Bằng lời nhận xét cụ thể của mình với từng đối tượng học sinh trên một đơn vị bài làm cụ thể giáo viên khéo léo chỉ ra được đúng sự tiến bộ của từng học sinh. Đồng thời cũng làm cho các em thấy được bản thân cần phải nổ lực và vận dụng tốt hơn các kiến thức để hoàn thành mục tiêu bài tập.

          - Đánh giá phải hướng đến việc dạy cho học sinh tự đánh giá bằng cách đánh giá lẫn nhau, đánh giá bài làm của mình và của bạn. Giúp cho học sinh có kĩ năng trình bày, giải thích, tranh luận,  phỏng vấn ...

            3. Hiệu quả :

          Qua thực tế giảng dạy chúng tôi nhận thấy kết quả học tập của học sinh có sự tiến bộ rõ rệt mà đặc biệt không khí học tập trở nên tự nhiên, sôi nổi hơn rất nhiều. Các em đều hăng say học tập, đều tự giác, đều mong đợi nhiệm vụ giáo viên giao cho trong mỗi tiết học. Các em tự tin phát biểu, tranh luận, tích cực thực hiện các bài tập. Không còn hiện tượng chán học mà khi giao nhiệm vụ các em rất hăng hái làm việc với tinh thần thi đua sôi nổi. Với những em học tập chưa tốt đã có sự thay đổi, các em chủ động hơn trong tiết học, tích cực phát biểu nêu ý kiến nhận xét. Các em có ý thức hợp tác lẫn nhau, giúp đỡ nhau giải quyết nhiệm vụ học tập. Đồng thời kĩ năng toán học cơ bản của các em được nâng lên.

Previous Post Next Post

QC

QC